Hội thảo quốc tế về nguồn lực tôn giaó

Thứ hai - 17/01/2022 06:07
Hội thảo quốc tế về "nguồn lực tôn giáo, kinh nghiệm quốc tế cho việt nam" là lần thức hai giới khoa học xã hội lên tiếng để cho cộng đồng và giứoi chức thấy được rằng tôn giáo không phải chỉ là " hình thái ý thức xã hội" ; là thực thể xã hội mà tôn giáo với những vị trí và chức năng đặc biệt của mình còn có thể là một nguồn lực to lớn giúp ích cho sự nghiệp thiết lập một cộng đồng xã hội ổn định, nhân văn và xây dựng đất nước phồn thịnh. Cùng với một vài bài viết khác, bài viết "Nguồn lực Tôn giáo ở Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra" của TS nguyễn Ngọc Mai cũng cho thấy trước hết cần hiểu thế nào là nguồn lực tôn giáo và sử dụng nguồn lực tôn giáo trên những phương diện nào và vấn đề đã và đang đặt ra ở Việt Nam là gì. Bài viết đã được báo cáo tại hội thảo quốc tế tổ chức vào tháng 12/2021 và in trong kỷ yếu hội thảo. Xin trân trọng giới thiệu tại đây để những ai quan tâm tham khảo.
IMG 1382
IMG 1382
                 
                                                                                   
Abstract
 
Religious resources are not a new problem in the world and are still present in the reality of social life and religious life in Vietnam. However, admitting this problem in the management and authorities has only been around for the past ten years. So in what aspects does religious resources manifest and how does it affect social and community development? This article will delve into the presentation of the contributions of religion to the community and society in Vietnam as a religious resource in a number of aspects such as the ability to mobilize social resources for social security. social welfare in the fields of charity and health, education; The religious value system is included in economic relations and social behavior. The statistics and information of the article are based on official information from the publications of religions, functional agencies such as the Central Committee Fatherland Front, the Central Commission for Mass Mobilization and the provinces; individual and peer studies.
*****
1. Khái niệm nguồn lực
 
Theo từ điển Hán Việt Từ Nguyên thì “Nguồn” được hiểu là dòng chảy; Lực = sức mạnh.  Nguồn có 2 nghĩa: 1) Là nơi bắt đầu của sông, suối; 2) Nơi phát sinh, tạo ra hoặc cung cấp cái gì. Như vậy nguồn lực sẽ được hiểu là điểm phát sinh / điểm bắt đầu của dòng/ luồng sức mạnh. Nếu đem khái niệm này hợp với từ tôn giáo thì sẽ hiểu nguồn lực tôn giáo là: lấy tôn giáo làm điểm bắt đầu/ điểm phát sinh để tạo ra luồng sức mạnh trong phát triển kinh tế xã hội, tất nhiên tôn giáo ở đây không nên hiểu đơn thuần chỉ là những di sản tôn giáo; năng lực và khả năng huy động nguồn lực xã hội của các tôn giáo, mà còn là các hệ giá trị của các tôn giáo nữa. Như vậy, thì khi chúng ta nói hay làm cái việc lấy tôn giáo làm điểm tựa và dùng tôn giáo làm thành sức mạnh nội sinh cho / trong phát triển KT- XH thì điều đó có nghĩa là không chỉ có khai thác các di sản tôn giáo/ tài nguyên/ năng lực của tôn giáo để tăng thu nhập địa phương; tăng thêm nguồn lực xã hội hỗ trợ phát triển KT- XH và hỗ trợ an sinh xã hội mà còn phải biết đưa các giá trị, hệ giá trị chuẩn của tôn giaó vào trong các quan hệ kinh tế, xã hội nữa. Nguồn lực tôn giáo ở VN có thể khai thác trên các phương diện sau: 1) Khai thác các di sản tôn giáo làm sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa thông qua đó thúc đẩy phát triển du lịch và quảng bá các di sản văn hóa tôn giáo; 2) Phát huy năng lực huy động nguồn lực xã hội của các tổ chức tôn giáo phục vụ an sinh xã hội; 3) Khai thác các giá trị, hệ giá trị, chuẩn mực tôn giáo vào trong hành xử xã hội.
2. Những đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam thể hiện qua năng lực huy động nguồn lực xã hội của các tổ chức tôn giáo phục vụ an sinh xã hội.
Mặc dù nội hàm nguồn lực tôn giáo mới được đặt ra trong các cách tiếp cận quan phương trong ứng xử với tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế ngay từ khi thành lập, du nhập và triển khai nhiều hoạt động của mình các tôn giáo ở Việt Nam đều đã thực thi hai sứ mệnh quan trọng nhất đó là trở thành chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nhân dân; và cứu giúp các cá nhân, cộng đồng xã hội đặc thù thông qua các hoạt động thiện nguyện, y tế miễn phí, giáo dục nhân đạo. Cá biệt có những tôn giáo còn thực thi những sứ mệnh lớn hơn là tổ chức lại đời sống cá nhân, cộng đồng mà tạo ra những vùng văn hóa mới như các tôn giáo nội sinh Nam bộ.
Nếu đặt sang một bên sứ mệnh thứ nhất (vì khó có thể lượng hóa được) thì toàn bộ các đóng góp của các tôn giáo cho xã hội Việt Nam trên các phương diện an sinh xã hội, y tế, giáo dục…cũng đã là một nguồn lực quan trọng.
a). Trên phương diện an sinh xã hội
Mặc dù chưa thể phủ khắp và tạo ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực của an sinh xã hội nhưng chỉ tính riêng các hoạt động từ thiện xã hội cho người nghèo, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, cư dân vùng thiên tai bão lũ của các tôn giáo ở Việt Nam cũng là một con số khổng lồ.
Sự tham gia và tổ chức hàng loạt các hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo như Công giáo, Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo trên nhiều hoạt động như: Quỹ  xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nuôi dưỡng trẻ em, người già không nơi nương tựa trong nhiều năm qua đã đem lại những thành quả lớn không thể phủ nhận.
Chỉ tính riêng với Công Giáo, có thể kể sơ qua như Caritas Việt Nam; Phan Sinh tại thế; Hiệp hội Thánh Mẫu, Huynh đoàn Đa Minh, Hiệp hội Giáo dân bác ái là những tổ chức Công giáo chuyên về từ thiện tiêu biểu ở Việt Nam[1]. Ngoài ra là rất nhiều các cơ sở của cá nhân tín đồ công giáo như Mái âm Thiên ân (Tân phú – Sài gòn của anh Nguyễn Quốc Phong) mở ra để nuôi dưỡng trẻ em khiếm thị, khiếm thính; Cơ sở nhóm bạn của người Phong (sài gòn) do tín đồ Công giáo Nguyễn Đắc Minh thành lập chuyên chăm nuôi và trao học bổng cho những bệnh nhân bị bệnh phong; Nhà mồ côi Truyền Tin (phường Bình Hưng Hòa/ Bình Tân/ SG) tiếp nhận và nuôi dạy các trẻ em mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi do tín đồ Công giáo Nguyễn Thị Cư thành lập…[2].
          Thống kê của Caritas Việt Nam, trong năm 2018, Caritas các giáo phận đã hỗ trợ gạo và các phần ăn cho hơn 10.400 người nghèo, người dân tộc thiểu số; xây dựng hơn 260 nhà tình thương; xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm học đường hỗ trợ các gia đình người dân tộc thiểu số có con em đi học. Thực hiện dự án hỗ trợ người có HIV/AIDS, năm 2018, Caritas 26 giáo phận đã tổ chức 263 lớp tập huấn cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tổ chức chăm sóc cho người bị nhiễm HIV, đặc biệt là trẻ em, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động nhân dịp lễ tết và được đến trường đầy đủ[3]. Chưa kể các dự án hỗ trợ người khuyết tật, người bệnh phong dựa vào cộng đồng, năm 2018, Caritas các giáo phận đã tổ chức truyền thông về chương trình hỗ trợ người khuyết tật; tặng xe lăn, gậy chống cho người khuyết tật...
 Một số tổ chức của Công giáo chuyên tiến hành những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như: lập quỹ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà, xây dựng cơ sở hạ tầng; cứu trợ khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai như Churches of Christ Overseas Aid (COCOA) và Habitas for Humanity International in Viet Nam là hai tổ chức thực hiện nhiều nhất các dự án cải thiện điều kiện sống như phát triển hệ thống vệ sinh, nguồn nước và nhà cửa… Tất cả những hoạt động này của giáo hội Công giáo và các dòng tu cũng như các cá nhân tín đồ đã thực hiện đúng tôn chỉ “đồng hành cùng dân tộc”. Với tư cách một nguồn lực xã hội, Công giáo đã đóng góp rất lớn cho công cuộc làm lành vết thương chiến tranh và bù đắp những thiếu hụt cho nhóm xã hội yếu thế.
Phật giáo với chặng đường gần 40 năm từ ngày thành lập đến nay, với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và triết lý vì con người và cuộc sống hạnh phúc, an lạc, đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Đội ngũ tăng, ni, phật tử cả nước đã tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2007-2012 báo cáo hoạt động Phật sự của giáo hội đã cho biết  Phật giáo cả nước đã quyên góp cho công tác đảm bảo an sinh xã hội trị giá hơn 2.879 tỷ đồng, trong đó Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trên 786 tỷ đồng1. Chỉ tính riêng năm 2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tăng ni, phật tử trong cả nước đã  huy động sự đóng góp của toàn xã hội trị giá trên 1.164 tỷ đồng cho công tác nhân đạo từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái. Riêng Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp trên 406 tỷ đồng. Năm 2016, do ảnh hưởng của môi trường ven biển miền trung do sả thải của Fomosa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nỗ lực vận động cứu trợ và giúp đỡ bà con ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung được ổn định cuộc sống, tiếp tục ra khơi bám biển; đồng thời vận động tăng ni, phật tử và toàn xã hội đóng góp tiền, hàng, vật phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… góp phần khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Tổng số tiền và hiện vật quyên góp dành cho công tác từ thiện, nhân đạo và đảm bảo an sinh xã hội năm 2016 là hơn 1.330 tỷ đồng, riêng Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trên 433 tỷ đồng và Giáo hội Phật giáo nhiều tỉnh đóng góp trên 50 tỷ đồng như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu3… Năm 2018, tổng số tiền từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hơn 2.200 tỷ đồng, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trên 700 tỷ đồng, các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng đóng góp trên 80 tỷ đồng; Đồng Nai, Bến Tre, Long An trên 70 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu trên 60 tỷ đồng; Trà Vinh 50 tỷ đồng; Bình Thuận, Đăk Lăk trên 40 tỷ đồng[4].
Đặc biệt, với mô hình “Nồi cháo tình thương” của Phật giáo nhiều tỉnh, thành phố đã thể hiện tình cảm sâu nặng của Giáo hội với đông đảo người dân, Phật tử nghèo trong cả nước, như: “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Đa Khoa (thành phố Đà Nẵng), Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhi (tỉnh Thanh Hóa)… hàng năm đã hỗ trợ cuộc sống hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo cùng người nhà đang điều trị tại đây. Bên cạnh  đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh công tác nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn trong cả nước. Hệ thống trường nuôi dạy trẻ mồ côi, các lớp học tình thương, các trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn… thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều đang hoạt động ổn định, hiệu quả trong nhiều năm gần đây. Theo tổng kết sơ bộ đã nuôi dưỡng gần 3.000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật; chăm sóc hơn 1.500 cụ già neo đơn5. Tính đến năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở gần 2.000 lớp học tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang, không nơi nương tựa và trẻ khuyết tật; hàng trăm cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú miễn phí với trên 20.000 em theo học; hàng chục cơ sở dưỡng lão nuôi dưỡng, chăm sóc hàng ngàn cụ già neo đơn. Bên cạnh đó, hàng trăm chùa ở nhiều địa phương đã trở thành các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em lang thang, bất hạnh, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, như: Chùa Long Hoa (quận 7), chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) ở Thành phố Hồ Chí Minh; chùa Quang Châu (Hòa Vang, Đà Nẵng); chùa Bảo Quang (thành phố Hải Phòng); chùa Quang Minh (thành phố Đà Nẵng)…[5] Ngoài ra, hàng năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện lớn trong cả nước, điển hình như: Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Lê Lợi (thành phố Vũng Tàu); Bệnh viện K (thành phố Hà Nội), Bệnh viện An Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Phước... với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng[6].
Hoạt động đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình chính sách  cũng được Giáo hội đặc biệt coi trọng và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội. 38 năm qua, Giáo hội đã quyên góp và phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; hàng nghìn tỷ đồng được quyên góp để góp phần chia sẻ và làm dịu bớt mất mát của những gia đình có người thân là thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người đã hy sinh vì dân tộc, vì đất nước, hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều Đại trai đàn cầu siêu cho liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang trong cả nước như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Quảng Trị, Điện Biên…Ngoài ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn vận động tín đồ, chức sắc và nhân dân tích cực hưởng ứng quyên góp, hỗ trợ các công tác phúc lợi xã hội khác, như: ủng hộ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ khuyến học, xây nhà tình thương, nhà dưỡng lão. Tham gia các hoạt động nhân đạo, như: mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo bị đục thuỷ tinh thể, tham gia dự án “Ngân hàng bò” giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc, tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ các thí sinh tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng hàng năm và hiến máu nhân đạo…
Phát huy tinh thần “đạo pháp, dân tộc”, nối tiếp truyền thống đời đạo song hành trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cùng tăng ni, phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi rường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, hoạt động từ thiện xã hội. Với những đóng góp to lớn của Giáo hội vào công tác từ thiện, nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội 38 năm qua, giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đóng góp một nguồn lực quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và hưng thịnh đất nước, bù đắp an sinh xã hội cho nhân dân nhất là đối với các nhóm xã hội yếu thế.
Có thể thấy trong nhiều năm qua tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, “Hộ quốc an dân”, đã thể hiện hết sức sôi động trong giới tăng ni phật tử. Chặng đường hơn 38 năm hình thành, phát triển cũng đồng thời là chặng đường Giáo hội phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò xã hội và đóng góp một nguồn lực lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Mặc dù chưa hình thành thành tổ chức giáo hội rộng lớn như Công giáo hay Phật giáo nhưng đối với Cao Đài giáo và Phật giáo Hòa Hảo cũng đã thamgia đóng góp cho xã hội trên nhiều phương diện. Mặc dù là những tôn giáo mới được thành lập những năm đầu thế kỷ XX nhưng các hoạt động từ thiện xã hội của hai tôn giáo này cũng rất mạnh mẽ.
Với phương châm hành đạo “lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm đầu, lấy việc phụng sự chúng sanh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các nhơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng bào” nên ngay từ những ngày đầu thành lập tòa thánh Tây Ninh đã đứng ra bao bọc dân chúng tị nạn từ các tỉnh đổ về huyện Long Thành khai hoang lập ấp dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của tòa Thánh. Những cộng đồng này về sau công quả mà xây dựng nên những công trình đồ sộ trong khuôn viên tòa thánh Tây Ninh mà làm thành cộng đồng lãnh thổ tôn giáo xã hội lớn. Bằng việc thành lập chuyên biệt một Cơ Quan Phước Thiện để lo về việc xã hội, cứu khổ[7], nên ngay từ những năm 1960 Hội Phước thiện đã điều hành 108 hoạt động kinh doanh, 96 khu đất cấy lúa, 3 khu cho vụ mùa thứ hai, 3 đồn điền cao su, 5 cơ sở đồ gỗ thủ công, 1 trung tâm thương mại; điều hành một trường trung học với trên 1.000 học sinh và trường trung học cơ sở có 1.800 học sinh (giai đoạn năm 1964 – 1970). Với các bộ môn đào tạo như tiếng Trung Quốc, nhạc, triết học, tôn giáo…Ngoài ra Hội Phước thiện còn thiết lập cả một hệ thống Y viện. Mặc dù  không có nhiều hoạt động rộng rãi vì các phương tiện chữa trị chủ yếu ở Thánh địa do hội Phước thiện quản lý, nhưng hầu hết các Y viện cũng có trạm xá, nhà ở cho người già, Ban tương trợ cho những người có nhu cầu thuốc men và tài chính. Bằng việc thành lập và cho ra đời một cơ quan chuyên biệt, bộ phận này của Cao Đài đã thực thi giúp đỡ được nhiều những người khó khăn, bệnh tật, già yếu, cô đơn. Y viện với hệ thống phòng thuốc cũng đã tiến hành được nhiều phòng khám bệnh miễn phí. Ngoài ra là các trường học dành cho con em trong họ đạo; dưỡng lão đường và cô nhi viện cho người già cô đơn và trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trong nhiều thời điểm khác nhau,  các họ đạo Cao Đài cũng mở các tiệm cơm chay, nồi cháo tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai, hòm (quan tài) cho người nghèo qua đời.  Những năm gần đây cùng với khuynh hướng nhập thế của nhiều tôn giáo lớn,  Đạo Cao Đài mặc dù nguồn lực không còn hưng thịnh như trước đây cũng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trên nhiều phương diện như cứu trợ đột xuất (dành cho các nhóm dân cư đói nghèo, bị thiên tai), cứu trợ thường xuyên…
Các hoạt động này chủ yếu tập trung vào các nạn nhân bị thiên tai, điển hình như  Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên  tổ chức vận động mua bồn chứa nước sinh hoạt phục vụ bà con vùng bị ngập mặn; vận động bà con xây thêm bồn chứa nước bằng xi măng để tích trữ nước mưa. Những người nghèo khó khi gặp phải thiên tai, bão, lũ đã được Hội Thánh kịp thời giúp đỡ, chia sẻ sự chăm sóc, hỗ trợ vật chất hay tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương[8].
Các hoạt động hỗ trợ thường xuyên cũng vẫn được duy trì và tổ chức kết hợp trong nhiều dịp đại lễ ở nhiều điạ phương: Nhân dịp lễ khánh thành Thánh Thất Đặng Giang 4 tháng 4 năm 2014, Ban Đại Diện Hội Thánh Tỉnh Tây Ninh tặng 300 phần quà cho đồng bào nghèo ở Đặng Giang. Toàn bộ phần quà là do Ban Đại Diện Hội Thánh Tỉnh Tây Ninh kêu gọi bà con đồng đạo và quý mạnh thường quân tại Tây Ninh và tại TP. HCM đóng góp. Quà tặng gồm có 3 tấn gạo và 300 thùng mì. Tổng trị giá trên 50 triệu đồng[9].
Điển hình là họ đạo Cao Đài ở Cẩm Giang, với vai trò là thành viên Mặt trận, những năm qua họ đạo đã vận động tín đồ đoàn kết sống tốt đời, đẹp đạo qua đó đã tạo ra sự đồng thuận trong phòng trào xây dựng nông thôn mới. Ban Cai quản Họ đạo đã vận động tín đồ ủng hộ hơn 700 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn trong xã hàng năm. Ban Cai quản còn vận động các Mạnh Thường Quân tặng trên 100 phần quà cho hộ nghèo ở địa phương, ủng hộ tiền mua quà bánh cho các em thiếu nhi nhân ngày trung thu của xã. Đặc biệt năm 2017, Ban Cai Quản đã phối hợp UBND, MTTQ xã vận động tín đồ thực hiện nhựa hóa tuyến đường từ quốc lộ 22B vào cổng Thánh thất với chiều dài 260m, kinh phí 195.000.000 đồng; Hoàng trăm gia đình tína đó Cao đài hưởng ứng vận động của ban cai quản họ đạo đã đóng góp 20.000.000 đồng để thực hiện thắp sáng đường quê trên tuyến đường mới làm vào Thánh thất.  Hiện nay, Ban Cai quản đang nhận trợ cấp hàng tháng cho 3 nạn nhân chất độc da cam trong một gia đình, mỗi người 300.000 đồng. chưa kể các hoạt động khác như tổ chức những suất cơm ăn cho người nghèo, người bán vé số, lao động tự do khó khăn, mỗi đợt như vậy khoảng từ 100-150 suất.
Năm  2020, hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng về phòng, chống dịch bệnh Covid -19, Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh tỉnh  Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ các nhu yếu phẩm, tiền mặt, lo tang ma cho một số người nghèo tha phương mưu sinh chẳng may qua đời. Đặc biệt họ đạo Đà Lạt đã tặng 300 suất quà cho người tâm thần tại cơ sở Trọng Đức, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng trị giá 75 triệu đồng…[10]
Đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh khốc liệt ở thành phố Hồ Chí Minh (2021), Hội thánh Cao đài Ban chỉnh đạo đã tích cực vận động, quyên góp ủng hộ kinh phí mua vắc-xin và tiến hành nhiều hoạt động trợ giúp đồng bào đang gặp khó khăn. Hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm đã được trao tận tay các gia đình nghèo giúp nhiều gia đình giảm bớt khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16.
Khi dịch bệnh bùng phát, Ban Thường trực Hội thánh đã kêu gọi tín đồ tổ chức quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Hiến pháp Lữ Minh Châu - Tổng thư ký Hội thánh cho biết: Sau khi phát động hơn 800 ngàn tín đồ đã tích cực phòng ngừa dịch Covid-19 và đóng góp hành thiện. Ngoài vận động tiền, tùy tình hình thực tế tại các địa phương, các Ban đại diện ở các tỉnh tổ chức các hoạt động hành thiện như: bếp ăn từ thiện cho người nghèo, bệnh viện; quyên góp gạo, rau, củ, quả cho các khu phong tỏa, cách ly... Đến nay, Hội thánh đã ủng hộ hơn 560 triệu đồng ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và hơn 2 tỷ đồng vật phẩm tặng hộ dân nghèo tại các tỉnh, thành[11] . Toàn bộ hơn 7 tấn rau, củ, quả các loại, với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng, do  tín đồ Trần Ngọc Âu trợ giúp không chỉ giải thoát nông sản ứ đọng cho bà con nông dân mà còn hết sức quý giá với các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 trong thành phố HCM những ngày giãn cách xã hội.
Tại Họ đạo An Thủy (huyện Ba Tri) các tín đồ Cao Đài cũng thường xuyên nấu cơm từ thiện phát tại bệnh viện và địa phương đang gặp khó khăn. Chỉ tính riêng trong mùa dịch năm 2021 họ đạo An Thủy đã hỗ trợ số tiền lên tới 20 triệu cho các cơ quan, các tổ chức từ thiện để phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, tín đồ trong Họ đạo còn nấu cơm từ thiện cho các chốt và khu cách ly mỗi ngày khoảng 500 phần; ủng hộ thực phẩm, rau củ, mì gói cho người dân tại các địa phương; các bệnh viện, khu cách ly với tổng số tiền khoảng 143 triệu đồng. Sắp tới, Họ đạo sẽ vận động thêm khoảng 3 tấn gạo, 300 thùng mì gói, nhu yếu phẩm để giúp đỡ các hộ khó khăn trong địa bàn huyện Ba Tri.
Như vậy,  bằng ba mô hình cơ bản 1) vận động tín đồ tham gia bảo vệ môi trường và lưu trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt ở khu vực dân cư đồng bằng sông kửu long. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo cho người dân một thới quen sinh hoạt mới, góp phần nâng cáo chất lượng sống và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. 2) hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm thông qua các bếp ăn từ thiện. Hành động này trực tiếp giảm tải khó khăn cho người nghèo bị bệnh tật và giảm tải cho các bệnh viện dã chiến trong việc cung cấp nhu yếu phẩm những ngày chống dịch.3) vận động quyên góp trong nhân dân và tín đồ đóng góp tiền của và ngày công để xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình nghĩa. Cả ba mô hình này đều đã được thực thi và triển khai thành công trong những năm vừa qua, ngoài tính hiệu quả, thiết thực của các mô hình này đối với các nhóm xã hôị thiệt thòi, Cao Đài giáo không chỉ thể hiện rất rõ tính nhân ái, tình yêu thương nhân loại như tôn chỉ của đạo mà còn góp phần giảm tải gánh nặng an sinh xã hội cho nhà nước, địa phương và góp phần cùng nhà nước và chính phủ thực hiện hành công mục tiêu “ không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng là một tôn giáo mang tính cứu thế rất rõ ràng ngay từ những ngày đầu thành lập, Phật giáo Hòa Hảo cũng là một trong những tôn giáo tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động cứu trợ xã hội. Với đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, tôn chỉ hành đạo “học Phật, tu nhân”, thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) trong nhiều năm qua đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Không chỉ thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, nhà nước, MTTQVN và các đoàn thể phát động, PGHH luôn tích cực tham gia hoặc tự thiết  kế các chương trình từ thiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ, đồng hành cùng các tôn giáo khác trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó phải kể đến những hoạt động từ thiện - xã hội của tín đồ PGHH như: cất nhà, xây cầu nông thôn, xe đưa rước bệnh nhân, hỗ trợ gạo các tổ từ thiện nấu cơm cháo từ thiện tại các bệnh viện, sưu tầm thuốc nam, chế biến thảo dược, xây dựng nghĩa địa nhân dân và tặng sách vở cho các hội khuyến học, học sinh nghèo hiếu học, tổ chức điều hành các bếp ăn khuyến học, bếp ăn từ thiện phục vụ nhân dân lao động và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ hỏa hoạn, thiên tai… Nổi bật là mô hình cất Nhà Tình Thương, nhà Đại Đoàn Kết của Ban Trị sự PGHH xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) mỗi năm xây dựng mới khoảng 300 căn nhà, giải quyết khó khăn về nhà ở cho các hộ nghèo. Hay bếp ăn từ thiện phục vụ cộng đồng của Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) được thành lập từ năm 2012, trung bình mỗi ngày phục vụ từ 800-1.200 suất cơm cho học sinh, sinh viên và người lao động nghèo[12].
Điển hình, trong phong trào xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tín đồ PGHH đã phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo cùng nhau xây dựng cầu, làm đường nông thôn vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng vì lợi ích của cộng đồng ở hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Giai đoạn 2014 - 2019,  tín đồ PGHH ở khắp nơi đã tham gia đóng góp, thực hiện các hoạt động từ thiện - xã hội với tổng trị giá gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó có gần 500 tỷ đồng phục vụ các bếp ăn tình thương; hơn 400 tỷ đồng phục vụ việc sửa chữa, cất mới cầu nông thôn; gần 350 tỷ đồng sửa chữa, cất mới nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết và hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, khó khăn[13]..
Tổng kết hoạt động năm 2018 của ban trị sự giáo hội PGHH cho biết: “trong năm 2018 toàn Đạo đã huy động được 404.846.113 ngàn đồng cho đạo sự làm công tác từ thiện xã hội. Trong đó hoạt động cất nhà từ thiện chiếm 19,5% với tổng giá trị quy thành tiền là 79.087.112 ngàn đồng”[14]. Trên đà hoạt động hiệu quả này năm 2019 các nhà từ thiện mới còn được nâng cấp thêm từ mô hình nhà gỗ lợp tôn sang mô hình nhà hộp kẽm, vuông kẽm[15].
Trong 5 năm qua với mô hình xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tổ chức tặng quà tết cho người nghèo, các tín hữu PGHH thành phố HCM đã làm từ thiện với tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo TPHCM cũng tham gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tặng quà cấp thuốc miễn phí, tổ chức các bếp ăn khuyến học… với tổng giá trị 303 tỷ đồng[16]. Những hoạt động của Phật giáo Hòa Hảo đã khẳng định rất rõ tôn chỉ hành đạo theo tứ ân góp phần hỗ trợ cộng đồng và đóng góp nguồn lực cho công cuộc phát triển địa phương, đất nước.
Ngoài những việc làm thường xuyên, PGHH còn nhiều hoạt động mang tính sự kiện đóng góp cho xã hội như trong dịp đại hội Đảng bộ chính quyền các cấp ở An Giang, hầu hết các Ban trị sự cơ sở đã phối hợp cùng mặt trận, các đoàn thể tổ chức cất nhà, xây cầu để chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Nhân dịp lễ khai sáng đạo, các Ban trị sự cơ sở còn tổ chức trao quà cho hộ nghèo, bàn giao nhà Từ thiện, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt sau những ngày dịch covid khốc liệt, Giáo hội PGHH cũng ra thông bạch kêu gọi đồng đạo chọn công trình vừa sức đăng ký với chính quyền góp phần cùng địa phương khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh COVID-19. Thống kê hoạt động đạo sự năm đạo thứ 80 (từ lễ 18-5 Kỷ Hợi đến nay), trong đó công tác xã hội - từ thiện đã đạt hơn 507 tỷ đồng, với nhiều công trình được chính quyền, mặt trận, đoàn thể và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, chung tay góp sức cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Giáo hội và tín đồ đã góp tiền mặt và hiện vật ủng hộ trên 8,6 tỷ đồng, riêng Ban Đại diện PGHH tỉnh An Giang vận động được hơn 2,9 tỷ đồng.
Nối tiếp thành quả đó, góp phần tham gia chương trình an sinh xã hội do địa phương phát động, 6 tháng đầu năm 2020, các Ban trị sự tỉnh An Giang phát động “nắm gạo tình thương” được hơn 98 tấn, phân phối thường xuyên cho hộ hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn cất mới 45 căn nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết, xây dựng 6 cây cầu và tặng gần 10.000 phần quà cho đồng bào nghèo. Trong báo cáo tổng kết  hoạt động đạo sự năm 2020 của giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang cho biết giáo hội đã huy động tín đồ ủng hộ tổng số tiền trên 110 tỷ đồng[17]. Đặc biệt là việc chung tay cùng với chính quyền địa phương phòng, chống dịch COVID-19, Ban Đại diện tỉnh, các Ban Trị sự cơ sở đã tham gia ủng hộ quỹ với số tiền trên 2,9 tỷ đồng; tham gia đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt với tổng số tiền trên 9,4 tỷ đồng[18]. Chỉ tính riêng đóng góp cho quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 và nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch của PGHH đã đạt trên 34,4 tỷ đồng.
Với  3 mô hình chính: Thứ nhất là mô hình xây dựng nhà tình thương và cầu an sinh. Đây là việc làm hết sức thiết thực trong bối cảnh đời sống và thói quen làm nhà tạm của cộng đồng Nam bộ, Việc xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo nhằm tạo ra nơi ăn chốn ở và giúp người nghèo an ổn trong mùa mưa bão là việc làm hết sức có ý nghĩa. Đặc biệt trong bối cảnh kênh rạch chằng chịt thì việc xây dựng cầu dân sinh cũng giúp giao thông đi lại thuận tiện đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế và nông sản giữa các khu vực miệt vườn của Nam bộ. Thứ hai là mô hình chuyên chở người bệnh miễn phí giáo hội PGHH đã trực tiếp tham gia vào linh vực y tế cấp cứu rất nhiều bệnh nhân nghèo kịp thời được chữa trị tại các cơ sở y tế. Thứ ba là mô hình bếp ăn từ thiện và lập quỹ khuyến học cũng là những mô hình hay và mang tính nhân văn sâu sắc.
b). Trên phương diện giáo dục, y tế
Có thể kể đến các hoạt động từ thiện xã của các dòng tu (Công giáo) như: dòng Don Bosco, dòng Sư Huynh Lasan, Dòng Thánh Tâm chúa Giê su, Dòng Mến thánh giá, Tu hội nữ tử bác ái Vinh Sơn… chuyên tổ chức các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế như tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật, bệnh nhân phong, HIV và các bệnh nan y khác.
Một số mô hình điển hình được mở ra của CG để  đào tạo nghề cho  người nghèo như: trung tâm dạy nghề Lasan Đức Minh là cơ sở dạy nghề của dòng sư huynh Lasan tại Phường 8 quận 3(SG) do tu sĩ Nguyễn Văn Tân thành lập; cơ sở dạy nghề Ba thôn thuộc dòng Salesien Don Bosco chuyên dạy miễn phí các nghề điện gia dụng, sửa xe máy, may, mộc, nữ công gia chánh cho các thanh thiếu niên mồ côi, người dân tộc thiểu số người có hoàn cảnh khó khăn;
 Đặc biệt đi đầu trong lĩnh vực giáo dục mầm non, nhiều dòng tu Công giáo cũng là một trong những tổ chức tiên phong đi đầu trong lĩnh vực giáo dục mầm non như dòng mến Thánh giá  Sóc Trăng với đội ngũ giáo viên là các sơ có trình độ từ  trung cấp, cao đẳng, đại học đầy tinh thần nhiệt huyết, chuyên sâu, được phụ huynh tin tưởng, yên tâm,  hằng năm cho tốt nghiệp 50 – 60 trẻ em Khơme vào lớp một với chỉ số dinh dinh dưỡng kênh a đạt 95% trở lên; Trường Mẫu Giáo Bồng Hồng thuộc dòng tu Mân Côi (quận Tân Bình); cơ sở lớp tình thương của hội nữ tử Bác Ái Vinh Sơn[19]…cơ sở mầm non của các nữ du dòng mến thánh giá ở thành phố Playku,v.v… Theo ghi nhận, đến nay có 1.548 cơ sở giáo dục tư thục (nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương) của Công giáo, chủ yếu do các dòng tu đảm nhận Trong các các mô hình giáo dục này các bé có gia đình khó khăn đều được miễn học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập. Ngoài ra nhiều cơ sở mầm non của các dòng tu còn dành quỹ xây dựng  căn nhà tình thương. Các cơ sở giáo dục này đều hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: người nghèo, người lớn khuyết tật và tâm thần; trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi; người cao tuổi không nơi nương tựa; người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong; nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác không phân biệt lương, giáo.  Công tác giáo dục cho trẻ em tự kỷ cũng được các dòng tu quan tâm. Nhất là dòng Phaolô Thành phố Hồ Chí Minh với trung tâm Trúc Linh dạy trẻ em tự kỷ và huấn luyện giáo viên dạy trẻ em tự kỷ. Theo Nguyễn hú Lợi cho biết tính đến nay “đã có 534 trẻ tự kỷ ở Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành trong cả nước đến thăm khám, trong đó 437 em nhập học, 305 em ra trường lúc 6 tuổi. Việc dạy trẻ tự kỷ của trung tâm đạt hiệu quả rõ rệt, 80% trẻ em nói được, 296 phụ huynh tham gia tập huấn và 40 giáo viên được đào tạo kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ”[20].
Việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho xã hội được các dòng tu tích cực tham gia đào tạo nghề, kết hợp với giáo dục phổ thông. Hiện nay có 52 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trên tổng số 12 trường dạy nghề của các tôn giáo, do Công giáo đảm nhận (chiếm 91,67%), gồm 1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề và 8 trung tâm dạy nghề ở lĩnh vực này dòng Don Bosco là dòng tham gia tích cực nhất. Với tôn chỉ giáo dục trẻ có ích cho xã hội, dòng ưu tiên quan tâm giáo dục và đào tạo những em nghèo, kém may mắn, vô gia cư. Cho tới nay Dòng Don Bosco hiện có 5 cơ sở giáo dục kết hợp với đào tạo nghề ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019 có 1.925 học viên. Đối tượng đào tạo của các cơ sở này là tất cả thanh niên, không phân biệt tôn giáo, ưu tiên cho những em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, mồ côi, người dân tộc. Những học viên chưa hoàn thành chương trình phổ thông, nhà trường tạo điều kiện để họ có thể học và thi tốt nghiệp phổ thông song song với đào tạo nghề. Có thể nói, sáng kiến mô hình “hai trong một” của các dòng tu tỏ ra có nhiều ưu điểm, đã và đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội áp dụng cho chương trình đào tạo nghề hiện nay.
Trong lĩnh vực y tế Công giáo cũng tham gia và có những đóng góp lớn cho xã hội. Hiện nay, cả nước có 144 trạm xá, phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, tu sĩ phụ trách; 56 cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp đăng ký hoạt động trên tổng số 113 cơ sở của các tổ chức tôn giáo (chiếm 49,55%)[21]. Các cơ sở y tế này đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 5.000 người cao tuổi, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác, trong đó chủ yếu là trẻ em mồ côi và người khuyết tật. Nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu tổ chức các hoạt động thiện nguyện trên lĩnh vực y tế, xây dựng tủ thuốc từ thiện, tủ thuốc cơ sở bác ái, mua bảo hiểm y tế, khám bệnh phát thuốc cho những bệnh nhân nghèo không phân biệt tôn giáo; liên kết với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Người Công giáo thể hiện trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa tình thương khi các linh mục, nữ tu đang trực tiếp phục vụ tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV, nhà hưu dưỡng với “Nồi cháo tinh thương”; “Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo”; “Tủ thuốc miễn phí”, sữa uống cho người già, giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, người khuyết tật. Chưa kể các chương trình Bạn trẻ em đường phố của Ủy ban đoàn kết Công giáo TP HCM với mục đích chăm sóc, và tổ chức các hoạt động giải trí cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Tham gia vào lĩnh vực đào tạo, trong nhiều năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hằng năm cũng mở được rất nhiều các lớp đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, lớp đào tạo Đông y sĩ để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân; ấn hành các tập kỷ yếu về y học… phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người dân nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc miền núi. Được sự hỗ trợ của tổ chức Unicef, thông qua chủ đề “Sáng kiến của lãnh đạo Phật giáo về tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS”, nhiều tỉnh, thành hội Phật giáo đã thành lập các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Trị sự tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy châm cứu, dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức… Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần cứu rỗi những con người lầm lạc và giúp xóa đi sự kỳ thị, mặc cảm xã hội đối với các bệnh nhân, đồng thời hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này. Bên cạnh đó với hệ thống gần 200 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa và hàng trăm phòng thuốc nam, châm cứu đang hoạt động có hiệu quả tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã khám và phát thuốc Đông Tây y, châm cứu, bấm huyệt cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân với kinh phí hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hệ thống nhiều trường dạy nghề ở các địa phương trong cả nước đã góp phần trang bị nhưng kỹ năng nghề cho nhiều đối tượng khó khăn như : May, điện gia dụng, tin học, sửa chữa xe… miễn phí. Hàng năm đã đào tạo hàng ngàn học viên ra trường và giới thiệu cho các trung tâm giới thiệu việc làm, như: 2 chùa Tây Linh do Ni sư Thích Nữ Như Minh trụ trì và chùa Long Thọ (Thừa Thiên - Huế) do Ni sư Thích Nữ Minh Tánh trụ trì hàng năm tổ chức 2 khoá học đào tạo nghề thêu, đan, may… Kể từ khi thành lập đến nay, hai cơ sở này đã đào tạo hơn 1.000 học viên, giới thiệu vào làm việc tại các công ty. Chùa Kỳ Quang II, Thành phố Hồ Chí Minh do sư thầy Thích Thiện Chiếu trụ trì hàng năm đã hướng nghiệp, dạy nghề cho hàng trăm học viên ra trường có công ăn việc làm ổn định; sư thầy Thích Nhuận Tâm (chùa Lá, Thành phố Hồ Chí Minh) mở nhiều lớp học dạy tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa miễn phí cho hàng trăm thanh, thiếu niên nghèo…[22].
3. Khai thác các giá trị, hệ giá trị, chuẩn mực tôn giáo vào trong hành xử xã hội – trường hợp các tôn giáo nội sinh Nam bộ và công cuộc khẩn hoang tạo lập cộng đồng mới vùng miền tây Nam bộ
Nếu nhìn lại lịch sử Nam bộ giai đoạn cuối 18 đầu 19 với những đặc điểm xã hội như: là mảnh đất của tội phạm triều đình lưu đày; nơi dân tứ chiếng tụ họp; con nhiều tranh chấp giữa cư dân bản địa (Khơ me) và người Việt Nam tiến; thành phân dân tộc phức tạp (Việt – Chăm, Khơ me, Hoa)[23]. Với hạ tầng đất đai hoang hóa, sình lầy ngập mặn thú dữ sinh sống; quản lý hành chính nhà nước của Triều Nguyễn chưa vươn tay tới… Tất cả những hạ tầng tự nhiên và thành phần dân cư phức tạp ấy đã in dấu ấn trong đời sống, lối sống và văn hóa ứng xử mà nhiều tài liệu trước đây khi nghiên cứu về vùng đất này đã cho biết đó là xung đột xã hội; tranh cướp đất đai, người bóc lột người... Trong bối cảnh ấy Bửu Sơn Kỳ Hương và các hệ phái sau này (Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn...) đã giương lên ngọn cờ tôn giáo để tập hợp lực lượng thực hiện hành động xã hội với những công cuộc dinh điền đại quy mô về biên giới phía Tây biến những vùng hoang vu sình lầy chưa có chủ để lập nên những vùng đất đai màu mỡ cho canh tác nông nghiệp và xây dựng những xóm làng trù phú như Thới sơn, Láng Linh ở Tịnh Biên (An Giang) và hàng chục làng mang các tên An Định, An Hòa, An Lập... ở Tri tôn (An Giang). Ở phương diện này các tôn giáo nội sinh không chỉ dừng lại ở mức độ huy động được nguồn lực xã hội để tiến hành tổ chức các cuộc dinh điền đại quy mô, mà lực lượng của tôngiaó nội sinh Nam bộ đã thực sự đã trở thành lực lượng xã hội lớn dám dấn thân và thành công trong chiến lược mở nước cho người Việt về phía Tây Nam của tổ quốc.
           Không chỉ dừng ở các công cuộc dinh điền quy mô lớn này mà bằng các hệ thống luân lý tự mình xây dựng bằng cách làm mới lại các giá trị của Phật giáo, Nho giáo và đạo lý Việt Nam các tôn giáo nội sinh với tôn chỉ Học Phật – Tu Nhân, lấy Tứ ân làm phương châm hành đạo... các thủ lĩnh của tôn giáo nội sinh Nam bộ đã khéo léo chắt lọc những nội dung nhân văn từ Phật giáo, Nho Giáo, giản lược đi, giải nghĩa ra cho đơn giản phù hợp với trình độ, luân lý và văn hóa  của người dân Việt phía Nam mà làm thành hệ thống giáo lý cho tôn giáo của mình và  chuyển hóa thành phương châm tu tập cho tín đồ của mình mà tạo ra những giá trị sống mới cho những quần cư mới. Về điểm này các tôn giáo nội sinh đã không chỉ xuất hiện và tạo ra sự nghiệp của mình với tư cách dòng tôn giáo cứu thế mà đứng ở phương diện nguồn lực tôn giáo các tôn giáo nội sinh đã thực hiện được sứ mệnh vô cùng to lớn đó là hoàn thiện nhân cách con người, tổ chức lại đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng cho những quần cư lưu tán[24]. Điều quan trọng và giá trị hơn nữa chính là bằng cách thiết lập nên những cộng đồng quần cư mới, sống và hành xử theo những hệ giá trị mới, tuân thủ tu hành suốt đời theo đạo nhân luân, bảo tồn lối sống văn hóa Việt...Như vậy với cách thức tạo ra hệ giá trị mới và đưa hệ giá trị đó vào trong hành xửa xã hội, các tôn giáo nội sinh Nam bộ không chỉ tạo ra một cộng đồng người Việt Nam thuần hậu sống và ứng xử với nhau theo một đạo lý chung, tuân thủ những hệ giá trị chung mà bằng cách này các tôn giáo nội sinh Nam bộ đã xây dựng và thiết lập được vành đai văn hóa Việt ở vùng biên giới Tây Nam của tổ quốc[25]. Đóng góp này của tôn giáo nội sinh đã không chỉ với tư cách là nguồn lực xã hội mà còn là lực lượng xã hội quan trong trong công cuộc mở nước và thiết lập đường biên bằng văn hóa. Đây là những giá trị hữu dụng và xét ở khía cạnh nguồn lực của tôn giáo là những đóng góp lớn của các tôn giáo nội sinh mà xưa nay ít được đề cập và tôn vinh.
4. Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù đã được nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn, nhưng đánh giá đúng về nguồn lực tôn giáo chưa phải đã được quán triệt trong nhận thức ở các cấp lãnh đạo ở tất cả các cấp, các địa phương, vì vậy vẫn chưa tạo ra những cơ chế để các tôn giáo tham gia dấn thân nhiều hơn trong các hoạt động xã hội. Đơn cử các khảo sát của chúng tôi cho biết riêng hệ thống Công giáo ở Việt Nam hiện nay đã có thể tham gia trong lĩnh vực giáo dục các cấp (từ mầm non tới đại học) nhưng cho đến nay mới chỉ được cấp phép cho tham gia đào tạo trong khu vực mầm non.
Nhiều chương trình nhân đạo từ thiện của các tôn giáo khi thực hiện vẫn bị khá nhiều các rào cản về thủ tục hành chính, thậm chí nhiều địa phương các tổ chức tôn giáo bị buộc phải cộng tác cùng các cơ quan chức năng địa phương như Mặt trận tổ quốc hay Ban dân vận để triển khai các dự án từ thiện, nhân đạo. Điều đó vô hình chung tạo ra một lực lượng trung gian trong công tác từ thiện xã hội và đương nhiên tình trạng thất thoát, từ thiện không đúng đối tượng đã và vẫn xảy ra.
Do quan điểm cảnh giác quá mức với tôn giáo, nên nhiều địa phương trong ứng xử với các tổ chức tôn giáo có yếu tố  nước ngoài, hay các dự án nhân đạo của các tổ chức tôn giáo nước ngoài mỗi khi có các chương trình, dự án nhân đạo vào Việt Nam, cũng gặp khá nhiều rào cản, phải làm quá nhiều các thủ tục hành chính. Điều này không tránh khỏi sự rút lui của nhiều chương trình dự án rất hữu ích cho người nghèo trong bối cảnh địa phưuơng còn hạn chế về nguồn lực phục vụ cho an sinh xã hội.
Trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức tôn giáo cũng có những biểu hiện hơi cực đoan như đấu tranh chống fomosa xả thải làm hư hại môi trường biển kéo theo sự thất nghiệp của hàng triệu đồng bào ven biển. Trên thực tế chính quyền không hề hỗ trợ giáo dân biểu tình có quy củ mà để nhà thờ tổ chức và đương nhiên không đủ lực lượng và kinh nghiệm để có thể tổ chức tốt các cuộc biểu tình mà gây ra những hành động cực đoan. Trong những trường hợp như thế việc quay lưng lại với nhà thờ, hay đàn áp tín đồ, hoặc chụp mũ cho là tín đồ bị các thế lực phản động xúi giục… đều đưa đến những hậu quả không tốt, làm mất đi niềm tin vào chính quyền của các tổ chức tôn giáo, vừa không huy động được các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, vừa tạo ra những tiền lệ xấu về ứng xử với tôn giáo.
Trong ứng xử với các hoạt động của các tôn giáo hiện nay vẫn còn có nhưng ưu ái với tôn giaó này và cẩn trọng với hoạt động của tôn giáo kia gây ra những hiểu lấm trong nhiều giới chức tôn giaó về thái độ ứng xử của nhà nước và địa phương với tôn giáo. Chưa kể văn bản pháp luật và quan điểm trong ứng xử với tôn giáo ở cấp chính quyền Trung ương thì lại khá chuẩn mực hài hòa trong khi đó tại các cấp chính quyền địa phương lại khá chặt chẽ, thậm chí quan trọng hóa, chính trị hóa…thực tế này dẫn đến khó huy động được nhiều nguồn lực của các tôn giáo tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương…
Trong khi tiếng nói của các đại diện tôn giaó trên diễn đàn nghị trường vẫn còn khá thiếu vắng và yếu ớt, thì lực lượng quản lý tôn giáo (là cơ quan chuyên trách về tôn giáo và có chức năng tư vấn lãnh đạo về các vấn đề liên quan tới tôn giáo) tại các địa phương còn khá mỏng, thiếu và yếu (yếu cả về tri thức tôn giáo và kỹ năng tác nghiệp). Vì vậy không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương. Đây cũng là lý do nhiều địa phương không huy động được các nguồn lực tôn giáo vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
5. Kết luận
Mặc dù chưa thể thống kê hết những đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam, tuy  nhiên thông qua hàng loạt các hoạt động cụ thể và các con số như đã nêu ở trên đã phản ảnh một cách khách quan và trung thực khả năng và năng lực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội của  các tôn giáo ở Việt Nam. Trong điều kiện an sinh xã hội ở Việt Nam còn chưa phủ rộng khắp các đối tượng yếu thế trong xã hội, nguồn lực của nhà nước, địa phương còn nhiều hạn chế thì tại các vùng, miền, địa phương các tôn giáo đã trở thành nguồn lực tại chỗ, sát sao và thiết thực bù đắp những thiếu hụt, vất vả cho người nghèo, người yếu thế. Với đặc tính làm điều phước thiện là phương châm tu hành, trong nhiều năm nay các tôn giáo ở Việt Nam đã trở thành lực lượng xã hội không nhỏ góp phần mang lại hạnh phúc cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo tiến tới mục đích thực hiện công bằng  xã hội.  Những hoạt động từ thiện của các tôn giáo trong những năm vừa qua và đặc biệt là trong đại dịch Covid trong hai năm trở lại đây không chỉ thể hiện tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái mà còn thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm xã hội và tiềm năng cống hiến rất lớn của  các tôn giáo ở Việt Nam.
 Với ưu thế là hành động vì đức tin tôn giaó, cống hiến cho cộng đồng là thể hiện tinh thần bác ái, từ bi, là hành động thiết thực của cuộc sống tu hành  nên các tôn giáo ở Việt Nam từ những tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo đến các tôn giáo nhỏ như Cao đài, Hòa Hảo…đều đã thể hiện một tinh thần nhập thế sôi nổi. Từ phương diện này các tôn giáo đã đóng góp cho xã hội những nguồn lực lớn lao về con người, vật chất, tiền bạc.  Tất cả những đóng góp này không chỉ đúng thời điểm, trúng đối tượng mà còn giảm tải rất lớn gánh nặng an sinh xã hội cho chính quyền các cấp, các địa phương.Thiết nghĩ nếu có những cơ chế tốt và phù hợp với một hành lang pháp lý tốt hơn sẽ tạo ra những tiền đề quan trọng  để các tôn giáo đóng góp được nhiều hơn nữa cho nguồn lực xã hội, thực hiện sứ mệnh của mình là mang lại cuộc sống an yên, hạnh phúc cho cộng đồng./.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Đạo tam kỳ phổ độ (tòa thánh Tây Ninh),Trang tin tức đạo sự. https://www.daotam.info; https://caodai.online>2019
2. Trần Thị Thu Hiền (2014) Hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội của Công giáo ở Việt Nam hiện nay. L.a tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. Học viện KHXHVN.
3. Huỳnh Lứa (2000) góp phần tìm hiểu vùng đất Nam bộ các thế kỉ XVII, XVII, XIX. Nxb KHXH, TP HCM.
4. Nguyễn Phú Lợi “Vai trò của người Công giáo tham gia vào công tác xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo”. Nguồn http://tapchimattran.vn> Đại đoàn kết.
5. Châu Loan (2019) “Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên: Khuyến khích các hoạt động từ thiện, bác ái, bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp”, Tạp chí Môi trường số 9.
6. Nguyễn Ngọc Mai (2020) “Sứ mệnh của các tôn giáo nội sinh Nam bộ trong thời kỳ đầu thành lập, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 9.
7. Nguyễn Ngọc Mai (2020) Các tôn giáo nội sinh Nam bộ (Nghiên cứu Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn). Đề tài cấp bộ, lưu tại Viện Hàn lâm KHXHVN.
8. Nguyễn Ngọc Mai (2021) “Cao đài và Hòa Hảo với hoạt động từ thiện xã hội”. chuyên đề viết cho dự án  thông tin truyền thông về tôn giáo.
9. Trần Đức Quỳnh “Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác  từ thiện xã hội”, Trang thông tin điện tử Mặt trận tổ quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn.
[1] Xem Trần Thị Thu Hiền ( 2014) Hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội của Công giáo ở Việt Nam hiện nay. L.a tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. Học viện KHXHVN tr 70
[2] Xem Trần Thị Thu Hiền ( 2014) Hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội của Công giáo ở Việt Nam hiện nay. L.a tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. Học viện KHXHVN tr 7[3] Nguyễn Phú Lợi “Vai trò của người Công giáo tham gia vào công tác xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo”. Nguồn http://tapchimattran.vn> Đại đoàn kết.
 
[4] Trần Đức Quỳnh “ giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác  từ thiện xã hội”, Trang thông tin điện tử mặt trận tổ quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn
 
[5] Trần Đức Quỳnh “ giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác  từ thiện xã hội”, Trang thông tin điện tử mặt trận tổ quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn
[6] Trần Đức Quỳnh “ giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác  từ thiện xã hội”, Trang thông tin điện tử mặt trận tổ quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn
[7] Là một trong 4 cơ quan lớn trong hệ thống tổ chức của đạo Cao Đài, trực thuộc Hiệp Thiên Đài

[8] Châu Loan, “Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên: Khuyến khích các hoạt động từ thiện, bác ái, bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019.

[9] Đại Đạo tam kỳ phổ độ (tòa thánh Tây Ninh),Trang tin tức đạo sự. Đăng ngày 4/5/2014.

[10] Hồng Phượng (2021) Nhiều mô hình, cách làm hay của đồng bào các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, trang tin điện từ của mặt trận tổ quốc Việt Nam, mục Dân tộc – Tôn giaó, ngày 30/8/2021.Nguồn http://mattran.org.vn

[11] Thành Châu “ Hội thánh cao đài ban chỉnh đạo tích cực ủng hộ phòng chống dịch covid – 19” . Trang thôngh tin điện tử, Mặt trận tổ quốc việt nam. Mục dân tộc – tôn giáo
[12]  Nguồn: https://baoangiang.com “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chung tay vì cộng đồng. Đăng trên trang tin điện tử Dân Vận Trung ương mục công tác tôn giáo ngày 26/6/2019
[13]  “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chung tay vì cộng đồng. Nguồn: https://baoangiang.com.vn. Đăng trên trang tin điện tử Dân Vận Trung ương mục công tác tôn giáo ngày 26/6/2019
[14] Báo cáo phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết năm 2018 của PGHH do ông Lê Ngọc Lợi ( phó trưởng ban trị sự trung ương, trưởng ban từ thiện xã hội).
[15] Theo tin từ  Chánh Tâm, tổ cất nhà từ thiện PGHH tổng kết hoạt động năm 2018, Ban trị sự TW PGHH. Đăng ngày 8/10/2021.

[16] Lam Khuê”Đồng bào Phật giáo Hòa Hảo TPHCM đã tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội”

Ngày 20/6/2019. Đăng trên trnga điện tử, Đảng bộ thành phố HCM

[17] Tiến Lên “Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang tổng kết hoạt động đạo sự năm 2020”. Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang. ngày 20/1/2021

[18] Tiến Lên “Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang tổng kết hoạt động đạo sự năm 2020”. Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang. ngày 20/1/2021

[19] Xem Trần Thị Thu Hiền ( 2014) Hoạt động của các tổ chức từ thiện xã hội của Công giáo ở Việt Nam hiện nay. L.a tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. Học viện KHXHVN, tr 39 -40

[20] Nguyễn Phú Lợi “Vai trò của người Công giáo tham gia vào công tác xã hội trên lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo”. Nguồn http://tapchimattran.vn> Đại đoàn kết.

[21] Nguyễn Phú Lợi, tài liệu đã dẫn
[22] Trần Đức Quỳnh “ giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác  từ thiện xã hội”, Trang thông tin điện tử mặt trận tổ quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn
[23] Xem : Huỳnh Lứa (2000) góp phần tìm hiểu vùng đất Nam bộ các thế kỉ XVII, XVII, XIX. Nxb KHXH, TP HCM tr 254; Nguyễn Ngọc Mai ( 2020) Các tôn giáo nội sinh Nam bộ. Đề tài cấp bộ, lưu tại viện nghiên cứu tôn giaó, tr 12- 36.
[24] Xem: Nguyễn Ngọc Mai ( 2020) “Sứ mệnh của các tôn giáo nội sinh Nam bộ trong thời kỳ đầu thành lập”, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 9.
[25] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Mai (2020) Các tôn giáo nội sinh Nam bộ. Đề tài cấp bộ, lưu tại Viện nghiên cứu tôn giaó, tr 113- 136.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Kinh nghiệm và Thành tích nghiên cứu của TS Nguyễn Ngọc Mai

1. Kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu trong 5 năm gần đây  1.1. Hướng nghiên cứu chính theo đuổi: * Văn hóa dân gian ;  Văn hóa Hà Nội; * Các loại hình tôn giáo truyền thống * Các vấn đề văn hóa, xã hội 1.2. Danh sách đề tài/dự án nghiên cứu tham gia và chủ trì thực hiện có liên...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay826
  • Tháng hiện tại19,593
  • Tổng lượt truy cập6,904,550
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây