Căn tính & lối sống của người Việt - những rào cản trong phát triển con người

Thứ ba - 03/01/2017 02:00
Trong những tuyên bố về phát triển con người của UNESCO là “ của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Con người vừa là mục tiêu, nhưng cũng là động lực của sự phát triển, vì thế trong một ngành/ nền sản xuất thì yếu tố nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng và trong một quốc gia thì yếu tố con người cũng là khâu then chốt.
TS Nguyễn Ngọc Mai trong một buổi đi điền dã
TS Nguyễn Ngọc Mai trong một buổi đi điền dã
Các nghiên cứu về con người và bản sắc văn hóa Việt Nam xưa cũng như nay đã chỉ ra rất nhiều những yếu tố, đặc điểm, bản sắc của người Việt Nam  nhưng đặt nó trong mối quan hệ với phát triển con người thì lại chưa có nhiều thống kê, lập luận. Vì thế người Việt Nam vẫn nhận diện ra mình, vẫn biết mình có những ưu điểm và nhược điểm gì, song khi đặt vào trong một kế hoạch chiến lược của phát triển  thì dường như lại vẫn bế tắc. Chính vì vậy mà sau hàng chục năm tham gia báo cáo phát triển con người do UNESCO phát động, nhưng HDI Việt Nam vẫn chỉ đứng ở vị trí 121/ 187 quốc gia. Do khuôn khổ của tham luận, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề căn tính và lối sống của người Việt Nam, qua đó ngõ hầu muồn tìm ra nguyên nhân cơ bản khiến năng lực người Việt trở nên “lạc điệu” với hội nhập và phát triển.
Nếu như lối sống là một thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ cách mà con người ta ứng xử với xung quanh (tự nhiên, xã hội) và phương thức mà con người ta sinh sống, Trong khi đó căn tính lại là một khái niệm rất ít được dùng.Căn tính con người trong tiếng Anh có khái niệm tương thích là identity (còn được hiểu là bản sắc), nhưng khái niệm bản sắc mới chỉ phản ánh tính đặc thù, đặc trưng mà chưa nói lên được căn nguyên sâu xa của bản tính hay bản sắc đó, vì thế khái niệm căn tính có thể chuyển thành the root of Identity.
Trong Hán - Việt từ nguyên “căn tính” được diễn đạt như sau: “Căn”rễ, ‘tính” là tư chất tự nhiên. Trong lời phật dạy có câu “ cái rễ có nghĩa là phát sinh tính con người, cũng như cái rễ có thể sinh điều thiện hoặc điều ác”[1]. Vì vậy căn tính được hiểu là gốc rễ của tư chất con người. Đối với cá nhân, căn tính đó quy định tính cách, tư chất của con người; đối với cộng đồng thì căn tính quy định bản sắc của một cộng đồng đó. Tất nhiên trong quá trình định hìnhtính cách, khí chất của con người nói chung thì ngoài yếu tố căn tính cũng chịu ảnh hưởng tác động chi phối của môi trường tự nhiên và xã hội mà làm thành thuộc tính, bản sắc của cá nhân hay nhóm người đó. Bản tính gốc cũng di truyền theo các thế hệ, tất nhiên cũng có điều chỉnh và thay đổi giữa các đời. Người Việt Nam có câu: “giỏ nhà ai, quai nhà nấy” là nói lên đặc tính di truyền về hình dáng bên ngoài nhưng cũng bao gồm cả sự di truyền căn tính gốc đó qua các thế hệ. Căn tính con người quy định những đặc trưng tâm lý, tính cách và khí chất vì thế nó quy định tính chủ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực của con người. Trong khi quan điểm phát triển con người của UNESCO thì phát triển con người là mở rộng cơ hội và nâng cao năng lực, do vậy đi tìm hiểu căn tính của con người cũng đồng nghĩa với việc chỉ ra những đặc thù của năng lực con người.
Các nghiên cứu về PTCN ở Việt Nam đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến PTCN ở Việt Nam kém và chậm chạp là do nhiều nguyên nhân từ phía nhà nước như thể chế, dân chủ… nhưng cũng có nguyên nhân từ phía chính người dân đó là năng lực tiếp nhận cơ hội. Một trong những yếu tố làm cho năng lực của người VN trở nên yếu kém đó là tính chủ thể. Tính chủ thể (human agency) theo nghĩa triết học là khả năng con người đưa ra lựa chọn và thực thi lựa chọn đó một cách phù hợp với môi trường xung quanh. Thông thường tính chủ thể là sự năng động mang tính xã hội-lịch sử trong hoạt động của con người. Tính chủ thể, do vậy, càng cao khi con người có sự tự do, tính chủ động cao trong lựa chọn và thực thi hoạt động. Theo quan niệm của Các Mác, tính chủ thể chỉ có ở con người như một thực thể xã hội, được tổ chức để hành động trong sự phối hợp với người khác, với nhóm, tập thể và với xã hội. Do vậy, tính chủ thể của con người khi tồn tại ở cấp độ nhóm, cộng đồng, tộc người và dân tộc mang bản sắc văn hóa của cộng đồng, tộc người và dân tộc đó.Từ đây cho thấy tính chủ thể của người VN có liên quan chặt chẽ đến bản sắc văn hóa và căn tính người Việt Nam.
Căn tính người VN được hình thành như thế nào?Nó có bị quy định bởi đặc điểm chủng tộc và chịu sự chi phối của những trạng thái tự nhiên - xã hội và lối sống của Việt Nam hay không, căn tính đó có phải là rào cản trong PTCN chính là những nội dung mà tham luận này tập trung tìm hiểu và lý giải.
1.Về đặc điểm nhân chủng học:
          Theo Toan ánh dẫn lại từ các nghiên cứu về  nhân chủng học ở Việt Nam, cho biết “khoảng trước Tây Lịch 4000 năm người Anh – đô – nê – diêng bị người A ri ăng đánh đuổi từ Ấn độ đã chạy thành 3 hướng : 1) bán đảo Đông Dương, 2) lên Tây Tạng và 3) sang lưu vực sông Dương Tử. Nhóm đến bán Đảo Đông Dương về sau lai giống với người Mê – la – nê từ các Đảo Tây nam Thái Bình Dương lên mà thành tạp chủng Mê la nê - Anh – đô – nê – diêng[2]. Nhóm lên Tây Tạng lai với dân bản địa mà thành nhóm Nam Á, nhóm sang lưu vực sông Dương tử làm thành tổ tiên Bách Việt. Về sau cả nhóm Nam á + Bách Việt đều bị Hán hóa, một số đã di trú xuống phía Nam lại hợp huyết với nhóm bản điạ ở trung châu sông Hồng + tạp chủng Mê la nê - Anh – đô – nê – diêng từ hải đảo đến mà tạo thành dòng giống Việt Nam.Sơ đồ chủng tộc này cho thấy người Việt Nam là một dân tộc không thuần nhất mà là một tạp chủngdo sự hỗn huyết của nhiều yếu tố” Mê la ne + Anh đô nê diêng + Nam á + Bách Việt +Hán + Mông Cổ. Hỗn huyết nhiều huyết tộc = hợp chủng tộc nên từ đó quy định căn tính người Việt Nam: cởi mở, dễ tiếp nhận, hòa hợp với mọi nguồn văn minh của mọi giống người từ các nơi kéo đến[3].
Gen gốc có ảnh hưởng gì đến căn tính của con người, các nghiên cứu về y học và tâm lý học cũng đã chỉ ra những yếu tố sau có khả năng chi phối và quy định đặc điểm thể chất mạnh – yếu, khí chất can trường hay dễ đầu hàng; linh hoạt hay điềm tĩnh… của con người gồm:
1) Dịch thể (Hypocrat; Galen) với thuyết này thì tỷ lệ máu và các chất nhày, mật) trong cơ thể sẽ quy định khí chất của con người
2) Hình thái- thể tạng (I. Căng) với quan điểm này thì cấu tạo thân thể béo - gầy, cao – thấp) sẽ quy định khí chất của con người.
3) Thần kinh ( I.p. Paplop) theo thuyết này thì sự phối hợp nhất định của các tính chất riêng lẻ của hệ thần kinh sẽ quy định khí chất con người
Như vậy thì PTCN Việt Nam không chỉ phải đi tìm căn tính lối sống mà còn phải xem xét đến sự tác động của các yếu tố (dịch thể, thể tạng, thần kinh) đến đặc điểm thể chất, khí chất người Việt Nam để có thể thiết kế những chiến lược PTCN phù hợp. Khi con người là một thực thể xã hội thì điều có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển năng lực con người còn là các nhân tố xã hội. Những nhân tố này luôn chi phối tính chất hoạt động lao động xã hội trong các điều kiện môi trường xã hội tương ứng và do đó xác định sự hình thành các đặc điểm tâm lý của cá nhân con người (kể cả năng lực)
2.Môi trường sống và căn tính của người Việt Nam xưa và & nay   
Có thể thấy ngay là môi trường tự nhiên nơi người Việt Nam sinh sống đó là: khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa không thuần nhất nên thời tiết thường xuyên là nóng và ẩm; có một mùa đông lạnh và ẩm. Sự không thuần nhất của khí hậu dẫn đến các vùng miền có nhiều đặc điểm khí hậu khác nhau, một số thời điểm trong năm khí hậu rất bất lợi cho con người và gia súc.Ngoài tính đa dạng, khí hậu Việt Nam còn rất thất thường, biến động mạnh, không theo quy luật vì thế lao động, sản xuất gặp nhiều khó khăn và gần như không tránh được hậu quả của thiên tai. Môi trường sống thất thường và luôn diễn biến bất thường đã khiến chủ thể của vùng đất này luôn sống trong nỗi lo sợ thường trực về thiên tai. Như vậy, thì bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên cho một nền nông nghiệp hoa quả nhiệt đới thì VN cũng lại là địa bàn của những tai ương, hiểm họa chưa bao giờ ngớt. Môi trường sống khắc nghiệt đã quy định một nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún và cố nhiên là phân tán. Khi phân tán thì không thể cho phép con người ta có thể đầu tư toàn bộ trí tuệ, nhân tài, vật lực vào một hạng mục/ lĩnh vực nhất định nào đó vì thế khó đạt tới sự tinh vi, kĩ xảo cao, tóm lại là sự thành công lớn mang tính đột phá trên một lĩnh vực. Mô hình sản xuất các làng Việt là thế này: cấy lúa + trồng màu + chăn nuôi; hoặc cấy lúa + trồng màu + chăn nuôi + buôn bán nhỏ; hoặc cấy lúa + tiểu thủ công nghiệp + buôn bán nhỏ; thủ công + buôn bán+ làm thuê… Khi những làng xã thành đô thị theo các quyết định hành chính (đô thị ở Việt Nam hầu hết hình thành từ quyết định hành chính) những người nông dân thành thị dân thì mô hình làm ăn tại đô thị là: quy tụ thành phường nhưng làm ăn theo quan hệ làng xã, mỗi làng thành một phố bán một mặt hàng: hàng da (dân kinh Bắc), hàng Bạc (dân Định Công); hàng Đào (làng nhuộm điều Bắc Ninh)…và mối quan hệ gắn bó với làng quê cũ không hề dứt[4]; một tầng lớp khác ở đô thị đó là quan chức thì làm ăn như sau: trông vào bổng lộc + buôn bán[5]; và công chức là: lương + buôn bán (làm ngoài); còn tầng lớp công nhân thì: làm công ăn lương + làm ăn thêm[6]…với những mô hình linh hoạt kiểu này có thể thấy ngay vì sao trong làm ăn người Việt Nam khó có thể nào đột phá trên bất cứ lĩnh vực nào. Nguyên nhân rất đơn giản làm một nghề thì không đủ sống cho bản thân và nuôi gia đình, vì vậy phải làm nhiều nghề. Sự dàn trải đầu tư sức lực và trí tuệ cộng với tố chất về thể chất không bền đã khiến ở VN rất hiếm hoi những sự thành công và thành nhân trên một lĩnh vực cụ thể và cũng không có thành tựu gì đặc sắc tầm thế giới.Kinh tế nhỏ dẫn đến xu hướng xúc cảm cũng bình dị khiêm nhường, “người Việt Nam chuộng caí bình thường, vừa phải, gần gũi, quen thuộc, tránh mọi cực đoan, vì thế trong văn hóa người Việt nam không có cái gì gọi là hoành tráng, kì vĩ làm người ta sợ”[7]. Trong kiến trúc cũng “không có công trình kiến trúc nào kể cả của vua chúa nhằm vào sự vĩnh viễn. Hình như ta coi trọng thế hơn lực, quý sự kín đáo hơn phô trương; sự hòa đồng hơn rạch ròi trắng đen. Phải chăng đó là kết quả lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc”[8]. Khi sự được mất trở nên thường trực thì những rủi ro đã trở thành nỗi ám ảnh sâu thẳm trong tiềm thức mà hình thành nên kinh nghiêm truyền đời qua các thế hệ làm thành cách sống luôn phải lo âu, phòng bị, lo cho đời mình, đời con, cháu mình. Và thế là từ đây đẻ ra lối sống ăn chắc mặc bền cho cá nhân, gia đình mình còn ứng xử với xung quanh và với xã hội là “cờ đến tay ai nấy phất”; sẵn sáng lèo lái, biến báo làm sao để mình có lợi nhiều và nhanh nhất. Tư duy ấy cho đến nay vẫn còn phổ biến làm ăn sinh kế nói chung: nông dân thì sử dụng chất kích thích, chất tăng trưởng để miễn sao có lợi; thương nhân thì chặt chém, lừa đảo khách; hàng doanh nghiệp thì thay vì chọn lựa những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với lợi thế của vùng, miền và thiết kế những chiến lược làm ăn với sứ mệnh, và tầm nhìn cụ thể thì lại chủ yếu là làm ăn chộp giật, thương mại là chủ yếu chú không đầu tư vào sản xuất; doanh nghiệp quốc doanh thì chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên để bán cho nước ngoài chia nhau nên khi hạch toán thì hầu hết đều thua lỗ (do không có tư duy chiến lược, bóc ngắn, cắn dài, thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế ở tầm quy mô lớn; tham nhũng, tư túi cho cá nhân, gia đình và dòng họ của mình…) nên dẫn đến thất thoát hàng trăm tỷ mà Vinaline, Vinashin, PVC…là những tập đoàn như thế.
          Với một thái độ sống có tính truyền thống là “mang ơn”, từ “ơn trời mưa nắng phải thì” đến “ lạy chín phương trời, mười phương đất” rồi đến chịu ơn mưa móc của vua quan,  sau này là lãnh đạo nên đa số ở các cá nhân trở nên thiếu và yếu về bản lĩnh sống. Thái độ này khiến cho tự ngàn xưa các chủ thể của văn minh sông Hồng trở nên thụ động, trông chờvào trời vào đất theo kiểu: “trông trời trông đất trông mây/ trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/trông cho chân cứng đá mềm/trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.Cộng với một bề dày của thiết chế xã hội quân chủ độc tài, mọi quyền lực đều phân bổ trong tay một ông vua và đám quan lại, người dân chưa bao giờ nhận thức được và có được quyền của mình, ngay cả quyền con người. Thuyết lý quân – sư – phụ đã khiến người nông dân ngoài việc chịu sự đè nặng của thần quyền lại thêm thế quyền, môi trường xã hội đó kéo dài hàng nghìn năm dẫn đến triệt tiêu ý thức về nhân quyền. Vì vậy ngay cả khi được trao cho một số quyền (bởi cách mạng đem lại) thì các quyền đó cũng chỉ là trên giấy tờ (lý do  ý thức về nhân quyền của người dân Việt Nam vẫn không cao nên hệ thống quyền lực nhà nước vẫn thực thi pháp luật và điều hành xã hội dựa trên quyền của những người có lợi thế). Đây là lý do hành pháp ở Việt Nam chưa bao giờ chấp pháp, và vì không chấp pháp nên càng khó khi thiết lập kỉ cương ở bất cứ lĩnh vực nào.Khi quyền lực có thể làm khuynh đảo xã hội, bất chấp cả luật pháp thì quyền lực cũng lại thành thứ hàng hóa có thể mua bán vì thế mà ngay cả người nông dân cũng mong muốn có được dù chỉ là chức trưởng thôn. Và thế là tình trạng “có tiền việc ấy mà xong nhỉ, đời trước làm quan cũng thế a” cũng đầy rẫy trong xã hội hiện đại.  vì thế mà có những tình trạng một thành phố Thủ đô khi rà soát lại đội ngũ lãnh đạo thì dư thừa ra số lượng lớn các lãnh đạo cấp phó; một ban của TW có tới 7 ông vụ trưởng, vụ phó nhưng chỉ có 2 nhân viên và một Sở lao động TBXH có tới 44/ 46 cán bộ làm lãnh đạo…Với một thực tế 11 triệu công chức, viên chức hưởng lương ngân sách… trong khi đó so sánh với Mỹ cũng chỉ có 2,1 triệu công chức, viên chức. Cách PTCN bất bình thường này có lẽ chỉ phổ biến ở Việt Nam.
Có rất nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam nói và viết về người Việt Nam có tính cộng đồng cao và chứng minh nó hữu ích trong đắp đê, đánh giặc, tương trợ xã hội … và cổ vũ cho tính cộng đồng ngày càng nảy nở,  nhưng nếu cân nhắc kỹ một chút sẽ thấy mặt trái của tính cộng đồng cũng gây ra khá nhiều hệ lụy. Nó làm cho vai trò của cá nhân chìm trong vai trò của tập thể, mà khi đã là vai trò của tập thể thì khỏi lo ai chịu trách nhiệm. Từ đây đẻ ra đặc trưng trong tính cách người VN là không dám làm, dám chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Đó là chưa kể đến tình trạng sử dụng/ lợi dụng cộng đồng vào những mục đích rất phi nhân văn. Ví như cần “đập chết” một cá nhân nào đó chỉ cần sử dụng ý kiến tập thể để quy kết, nhưng tập thể là ai thì lại chưa bao giờ minh bạch, muốn dìm ai thì sử dụng cộng đồng mạng, cộng đồng báo chí ra sức chửi bới bôi nhọ, thế là cá nhân đó tiệt đường sống; muốn khống chế, triệt hạ một ai chỉ cần giật dây trong nội bộ và lôi kéo đám đông phủ quyết thế là cá nhân đó dù có xuất sắc đến mấy cũng ngồi chơi xơi nước, tức là sử dụng cộng đồng cho những mục đích cá nhân/ nhóm thì lại rất phổ biến, nhưng sử dụng cộng đồng cho mục đích chung của quốc gia, dân tộc thì lại rất hiếm hoi. Có thể lấy ngay ví dụ khi cho nhà thầu Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác quặng hay tập đoàn Fomosa vào chế biến thép ở Miền Trung là những vị thế địa chiến lược của đất nước thì cũng chưa bao giờ thấy nhà cầm quyền VN trưng cầu dân ý.
          Xuất phát từ phương thức canh tác trong quá khứ của nền kinh tế tiểu nông là sản xuất hầu hết bằng sức người, mà sức người thì không thể là vô hạn nên phải tạo ra nhưng quy ước ràng buộc giữa các thành viên trong cộng đồng bằng luật tục và hương ước làng xã để các gia đình, cá nhân phải ràng buộc và duy trì quan hệ với nhau và với làng xóm để cùng cộng sinh, thực tế này dẫn đến cách ứng xử với nhau là dân chủ bình đẳng theo kiểu làng xã không ai chịu ai, hệ lụy của lối sống này là sự cào bằng theo kiểu “xấu đều hơn tốt lỏi”. Bị bó hẹp trong không gian sống của làng xã, ứng xử với nhau theo mô thức quan hệ huyết thống và dòng họ rồi mới đến làng xã, điều hành các quan hệ xã hội là bởi hệ thống luật tục nên văn hóa làng đã trở thành rào cản chính để các cá nhân khó có thể vượt ra ngoài làng. Sự tự trị cố hữu của làng xã đã từng phát huy tác dụng trong nhiều trường đoạn nước mất nhưng làng không tan, nhưng khi phương thức sống thay đổi người nông dân chuyển thành thị dân thì văn hóa làng lại chính là những rào cản cơ bản khiến cho văn minh đô thị, văn hóa công sở trở nên nhếch nhác: hệ quả của nó là thói đố kỵ cào bằng vẫn thống trị tại các cơ quan công sở; giao thông đô thị là một văn hóa bầy đàn; dư luận xã hội với cơ chế tin đồn vẫn làm mưa làm gió; vận hành và can thiệp các hoạt động xã hội vẫn là bởi các thứ lệ, chỉ thay “lệ làng” thành “lệ ngành”.Vì vậy mà văn hóa tổ chức, văn hóa cá nhân của người VN cả trong quá khứ cũng như hiện tại đều kém hơn so với cư dân gốc du mục phương Tây.
        Xuất phát từ một vùng đất mà biến động trở thành hằng số. Động về thời tiết, khí hậu: sáng nắng, chiều mưa, trưa tạnh;  động về xã hội: chiến tranh, địch họa, nội chiến ngoại chiến; động về chính sách, thể chế…tất cả những biến động đó từ trong quá khứ đến hiện tại đã quy định lối sống của người Việt Nam là chọn giải pháp sống an toàn. Vậy là cầu yên, cầu an; an phận thủ thường đã trở thành phương châm sống, thậm chí là lẽ sống. Cách sống yên phận đã quy định tính cách con người ta thể hiện trong cuộc sống đời thường đó là một phong cách sống không dám bộc lộ cái tôi, không dám thể hiện sự yêu ghét một cách trực diện, trong hoạt động sống thấy sai không dám đấu tranh; thấy khó khăn không dám dấn thân. Cách sống đó khiến cho người ta luôn thấy và giành được cái lợi trước mắt cho bản thân mà quên đi những thiệt hại lớn cho cộng đồng.Ngay cả những đội ngũ được mệnh danh là trí thức xưa và nay cũng chưa bao giờ làm nên cách mạng về tư duy, chính trị hay chí ít là khoa học, công nghệ bởi lẽ sống của trí thức xưa là: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch/ người quân tử ăn chẳng cần no/ đêm năm canh an giấc ngáy khò khò/ đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ”, còn trí thức nay là đội ngũ các nhà khoa học, làm khoa học, nơi cần bộc lộ chính kiến nhất thì cũng chỉ chọn những đề tài vô thưởng vô phạt, mang nặng lý thuyết, thậm chí xa rời cuộc sống, tất cả chỉ vì giải pháp an toàn. Lâu dần thành một thứ bệnh, trong tâm lý học gọi là bệnh khuyết chí (táng chí). Chứng khuyết chí của những hạng người thường thì chỉ biết kêu la, nói nhiều, làm ít “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” với hạng trí thức, khiến họ chỉ biết bàn tính suông, không thể đi đến một quyết định hay hành động nào, họ chỉ biết đặt vấn đề[9] và không bao giờ tìm và thực hiện môt giải pháp quyết liệt nào cả; với người cầm quyền thì chỉ biết hô hào lớn và đưa ra đường lối…
Cơ tầng văn hóa lúa nước, giao thông cũng phổ biến thuyền bè (đường thủy) lũ lụt cũng là mối đe dọa lớn nhất, quốc gia cũng dùng khái niệm đất nước…nên nước đã trở thành yếu tố nổi trội trong tâm lý ứng xử của người việt đó là tính thích ứng, linh hoạt theo kiểu “ ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”... Thích ứng linh hoạt khiến người Việt Nam trở nên nhanh nhạy, dễ xoay chuyển được tình thế, nhanh chóng nhận ra cơ hội, vận hội cho cá nhân mình vì vậy có nhiều nhận định cho rằng đó là sự thông minh. Nhưng sự thông minh đó lại bắt nguồn từ căn nguyên của tính thích ứng linh hoạt chứ không phải thông minh do trí tuệ và kiến thức (vì số đông người Việt Nam “chuộng học nhưng lại không có thực học” (vì học để làm quan xưa và học để có bằng và giữ ghế cho yên, hoặc để đủ điều kiện bổ nhiệm làm lãnh đạo chứ không phải học để lấy kiến thức)… nên tư duy thiếu tầm nhìn mà thành ra khôn, nhanh, khôn lỏi, hoạt bát quá thành ra lươn lẹo do đó trong làm ăn cũng như ứng xử xã hội người VN  rất ít chú ý đến việc củng cố chữ tín trong hợp tác, làm ăn.Thực tế này đã và đang khiến cho người VN ngày nay có chỉ số niềm tin vào nhau khá thấp. Dân bảo quan là “cướp ngày” (cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” và quan bảo dân là “bạc bẽo” (bạc như dân, bất nhân như lính); giữa bạn bè với nhau thì “ tin bạn mất bò”; giữa vợ chồng thì “tham nhân ngãi mà phụ nghĩa tào khang”; trong làm ăn thì “ tham bát bỏ mâm”; trong ngoại giao thì “thần phục giả vờ”…cách ứng xử ấy khiến trong gia đình thì vợ chồng chỉ cộng sinh chứ không cộng mệnh; ngoài xã hội thì không tạo ra liên kết bền chặt; doanh nhân doanh nghiệp thì thiếu đối tác thực sự để làm ăn và tương trợ nhau như kiểu người doanh nhân Trung Quốc (cả phố đóng cửa 1 tuần để vực một cửa hàng lên), hay ở Mỹ nhà cung cấp nguyên liệu phải chắc chắn đích xác đối  tác của mình là người sản xuất mới chịu cung cấp nguyên liệu để nguyên liệu có thể đến được với người sản xuất ở mức thấp nhất có thể; Trong khi đó ở VN thì bất cứ một quy trình mua bán sản phẩm nào đều có đủ các loại cò (đối tượng trung gian) gửi giá vì thế nguyên liệu đến được với người sản xuất thì giá cao ngất ngưởng nếu làm thì chỉ có lỗ, vậy là chỉ có đi làm thuê, hoặc gia công cho nước ngoài. Ngay cả làm khoa học thì vẫn cứ phải chịu định mức lại quả hay chiết khấu, hoặc chi cho những hoạt động phi khoa học từ 40 - 50%. Đó là chưa kể những thể chế do các cấp lãnh đạo đưa ra hay can thiệp vào quy trình nghiên cứu của nhà khoa học. Đó là lý do chúng ta không thể nào có những công trình với kết quả tốt nhất.
Tính linh hoạt và thái độ sống lập lờ nước đôi nên trong tất cả mọi lĩnh vực đều không rõ ràng cụ thể, ở cá nhân thì không tỏ rõ chính kiến, ở quy mô quốc gia thì đường lối đối ngoại vẫn cứ là lách giữa những quốc gia lớn và không trung thành với bất cứ quốc gia nào vì thế mà luôn thiếu các cường quốc thực sự che chắn và bảo vệ. Sự kiện Mỹ lật đổ Ngô Đình Diệm, Trung Quốc đánh VN năm 1979 và vẫn đang chiếm các quần đảo ngoài khơi... là những ví dụ như thế. Kết quả cuộc điều tra XHH của viện nghiên cứu Con người về giá trị châu á tại Việt Nam cho biết 58% người dân VN trả lời không thể tin vào người khác. Khi không có niềm tin vào nhau, tất yếu trong làm ăn cũng như giao dịch xã hội khó có thể tạo nên vốn xã hội[10]. Lẽ đương nhiên thiếu vốn xã hội thì cá nhân, gia đình, doanh nghiệp nhỏ và cả quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi thái độ sống của người phương Tây nói chung là dấn thân, trải nghiệm và khám phá chính mình để tìm ra năng lực của mình và khẳng định giá trị của mình thì thái độ sống của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu là cầu cạnh, nhờ vả, xin xỏ …đến Thần và người, điều này khiến cho người Việt Nam ít có tư duy sáng tạo, và thói quen khẳng định giá trị bản thân trong cuộc sống. Về phương diện tâm lý học thì đó là thái độ ứng xử âm tính. Thái độ đó càng nặng nề thêm khi phải sống trong một môi trường xã hội của chế độ phong kiến tập quyền mượn danh thần quyền. Trong xã hội VN truyền thống vua còn trên cả thần, vua phong tước cho thần và thế tập chứ không phải dân bầu. Vua đại diện cho quyền năng và có toàn quyền bắt bất kì ai phải chết, cùng với bộ máy quan liêu phục vụ cho ông vua này từ TW đến tận làng xã với những luật lệ hà khắc được soạn ra để phục vụ cho lợi ích của đa số tầng lớp trên lại thấm đấm tư tưởng quân – sư – phụ của văn hóa Nho giáo nên  càng làm nặng thêm tính tôn ti, gia trưởng, tạo thêm áp lực cho dân chúng. Bị lệ thuộc vào quyền của thần, và quyền của người như vậy nên xã hội này đã đem lại cho số đông người VN một đặc tính đó là thụ động, không chịu tư duy, và không trăn trở tìm giải pháp khắc phục cho cuộc sống của mình, không dám vượt lên bản thân mình. Tệ hơn nữa là không dám làm gì khi không được sự đồng ý của cấp trên, của số đông. Tình hình này dẫn đến thực tế chỉ khi nào có vua sáng (lãnh đạo có tầm nhìn, sáng suốt và có trí tuệ) thì dân có cơ hội để thi thố tài năng, còn nếu vua (lãnh đạo) mà tối thì cấp dưới là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy. Cách ứng xử ấy phổ biến cả trong thứ dân lẫn trí thức mà Nguyễn Trường Tộ là một điển hình. Là một nhà cải cách nhưng rồi tư duy phục vụ cấp trên của ông đã kiến cả dự án cải cách lớn nằm đắp chiếu trong khi bản thân ông biết rõ lối thoát cho dân giàu nước mạnh. Cách ứng xử kiểu “lãnh đạo luôn đúng” ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức người VN nên ngay cả khi chế độ vua quan đã lùi vào lịch sử tới 70 năm nhưng một guồng máy vận hành xã hội mới với mô hình “Đảng trị” vẫn không nhiều thay đổi. Khi người dân không được trao quyền và không có tiếng nói thì việc trở nên lười nhác tư duy, không có thiên hướng khẳng định giá trị của mình cũng là lẽ đương nhiên. Tình trạng này kéo dài dẫn đến một hiện thực ngày xưa là quan lại cũng chỉ triều kiến để bàn xuông chuyện quốc gia hoặc làm thơ xướng họa còn ngày nay là cán bộ, công chức đến cơ quan làm việc theo kiểu đối phó, chỉ cốt chăm lo cho bổn phận và cơm áo gạo tiền của cá nhân, gia đình mình chứ không còn xác định được trách nhiệm xã hội của mình nữa. ‘Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đã thành hình ảnh ám chỉ sự vô trách nhiệm, thờ ơ với công việc của đội ngũ công chức. Còn doanh nhân, doanh nghiệp thì miễn làm sao có lợi nhiều còn cứ vô tư xả ra môi trường đủ mọi chất thải; quan chức thì cứ ký dự án đầu tư vô tội vạ miễn làm sao có lợi cho mình và nhóm của mình.
Sự nghèo khó, lối sống tự cấp tự túc của số đông dân chúng và một cuộc sống quen đóng kín với lệ tục và bế quan tòa cảng ở cả quy mô làng xã và quốc gia kéo dài trong truyền thống vì thế mà khiến lòng người cũng trở nên chật chội, tư duy không có tầm nhìn tạo thành mảnh đất tốt cho sự đố kị hẹp hòi khó chấp nhận các giá trị khác biệt với mình. Nhận định về tính cách này của dân tộc Việt Nam Trần Ngọc Thêm cho rằng “người Việt Nam thường mang tính chất nước đôi, vừa có tính thần đoàn kết tương trợ, lại vừa có óc tư hữu, ích kỷ và thói cào bằng, đố kị, vừa có tính thập thể hòa đồng lại vừa có óc bè phái địa phương, vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng lại vừa có óc gia trưởng tôn ti, vừa có tinh thần tự lập lại vừa có sự thủ tiêu vai trò cá nhân, vừa có tính cần cù và nếp sống tựu cấp tự túc lại vừa có tính ỷ lại dựa dẫm. Tất cả những cái tốt và xấu ấy cứ đi thành từng cặp và đều tồn tại ở người Việt Nam” và ông cũng cho rằng sở dĩ có những bản tính ấy là “đều bắt nguồn từ hai đặc trưng gốc trái ngược nhau là tính cộng đồng và tính tự trị”[11].
Khi chế độ cộng sản được thiết lập ở Việt Nam, bằng các tư duy vô thần theo kiểu chủ nghĩa kinh viện của Macxit thì toàn bộ thế giới Thần đã bị/ được dùng mọi cách để lật đổ. Chiến dịch cải cách những năm 1954 – 1960 có tính chất giống như trả thù giai cấp giữa những người nghèo với người giàu, giữa bần cố nông với nhóm địa chủ đã triệt hạ nốt những gì còn lại của cái gọi là tư duy kinh tế cá thể; làm đổ sụp hoàn toàn nền tảng đạo đức truyền thống và đánh mạnh vào hệ tư tưởng làng xã, phá hỏng toàn bộ thành trì của niềm tin tôn giáo và cũng là cuộc đảo chính của người với Thần. Khi con người không còn tin vào thế giới hữu linh nữa mà tự coi mình là thượng đế để làm chủ và điều khiển tất cả theo kiểu “bàn tay ta làm nên tất cả” thế là từ trạng thái cực âm, chuyển sang cực dương người VN hùng hổ tấn công vào thiên nhiên và chỉ sau 60 năm đã phá hỏng toàn bộ di sản thiên nhiên đươc gìn giữ mấy nghìn năm. Có thể kể ra những khủng nạn tàn phá rừng, núi như vậy ở khắp Việt Nam kéo theo hàng trăm con sông, hồ đang hấp hối…hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp bị biến mất hàng năm bởi các dự án đổi đất lấy hạ tầng. Tất cả những hệ lụy khủng khiếp ấy đều có một căn nguyên chung đó là ý thức trách nhiệm xã hội rất thấp của tất cả quan chức, công chức và các ông chủ. Mặc dù VN đã mở cửa hội hập với thế giới mấy chục năm tức là đủ điều kiện để nhìn xa, trông rộng và học hỏi từ thế giới những kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên, nhưng có lẽ người VN đã không chịu, không muốn hay không thèm học tập thế giới để rồi vẫn đi vào vết xe đổ của thế giới cách ngày nay đã hàng trăm năm. Vẫn đề ở đây có phải là người Việt không biết, không nhìn thấy hay cố tình không thấy. Quay trở lại căn tính VN để lý giải điều này phải chăng cách nghĩ theo kiểu thời vụ ngắn ngày “được đến đâu hay đến đó”, tư duy nhiệm kỳ “cờ đến tay ai nấy phất”, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”“ đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”…đã tạo ra toàn bộ cách ứng xử này?.
Không gian văn hóa Việt nằm trong khu vực cư trú của người Indonesien lục địa là khu vực được tạo bởi hai con sông  lớn là Dương Tử và Mê Kong đó là khu vực mà tên địa danh đều có yếu tố sông nước (giang: Chiết giang, Linh giang, Tam giang, Tiền giang, Bắc giang…) và sông nước đã để lại dấu ấn quan trọng trong tinh thần văn hóa khu vực. “Đây là một hằng số văn hóa địa lý quan trọng, nó tạo nên nét độc đáo của văn hóa nông nghiệp lúa nước”. Còn được gọi là không gian văn hóa nông nghiệp trọng tĩnh >< không gian văn hóa nông nghiệp trọng động[12]. Và đặc điểm của nó là:Văn hóa nông nghiệp – dẫn đến coi trọng ngôi nhà (có an cư mới lạc nghiệp) và coi trọng cái bếp vì cái bếp luôn đỏ lửa là cuộc sống ấm no (dân dĩ thực vi tiên) từ đó dẫn đến coi trọng phụ nữ. “Nhất vợ nhì giời”, “lệnh ông không bằng cồng bà”, “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”...Phụ nữ là người có trách nhiệm quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình, dân gian gọi là tay hòm chìa khóa. Với vai trò nội tướng đó, người phụ nữ được xem là người có vai trò quyết định trong giáo dục con cái, phúc đức tại Mẫu. Vì tầm quan trọng của người mẹ nên trong tiếng việt từ cái vốn là mẹ (con dại cái mang) được chuyển nghĩa thành lớn, quan trọng, chủ yếu: sông cái, đường cái, đũa cái, cột cái, trống cái, ngón tay cái…Sự thật của thời kỳ tôn trọng phụ nữ thực sự đó đã đem lại cho phụ nữ những vị thế nhất định và bản thân họ cũng làm nên những kỳ tích để lại dấu ấn thời đại như Hai bà Trưng, Ỷ Lan, Trần Thị Dung... Rất tiếc trong quá trình hoàn thiện nhà nước quân chủ từ thế kỷ XII trở đi thì sự khiếm khuyết về tư duy quản trị đất nước ở tầm vĩ mô đã khiến chính quyền TW Đại Việt dần tiếp nối nhau vay mượn hệ tư tưởng Hán Nho. Từ đây không chỉ vai trò của người phụ nữ bị đảo ngược mà còn kéo theo những hệ lụy về tư duy, xã hội khôn lường. Đó là xây dựng một mô hình chính quyền trung ương dựa trên một biển làng xã cho nên tư duy của nó cũng chỉ là theo phương châm làm nhỏ, nhưng chu đáo, cẩn thận; bộ máy quản trị đất nước từ trung ương đến địa phương được thực thi và giao vào tay những người đàn ông chỉ biết dùi mài kinh sử, nhớ cho thật nhiều chữ nghĩa để mà xướng họa thơ văn và chỉ cần như vậy nghĩa là có tài kinh bang tế thế. Những tư tưởng có tính cách mạng, có gan cải cách hay tư duy kinh tế như Nguyễn Công Trứ rốt cuộc thì cũng không có nhiều đất để diễn nếu không muốn nói là thân phận “lên voi xuống chó” bất thường!. Người Việt Nam cho đến nay vẫn thờ phụng những Hàn Thuyên làm thơ đuổi cá sấu, những Trạng Trình có tiếng là tài năng nhưng lại đi ở ẩn và thi thoảng xúi mấy câu cho các thế lực phong kiến để rồi hình thành nên Nam - Bắc triều, và cục diện Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài mấy trăm năm. Trong khi đó lẽ ra ông phải mang tài năng của mình để thống nhất giang sơn lập nền thái bình mới phải. Không thể nói ông không ưu thời mẫn thế nhưng có lẽ ở đây ông vẫn chỉ là một trí thức văn chương ưa giữ mình thanh sạch yên ổn hơn là có trách nhiệm với đất nước để thống hợp các trí thức mà làm cải cách xã hội. Đó là lý do chúng ta không thể thoát ra được khỏi kinh tế tiểu nông, nghèo khổ. Nhận xét về tầng lớp đươc coi là tiên tiến trong quá khứ này, một trí thức Tây học Việt Nam cho biết “ Xét về phương diện tinh thần, xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm bởi nền giáo dục cổ lỗ và chưa bao giờ có phương pháp. Thành ra có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Sau khi chất đầy trí nhớ các loại kinh sách, nhà nho xưa kia chẳng còn nghĩ đến chuyện trau dồi trí tuệ nữa. Họ thường gìa trước tuổi. Hoặc là họ nhẫn nhục chịu đựng cốt không để ai đó ganh ghét mà kiếm chuyện lại thôi. Hoặc là họ sa vào thói chơi ngông đôi khi cũng tinh tế đấy nhưng dễ làm cạn kiệt cái năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học”[13]
Sự nghèo khổ của một đám đông dân chúng truyền đời không thoát khỏi một nền kinh tế nông nghiệp đầy rủi ro đã sinh ra tư tưởng coi trọng sự thanh bạch, bần hàn và khinh bỉ ghét bỏ, đố kị với sự giàu sang. Cứ xem cách liên minh công nông ứng xử với địa chủ, tư sản những năm sau cách mạng là thấy rất rõ; cha mẹ dạy con thì vẫn là “giấy rách phải giữ lấy lề” chứ không dạy con học tập những tấm gương người giàu, làm việc như người giàu, làm thế nào để giàu có một cách đúng đắn…và “nổi can qua” là tư tưởng chính để thay đổi vị thế xã hội chứ không phải là những tư duy sản xuất lớn để thay đổi vị thế xã hội.Tư duy con người nhiều đời không thoát ra khỏi văn hóa làng xã  nên truyền dạy và trang bị cho nhau cách ứng xử phổ biến là “không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo, khôn khéo là “ăn đi trước, lội nước theo sau”, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt giữ mình”[14].
Khí chất hướng nội đã khiến người Việt Nam chỉ thích quay về với quá khứ, cố gắng neo bám lấy quá khứ một cách máy móc chứ không phải rút ra bài học gì từ quá khứ; tư duy cầu an đã khiến người Việt Nam không dám đấu tranh với cấp trên với cái xấu tồn tại trong xã hội. Sự biếng nhác tư duy, lười động não, ngại khó ngại khổ đã khiến người Việt Nam hôm nay khi nhận ra mô hình cầu tiến bằng học hành để làm quan đã không còn phát huy tác dụng nữa thì cầu tiến bằng mua bán chức tước lại trở nên mốt thời thượng. Người có bán thì được bạc ấm thân, còn người mua được thì ung dung hưởng lợi, tất cả đều không mảy may nghĩ đến uy tín cá nhân, danh dự bản thân và trách nhiệm xã hội của mình. Tình trạng này đã và đang diễn ra đầy rẫy trong xã hội khiến chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng cứ làm sai, làm thua lỗ thì lại được hạ cánh an toàn hoặc chuyển đi chỗ khác, lĩnh vực khác để ở vị trí cao hơn. Quy trình này diễn ra từ cơ sở đến TW, vì vậy nên khi chủ tịch xã làm sai gây thất thoát về kinh tế, xã hội cho địa bàn xã thì lại được điều chuyển lên huyện; cán bộ huyện điều chuyển lên tỉnh, và cán bộ tỉnh điều chuyển lên trung ương. Khi hết không còn cấp nào để điều chuyển thì hạ cánh an toàn. Tình trạng này kéo dài mấy chục năm nay đã gây nhức nhối trong xã hội và phá sản các kế hoạch kinh tế xã hội ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Nhưng tất cả đều đang tìm cách đổ lỗi cho khách quan chứ chưa cá nhân nào đứng lên nhận trách nhiệm về mình. Vô trách nhiệm là một điển hình của căn tính Việt Nam!. Thói vô trách nhiệm với bản thân khiến cá nhân không tự bồi đắp cho mình có giá trị thật, vô trách nhiệm với công việc khiến cho công việc không thể nào hoàn thành ở mức tốt nhất và khi ở một vị trí cao hơn thói vô trách nhiệm của một cá nhân/nhóm có quyền lực sẽ kéo lùi lịch sử phát triển của cả dân tộc.
Căn tính và lối sống của người VN sẽ còn phải nghiên cứu, bàn luận rất nhiều để ngõ hầu tìm ra những “huyệt đạo tụ nhiều ám khí nhất” mà có thể điểm huyệt vào đó tạo ra bước chuyển trong tư duy, nhân cách VN. Để kết luận bài viết này, tôi xin trích dẫn một nhận định của lớp học giả đi trước khi tổng kết về bản tính người VN: “Về tinh thần, người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít có người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn lý luận. Phần nhiều người ta có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn thực học, thích thành tích sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng bị não thực tiễn hòa hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là ở người miền Bắc thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn, cực khổ hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi bời cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh về đại nghĩa. Não sáng tác thì ít nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam cũng có nguyên lai từ thời thượng cổ mà có chút ít thay đổi. Cũng do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành”[15].
Như vậy căn tính với tư cách là nền tảng, là gốc rễ của các tư chất cũng có những tác động nhất định đến việc hình thành nên những tư chất và năng lực của con người. Xuất phát từ luận đề này mà nhà triết học Đức Duyring đã có quan điểm cho rằng tính xác định của năng lực là được quy định bởi những tư chất bẩm sinh không đổi. Ông khẳng định rằng “việc phân chia lao động là xuất phát từ sự khác nhau của năng lực bẩm sinh của con người chứ không phải ngược lai”[16]. Tuy nhiên, để các tư chất đó có thể biến thành những năng lực tích cực cho PTCN thì lại còn cần cả các điều kiện xã hội tương thích. Các nghiên cứu về tâm lý học đã cho biết về bản chất, con người có nhiều tư chất giải phẫu sinh lý của năng lực, các tư chất đó nếu bị đè nén sẽ không thể phát triển được trong xã hội này nhưng trong những điều kiện khác, xã hội khác lại có thể bảo đảm tính tích cực của con người thì các tư chất đó có khả năng phát triển rộng rãi và tích cực. Như vậy thì các tư chất không phải tự mình phát triển và biến thành năng lực mà chỉ trở thành năng lực trong những điều kiện xã hội phù hợp.Vì vậy trong PTCN nếu chỉ chú ý đến việc cải thiện các điều kiện xã hội thì vẫn chưa đủ mà còn phải chú ý đến cả yếu tố khác nữa là những tiền đề về căn tính và lối sống./.
 
 
 
 
Tài liệu Tham khảo:
  • Toan Ánh (2002) Văn hóa VN những nét đại cương, Nxb VH
  • Đào Duy Anh (2000) Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội nhà văn
  • P. A. Rudich (nguyễn Văn Hiếu dịch,1974) Tâm lý học. Nxb Mir Maxcơva, Nxb Thể dục thể thao.
  • Ban giáo sư triết (1974) Tâm lý học, giáo khoa trắc nghiệm, Nxb Trường thi.
  • Bửu kế (2009), Hán -Việt từ nguyên, Nxb Thuận Hóa
  • Phạm Thành Nghị (2006), Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb Khoa học xã hội
  • Phạm Thành Nghị (2010) Phát triển con người vùng Tây Bắc. Đề tài cấp bộ, Viện nghiên cứu Con người.
  • Nguyễn Văn Huyên (2003) Văn minh Việt Nam, Nxb KHXH
  • Trần Ngọc Thêm (1990) Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb TP HCM
  • Lê Văn Siêu (1997), Việt Nam văn minh sử cương, Nxb Lá bối.
 

[1] Bửu Kế ( …) Hán việt từ nguyên, Nxb Thuận hóa, tr 227.
[2] Toan Ánh ( 2002) Văn hóa Việt Nam những nét đại cương, Nxb Văn học, tr 55
[3] Toàn ánh (2002) sdd, tr 55
[4] Cách sống này thể hiện ở chỗ rước thần làng ra đô thị thờ phụng; trước đây người HN vẫn đóng thuế đinh cho nam giới  về làng; ngày nay vẫn quyên góp về xây dựng nhà thờ, văn chỉ, đình đền chùa ở làng quê…Xem thêm Tô hoài (….) Chuyện cũ Hà Nội; Nguyễn Ngọc Mai (2016) Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội, Nxb HN.
[5] Các tài liệu ghi chép của người nước ngoài về đô thi HN xưa hầu hết các ông quan ở HN đều cho vợ hoặc con gái buôn bán để đảm bảo tận dụng được các quan hệ của chồng và tăng thu nhập cho gia đình. Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai (2016) Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội từ truyền thống đến hiện tại, Nxb HN
[6] Các hình thức làm ăn thêm của ngườ công nhân thường phổ biến là: hoặc buôn bán nhỏ; hoặc tuồn hàng nhà máy ra ngoài bán. Cách này phổ biến thời bao cấp.
[7] Phan ngọc (1998) Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb VHTT, tr 126.
[8] Trần Đình Hượu  (1994) “Về vấn đề tìm sự đặc sắc văn hóa dân tộc”  in trong sách  Đến hiện đại từ truyền thống” KX 07. Tr 149- 164.
[9] Ban giáo sư Triết ( 1974) Tâm lý học, Trường thi, tr 99
[10] Các nghiên cứu về vốn xã hội đã cho biết Vốn xã hội  được hình thành từ mạng lưới xã hội trong đó niềm tin và sự hỗ tương lẫn nhau giữa các thành viên trong mạng lưới là điều kiện cơ bản để tạo ra vốn xã hội.
[11] Trần Ngọc thêm (1990) Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb TP HCM
[12] Trần Ngọc Thêm (1990) Tìm về bản sắc văn hóa việt nam, Nxb  TPHCM.
[13]Nguyễn Văn Huyên ( 2003) Văn minh Việt Nam, Nxb KHXH, Tập 2 tr 763 - 770
 
[14]Trần Đình Hượu
[15]Đào Duy Anh ( 2000) Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội nhà văn, tr 25
[16] P. A. Rudich (nguyễn Văn Hiếu dịch,1974)Tâm lý học. Nxb Mir Maxcơva, Nxb Thể dục thể thao, tr 393- 394.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Quá trình đào tạo của TS Nguyễn Ngọc Mai

Bậc đào tạo Tên cơ sở đào tạo Chuyên ngành Năm tốt nghiệp  Đại học  Đại học tổng hợp  Dân học học  1994  Thạc sỹ  Viện nghiên cứu văn hóa,Viện Hàn lâm KHXHVN  Văn hóa dân...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay760
  • Tháng hiện tại19,527
  • Tổng lượt truy cập6,904,484
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây