BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO SÔ 2/ 2023
“Tháng tám giỗ cha/ tháng ba giỗ Mẫu/mẹ” câu ca lưu truyền khắp vùng châu thổ Bắc bộ đã cho thấy vị trí thần thiêng và độc tôn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong tâm thức tôn giáo dân gian Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh. Đền thờ Liễu Hạnh cho đến nay gần như rải khắp nước Việt Nam với trung tâm lớn và chính thống nhất vẫn là khu vực Phủ Giầy (Nam Định). Các địa điểm thờ Mẫu Liễu ở Nam Định gồm: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản); Chùa Phúc Lâm Tự, phủ Kim Thoa ở Yên Đồng (Ý Yên); Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) (Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên); Ở Hà nội có Phủ Tây Hồ; Ngoài ra có Phủ Đồi Ngang, đền Dâu, đền Quán Cháo ở phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình); Đền Sòng (Bỉm Sơn, Thanh Hoá); Phố Cát, (Thạch Thành, Thanh Hoá)... với mật độ đền, phủ thờ bà nhiều như vậy cùng khả năng tồn tai dai dẳng của những thực hành nghi lễ thờ bà chúa Liễu cũng tồn tại bất chấp những thời điểm khắc nghiệt nhất của chế độ sùng Nho thời Phong kiến và công cuộc tẩy não khốc liệt của cải cách ruộng đất và cải tạo văn hóa ở Việt Nam những năm 1954 – 1960. Điều này đã cho thấy bà không chỉ là một nữ thần đặc biệt mà vị trí của bà trong ký ức tập thể của dân chúng là không thể nào thay thế hay xóa nhòa. Bà là ai? Cuộc đời và thân thế cùng khả năng thần thiêng của bà đã đáp ứng điều gì của dân chúng Việt Nam? Vì sao bà trở nên bất tử? ở nội dung này chúng tôi sẽ cố gắng lý giải.
Trong dân gian người Việt, nữ thần Liễu Hạnh ra đời khá muộn. Nếu căn cứ vào “Vân cát thần nữ cổ lục diễn âm” được cho là Đoàn Thị Điểm cung cấp thì thần tích về Liễu Hạnh được tóm tắt như sau:
Bà sinh vào Nhà Hậu Lê đời kỷ Anh Tôn” tức năm 1557 trong một gia đình họ Lê ở Thiên Bản[1]. Cuộc sinh nở bà có sự hỗ trợ của Pháp sư, đồng thời cũng chỉ rõ nguồn gốc tiên giới của bà. Với tên gọi là Giáng Tiên, lớn lên kết hôn với Trần Lang, năm 21 tuổi bỗng dưng không bệnh mà mất (về trời), nhưng lại xin với Ngọc Hoàng cho về lại trần gian, lần này mang tên Liễu Hạnh[2]. Khi gặp lại cha mẹ, chồng Giáng tiên nói rõ mình là tiên nữ giáng trần và có nói về sau sẽ lại kết duyên với hậu sinh của chồng. Từ sau lần gặp chồng từ đó chúa Tiên đi mây về gió ẩn hiện khắp nơi lúc thì dưới dạng “hồn mê nữ tử’ Khi thì lại là “hình giở lão nương”. Một năm sau lại bỏ về cõi tiên, sau đó lại xuống trần chu du khắp nơi, lên cả xứ Lạng và hội ngộ với quan đi xứ họ Phùng rồi về Tây Hồ gặp và xướng họa thơ văn với hai người họ Ngô , họ Lý. Sau đó lại về trời và lần thứ ba lại xuống trần với danh xưng Liễu Hạnh cùng hai nàng Quế, Hòe xuống khu vực Đèo Ngang phố Cát ở vùng Thanh Hóa ẩn cư tạo dựng riêng một chốn và tự cho mình có quyền khuyến thiện trừng ác. Cho đến năm Cảnh trị (1663-1671) thì bị đồn là yêu nữ nên triều đình đã sai quan binh đến tiễu trừ, trận chiến giữa Liễu Hạnh và quan quân triều đình khiến cả một vùng tan hoang, người dân thấy vậy lập đàn cầu đảo, bỗng nghe thấy thét vang trời của Liễu Hạnh tự xưng là “Thừa Thượng đế giáng nơi trần thế/ Thực Tiên cung Chúa tể phàm gian/Thương dân thiết lập đàn tràng,/Gấp xin Hoàng Thượng gia ban miếu thờ/Lại giáng phúc tiêu trừ như trước”[3]. Từ sau lần đó vua phong cho bà là Mã Vàng công chúa, dựng thần hiệu là “Chế thắng đại vương thần diệu” và cho dựng đền thờ, lại sức cho đất Thiên Bản là thang mộc, xã Thiên Hương là đất ân ba và uy linh của bà từ đó vô cùng khiến người người kính sợ….
Có thể nói trong tương quan tế tự, phụng thờ với nhiều thần nữ khác ở Việt Nam, Liễu Hạnh là một vị thần nữ gần như đứng đầu trong tâm thức tôn giaó của dân chúng. Xét về thần tích bách thần ở Việt Nam, thần tích về Liễu Hạnh khá đặc biệt và đọng lại một số chi tiết nổi trội làm thành giá trị riêng trong hệ thống tôn giáo mẹ ở VN như sau:
1)
Là tiên giáng trần – Đây là một mô típ phổ biến trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam giống như câu chuyện Ngưu lang, Chức nữ (Chức nữ cũng là tiên giáng trần) hoặc như chuyện Từ Thức gặp tiên, hoặc như chuyện Lê Thánh Tông gặp tiên rồi xây lầu vọng tiên… Tiên trong tâm thức Việt là một biểu tượng ẩn dụ về cái đẹp hoàn hảo về hình thể của phụ nữ. Đẹp như tiên giáng trần! là câu nói cửa miệng của người Việt khi khen ai đó. Bên cạnh đó cũng nói lên nguồn gốc phi trần thế của Liễu Hạnh. Sống với tiên, để được “sướng như tiên” cũng là một khao khát của người Việt, đó là khao khát về cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy hòa hợp với trời đất. Về khía cạnh nào đó việc Liễu Hạnh giáng thế vào nhà họ Lê thế kỉ XVI, cũng như Thanh tiên đồng tử giáng phàm vào nhà An Sinh vương Trần Liễu từ thế kỷ XIII đều phản ảnh một tư duy trời - đất thông nhau, người - tiên giao hảo của hệ luận vũ trụ của người xưa. Trong tâm thức Mường vẫn còn kể về lối đi lên trời là sông Khàng bến Khạn (Khuôông khang pện khạn)
[4].
Toàn bộ cách thức để Liễu Hạnh được sinh ra/ đầu thai vào dòng họ Trần Lê ở Thiên Bản cũng thấy rất đậm đặc các yếu tố có liên quan đến Đạo giáo (là con gái Ngọc Hoàng), khi sinh nở bà mẹ cũng chịu tác động, hỗ trợ của các Đạo sĩ (đạo sĩ đánh đồng thiếp đưa thân sinh của bà lên trời để mục sở thị việc Liễu Hạnh bị giáng phàm)
[5]. Mặt khác tu tiên, luyện đan để trường sinh bất lão; sống cuộc đời tiêu dao với trời mây non nước đây đó muôn nơi như cách mà Liễu Hạnh lựa chọn để sống ở trần gian cũng là cách sống của các đạo sĩ xưa kia.
Từ điểm này cho thấy căn cốt của Liễu Hạnh có nguồn gốc hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Đạo giáo.
2) Thời điểm giáng trần (1557) là thời điểm mà dòng văn hóa dân gian và đặc biệt là Đạo giáo dân gian đang phát triển rất mạnh ở xã hội Đại Việt lúc bấy giờ. Sự hiện hữu của các câu chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên rồi cho xây lầu vọng tiên; Từ Thức treo áo từ quan về đi gặp lại cô gái mình từng cứu giúp rốt cuộc lại là cơ duyên đưa vị tân khoa nho sĩ đến động tiên để rồi lưu lại ở đó sống cuộc đời của bầy tiên; Chàng Lưu, chàng Nguyễn cũng tự từ bỏ cuộc sống quan trường của mình để đến động tiên sinh sống. Ở Hà Nội hiện nay vẫn còn dấu tích của Bích Câu đạo quán và câu chuyện về chàng nho sinh mua được bức tranh mà trong đó là nàng tiên hiển thế để giúp chàng dùi mài kinh sử… Có thể nói sự hiện hữu càng dày đặc các điển tích liên quan đến người tiên cũng là cách mà Đạo giáo xâm nhập vào đời sống xã hội một cách ngày càng rõ nét. Từ thực tế của xã hội Việt Nam giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn với sự nở rộ của dòng văn hóa dân gian, với điểm nhấn là sự phóng túng trong nghệ thuật điêu khắc đình làng cũng là thời kỳ đánh dấu nhiều chuyển biến của dòng văn học bác học với những tác giả, tác phẩm thiên về phản ảnh tâm tư, tình cảm con người chính là những điểm báo hiệu văn hóa Nho Giáo đã bắt đầu bước sang giai đoạn thoái trào trong tư tưởng và ý thức hệ của lớp người có học. Đạo giáo dân gian đã như một cơ duyên đem đến cho nhóm xã hội này những thời khắc của “tự sướng tâm hồn” và mơ về một viễn cảnh tươi đẹp hơn, đồng thời cũng là khoảng thời gian để cái tôi bản ngã bộc lộ thể hiện những ước muốn trần tục đời thường nhưng được sang trọng hóa lên, làm cho mới mẻ, đó là cảm xúc của cuộc sống với những cái đẹp, nhân văn chân ái mà ai cũng mong muốn có.
Nhu cầu về một biểu tượng văn hóa mới, biểu tượng tôn giáo mới để quy tụ và ước thúc nhân tâm của tầng lớp Tân Nho giai đoạn này là có thật. Hình tượng Liễu Hạnh một phúc thần mới mẻ, đã ra đời trên nền tảng tư tưởng, tâm lý xã hội và tình cảm đó. Toàn bộ câu chuyện về gia thế nhà đẻ và nhà chồng của Liễu Hạnh ở Thiên Bản, cộng với “kế hoạch” đánh tráo cô tiên Nga họ Phạm ở Vỉ Nhuế (Quảng Nạp – Ý Yên) thành tiền thân của Mẫu Liễu và Quảng Nạp thành nơi đầu thai lần thứ nhất của Liễu Hạnh trên đất này đã cho thấy có sự tham gia rất chu đáo của các nhà Nho Nam Định vào chiến lược xây dựng hình tượng thần linh mới Liễu Hạnh. Tư duy này đã gặp gỡ mong cầu của một tầng lớp thương nhân mới lớn trong xã hội Việt Nam bấy giờ mà hình tượng Liễu Hạnh, thờ cúng bà chúa Liễu nhanh chóng trở nên phổ biến.
Trong quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về thờ Mẫu Liễu và nghi lễ lên đồng ở Việt Nam cho thấy thời điểm ra đời của Liễu Hạnh và những mong cầu từ thực hành nghi lễ thờ bà; hoặc cách thức để tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu của các Đồng tử…đa số đều nhất trí cho rằng Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Mẫu là biểu tượng tôn giaó hoặc chí ít là tham gia vào quá trình xây dựng hình tượng thần chủ mới của tầng lớp thương nhân – một tầng lớp đứng thứ 4 trong bậc thang xã hội Đại Việt (Sĩ – Nông – Công – Thương). Tầng lớp này chưa từng được công nhận về vai trò thúc đẩy tiến bộ xã hội, cũng như chưa có bệ đỡ về tâm linh tôn giáo, có lẽ vì thế mà ở thời điểm cuối thế kỷ XVI đầu XVII khi mà có sự trỗi dậy của nền kinh tế hàng hóa ở Việt Nam thì cũng là lúc Mẫu thần được tôn vinh và phổ biến
[6]. Phải chăng chính thời điểm này đã khiến tam tòa Thánh Mẫu hội nhập với Tam phủ công đồng (những vị thần sông nước phò trợ thuyền buôn)
[7] để thành hệ thần linh Tam phủ, tứ phủ?
Nghề buôn bán (thương mại) của Việt Nam xưa không phát triển và đa số do phụ nữ thực hiện. Có lẽ từ nguyên mẫu những phụ nữ làm thương mại cũng là lý do để các nhà Tân Nho xây dựng hình tượng thần linh tính nữ cho tầng lớp thương nhân?. Phải chăng hình ảnh “quanh năm buôn bán ở mom sông” của người phụ nữ Việt chỉ để “nuôi đủ năm con với một chồng" và sự hy sinh thầm lặng ấy đã được các nhà Nho đáp lại bằng hình tượng mẫu Liễu – vừa là con gái hiếu đễ, người vợ thủy chung, người mẹ vĩ đại để bất cứ số phận nào cũng có thể trở về với vòng tay của Mẹ để được chở che, phù trì, nâng đỡ.
Trên thực tế có lẽ chưa vị thần nữ nào ở VN lại được nhiều nhà nho, thậm chí giới quý tộc nữ tham gia vào công cuộc xây dựng hình tượng về bà và tái thiết hệ thống phủ đệ thờ bà nhiều như vậy. Có thể kể sơ bộ như bà phi trong phủ chúa Trịnh Ngô Thị Ngọc Đài thế kỷ 17
[8]; nữ sĩ nổi danh Đoàn Thị Điểm với những ghi chép về Liễu Hạnh sớm nhất là “ vân Cát thần nữ truyện” (1811)’ Nguyễn Ôn Ngọc trong “
Nam định tỉnh địa dư chí” (1890) ghi chép về mộ Liễu Hạnh; Tại Vỉ Nhuế là sự tham gia của các nhà nho để ra đời thơ giáng bút “
tiên phả dịch lục” (1913) rồi “Quảng Cung linh từ phả kí” của tiến sĩ Vũ Huy Trác
biên soạn năm 1781 (cách thời điểm sinh thời của cô Phạm Thị Nga khoảng 300 năm); Đặc biệt bản “
Tiên từ phả ký” của dòng họ Trần Lê ở làng Tiên Hương; bản ghi chép khảo sát tại Phủ Giầy của Kiều Oánh Mậu (1910); “
Vân cát xã thần tích” do lý dịch xã Vân Cát soạn để gửi EFEO trước 1945 (hiện đang lưu tại thưu viện viện Hán Nôm); Bản kể của Phan Kế Bính (1910); Các bản kể của Thiện Đình “
truyện thần nữ Vân Cát” (in trên tạp chí Nam Phong 1930); và Trần Duy Vôn với “
Thiên tiên truyện khảo” (1935) đều là hai học giả ở tỉnh Nam định chép khảo sát tại Phủ Giày; “
Triệu cơ linh tích” của các nhà nho khu vực xóm ba nơi có Di tích Nguyệt Du Cung và công lao của gia tộc Trần Vũ và sự lan tỏa về uy linh của Mẫu Liễu tới Huế, Chùa Vĩnh Nghiêm của đồng Quan Trần Vũ Thực
[9]; Cung Phổ Hóa (Huế) với vai trò của Phan Tử Phong
[10]…
Có thể khẳng định sự tham gia xây dựng hình tượng Liễu Hạnh trên mọi khía cạnh từ ghi chép khảo sát, truyện kể; thần tích, sắc phong; gia phả, cho đến thơ ca, câu đối và các cơ sở vật chất, lễ hội về bà cho thấy hệ thần Liễu Hạnh là một mô típ đặc biệt hấp dẫn giới nho sĩ ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Sơn Nam hạ trước đây. Chính vì vậy mà hình tượng về bà liên tục được bồi đắp trong một trường đoạn thời gian khá dài từ thế kỷ XVI – nay.
Đặc biệt sự tham gia tích cực của dòng họ Trần Vũ trong vai trò kiến tạo nên phủ Bóng (Nguyệt Du Cung) nơi bà chúa Liễu hiển linh. Ở khía cạnh văn hóa tôn giáo thì sự hiện diện của Phủ Bóng không chỉ như một sự thành công về sáng tạo văn hóa mà con là một móc nối quan trọng để hợp nhất các di tích rời rạc của phủ Giầy thành phức thể thống nhất trong đa dạng với các địa chỉ văn hóa vật chất hoàn toàn có dấu ấn của Mẫu Liễu với các điểm chốt quan trọng để hợp lý hóa cuộc đời, thân thế của bà chúa: có quê cha, quê mẹ, có nơi sinh nơi mất, nơi hiển linh. Theo tâm lý, tâm linh dân gian thì nơi hiển linh mới là quan trọng.
Sự linh trong tôn giáo là một điểm nhấn quan trọng không thể không có, nó quyết định tâm lý thờ và sự bền vững của cơ sở tôn giáo, bởi có hiển linh mới là thiêng và có thiêng mới có thờ. Đây là điểm quan trọng mà bất cứ tôn giáo nào cũng đều phải có hoặc sáng tạo cho có. Ở điểm này sự sáng tạo hình tượng Liễu Hạnh đã được nâng cấp lên một tầm mới: thần thiêng – tối linh thần. Cũng giống như trong thần học Kitô, chúa Jesu đã sống lại và xuất hiện cùng các thiên thần ở nơi an táng Ngài và xuất hiện trước các môn đồ ở Galilêa
[11]. Ngày nay tại đó đặt một đền thờ gọi là “đền nơi chúa hiện ra” và trong thánh kinh Công giáo được coi là nơi chúa hiển linh
[12] . Sự xuất hiện của Nguyệt Du Cung về mặt văn hóa không chỉ định vị tọa độ của nó trong hệ thống di tích thờ mẫu Liễu của Phủ Giầy mà còn là khâu kết nối quan trọng để hoàn thiện hành trình sáng tạo thần linh Liễu Hạnh và để thần linh/ Mẫu thần sống mãi trong ký ức dân gian.
Toàn bộ cuộc đời Liễu Hạnh trong 21 năm ở trần gian cho thấy bà là người cũng tuân thủ đúng quy luật đời người phụ nữ: sinh ra, lớn lên trong vòng tay và sự giáo dục của cha mẹ, có lấy chồng theo sự xắp đặt của cha mẹ rồi mới về trời, tức là cuộc đời dẫu ngắn ngủi của bà vẫn đi theo đúng quỹ đạo của người phụ nữ xưa: sinh ra, lớn lên và theo sự xắp đặt của cha mẹ để lấy chồng. Ở đây cái lý thú ở chỗ dù là tiên giáng trần nhưng bà vẫn tuân thủ theo đạo tam tòng của người VN. Với chi tiết này hình tượng Liễu Hạnh dù có xuất xứ, căn cốt đạo giáo thì cũng dễ dàng được văn hóa Nho giáo chấp nhận. Và như vậy dù xuất xứ căn cốt đạo giáo nhưng lại chấp thuận trưởng thành trong khuôn khổ lề luật và tư duy của Nho giáo. Mặt khác một chi tiết rất quan trọng trong hành trình trở thành thần linh của Liễu Hạnh đó là sau cuộc đại chiến Sùng Sơn với thế lực Tiền Quan Thánh bà đã được Phật bà thu nạp và từ đó quy y theo Phật. Việc cuối đời mình bà lại quy y theo Phật và chịu tuân thủ các hạnh của Bồ Tát nên hình tượng Liễu Hạnh đã khéo léo kết hợp được cả ba hệ tư tưởng đang phổ biến lúc bấy giờ, đó là Nho – Phật – Đạo. Có thể thấy rất ít hình tượng thần linh ở VN lại hội đủ các yếu tố của cả ba tôn giáo, không những thế các yếu tố còn đan quyện, gắn kết vào nhau theo một logic rất hài hòa và tuân theo đúng quy luật: sinh ra từ hư không, cát bụi, hiện diện sống ở đời theo văn hóa Nho gia, cuối đời hành theo đức Phật. Có thể nói đây là một khuôn mẫu điển hình của tam giáo đồng nguyên và là thành công trong sáng tạo văn hóa tôn giáo của người Việt, chính xác hơn là sự thành công của nhóm nho sĩ thôn dã ở Việt Nam trong lộ trình cố gắng xây dựng một hình tượng linh thần mới của người Việt, mang bản sắc Việt và hội tụ đủ những luân lý mà người Việt hằng ưa chuộng.
Như vậy,
hiện tượng Liễu Hạnh và quá trình sáng tạo nên Liễu Hạnh chính là quá trình tâm thức tôn giáo Việt Nam đi tìm và xây dựng cho mình một dạng/ hệ thần linh mới đáp ứng nhu cầu tâm linh, tâm lý và đạo lý Việt Nam.
3) Câu chuyện cuộc đời Liễu Hạnh còn cho thấy kể cả khi Giáng Tiên đã hóa thân về trời vẫn nặng duyên trần nên quay lại gặp lại cha mẹ, gặp lại chồng hàn huyên, rồi lấy chồng lần hai (là hậu sinh của chồng) rồi đi mây về gió tung hoành bốn phương để gặp các tao nhân mặc khách, để thử tài quan sứ họ Phùng, và xướng họa thơ văn với họ Ngô, họ Lý trên đất Thăng Long giữa vùng trời mây non nước đậm đặc không khí văn hóa dân gian của Hồ Tây. Chi tiết này trong xây dựng cuộc đời chúa Liễu không chỉ thể hiện chí tang bồng hồ thỉ của giới văn sĩ nho gia mà còn là một bước tiến bộ của tư duy về giới. Bình thường trong luân lý Nho giáo thì phụ nữ là giữ chốn buồng the, đảm nhiệm chức phận sinh con đẻ cái cho nhà chồng, tháo vát hơn là vai trò nội tướng để gánh vác giang sơn nhà chồng, cả đời phải lo đảm bảo tiêu chí vượng phu, ích tử…nhưng với thân thế cuộc đời Liễu Hạnh thì lại là một bước nhảy vọt về tư duy bình đẳng giới. Thần tích về bà chán cõi trời (cõi tiên) thích cõi trần và thích ngao du thiên hạ, thích cảnh đẹp Sùng sơn thì cắm đất xây lầu để thưởng trăng hoa tuyết nguyệt, vân du lên biên giới hóa thành cây với dòng chữ “Mão Khẩu công chúa” để thử tài năng quan chánh sứ đi công cán; về Hồ Tây ứng tác thơ văn với nho sinh rồi lại biến mất vào mây trời non nước theo truyền thuyết còn lưu tại Phủ Tây Hồ đã không chỉ khiến nhân vật bà Chúa Liễu trở nên sinh động, đời hơn và cũng hấp dẫn lấp lánh hơn. Nó không chỉ thể hiện tài năng của người con gái có nguồn gốc phi phàm (gốc tiên) mà ở đây chính là tư duy của người xây dựng hình tượng bà chúa Liễu. Đó thực sự là
mong muốn thể hiện khía cạnh tài năng, tài hoa của người phụ nữ không thua kém các đấng mày râu. Đây cũng là một hiện thực mà xã hội Việt Nam trước đó đã ghi nhận những điển hình những bậc nữ lưu như Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Trần Thị Dung, An Tư, Huyền Trân ở những giai đoạn trước và những lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Ngô Chi Lan gần như cùng thời và cả nhân vật còn gây nhiều tranh cãi là Nguyễn Thị Duệ sau này.
Trong một bối cảnh phu xướng, phụ tùy và “Gái trong cửa kín như bưng/ Khác nào chim chích vào rừng biết chi” thì
hình tượng Liễu Hạnh chính là một bước đột phá, vụt lớn của tư duy thời đại lúc bấy giờ được khởi xướng bởi giới tân Nho.
Có thể nói sự xuất hiện của hình tượng Liễu Hạnh đã báo hiệu một sự xuất hiện những yếu tố mới, trào lưu mới trong xã hội đương thời.
Nhìn lại giai đoạn bà chúa Liễu ra đời là thế kỷ 16, mặc dù Nho giáo vẫn là tư tưởng chính của nhà nước nhưng trên thực tế xã hội nó đã không còn vị trí độc tôn, Phật giáo, Đạo giáo và văn hóa dân gian trỗi dậy hết sức mạnh mẽ. Một hình thức Tam giáo đồng nguyên tịnh tồn mới được chấp nhận trong các tầng lớp cư dân, nhất là các nho sĩ sống gần dân. “Nghệ thuật đình làng nở rộ và nhanh chóng trở thành không gian để tư tưởng làng xã, tư duy lúa nước (trọng nữ) có dịp bộc lộ, bung nở và nối lại mạch nguồn xưa từng bị dồn nén vào vô thức. Đời sống tình cảm của con người được đề cập, bên cạnh sự níu kéo của các nhà Nho cổ hủ với các tác phẩm răn dạy về cương thường đạo lý Nho giáo đã xuất hiện nhiều nhà Tân Nho tài tử với những sáng tác thiên về các chủ đề mang tính nhân văn như khát vọng hòa bình, thân phận phụ nữ, tình yêu đôi lứa”
[13]. Trong bối cảnh này rõ ràng hình tượng Liễu Hạnh đi mây về gió, thích lấy ai thì lấy, thích làm gì thì làm, gặp gỡ đối diện văn nhân, thách thức trí thức bằng chữ nghĩa, ra tay khuyến thiện trừng ác…đã như một ngọn đuốc cháy lên sáng rực, rọi vào mọi ngõ ngách của tư duy và nhận thức con người mà
khẳng định một hiện thực rằng phụ nữ và vai trò của phụ nữ cũng như tài năng và năng lực của họ là không thể phủ nhận. Hình tượng Liễu Hạnh và cuộc đời phóng túng của bà chính là điểm sáng để rọi lại ngàn xưa và thắp sáng về sau, đặt nền móng cho cả một thời kỳ tư duy của phụ nữ vụt lớn lên cùng thời cuộc.
Hình tượng về bà không chỉ là thể hiện tư tưởng của thời đại mà còn phản ánh khát vọng được tự do của một nửa thế giới và sự ngưỡng mộ, trân trọng của thế giới còn lại.
4)
Liễu Hạnh là một thần nữ có phép thuật cao siêu, và ra tay trừng phạt rất tàn nhẫn.
Có thể thấy trong hệ thống thần nữ ở Việt Nam thì Liễu Hạnh là một thần nữ đặc biệt nhất. Cái đặc biệt không chỉ ở toàn bộ hình tượng về bà là sự đan quyện của Tam giáo, là biểu tượng về cái đẹp và tài năng của phụ nữ mà bà còn được xây dựng thành/là vị thần nữ có phép thuật rất cao siêu và nếu ra tay trừng phạt thì cũng tàn độc vô cùng. Toàn bộ các hành động của Liễu Hạnh trong lần đầu thai thứ ba xuống Phố Cát (Đèo Ngang) đã phản ánh khí chất không biết sợ ai của bà chúa Liễu. Thần tích về Liễu Hạnh cho biết:
“ Khi bị đày xuống trần, Ngọc Hoàng thấy chân bên tả của con đi dón gót, biết là xuống dưới sẽ thành yêu, liền sai Tiền Quan giáng sinh luôn để kịp thời ngăn chặn.
Quả nhiên đi đến đâu gặp điều không vừa ý Liễu Hạnh ra tay sát hại, ở đâu nàng cũng làm cho người và vật tử thương, thành hoàng phải xuất ngoại. Người ta sợ nàng đến nỗi bỏ công ăn việc làm, ban ngày đóng cổng không dám lên tiếng hoặc phải bày đàn lễ ven đường cúng lễ. Về sau đến Sùng Sơn (Thanh Hóa) thấy cảnh đẹp Liễu Hạnh báo mộng cho hào trưởng phải lập cung miếu, thấy họ còn dùng dằng nàng làm cho trong 5 ngày chết hơn nửa số dân. Khi cung miếu dựng xong nàng hóa thành cô gái đẹp bán hàng. Hễ gặp bọn trai trẻ và nho sĩ trêu ghẹo thì vật chết. Tất cả quỷ thần trong vùng đều phục tùng. Quan địa phương lo sợ tâu báo về triều, vua sai các vị pháp sư đến trị đều không trở về được, có lần chúa Trịnh vào Lam Kinh, Liễu Hạnh cùng bộ hạ đón đường quấy phá, chúa về giận lắm sai người mời tất cả pháp sư phù thủy hội đủ thành hoàng vào đánh nhưng cũng thất bại…
Khi cuộc giao chiến diễn ra bên Liễu Hạnh cũng có các thần bộ hạ đến giúp, phía Tiền Quan có thêm hai ông anh cùng Bát bộ Kim Cang làm tiên phong. Hai bên tả hữu có hắc hổ, bạch xà, trung tâm có Lục đinh, Lục giáp. Sau ba ngày đại chiến, trời đổ mưa to gió lớn, bụi cát mù mịt, sấm sét đùng đùng, nhà cửa tơi tả, người vật, chết khắp nơi, nước sông đỏ như máu… [14].
Trong Vân cát thần nữ cũng thể hiện:
“…Tiên pháp ngày hiệu lệnh anh linh.
Xem trong vài tháng dân tình,
Kỳ đàn lục súc nhuốm hình tai ương.
Nghĩ năm trước dân cường vật thịnh,
Đến ngày nay vật bệnh dân doanh.
Lập đàn lễ vật đảo kì,
Lên đàn bỗng thấy thét vang tiếng người.
Thừa Thượng đế giáng nơi trần thế,
Thực Tiên cung Chúa tể phàm gian”...
[15]
Là phụ nữ mà dám chống lại cường quyền và thét đòi dựng miếu thờ, quả thật nhân vật thần nữ này là trường hợp hy hữu
[16]. Nhưng đây cũng là điểm hay nhất và cũng là điểm cộng cho tư duy xây dựng hình tượng Liễu Hạnh của các nhà nho thế kỷ XVI - XVII. Sau khi Liễu Hạnh hoàn thành bổn phận làm con, làm vợ rồi mới về trời, sau lần về trời này bà lại xuống trần, từ đây mới sống cuộc đời tiêu dao thoắt ẩn thoắt hiện, khi phố Cát, Đèo ngang, Sùng Sơn hiển thánh, khi lên xứ Lạng, khi về Thăng Long. Bắt đầu từ đây chí bình sinh mới phỉ, bà sống với non xanh nước biếc, chọn nơi sơn thủy hữu tình để dựng điện, tự mình cho mình cái quyền được khuyến thiện, trừng ác. Tất cả những chi tiết này không chỉ cho thấy tài năng, quyền phép kinh hoàng của bà chúa Liễu mà còn thể hiện khí phách “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (Kiều – Nguyễn Du) của nhiều lớp nho sĩ tiến bộ thế kỷ XVI – XVII. Không thể phủ nhận rằng tầng lớp nho sĩ này cũng là những nho sĩ gần dân, thân dân, dám nói lên tiếng nói của nhân dân, nên tư tưởng “ Khi nào dân nổi can qua” (ca dao) đã được tích hợp trong khí phách và hành động của bà Chúa Liễu. Đây là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng hình tượng Liễu Hạnh là đại diện cho quần chúng lao động, là tư duy nối lại mạch nguồn bà Trưng, bà Triệu. Đứng về phía giới mà nói thì hình tượng thần nữ Liễu Hạnh là khát vọng đảo ngược số phận, vượt lên số phận tự tạo ra cuộc sống cho mình, vì mình của phụ nữ Đại Việt xưa.
5
) Liễu Hạnh là một trường hợp đặc biệt và khác biệt trong hệ thống linh thần Việt Nam.
Toàn bộ cuộc đời Liễu Hạnh cho thấy bà không phải người hùng sản xuất và cứu khổ kiểu như giúp dân khai hoang lập làng hay chữa bệnh; cũng không phải người hùng cứu dân thoát khỏi can qua binh đao khói lửa chiến tranh; cũng chẳng phải tổ nghề dạy dân nghề nghiệp để mưu sinh… là những mô típ phổ biến của thần linh và nữ thần Việt Nam, bà cũng không phải mô típ người mẹ vô danh bị giao long phủ để sinh ra anh hùng như nhiều bà mẹ thần thành hoàng làng ở VN. Bà đơn giản
là tiên giáng trần, sống cuộc đời trần thế, thực hiện ước mong của trần thế. Có thể nói
hình tượng về Liễu Hạnh được xây dựng như một hình mẫu chuẩn với những tư tưởng tiên phong để đánh thức dậy lòng ham sống, ham hưởng hạnh phúc và đấu tranh để đòi lấy hạnh phúc, công bằng của/cho phụ nữ. Nếu đặt hình tượng bà trong bối cảnh văn hóa Việt sùng Nho, sùng Lão trước đây và các kiếp đời, kiếp người phụ nữ Việt bị trói buộc trong vòng kim cô của luân lý tam tùng tứ đức mới thấy việc xây dựng cuộc đời Liễu Hạnh là rất độc đáo, vì thế mà bà là một biểu tượng thần nữ hy hữu.
Không phải bỗng nhiên Liễu Hạnh được nhân dân và triều đình phong tặng “Mẫu nghi thiên hạ”; “Chế Thắng hòa Diệu Đại Vương”. Tất cả đều có lý do riêng. Trong rất nhiều thần nữ được thờ phụng ở Việt Nam cho đến nay thì những nhân vật được tôn vinh lên hàng Mẫu/ Thánh mẫu là con số rất ít. Nếu có thể kể ra chỉ có Mẫu Âu Cơ (được coi như tổ Mẫu); Bà Đen (Linh Sơn thánh Mẫu – Miền Trung) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong tâm thức tôn giáo dân gian mẫu thần là những vị thần mà quyền uy, đức độ và khả năng phải rất đặc biệt, họ có chức năng như bà mẹ xứ sở (Linh Sơn thánh Mẫu), người sản sinh giống nòi (tổ mẫu Âu cơ). Liễu Hạnh không thuộc hai hệ đó, bà là phúc thần đại diện cho quần chúng cần lao, dám đứng lên chống lại cường quyền đòi tự do, công lý và hạnh phúc cho con người, hơn hết thảy bà dám sống như khát vọng của người dân. Trong một bối cảnh mà hàng nghìn đời người dân sống dưới không biết bao nhiều ách áp bức bóc lột thì tự do chính là khát vọng cháy bỏng. Tự do để thực hiện quyền làm người! Trong bối cảnh o bế và ngột ngạt của xã hội Đại Việt thế kỷ XVI – XVII thì lối sống phóng túng, ngang tàng của Liễu Hạnh chính là ước muốn và khát vọng của nhân dân! Việc tôn vinh bà và thờ bà chính là để ghi sâu, khắc nhớ và nuôi hy vọng về một cuộc sống tự do!
Điểm trội vượt nữa ở thần Liễu Hạnh là trong tâm thức tôn giáo dân gian Việt Nam bà còn được coi là
một trong tứ bất tử (đứng cùng với Thánh Gióng, Tản Viên Sơn, Chử Đồng Tử ) và là
thần chủ trong hệ thống tam tòa thánh mẫu, tứ phủ công đồng. Nếu so sánh về niên đại thì hệ thần Liễu Hạnh là lớp muộn, trong khi Thánh Gióng, Tản Viên Sơn và Chử Đồng Tử gần như hệ thần linh cùng thời. Có một số ý kiến cho rằng Liễu Hạnh đứng vào hệ thống tứ bất tử này là do có sự đánh tráo chữ Hạnh của nhân vật Từ Đạo Hạnh. Trong tâm thức dân gian Từ Đạo Hạnh vừa là sư, vừa là đạo sĩ và được thờ phụng như một phúc thần và thời ông sống mới gần với ba vị kia. Tuy nhiên, cứ cho rằng có sự đánh tráo để đưa Liễu Hạnh vào hệ thần tứ bất tử thì cũng là hữu ý của tâm thức tôn giáo dân gian. Hữu thức là cố ý đưa vào để hình tượng về bà sống mãi (bất tử). Xét về khía cạnh tâm lý học, khi khát vọng về tự do sống, tự do yêu đương kết hôn, tự do hành xử và chịu trách nhiệm về hành vi của mình là khát vọng cháy bỏng của con người đã bị cường quyền o bế, kìm hãm nên bị đẩy vào nén lại trong vô thức. Theo cơ chế tâm lý thì dù có nén lại, đẩy vào vô thức thì nó vẫn sống và hiện hữu bất kỳ
. Liễu Hạnh là biểu tượng của tự do và quyền được tự do là bất tử! và như vậy mẫu Liễu Hạnh bất tử là sự hiện thực hóa, hữu thức hóa những nhu cầu vô thức nhưng bất tử của con người.
6) Với căn cốt là phụ nữ, thờ Mẫu Liễu tồn tại và bám rễ dai dẳng ở Việt Nam còn là thể hiện của một nền văn hóa mẹ với bản nguyên âm luôn luôn hiện hữu trong mọi hành vi ứng xử. Hình tượng rắn thần trong điện thờ Mẫu Liễu cũng là một mật mã văn hóa, tôn giaó và lý giải tính giao lưu hội nhập của tôn giáo dân gian ở Việt Nam và mặt khác thể hiện bản thể quyền năng sinh sản ở Mẫu.
Điều không thể phủ nhận là tại các cơ sở thờ Mẫu ở phía Bắc thì biểu tượng Rắn/ thần rắn là rất phổ biến cho dù đó là điện tư gia hay điện công thì biểu tượng rắn với mô típ 2 con vật lớn quấn ngang xà nhà chầu về ban công đồng hay ban tượng thờ trong hậu cung đã trở thành nét đặc trưng ở các điện thờ Mẫu phía Bắc và cũng thấy ở điện Hòn chén (miền Trung). Đó là chưa kể hàng ngàn các cơ sở tôn giáo dân gian khác như đền, phủ, miếu, đình thờ các vị thần thành hoàng làng đều có thần tích là con của bà mẹ mang thai với rắn, giao long…để rồi sinh ra người anh hùng cứu dân giúp nước
[17]. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lại hóa thành nguyên bản trườn về, tìm về miền sông nước.
Từ tính chất phổ biến của dạng thức trang trí này trong điện thần thờ Mẫu Liễu và vô vàn những mô típ nguồn cội của các thần thành hoàng, chúng tôi cho rằng với đặc tính âm, rắn là loài máu lạnh, không chân, không lông mao, lông vũ, xuất hiện bất thình lình, phóng ra nhanh như tia chớp từ lỗ tối hay kẽ nứt và có thể đem đến cái chết bất ngờ. Cộng với đặc tính cuộn khúc, siết, bóp nghẹt nuốt chửng tiêu hóa rồi ngủ, có thể từ bỏ vẻ ngoài giống đực để trở thành giống cái, lột xác để tái sinh.v.v… Rắn được ví như “một sự nỗ lực di truyền lâu dài mang tính đối ngược với con người”
[18]. Rắn được các nhà phân tâm học cho rằng nó là phần lý trí ít kiểm sóat nhất của con người. Ở một phương diện khác người Pygmee lại cho rằng rắn là “
biểu tượng của cội nguồn sự sống và cũng là biểu tượng của linh hồn, nhục dục”[19]. Như vậy, từ đặc tính của rắn bí ẩn, bí mật không thể lường trước cũng như không thể hiểu được các kiểu hóa thân của nó mà rắn được coi là biểu tượng của “bản thể vô hình, sống tận tầng sâu của ý thức”. Bản năng mẫu gốc của rắn còn được coi như là vị chúa tể của phép biện chứng sống, nó là vị tổ tiên huyền thoại, vị bán thần khai hóa và cũng là chúa tể của phụ nữ
[20]. Ở vùng Volta khi người phụ nữ đã mang thai họ được đưa vào những căn nhà trang trí đầy hình rắn, còn người Nourouma ở Gougoro thì tin rằng một người phụ nữ sẽ mang thai khi có con rắn bò vào lều. Ở Ấn độ những người phụ nữ muốn có con phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi, người Tupi – guarani (Braxin) có tục cầm con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh để họ có thể trở thành mắn đẻ
[21]. Trong kinh thánh con rắn đã xuất hiện với đầy đủ tố chất của bản nguyên và dục năng nó đã làm cho Eva thấy cây sự chết chính là cây của sự sống và thôi thúc Eva vứt bỏ sự e lệ trinh trắng để tham gia cuộc sống trần tục mà sản sinh ra loài người.
Trong văn hóa nông nghiệp ở Viễn đông con rồng đã trở thành người cha huyền thoại của nhiều triều đại và các hoàng đế Trung Hoa đã thêu hình rồng trên cờ hiệu của mình để chứng tỏ nguồn gốc thần thánh của nền quân chủ. Thần thoại chim – rắn từng là cặp xuất hiện khá dầy trong các tín ngưỡng cổ xưa như một biểu tượng kép về ý nghĩa mây - nước.
Như vậy, trong kho tàng văn hóa thế giới, con rắn, rồi tiến thêm lên một bước nữa là rồng (thực là cũng là một biến thể của rắn) thì rắn đã trở thành một hệ biểu tượng: vừa là cội nguồn của sự sống bản nguyên, vừa là biểu tượng của quyền lực siêu trí tuệ. Vừa là thần bảo trợ cho các đấng tinh thần, vừa là chúa tể của phụ nữ và sự sinh sản. Trong con người nó có thể trú ngụ ở tầng sâu nhất của ý thức nhưng cũng có thể vụt chuyển vận lên để làm thành quyền lực siêu nhiên (khi kudalini vươn dậy theo chiều dọc cột sống thì các luân xa mở ra, con người có thể đạt được những trạng thái siêu việt). Trong vũ trụ nó cư ngụ ở thẳm sâu của biển cả và chỉ xuất hiện khi cần phải làm những cuộc chuyển dời đổi thay mang tính sáng tạo. Tất cả những biểu tượng này của rắn khiến cho nó mang một bề dày các tầng ý nghĩa và có quyền năng riêng so với nhiều loài bò sát khác. Văn hóa tâm linh của người Việt không nằm ngoài hệ quy chiếu đó.
Trong văn hóa Việt Nam rắn, rồng đều xuất hiện và mang đầy đủ mọi ý nghĩa cả đơn và kép của nó. Với tư cách là vị chúa tể của dục năng và sinh sản, rắn thần xuất hiện với tên gọi Giao long và luôn luôn đi cùng với các câu chuyện về phụ nữ được giao long phủ để rồi sinh ra những bậc kì tài như: Hoàng tử Linh Lang dưới triều Lý
[22]; Phùng Từ Nhan nằm chiêm bao thấy Thần Long quấn mình trên
sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai đẻ ra 5 người con, hai trong số đó thành tướng quân của Triệu Quang phục nay thờ ở đền Trương Hống, Trương Hát
[23]; Thủy tổ của người Việt cũng là thuộc rắn (Lạc Long quân). Trong văn hóa VN ngoài việc các vị thần có nguồn gốc từ rắn, thì chính bản thân rắn cũng được thờ cúng khá phổ biến. Rắn thần có mào từng là hình tượng phổ biến trong văn hóa Mường – Việt. Nhiều ngôi đình, miếu cổ vẫn còn lưu giữ những cốt truyện về lai lịch của vị thần thành hoàng làng vốn dĩ là những cặp rắn có mào từng làm khuynh đảo dân làng, hoặc đầu thai thành người phò trợ vua dẹp giặc (thần Linh lang) để rồi cuối cùng được thờ làm thần thành hoàng làng của người Việt.
Trở lại điện thần thờ Mẫu khắp từ Bắc chí Nam, từ ngôi điện to lớn đàng hoàng, tới ngôi điện nhỏ bé khuất nẻo đều luôn có đôi rắn hiện diện trên xà ngang và chầu về thần tượng Mẫu. Khi thì là cặp rắn xanh – đỏ; khi thì là cặp rắn trắng – vàng; khi thì là cặp rắn cuộn khúc nhô đầu lên (đôi rắn ở điện mẫu đền mẫu Lạng Sơn), tất cả đều trong tư thế sẵn sàng nhả ra, phun ra những năng lượng khổng lồ điều này không hề ngẫu nhiên mà thực sự chính là một mật mã văn hóa, một sự lý giải về bản chất nguyên khởi của Mẫu thần.
Câu chuyện về Mẫu Liễu lần thứ ba xuống trần mở quán bán hàng ở khu vực đèo ngang và vụt hóa thành rắn phun phì phì khi bị thái tử con vua Lê chòng ghẹo khiến Thái tư hồn siêu phách lạc, khi trở về kinh thì hóa dại đã phần nào hé lộ bản chất khởi nguyên của Mẫu (là rắn). Chỉ khác Zeus hóa rắn để thực hành việc giao hoan với Perséphone mà tái sinh thì Mẫu lại trở về bản nguyên để từ bỏ cuộc kết hợp với nền quân chủ cuối mùa. Điều này cho thấy hình tượng Mẫu mà ta vẫn gặp với ba ngôi hay bốn ngôi, thậm chí với một ngôi thần chủ thực ra cũng chỉ là những biểu hiện trí tuệ của sức mạnh khởi nguyên nhưng vẫn mang nguyên lõi của dục tính đó là hình tượng phụ nữ. Câu chuyện về tam sinh tam hóa của Mẫu cùng với nguồn gốc từ thượng giới xuống đã phản ánh đầy đủ tính chất bất diệt và khả năng chuyển vận của vòng tròn mà con rắn tạo ra (tự vận chuyển trong vòng sinh hóa). Với tính chất này đã giải thích vì sao Mẫu có quyền năng tối thượng.
Quan sát các tín đồ về lễ mẫu gồm đủ mọi thành phần nhưng tựu chung lại các mục đích chính vẫn là cầu tài cầu lộc; cầu con và chữa bệnh, nhưng một khía cạnh âm thầm khác ít được các căn đồng bộc lộ và các nhà nghiên cứu chú ý đó là
cầu cho có được nguồn năng lượng Mẫu ban cho để con người có thể vươn tới bản thể thánh thần. Đa số các Thanh đồng khi lên đồng đều tin là mình sẽ nhận được năng lượng, sinh khí của thánh thần giáng (đi vào) cơ thể họ, do đó khi trên chiếu hầu họ không chỉ vào vai thần, thánh mà còn tin rằng họ chính là thần, thánh
[24].
Sự giải thích về duy chỉ nguồn gốc thiên thần của Mẫu đến đây không còn đủ sức thuyết phục nữa mà ý nghĩa về biểu tượng Mẫu còn là bản nguyên của sự sống là nguồn dục năng có thể được gọi dậy và vượt trội thành trí tuệ siêu việt mới là đáp án khả dĩ hợp lý. Chỉ như vậy thì
biểu tượng kép mẫu – rắn không chỉ là sự phì nhiêu, sung túc và may mắn trong sinh sản cùng khả năng chữa bệnh vốn dĩ là đặc tính của con rắn mà còn là hai mặt của một bản thể thống nhất kỳ diệu: dục năng và trí tuệ thánh thần.
Như vậy, rắn cặp xuất hiện ở điện thần thờ Mẫu không phải là với tư cách một vị thần đơn lẻ, hay đại diện cho tư duy thần của miền rừng núi tích hợp vào như nhiều cách giải thích hiện nay mà rắn ở đây chính là sự biểu hiện của khía cạnh thứ hai, khía cạnh cốt lõi và là bản thể, bản nguyên sơ khởi, bản nguyên gốc của vị thần được thờ. Là chúa tể của phụ nữ, và biểu tượng của sự sinh sản, cũng là biểu tượng cho sự vượt dậy của bản năng được kích thích và phát triển thành trí tuệ siêu việt, một lần nữa bản thể của rắn vũ trụ lại được khẳng định và chuyển hóa thành hình tượng Mẫu thần dung dị trong đời sống tâm linh Việt Nam.
7) Nghi lễ thờ Mẫu Liễu Hạnh là một nghi thức đặc biệt: lên đồng hầu bóng
Trong hầu hết các thực hành nghi lễ của tôn giáo dân gian người Việt thì thực hành nghi lễ thờ mẫu Liễu là nghi lễ đặc biệt:
lên đồng, hầu bóng. Đặc biệt không chỉ ở cách thức hành lễ, người hành lễ; trang phục hành lễ mà thậm chí ở cả bản chất và chức năng của nghi lễ. Trong thực hành nghi lễ lên đồng thì không phải là cách của con người đi cúng bái thần linh
mà là phương thức để con người hóa thân thành thần linh, sống, làm việc và thụ hưởng kiểu thần linh và được các thành viên trong tổ chức của mình tôn vinh, kính trọng, phụng sự như phụng sự với thần linh.
«Trong một canh hầu có rất nhiều vị thần giáng về, "nhập" vào người ngồi đồng. Lúc đó chủ thể là người ngồi đồng chỉ là lấy thân xác mình làm cái cốt (xác) cho Thần linh nhập vào để giáng trần »
[25] . Vì thế trong thực hành nghi lễ
Lên đồng được coi là có sự nhập hồn nhiều lần của Thần linh. Với niềm tin tôn giáo của mình, các tín đồ thờ Mẫu đều cho rằng (tự ám thị) khi lên đồng là lúc thần linh nhập vào, vì vậy những hoạt động của các Đồng lúc đó là hoạt động của thần linh. Từ quan niệm này nên khi tham gia một cuộc lên đồng (trong lúc diễn ra nghi lễ) thì dù là trong vai trò Đồng lính (Đồng mới), con nhang dự hầu, hay thậm chí là vợ, chồng của con Đồng thì bất cứ người nào cũng có thái độ ứng xử với Đồng như ứng xử với thần linh.
Ở khía cạnh khác thực hành nghi lễ lên đồng cá biệt còn là hiện tượng tâm lý học tôn giáo. Với đặc điểm Căn Đồng là đối tượng trung gian giữa Thần và người (người Thần dựa - médium)
, Khi lên đồng, chủ thể (Đồng) ở vào trạng thái tâm sinh lý rối loạn hốt hoảng một cách thần bí (extase), có thể gọi đó là
trạng thái xuất thần, mê man mất tri giác. Để có thể rơi vào trạng thái mê man mất tri giác trong lúc lên đồng, các Đồng đều có sự trợ giúp của các Sư công dưới các hình thức: thôi miên, múa biểu diễn (trước đây) hoặc tập luyện mà có được nhiều khả năng phi thường (nuốt lửa, rạch lưỡi...).
Ở khía cạnh này khi lên đồng con Đồng ở vào trạng thái tâm sinh lý đặc biệt mà chỉ có thể dựa vào lý thuyết của tâm phân học mới có thể giúp chúng ta hiểu được bản chất của lên đồng. Và như vậy thì: "hiện tượng lên đồng là một hiện tượng bệnh lý xuất phát từ tiềm thức", đó là "hiện tượng bất bình thường của con người bình thường trong trạng thái ý thức không kiểm soát được hành vi (hành vi, ngôn ngữ do tiềm thức điều khiển). Cơ chế đó chỉ có ở một số người đặc biệt mà dân gian VN gọi là
căn Đồng"
[26]. Như vậy, «
lên đồng ở những cá thể này, có thể hiểu là sự xuất hiện, đột khởi trạng thái ý thức không bình thường ở những cá nhân có những cơ chế tâm sinh lý đặc biệt. Hiện tượng này cũng giống như những trường hợp
Khê đồng (phải bắn súng con Đồng mới tỉnh), hay hiện tượng
Sai đồng roi (khi các em bé ngồi đồng không tỉnh lại được, người lớn phải tạt nước lên mặt mới tỉnh lại) hoặc giống như hiện tượng
Vũ tiên đồng (Trung Quốc). Điều đáng lưu ý ở đây là khi lên đồng nhiều Đồng ở vào trạng thái đặc biệt của tâm lý và ý thức mà những năng lượng từ vô thức được bột phát trỗi dậy và phát huy được một số tính năng/ công năng, nhờ đó họ có khả năng làm được những việc khác thường: xiên lình, rạch lưỡi, tiên tri, hậu tri... »
[27] là những trí tuệ siêu việt mà con người luôn mong muốn chiếm lĩnh, sở hữu hoặc có được thông qua thực hành nghi lễ.
8)
Một trong những chức năng quan trọng của hiện tượng thờ cúng Mẫu là phúc đáp lại cho tín đồ tất cả những điều mong đợi của họ. Từ thực hành thờ cúng Mẫu Liễu đem lại kết quả của/ cho cuộc sống hiện sinh: tài lộc, duyên phận, con cái, chữa lành bệnh tật, nhận được năng lượng vũ trụ để làm lành thể xác và tinh tấn tinh thần…Tất cả những điều này khiến thờ Mẫu khác hẳn các tôn giaó khác là đem lại cuộc sống vật chất, khỏe mạnh cho cuộc sống hiện tại của con người. Chính điều này có tác dụng hấp dẫn ngay và luôn cho cảnh sống trầm luân khổ ải, vất vả bon chen của con người Việt Nam từ xưa đến nay mà không cần chờ đợi đến kiếp sau. Từ khía cạnh này mà thờ Mẫu mang tính thực dụng. Nhưng nhờ những công năng đặc biệt của nó với tâm lý người thực hành nghi lễ, nhờ những vốn xã hội qua kết giao của thành viên bản hội; những an ổn về tâm lý, tinh thần cho con người cá nhân mà thực hành nghi lễ thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu trở nên hữu dụng với tất cả tín đồ.
9) Cuối cùng là
đến với văn hóa Mẫu, thực hành thờ Mẫu là các cá nhân được thăng hoa trong xúc cảm tích cực, thăng thượng trong trạng thái tinh thần và dù muốn hay không; xảy ra hay không sự truyền nhận năng lượng vũ trụ thì mỗi cá nhân đều được thay đổi vị trí, vị thế xã hội, hoán đổi thân phận và có quyền năng để ban phát. Tức là được đứng ở vị trí trên, cao hơn người khác và có được quyền lực mềm để có thể thay đổi nhiều hệ quả, hệ lụy khác từ cuộc đời thực
[28].
Kết luận: với tất cả những lớp lang văn hóa, tôn giáo dung chứa trong hình tượng Mẫu Liễu như đã phân tích ở trên cho thấy sự công phu trong xây dựng hình tượng mẫu thần của các trí thức dân gian xưa. Mặt khác sự phong phú, phức tạp và đan xen nhiều lớp lang văn hóa, tôn giáo, biểu tượng… trong hình tượng mẫu Liễu cũng chính là những thông điệp gửi lại cho ngàn sau. Những thành công trong xây dựng hình tượng về bà chúa Liễu cũng là sự thăng hoa của những trí tuệ, ước muốn, khát vọng của người Việt Nam. Hình tượng về bà chúa Liễu là hội tụ của tất cả những gì thẳm sâu nhất đến hiển lộ nhất và từ cao siêu nhất trong nền minh triết dân gian đến giản đơn nhất là vòng tay của mẹ. Chính vì vậy mà bà là sản phẩm sáng tạo văn hóa tôn giáo độc đáo, thành công nhất từ trước đến nay. Hình tượng về bà không chỉ dung chứa các chiều kích luân lý, đạo lý của người Việt mà còn tích hợp được cả những trí tuệ của tư duy tôn giaó thế giới và khu vực. Điều này làm nên giá trị riêng có của thờ mẫu Liễu ở Việt Nam và làm nên bản sắc riêng có của tôn giáo Mẹ. Đồng thời đó là lý do Mẫu Liễu trở thành biểu tượng điển hình của văn hóa dân gian Việt Nam và sống mãi với tâm thức tôn giáo của người dân các thế hệ, các tầng lớp trong xã hội Việt Nam xưa cũng như nay.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Từ Chi (1996)
Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb VHTT, tạp chí VHNT
- Jean chevalier & Alain gheerbrant (1997)
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới.Nxb Đà nẵng & trường viết văn Nguyễn Du.
- Kỷ yếu hội thảo khoa học :
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang trong kỉ nguyên số. UBND huyện Duy Tiên – Sở VHTT DL Tỉnh Hà Nam – Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc.
- Hồng y Giu se maria Trịnh Văn Cẩn (1985)
Kinh thánh, Tòa tổng giám mục Hà Nội.
- Chu Xuân Giao “
Quảng Cung linh từ trong nguồn tư liệu Hán - Nôm: Sơ bộ tổng quan đến thời điểm ấn tống
Cát thiên Tam thế thực lục (1913)” – Tham luận Hội thảo
Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Quảng Cung, Yên Đồng ngày 21/10/2009.
- Chu Xuân Giao (2021) “
Đền Cây Đa Bóng và Đồng quan Trần Vũ Thực ở nửa đầu thế kỷ XX trong các mối quan hệ xa gần với cung Phổ Hóa (Huế) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)”. Kỷ yếu hội thảo khoa học:
Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung) trong quần thể di tích Phủ Giầy
- Nguyễn Duy Hinh (2007)
Một số bài viết về tôn giáo học, Nxb KHXH
- Nguyễn Ngọc Mai (2009)
Mạng xã hội của những căn đồng, tạp chí nghiên cứu Con người. Số 3.
- Nguyễn Ngọc Mai (2011) “
Có hay không tác dụng cứu sinh trong thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng”, Tc nghiên cứu Con người số 6.
- Nguyễn Ngọc Mai (2015)
Giải mã hiện tượng thờ rắn/ biểu tượng rắn trong hệ thống điện thờ Mẫu ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học “thờ mẫu ở Miền trung”
- Nguyễn Ngọc Mai (2017)
Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Hà Nội
- Nguyễn Ngọc Mai (2019)
Hình tượng người phụ nữ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Tc nghiên cứu tôn giaó số 12/2021.
- Nguyễn Ngọc Mai (2019)
Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội, Nxb HN
- “ Vân cát thần nữ cổ lục diễn âm” AB.352 do Vân Anh (Viện nghiên cứu Hán Nôm) hiệu đính.
- Hồ Đức Thọ (2008)
Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa – lễ hội Phủ Dầy. Nxb VHTT.
- Nguyễn Quốc Tuấn (2004) “
Mẫu Liễu Hạnh qua góc nhìn tôn giáo học”, Tc nghiên cứu tôn giáo số 6.
- Bùi Văn Tam (1996)
Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản. Nxb thông tin và truyền thông.
[1] Nay là khu vực Phủ Giầy/huyện Vụ Bản/ Nam Định
[2] Nguyên văn: “Thượng đế phong sắc cáo rõ ràng/ Vẻ rồng Liễu Hạnh đại vương/ Những cho lại xuống trần dương phỉ nguyền”
[3] Khổ 20 trong bản văn “ Vân cát thần nữ cổ lục diễn âm”
[4] Xem: Nguyễn Từ Chi (1996)
Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb VHTT, tạp chí VHNT, tr 21.
[5] Xem “Vân Cát thần nữ cổ lục diễn âm” AB.352
[6] Các nghi lễ hầu đồng đã được Hải Thượng Lãn Ông phản ảnh trong Thượng kinh ký sự
[7] Xem Nguyễn Ngọc Mai ( 2022) “Quan lớn đệ tam và hệ thống thần linh Tam phủ thờ tại đền Lảnh giang”. Kỷ yếu hội thảo khoa học : Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang trong kỉ nguyên số. UBND huyện Duy Tên – Sở VHTT DL Tỉnh Hà Nam – Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc.
[8] Có tài liệu chép là Trịnh thị Ngọc Đài; Trần Thị Ngọc Đài. Bà phi này người Phủ Giày được tuyển vào làm Phi tần của chúa Trịnh Tráng, được Chúa sủng ái nên có nhiều cơ hội giúp dân Thiên Bản. Vì thế bà cho rằng nhờ ơn Mẫu Liễu mà được tuyển vào cung nên có nhiều hành động đóng góp cho phủ đệ thờ mẫu tại đây.
[9] Theo các tài liệu tại địa phương cho biết gia tộc Trần vũ cũng có truyền thống thi thư
[10] Làm quan ở Huế thời Khải Định
[11] Phúc âm, Matheu, 28.8
[13] Nguyễn Ngọc Mai (2019)
Phụ nữ Thăng Long – Hà Nội, Nxb HN , tr 107
[14] Chi tiết này theo tích : “sùng sơn đại chiến sử’ của Lăng Tuyết “Đạo tiên ở An – nam” của Nguyễn Văn Huyên. Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai ( 2017)
Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị, Nxb Hà Nội, tr105
[15] Vân cát thần nữ cổ lục diễn âm bản AB.352 do Vân Anh hiệu đính, tr 21
[16] Xem vân cát thần nữ cổ lục diễn âm bản AB.352 do Vân Anh hiệu đính, tr 21
[17] Xem thêm Nguyễn Duy Hinh ( 1996) tín ngưỡng thành hoàng VN. Nxb KHXH
[18] Jean Chevalier & alain Gheerbrant (1997), từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb đà nẵng tr 761
[19] Jean Chevalier & alain Gheerbrant (1997), từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb đà nẵng tr 762
[20] Jean Chevalier & alain Gheerbrant (1997),sdd, tr 762
[21] Jean chevalier & Alain gheerbrant (1990 ) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr 769
[22] Chuyện kể mẹ của Thần là cung nữ, một hôm tắm ở hồ thì bị một con rắn quấn chặt vào người, sau đó bà có mang sinh được người con trai trên mình có 28 vết hằn tựa vẩy rồng và trên ngực có bẩy chấm óng ánh như ngọc, vua đặt tên là Linh lang. ngài lớn lên khi có nạn nước đã cầm quân đánh giặc, cờ của ngài phất đến đâu giặc tan tới đó. Dẹp xong giặc ngài trở về mắc bệnh rồi hóa thành Giao Long chui xuống hồ biến mất. Vua phong thần Linh Lang đại vương, nay tại nơi đó còn đền thờ, hội vào 11/2.
[23] Còn có tên khác là Đền thờ thánh Tam Giang
[24] Xem Nguyễn Ngọc Mai (2017)
Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Hà Nội, tr 160 - 161
[25] Xem Nguyễn Ngọc Mai ( 2017)
Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Hà Nội, tr 40 - 45
[26] Nguyễn Duy Hinh (2007)
Một số bài viết về tôn giáo học, Nxb KHXH, tr 871
[27] Nguyễn Ngọc Mai (2017)
Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Hà Nội, tr53-54
[28] Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai ( 2010)
Nghi lễ lên đồng và mối quan hệ với nhóm xã hội đặc thù. Tc nghiên cứu Con người số 3