những phát hiện mời về chùa Thưa và nhân vật Từ Lan

Chủ nhật - 01/09/2024 06:14
Bài viết tập trung vào công bố một số tư liệu mới về một ngôi chùa đã mất hàng 100 năm tại Hà Nội – Chùa Cổ Sơn Tự có tên nôm là chùa Sưa/ Thưa. Với các tư liệu điền dã và tư liệu lịch sử, bài viết đã khẳng định về sự tồn tại trong lịch sử về một thực thể ngôi chùa có niên đại thời Lý Nhân Tông và nhân vật Từ Lan được thờ tại đây. Ngoài ra bài viết cũng cho thấy rõ giá trị của ngôi chùa trong hệ thống chùa thờ quốc sư Từ Đạo Hạnh và lễ hội chùa Láng.
Key word: chùa Thưa/ Sưa; chùa Láng, Từ Đạo Hạnh, Lễ hội chùa Láng
ảnh chụp tại hội thảo khoa học " vai trò của chùa Thưa trong hệ thống chùa thờ quốc sư Từ Đạo Hạnh"
ảnh chụp tại hội thảo khoa học " vai trò của chùa Thưa trong hệ thống chùa thờ quốc sư Từ Đạo Hạnh"
 

          Viết về chùa Thưa, hay xưa cho đến nay hầu như chưa có các nghiên cứu độc lập nào, ngoại trừ một tin ngắn tiêu đề “ chùa Thưa -  cổ sơn tự”với mấy ảnh về chùa Thưa hiện tại của một blocker đăng trên trang the Bird of Wounds. Ở  trang khác Hatvăn.vn  viết về “chùa bé nhất Hà Nội” cũng đăng lại mấy tấm ảnh từ trang Bird of Wounds và ngôi chùa được thể hiện với vỏn vẹn vài dòng vắn tắt gắn với địa chỉ Viện Khoa học công nghệ giao thông 1252 đường Láng. Điều này cũng dễ hiểu bởi chùa Thưa đã mất dấu từ hàng 100 năm nay, mới chỉ được khôi phục lại bởi Viện  khoa học công nghệ giao thông, với quy mô rất khiêm tốn, vì thế chỉ có người trong Viện  khoa học công nghệ giao thông và những người cao tuổi vùng Láng là biết đến sự hiện diện của ngôi chùa này. Trong “Thần tích Thánh Láng” do Thụy am  Thích Khánh Hưng biên soạn (2023) có nhắc đến một lần tên chùa Thưa. Nhân vật Từ Lan (còn gọi Từ Nương) cũng được nhắc đến qua một số tài liệu khi viết về quốc sư Từ Đạo Hạnh. Tiêu biểu có Đại Việt Sử ký toàn thư khi ghi chép về sự kiện Từ Đạo Hạnh ngăn chặn Giác Hoàng thác thai làm con vua Lý Nhân Tông có nhắc đến Từ Lan và việc bà đảm đương việc đem bùa của Quốc sư đặt tại đàn tràng nơi cung cấm, ngoài ra không có bình luận gì thêm. Nhưng sau khi sự việc bị phát giác, bà bị bắt để tra hỏi nhưng số phận bà sau đó ra sao gần như không có tài liệu nào biên chép. Tuy nhiên, trong truyền khẩu dân gian cho biết bà được đưa về thờ tại chùa Thưa  dưới thời Lý Thần Tông. Sắc phong cho bà của vua Khải Định năm 1924 còn lưu tại chùa Láng lại cho biết bà được  tôn phong là “Từ Nương tôn thần”, hiệu là “Trinh Uyển – Dực Bảo Trung Hưng tôn thần”. Gần đây khi đứng ra thu thập thông tin và tổ chức hội thảo về chùa Thưa/ Sưa, tôi mới có dịp khảo kỹ về ngôi chùa này và tiếp cận với một số tài liệu dân gian, bia ký khác. Ở bài viết này ngõ hầu cung cấp thêm những thông tin mới về chùa Thưa và tái hiện lại nhân vật Từ Lan để người nay hiểu rõ hơn về người phụ nữ này và những đóng góp của chị em bà cho nền chính pháp.
1. Chùa Thưa qua một số tư liệu thực địa
Chùa Thưa hiện nay là một ngôi chùa nhỏ nằm nép mình dưới tán cây muỗm cổ thụ khiêm tốn trong khuôn viên của Viện khoa học công nghệ giao thông (KHCNGT). Mô hình am nhỏ này gồm một miễu nhỏ trong có bài vị thờ người phụ nữ có tên Từ Lan. Do chiến tranh dưới thời Pháp chiếm  đóng Hà Nội, chùa Thưa cũ đã bị đổ trong khoảng trước 1946 nhưng vẫn còn bệ thờ và mất hoàn toàn dấu tích từ năm 1956. Toàn bộ đất chùa bị/ được gồm vào khuôn viên của đại học giao thông. Sau này thành lập Viện khoa học công nghệ giao thông thì toàn bộ đất chùa nằm lọt trong khuôn viên của cơ quan này cho đến ngày nay.
Tư liệu điền dã xung quanh khu vực chùa Thưa cho biết, sau nhiều sự kiện bất thường của cơ quan nghiên cứu này và các nhà dân lân cận (hiện đang bỏ hoang), Viện KHCNGT đã cho xây lại ngôi miếu nhỏ vào mùa thu năm 1996 để ghi nhớ dấu tích của chùa Thưa và làm nơi hương đăng thờ cúng nhân vật Từ Lan. Ngôi miếu có chu vi khoảng 5 m2 được dựng lên và sau này mở rộng thêm phía ngoài ngôi miếu trong một khuôn viên dựng bằng khung sắt và mái tôn với diện tích khoảng 100 m là nơi đặt một số bức tượng Phật khá đẹp đẽ như hiện nay.
Mặc dù cho đến nay có rất ít người còn biết đến ngôi chùa Thưa, nhưng với các cụ cao niên làng Láng thì chùa Thưa là một ngôi chùa gắn liền với lễ hội làng Láng xưa và trong tâm thức dân chúng về thiền sư/ Quốc sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa Thưa theo văn tự kê khai của các bô lão làng Láng năm 1938 còn có tên là chùa Sưa, tên chữ là Cổ Sơn Tự [thần tích, thần sắc làng Yên Lãng, tổng An Hạ huyện Hoàn lương tỉnh Hà Đông số hiệu FQ 418 -  0559. Thư viện Viện TTKHXH, tr 5]. Khi Cổ Sơn Tự bị đổ, một số hiện vật tại đây đã được đưa về cất giữ tại chùa  Nền và chùa Láng. Hiện nay trong chùa Nền vẫn lưu giữ chiếc mõ cổ, trên mõ có khắc ba chữ Hán “Cổ Sơn Tự”. Đặc biệt trên xà nóc của một gian trong chùa Nền vẫn còn giữ nguyên một cây xà nóc, trên xà có khắc hàng chữ nho: “Cổ Sơn Tự” mang niên đại thời Lê. Tương truyền là các bô lão trong làng đã lấy từ chùa Sưa về chùa Nền khi chùa Sưa bị hư hại đổ nát.
Ngoài ra trong chùa Nền hiện nay còn đôi câu đối có nhắc đến tên chùa Sưa:
Chữ hán:
古山原蘇水秀鍾,陽宅一初開顯蹟
華陵對含龍長在,玄门萬古濯英聲
“Cổ Sơn nguyên Tô thủy tú chung, Dương trạch nhất sơ khai hiển tích.
Hoa Lăng đối Hàm Long trường tại, huyền môn vạn cổ trạc anh thanh”
Dịch nghĩa:
“Chùa Cổ sơn nguyên do dòng Tô hun đúc, nơi sinh thời hiển thánh ban đầu
Chùa Hoa Lăng sánh cùng chùa Hàm Long còn mãi, chốn cửa thiền muôn thuở tỏ linh thiêng”[1].
Tại chùa Láng dân làng Láng vẫn giữ được một văn bản khác khá quan trọng ghi chép về nhân vật Từ Lan, còn có tên gọi là Từ Nương. Đó là bản sắc phong cho bà có niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924) cho Từ Nương là “Trinh Uyển – Dực Bảo Trung Hưng tôn thần”.
Chữ hán:
敕:河東省,環龍縣,安朗柴上村北甲,奉事:徐娘尊神。護國庇民,稔著靈應,節蒙頒給敕封,準許奉事
肆今正値,朕四旬大慶節,經頒寶詔覃恩,禮隆登秩著封爲貞婉翊保中興尊神
凖其奉事,神其相佑,保我黎民。
欽哉 !
啟定玖年,柒月,貳拾五日。
Phiên âm:
Sắc: Hà Đông tỉnh, Hoàn Long huyện, Yên Lãng trại Thượng thôn, Bắc giáp, phụng sự: Từ Nương tôn thần. Hộ quốc tí dân, nhẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự
 Tứ kim, chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vi: Trinh Uyển – Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Chuẩn kì phụng sự, thần kì tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai !
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc [ban cho] giáp Bắc, thôn Thượng, trại Yên Lãng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, phụng thờ [ngài ]: Từ Nương tôn thần. Đã có công giúp nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng, nhiều lần được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng.
Đến nay, nhân dịp đại lễ mừng Trẫm 40 tuổi, bèn ban chiếu báu ra ơn, để làm long trọng điển lễ, tăng thêm phẩm trật, gia phong làm: Trinh Uyển - Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.
Cho phép thờ phụng như cũ, thần hãy che chở và bảo vệ cho dân ta.
Kính đấy !
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)
Điều này cho thấy Cổ Sơn Tự là một thực thể đã từng hiện diện trên thực tế và Từ Nương, Từ Lan hay Từ Thị đều là các cách gọi khác nhau về nhân vật chị gái Quốc sư Từ Đạo Hạnh – người có vai trò then chốt trong vụ đại án Giác Hoàng thác thai thời Lý Nhân Tông.
2. Chùa Thưa trong ký ức người dân vùng Láng
Trong ký ức của nhiều người dân vùng Láng thì chùa Thưa/ Sưa là ngôi chùa nằm trong hệ thống các chùa thờ Thánh Láng của làng Láng bao gồm cả một hệ thống: chùa Láng (thờ thánh Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông được cho là hậu thân của Từ Đạo Hạnh)  – chùa Nền (tương truyền đất nhà cũ nơi thờ cha mẹ Thánh Láng) – Chùa Thưa (nơi thờ chị gái Từ Lan) – chùa Tam Huyền (nơi một phần thân thể của Thánh Từ Vinh được an táng tại đây và là nơi thờ Từ Vinh cha đẻ của Từ Đạo Hạnh) – Chùa Hoa Lăng (nơi thờ bà Tăng Thị Loan, mẹ Thánh Láng)[1].
Theo ký ức của người cao tuổi vùng Láng, khi chùa Sưa còn tồn tại thì mỗi khi tổ chức lễ hội chùa Láng bao giờ ban khánh tiết cũng có chuẩn bị hai lễ lên chùa Nền để lễ cha mẹ và lên chùa Thưa để lễ chị gái. Thậm chí cả khi chùa đã bị đổ chỉ còn bệ thờ[2] thì hoạt động hành lễ tại nơi này vẫn diễn ra và thực hành nghi lễ này vẫn tồn tại cho tới năm 1953[3]. Qua thời gian từ 1954 – 1990 chùa Sưa gần như chỉ còn trong ký ức những cụ già cao tuổi, nhưng ngôi chùa đó hình dáng như thế nào, quy mô ra sao thì không còn ai nhớ rõ, lớp người già cũng chỉ còn nhớ tên và định vị vị trí của nó trong khuôn viên của tòa nhà 1252 đường láng.
Lễ hội chùa Láng mặc dù được phục hồi năm 2022 nhân  kỷ niệm 70 năm tái phục dựng lại lễ hội, Một lễ hội hoành tráng được tổ chức có sự phối hợp của ba quận nội thành gồm Thanh Xuân, Cầu Giấy và Đống Đa, nhiều nội dung đã được tái phục dựng như lễ độ hà ( diễn lại tích Thánh láng lội sông);  Đấu thần ( diễn lại tích cuộc giao đấu giữa Từ Đạo Hạnh và Đại Điên)… nhưng việc đảnh lễ lên chùa Sưa đã không còn thực hiện. Mong mỏi về việc chùa Thưa được phục dựng lại đang là nỗi niềm của người dân vùng Láng.
3. Luận giải về chùa Sưa và nhân vật Từ Lan
Chùa Thưa/ Sưa ban đầu được xây dựng như thế nào, quy mô ra sao cho tới nay gần như không có tư liệu hay bi ký nào ghi chép. Theo tài liệu còn lưu tại chùa Láng và ký ức của các lớp người cao tuổi  thì chùa Thưa nằm ở phía Bắc chùa Nền, trước đây khi con đường Láng chưa kiến tạo thì chùa nằm giáp bờ sông. Địa bạ làng Láng cho biết đất đai dành cho tôn giáo của làng (gồm cả đất đền và chùa) là “thần từ phật tự thập tam mẫu 6 sào” (tức là 13 mẫu sáu sào)[4]. Dựa vào những tư liệu điền dã tại địa phương, và thông tin địa bạ đất tôn giáo của làng Láng, chùa Sưa được hình dung lại như sau: chùa Thưa/ Sưa trước đây khá rộng, nằm giữa cánh đồng Láng và giáp với bờ sông Tô Lịch với diện tích toàn khuôn viên chùa khoảng 1000 m2 tương đương khoảng 2 – 3 sào Bắc bộ.  Xung quanh chùa gần như là đồng ruộng. Như vậy, thì toàn bộ khu trụ sở của Viện KHCN giao thông hiện nay nằm gọn trên đất chùa.  Cây Muỗm cổ thụ vẫn còn đứng đó hiện nay chính là chứng lý về dấu tích của chùa Sưa trên đất làng Láng.
Cho tới nay không còn ai ở khu vực Láng cho biết chùa Thưa/Sưa bị đổ chính xác từ năm nào. Tuy nhiên, với bản sắc phong cho Từ Nương có niên đại Khải Định năm thứ 9, điều này cho thấy từ năm 1924 trở về trước chùa Thưa/ Sưa vẫn tồn tại trong thực tế nguyên vẹn. Sở dĩ khẳng định như vậy bởi chỉ còn chùa nguyên vẹn thì mới có chuyện vua phong sắc cho thần.
Theo lưu truyền trong dân gian thì thánh Láng (tức Từ Đạo Hạnh) sau khi tịnh diệt trong hang núi để đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu và sau là thái tử Dương          Hoán đã được vua Lý Nhân Tông đưa vào cung nhận làm con và sau chọn là người kế vị ngai vàng tức vua Lý Thần Tông sau này. Sau khi lên nối ngôi, được biết về nguồn gốc và thân thế của mình vua Lý Thần Tông đã cho xây hai ngôi chùa: chùa Nền (tương truyền trên nền đất nhà cũ) để thờ cha mẹ Từ Đạo Hạnh và chùa Sưa thờ chị gái Từ Nương.
 Từ những thông tin này mà về sau có nhiều người, thậm chí các cụ cao niên của làng Láng cũng cho rằng chùa Sưa được xây dựng thời Lý Thần Tông và chùa Nền là nơi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh. Tuy nhiên, các tư liệu gần đây mới phát hiện được đã cho thấy chùa Nền không phải dựng trên nền nhà cũ của Quốc Sư mà là nền nhà cũ của Hoàng Tử Sùng Hiền Hầu (cha đẻ của thái tử Dương Hoán, tức Lý thần Tông)[Lê Mạnh Thát, 2023, tr 2] và chùa Sưa phải là ngôi chùa này được khởi dựng sớm hơn.
Trong tài liệu ghi chép về Thánh Láng do Thích Khánh Hưng biên soạn năm 2023 cũng nhắc một lần đến Từ Nương và chùa Sưa khi Từ Đạo Hạnh muốn ngăn cản việc Giác Hoàng thác thai và lần  hai là việc sau khi quốc sư dặn dò Sùng Hiền Hầu khi nào phu nhân chuyển dạ thì báo cho Ngài: “Sau đó Từ trở về Thiên Phúc, phàm mọi bí pháp, lục trí thần thông đều đem cho khắc vào cuốn sách đồng có 8 lá cho vào một hòm gỗ nhỏ đem về cố hương ở Yên Lãng, cất nơi thượng điện của chùa Cổ Sơn” [Thích Khánh Hưng. 2023, tr45]. Tám lá đồng này còn được gọi là “bát diệp đồng thư”. Cuốn sách bằng đồng này ban quản lý di tích chùa Láng cho biết đã thất lạc dưới thời chúa Trịnh.
Như vậy, theo tư liệu thần tích về Thánh Láng đã được Thụy Am  Thích Khánh Hưng biên dịch và chú giải thì Cổ Sơn Tự là ngôi chùa đã từng tồn tại dưới thời Lý Nhân Tôn, tức là cùng thời với Từ Đạo Hạnh, chứ không phải thời Lý Thần Tông sau này như tương truyền trong dân gian. Rất có thể sau này Lý Thần Tông cho xây dựng lại to lớn hơn và chính thức cho thờ Từ Nương tại đây mà thôi. Với việc Quốc sư cất dấu Bát diệp đồng thư trên xà nóc của chùa Sưa điều này chứng tỏ đây phải là ngôi chùa mà Quốc sư rất tin cậy để cất dấu bí pháp. Vậy đó có phải là nơi Từ Đạo Hạnh hoặc người thân của ngài  từng tu hành?. Theo Lê Mạnh Thát thì chùa Thưa và chùa Nền cùng chùa Láng là một quần thể đều nằm trong khu vực phủ đệ cũ của Sùng Hiền hầu (người có ơn cứu mạng với Từ Đạo Hạnh), cũng có thể vì lẽ đó mà khi về Sùng Phúc Tự (tức chùa Thầy tại Quốc Oai ngày nay để tiếp tục tu tập), Thánh Láng mới quyết định mang “bát diệp đồng thư ghi bí quyết tu tập về cất giấu ở Cổ Sơn tự”?. Tư liệu dân gian lưu truyền về sự tích thánh Từ Đạo Hạnh ở khu vực Láng cũng cho biết: “ Từ Đạo Hạnh trở về chùa Thiên phúc biên soạn lục trí thần thông, rồi đem khắc chữ triện vào 8 trang sách đồng, để vào chiếc hòm gỗ đem về làng cũ Yên Lãng đặt ở thượng điện chùa Cổ Sơn”[Nguyễn Tá Nhí, dịch.2011]
Trở lại đương thời, khi thánh Láng còn sống, tức là chưa hóa thân đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu thì đó là thời gian trị vì của Lý Nhân Tông. Do vậy chùa Thưa/ Sưa/ Cổ Sơn Tự đã có và hiện diện cùng thời với ngài Từ Đạo Hạnh tức là phải được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông đổ về trước. Việc xây dựng lại chùa và đưa Từ Nương về thờ tại đây có lẽ bắt đầu từ Lý Thần Tông lên ngôi.
Trong một tư liệu khác do Thiền sư Lê Mạnh Thát cung cấp thì tại văn bia, chuông, khánh còn lưa giữ ở chùa Nền cho biết chùa Nền chính là “ Lý Thần Tông cố trạch”, và giáo sư Lê Mạnh Thát cũng cho rằng toàn bộ khu vực chùa Nền, Chùa Láng, Chùa Thưa chính là nằm trong khuôn viên phủ đệ cũ của hoàng tử Sùng Hiền Hầu[Lê Mạnh Thát 2023, tr 3]. Căn cứ vào các tư liệu gần đây công bố về phát hiện nhà cũ của Quốc Sư Từ Đạo Hạnh ở Đồng Bụt (Ngọc Liệp/ Quốc Oai) [Nguyễn Tất Đạt. 2023], càng củng cố cho nhận định toàn bộ ba ngôi chùa vùng Láng là phủ đệ cũ của hoàng tử Sùng Hiền Hầu và là cha đẻ của vua Lý Thần Tông. Như vậy thì chùa Cổ Sơn xưa hoặc là nơi tu hành của Từ Đạo Hạnh khi ở Thăng Long, hoặc chùa được dựng trên đất phủ đệ của hoàng tử Sùng Hiền Hầu và là nơi Từ Đại Hạnh có thể đã sống và tu hành những ngày ở Thăng Long.
Kết quả này cho thấy nếu như chùa Thưa/ Xưa được khôi phục lại, Hà Nội nói chung, khu vục Láng nói riêng hoàn toàn có thể phục hồi lại được phủ đệ cũ của một thân vương thời Lý. Điều này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo mà còn có thể tái hiện lại những điểm du lịch đặc sắc, những trường quay giá trị cho điện ảnh khi làm những thước phim về Thăng Long – Hà Nội.
 Từ Lan ngay từ thế kỷ XI đã là thần chủ được thờ chính thức của Cổ Sơn Tự theo di chiếu của Lý Thần Tông. Bà có quan hệ như thế nào với Quốc sư Từ Đạo Hạnh?. Cho đến hiện nay có hai tài liệu cung cấp thông tin là Đại Việt sử lược  cho biết bà là em gái Từ Đạo Hạnh: “nhà vua lại bày ra hội chay ở trong cung cấm, muốn sai Giác Hoàng đầu thai thác hóa làm con mình. Đang khi ấy có bậc thiền sư ở núi Phật Tích là Từ Lộ (hiệu là) Đạo Hạnh nghe vậy thì không vui. Từ Lộ bèn sai người em gái của ngài là Từ Thị đến dự hội mà bí mật lấy mấy viên ngọc đã được ấn bùa phép trao cho và dặn rằng “ Đến cái chỗ hội ấy thì giấu mấy hạt ngọc sau tấm rèm, chớ có để cho người ta thấy, biết”.
Thiền Uyển Tập Anh tờ 55b2-5 chép thế này: “Sư nghe chuyện riêng nói rằng: ‘thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm ngồi nhìn chẳng cứu để nó làm loạn lòng người, phá rối chánh pháp sao. Nhân thế, sai chị mình giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do sư kiết ấn treo lên mái diềm. Hội đã ba ngày, Giác Hoàng nhuốm bệnh nói với mọi người: ‘đầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào’” [Lê Mạnh Thát, 2021: tr.257-258 & 669].
Đặc biệt một tư liệu khác mới được nhóm đền miếu Việt phát hiện là Phù Vân quốc sư ký ngữ tờ 4a7[5] phần viết về Lý Thần Tông ký còn cho biết rõ người chị này vốn còn là người giữ chức Thị đô phụng nữ, tức là người đứng đầu những thị nữ ở trong cung vua: “Đạo Hạnh nghe việc (Giác Hoàng thác thai), riêng nói: ‘Thằng nhỏ kia là yêu dị làm mê hoặc lòng người lắm ta há nỡ nào ngồi nhìn không cứu để nó làm mê hoặc lòng dân, rối loạn chính pháp ư! …Nhân thế, sai chị là Từ Thị Lan vốn là Thị Đô Phụng Nữ giả làm người đi xem hội, lén đem mấy hạt châu đã được kiết ấn của sư treo lên trên Giềm ( rèm?). Lễ hội đã ba ngày, Giác Hoàng bèn mắc bệnh nói với mọi người rằng: ‘khắp cả cõi nước, lưới sắt trùm vây, kín mít mấy vòng, kín mít chắc chắn, kín đến nỗi không có chỗ đi. Nên dù muốn thác sinh sợ không có đường vậy. Ta đã bị trù yểm đến chết thôi’”[Lý Thần Tông kí, tr 4]
Như vậy thì Từ Nương dù là em hay chị gái của Quốc sư thì cũng là người thân ruột thịt có tên gọi Từ Thị Lan. Căn cứ  vào thông tin bà “vốn là Thị đô phụng nữ”, tức là đã từng giữ chức vụ quản lý các cung nữ trong triều và lúc này đã nghỉ về tu ở chùa Thưa theo cách hiểu của Lê Mạnh Thát[Lê Mạnh Thát 2023, tr 2] nên phải “ giả làm người đi xem hội” để trà trộn vào cung đặt bùa. Nhưng cũng chính ngay đoạn sau của Lý Thần Tông kí lại cho biết Từ Nương là người được phân công túc trực ở chính vị trí mà bà đặt bùa:
Hội đến ngày thứ ba thì Giác Hoàng nhuốm bệnh, nói với mọi người rằng: “Đầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào, ta đã bị người yểm rồi, ta phải chết thôi”. Vua rơi nước mắt khóc lóc rất thương xót, hối tiếc bảo rằng: “Việc này hẳn có kẻ yểm bùa phản nghịch ta”. Rồi ra lệnh cho mọi người đi kiểm tra khắp trong ngoài, lục soát các xứ đạo tràng, thì quả nhiên tìm được mấy hạt châu kết thành một chuỗi đặt ở chỗ khuất trên rèm. Vua cho tra hỏi người túc trực ở chỗ này là ai, xét hỏi thì được biết đó là do người đàn bà Từ Nương được phân túc trực ở đó. Thẩm xét người đàn bà này, thì bà ta tự xưng có người em là tăng Đạo Hạnh đã bảo bà đi đặt những hạt châu này, nhưng bà không biết việc này [là do Đạo Hạnh bày ra]. Vua liền ra lệnh cho bắt ngay Đạo Hạnh bỏ lên xe đưa đến giam ở lầu Hưng Thánh để đợi xét tội|”[Lý Thần Tông ký, tr 4].
          Với chi tiết này thì Từ Lan là người đang giữ vị trí Đô Phụng Nữ trong cung nên không chỉ là người thông thạo đường đi lối lại trong cung, mà bà còn được phân túc trực tại gần pháp đàn. Chỉ với ưu thế đó Từ Thị Lan mới có thể đặt bùa do Quốc sư kiết ấn đúng vị trí mà không bị ai phát giác.  Khi tìm hiểu về thuật thác thai dưới thời Lý liên quan đến Ỷ Lan với sự kiện Nguyễn Bông đầu thai;  phu nhân của Sùng Hiền Hầu… nhận thấy đối tượng thác thai bao giờ cũng là các bà vợ, phu nhân đích của quý tộc và phải ở tình trạng nue: “đúng lúc ấy phu nhân đang tắm ở nhà sau, bỗng thấy bóng hình Đạo Hạnh hiện ra trong thùng nước. Phu nhân sợ quá liền kể lại sự việc cho Sùng Hiền Hầu nghe... Hiền Hầu nói thầm với phu nhân rằng” Hiện hình thùng nước là chân nhân đã nhập vào thai cung của ta, chớ có kinh sợ”. Từ đó phu nhân thấy mình có thai”[Nguyễn Tá Nhí, dịch 2011, tr 55]. Điều này cho phép suy ra khi nhà vua cho lập đàn pháp để cho Giác Hoàng thác thai làm con vua Lý Nhân Tông nhất định phải dùng các hoàng hậu, phi tần của vua làm đối tượng thác thai và vì thế phải dùng cung nữ để trông coi pháp đàn là lẽ đương nhiên. Nắm bắt được nguyên lý của thuật này  mà Từ Đạo Hạnh mới ủy thác việc đặt bùa của Từ Lan và hệ quả việc ngăn chặn Giác hoàng đầu thai thành con vua thành công.
Trong văn khấn lưu truyền ở các điện tư gia trong khu vực Láng hiện nay còn lưu một bản văn khấn Từ Nương cũng cho biết bà là  “Lý Cung nội thị”:
“ Hoàng hiệu niên nguyệt nhật Sơn Tây tỉnh, Từ Liêm Huyện, Yên Lãng Tổng, Yên Lãng Trại thượng thôn giáp tế chủ đồng giáp đẳng cẩn dĩ khiết sinh phẩm quả phù tửu kim ngân đẳng vật cảm chi cáo vu Từ Nương tôn thần vị tiền viết: Vi hữu đại hội trí tế xướng ca tất cáo lễ dã.
Cung duy tôn thần:
Quý tộc lệnh viên
Lý cung nội thị
Mật chúc thiên yên
Âm phù bát vị
 Hóa Hậu dư linh
Quang vu cố lý
Hưởng Tự thiên thu
Thánh Tổ chi tỉ”[văn tế ở các chùa, đền miếu trại Yên lãng, tổng Yên Lãng, Huyện từ Liêm, tr39].
Chi tiết này cho thấy rất trùng khớp với tư liệu trong Lý Thần Tông kí: lúc đương thời khi tiếp tay cho Từ Đạo Hạnh bà Từ Nương đang là “Lý cung nội thị” tức là ở vị trí một chức quan coi sóc và quản lý cung nữ trong nội cung và bà cũng đích xác là chị gái Thánh Láng “Thánh Tổ chi tỉ”!.
          Các tư liệu dẫu ít ỏi nhưng cũng cho biết nhờ có lợi thế trong vai trò Lý cung nội thị mà Từ Nương đã có thể giúp sức cho Thánh Láng hoàn thành kế hoạch ngăn chặn Giác Hoàng đầu thai làm con vua. Đây là điều mà hậu thế sau này ít khi đề cập đến vai trò và vị thế của Từ Nương. Trong khi có rất nhiều tài liệu cả chính sử và dã sử cũng như truyền ngôn dân gian đều đề cập đến Từ Đạo Hạnh trên mọi khía cạnh nhưng không hề nhắc tới Từ Nương. Nhưng thực sự nếu không có Từ Nương ở vị trí Lý cung nội thị chắc chắn kế hoạch của Từ Đạo Hạnh không thể thành công. Vì thế bà trở thành át chủ bài trong nước cờ của Từ Đạo Hạnh. Bởi chỉ có những người trong cung thông thạo địa bàn cung cấm mới có thể ra vào cung cấm và biết được vị trí nào có thể đặt bùa yểm. Trong bối cảnh sự kiện đặt pháp đàn cho Giác Hoàng thác sinh làm con vua lại là sự kiện chính trị lớn liên quan tới chuyển giao quyền lực dưới thời Lý Nhân Tông: “vua cho tổ chức đại tế 7 ngày đêm, lập đàn thác thai tại chùa Báo Thiên”[ Nguyễn Tá Nhí dịch, 2011, tr 53] thì việc làm này của Từ Lan là vô cùng dũng cảm, thậm chí có tính đến hy sinh bản thân. Qua chi tiết này cho thấy mặc dù gần như không xuất hiện suốt hành trạng của Thánh Láng. Chỉ duy nhất xuất hiện một lần và cũng chỉ được Đại Việt Sử Lược chép vài dòng ngắn ngủi nhưng Từ Lan mới là nhân vật mấu chốt quyết định sự thành bại trong việc ngăn chặn tà thần xâm nhập cung vua của Thánh Láng.
 Từ chi tiết này có thể thấy rằng quốc sư không thể nào hoàn thành được sứ mệnh trụ đỡ vương triều, cũng như kế hoạch ngăn chặn Giác Hoàng nếu như không có sự tham gia hiệp ứng của Lý cung nội thị Từ Thị Lan. Rõ ràng ở đây công lao và sự hy sinh của Từ Nương là không nhỏ, bà chính là người trực tiếp thi hành kế hoạch của Từ Đạo Hạnh. Rất tiếc do các ghi chép không nhiều, sự phổ truyền cũng hiếm dẫn đến không mấy ai tìm hiểu vị thế, vai trò và sự dũng cảm dám hy sinh bản thân mình cho một nền chính pháp của Từ Lan.
3. Chùa Thưa trong lễ hội Thánh Láng và ý nghĩa giáo dục về tôn ty thứ bậc trong gia đình
Tháng 4 năm 2023 lễ hội chùa Láng được phục dựng lại kỉ niệm 70 năm khôi phục lại lễ hội đã cho thấy một lễ hội có quy mô hoành tráng và liên quan tới rất nhiều địa danh: chùa Láng (thờ quốc sư và vua Lý Thần Tông); Vĩnh Bảo đài (nơi thờ nhũ mẫu của vua Lý Thần Tông); chùa Nền (nhà cũ của Lý Thần Tông); chùa Hoa Lăng (thờ mẹ Tăng Thị Loan)[6];  chùa Tam Huyền (thờ cha Từ Vinh)[7]; Chùa Quảng Khai/ Duệ tú (thờ sư Đại Điên). Lễ hội diễn ra có sự phối kết hợp của  ba quận nội thành Hà Nội với quy mô hàng triệu người tham gia. Có thể thấy chưa bao giờ Hà Nội lại có một lễ hội quy mô đến vậy với lễ rước trải dài từ chùa Láng – làng Cót – chùa Tam Huyền - chùa Hoa Lăng và nếu đầy đủ nữa còn có chùa Nền, chùa Thưa, chùa Thầy … đều là những địa danh gắn bó khăng khít với sự tích Thánh Láng. Lễ hội tháng 4 năm 2023 đã tái hiện lại gần như nguyên vẹn các lễ thức cũ từ lễ rước Thánh Láng về thăm mẹ đến các nghi thức Độ Hà (lội qua sông) và Đấu thần (diễn lại tích đấu với sư Đại điện tại phía ngoài chùa Duệ Tú)…
Toàn bộ lễ hội đã tái hiện lại khung cảnh về câu chuyện cuộc đời và hành trạng của bậc quốc sư dưới triều Lý xa xưa. Lễ hội diễn ra trên một vùng rộng lớn  đã cho thấy công lao, tài năng và sự ảnh hưởng của Quốc sư với nhân dân vượt ra ngoài làng Yên Lãng, tổng An Hạ ra tới toàn huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông xưa. Trong ký ức nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của lễ hội Thánh Láng thì ngài là thần, là thánh, là phật, là vua, tuy nhiên, ít ai để ý đến khía cạnh giáo dục của lễ hội mà người xưa muốn gửi gắm lại cho thế hệ hôm nay đó chính là lối sống tròn đạo nghĩa và ứng xử theo tôn ty thứ bậc trong gia đình.
Khảo sát với nhiều bậc cao niên làng Láng thì lễ hội xưa bao giờ khởi đầu cũng diễn ra nghi thức có hai đoàn mang hai mâm lễ lên chùa Nền để tạ cha mẹ, thăm nhà cũ và lên chùa Thưa để tạ chị gái Từ Lan, sau đó mới rước kiệu Độ hà về thăm mộ cha và nơi an táng mẹ và diễn lại tích đấu thần để rửa hận cho cha. Những nghi thức này không chỉ cho thấy Thánh Láng là con người thật, từng là nhân vật lịch sử với những dấu ấn đậm nét thể hiện qua các di sản tôn giáo còn tồn tại đến ngày nay mà  các nghi thức Độ Hà, Đấu Thần đặc sắc của lễ hội này một mặt nhằm diễn lại tích xưa, nhưng cũng gián tiếp thể hiện siêu năng lực của Thánh Láng nói riêng cũng như hé lộ về khả năng xuất chúng của các vị tu hành theo tông phái Phật giáo nguyên thủy của Đại Việt xưa[8]. Ở khía cạnh khác, các hoạt động, lễ thức tiêu biểu đã không chỉ cho thấy lễ hội Thánh Láng đặc sắc mà còn truyền đi thông điệp và là thông điệp chính yếu của lễ hội cho thế hệ ngàn sau về đạo đức làm người: Đạo Nhân luân (những nguyên tắc đạo lý trong ứng xử gia đình). Dù đã xuất gia đã trở thành Quốc sư, rồi chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông rồi thành Thần nhưng đối với cha mẹ, Quốc sư vẫn là con giữ tròn đạo hiếu, với chị gái ông vẫn là em với những lễ nghi theo tôn ti thứ bậc trong gia đình.
Ý nghĩa này của lễ hội làng Láng không chỉ có tính giáo dục cho các thế hệ người dân hiện nay về đạo làm con với các bậc sinh thành và đức hiếu thuận của người làm em đối với các thành viên khác trong gia đình mà còn thể hiện quan điểm của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Có rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi về việc một người khi đã xuất gia thì ứng xử với người trong gia đình như thế nào khi mà ra ngoài xã hội đã được gọi bằng Thầy, Đại đức, Hòa Thượng, Thượng Tọa; thậm chí Pháp chủ.v.v…thì chính lễ hội đức Thánh Láng đã trả lời thẳng vào băn khăn đó rằng dù đã ở tới vị trí quốc sư, là vua, là thần nhưng vơí cha mẹ, Thánh Láng vẫn là người con giữ tròn đạo hiếu, với chị vẫn giữa nguyên đạo làm em. Đại hiếu chính là điều kiện đầu tiên để đánh giá đạo đức, nhân cách của người xưa và là nền tảng để mỗi con người thành công ngoài xã hội. Người xưa quan niệm rằng giá trị của con người thì đạo đức là số 1, nếu có thêm tài năng thì thêm một số 0 (tức là 10), nếu  thêm tiền bạc là thêm một số 0 (tức là 100) và cứ như vậy nếu có thêm các đặc điểm nhân cách khác thì con số được nối dài và giá trị của con người đó càng lớn. Nhưng nếu không có đạo đức thì tất cả đều bằng 0. Quan niệm về đại hiếu ở đây còn cho thấy các giá trị của văn hóa Nho Giáo đã lồng vào Phật giáo từ rất sớm. Hình tượng của các vị quốc sư thời  kỳ đầu của kỷ nguyên Đại Việt thực sự là kết hợp điển hình của tam giáo. Có lẽ cũng vì trọn nghĩa hiếu đạo này mà Quốc sư còn được dân tôn phong là Đại Thánh chăng?
Những lễ thức này của lễ hội Thánh Láng đã không chỉ định hướng cho tín đồ phật tử, nhân dân mà ngay cả với các thế hệ tăng, ni cũng biết được cách hành xử của mình khi đã xuất gia. Thiết nghĩ ý nghĩa giáo dục này cho tới ngày nay càng trở nên cần thiết và vẫn giữ nguyên giá trị. Vì vậy cần được xiển dương bởi đó là những bản sắc đẹp đẽ, giá trị của văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Kết luận:
 Chùa Thưa với tên chữ là Cổ Sơn tự là ngôi chùa từng hiện diện tại Thăng Long xưa và là một điểm quan trọng trong cả hệ thống chùa thờ Thánh Láng cũng như lễ hội làng Láng. Việc phục dựng lại chùa không chỉ trả lại cho nó giá trị của Nghìn năm Thăng Long mà còn có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa Phật Giáo.
Đối với nhân vật Từ Lan - người vừa là điểm kết nối quan trọng sự nghiệp phụng sự đất nước với vai trò Quốc sư của Thánh Láng, vừa là người phụ nữ duy nhất được đề cập trong Lý Thần Tông bi kí. Đặt bà và hoạt động mang tính chính trị của bà trong bối cảnh văn hóa Phật giáo thời Lý – Trần (Phật giáo là trụ đỡ của vương triều) sẽ thấy rất rõ sự dấn thân, tham gia vào đời sống chính trị của phụ nữ Đại Việt lúc bấy giờ là rất lớn với những tấm gương tiêu biểu như Nguyên Phi Ỷ Lan, Quốc mẫu Trần Thị Dung, Công chúa An Tư, công chúa Huyền Trân; Bích Châu và nhiều tấm gương tiết liệt của phụ nữ Đại Việt khác cả trước, trong và sau hai triều đại này đối với đời sống chính trị và đời sống tâm linh tôn giáo của dân tộc[Nguyễn Ngọc Mai, 2019]. Điều đó cho thấy vị thế và công lao cũng như đức hy sinh của Từ Nương cho sự nghiệp bền vững của triều đại nhà Lý. Ở khía cạnh khác cũng phản ảnh một thực tế khi phụ nữ có điều kiện để phát huy năng lực thì bản lĩnh, khả năng, và tài năng của họ cũng rất đáng nể. Do vậy việc phục hồi lại Cổ Sơn Tự - nơi thờ cúng Từ Lan là việc nhất định phải làm để biểu dương đức hy sinh của bà nói riêng cũng như hoàn thiện thêm bức tranh chung về sự nghiệp phụng sự tổ quốc, dân tộc của phụ nữ Việt Nam nói chung. Đặc biệt làm lan tỏa giá trị giáo dục của lễ hội truyền thống Thăng Long – Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử lược (khuyết danh)
2. Nguyễn Tất Đạt (2023) Thiền sư Từ Đạo Hạnh - Cuộc đời và hành trạng. Nxb Tôn giáo.
3. Địa bạ làng láng. Tư liệu hán văn ghi chép lời khai của các chức dịch làng Láng.
4.  Lý thần Tông kí. Tư liệu văn bia Hán nôm lưu tại đền Thánh Nguyễn (Gia Viễn – Ninh Bình)
5. Ngô sĩ Liên (1697)  Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính hòa thứ 18. Tài liệu dịch của Viện khoa học XHVN, Nxb KHXH. 1993 (bản điện tử).
6. Nguyễn Ngọc Mai (2019) Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội. Nxb HN
7. Nguyễn Tá Nhí (dịch 2011) Văn tế ở các chùa, đền, miếu trại Yên Lãng, Tổng Yên lãng, Huyện Từ Liêm. Bản sao chép ngày 16 tháng giêng năm Khải định thứ 7 ( 1921).
8.Viện thông tin khoa học xã hội, Thần tích, thần sắc  làng Yên Lãng, tổng An Hạ, Huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Mã số hiệu FQ 418- 0559
9. Viện Nghiên cứu các vấn đề TGTN (2023) Kỷ yếu hội thảo khoa học: Vai trò của chùa Thưa trong hệ thống chùa thờ Quốc Sư Từ Đạo Hạnh.
10. Tư liệu điền dã thực địa tại chùa Láng, chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng, chùa Nền, Đền Vua ; chùa Duệ Tú tại Hà Nội 2023
11.Tư liệu phỏng vấn sâu các cụ già cao tuổi tại khu vực phường Láng Thượng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chú Thích
[1] Câu đối tại chùa Nền, người dịch: Phạm Văn Quân.
2. Theo tư liệu điền dã thì chùa Hoa lăng là nơi bà Tăng Thị Loan (dân làng gọi là Tổ Mẫu) khi chồng bà bị đánh chết thì mới cải trang thành người hành khất đi sang đó nghe ngóng để đi tìm hiểu về vụ án của chồng bà, và bà bị ốm nên mất tại đó. Nhưng cũng có truyền thuyết là khi gia đinh gặp nạn, Thánh Láng còn đang đi học đạo thì tổ mẫu đã đem gia đình về chùa Cổ Bi ( Nam định) để lánh nạn.
3 Theo Bác Trần Văn Huy phó ban quản lý chùa Láng thì bệ thờ tạị chùa Thưa do chính tay cụ Trần Văn Năm là thân sinh của bác  Huy xây dựng.
4 Tư liệu phỏng vấn sâu bác Nguyễn Quang Phúc (sinh năm 1940, người gốc làng Láng) đã từng bê lễ lên đảnh lễ tại chùa Thưa/ Sưa trong lễ hội chùa Láng năm 1953
5.Địa bạ làng Láng. Tài liệu do nhóm đền miếu Việt cung cấp. Phạm Văn Quân dịch.
6 Tài liệu lưu tại đền Thánh Nguyễn (thuộc 2 xã Điềm Giang Điềm và Điềm Xá Gia viễn, Ninh Bình) được biên chép từ tư liệu gốc lưu giữ ở chùa Viên Quang thôn Nghĩa Xá xã Xuân Ninh huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.  Bản Sự tích sao lục này được nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đền miếu Việt sao chụp tại Đền Thánh Nguyễn ngày 11 tháng 7 năm 2020 và đặt tên theo trang đầu của cuốn sách. Nội dung là những đoạn tiểu sử của các vị  được thờ trong chùa được chép dưới dạng Ký ngữ. Vì vậy đầu đề tựa là “Sự tích lưu ký”. Văn bản này là phần cuối bản “Phù Vân quốc sư ký ngữ “ cho ta biết 1 thông tin vô cùng giá trị là bản Thiền uyển này do Nội thường thị thủ điện trung kiểm thư khu mật viện sự thượng trụ đô úy kim ngư Đại tử Mâu Văn Đô biện chép. Tiếp theo sau “Phù Vân quốc sư ký ngữ” là “Lý Thần Tông ký”  và phần “Lục Thượng thiền sư ký”. Chính nhờ phần chép Lục Thượng thiền sư ký mà ta biết được niên đại đích thực của tấm bia Viên Quang tự bi minh tính tự hiện lưu giữ tại chùa Viên Quang có niên đại cuối Lý đầu Trần tức niên đại Trần Thái Tông khi thay Lý Chiêu Hoàng. Tư liệu Lý Thần Tông kí cũng cho biết . Năm Giáp Dần, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (là thời gian cai trị của Lý Thần Tông từ 1133 – 1138) năm thứ 2  vua sai Mâu Du Đô khởi công xây dựng hai chùa Thiên Ninh và Thiên Thành. Hiện hai chùa này là chùa nào chúng tôi chưa xác định được.
7. làng Thượng Yên Quyết (tức làng Yên Hòa bây giờ. Tương truyền bà Tăng Thị Loan khi thấy chồng bị hại đã cải trang đi đến vùng này để do la về kẻ thù, nhưng trong quá trình đi điều tra đó bà mắc bệnh trọng và mất tại đây nên về sau dân lập chùa để thờ).
8.Hạ Đình, xã Nhân Mục (làng Mọc) nay thuộc khu vực Kim Giang phường Đại Kim
 
10. Nghiên cứu về Thánh Láng, Minh Không, Đại Điên, Pháp Thuận đều cho thấy các ngài trong quá trình tu tập đã học được khá nhiều bí pháp. Chúng tôi sẽ có dịp trở lại những khả năng này của tông phái mật tông nguyên thủy.
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Văn hóa tín ngưỡng và những ảnh hưởng đến nhân cách con người Bắc Ninh xưa

 Tham luận đọc tại hội thảo khoa học: con người Bắc ninh truyền thống và hiện đại (2016) Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội, nhưng “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay940
  • Tháng hiện tại19,707
  • Tổng lượt truy cập6,904,664
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây