tiếp biến văn hóa VN trong bối cảnh hội nhập

Thứ bảy - 19/01/2019 03:56
Tiếp biến văn hóa là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của hầu hết các nước trên thế giới. Vn cũng không nằm ngoài quy luật. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực " được rất nhiều" là những mặt trái " mất không ít". Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao bản lĩnh văn hóa và "bộ lọc", nhằm phát huy tối nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy tiêu cực.
 
( Bài viết này đã được rút gọn bớt khi đăng trên tạp chí Tuyên Giáo số 1/2019, Ở đây đăng lại toàn văn)
1. Tiếp biến văn hóa
Tiếp biến văn hóa (Acculturation) là một khái niệm không mới ở VN và càng không mới với thế giới. Thuật ngữ này nhằm chỉ sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau dẫn đến những thay đổi bên trong của một trong hai nền văn hóa. Có cách hiểu khác về tiếp biến văn hóa: là một quá trình thay đổi văn hóa và thay đổi tâm lý, là kết quả theo sau cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Tiếp biến văn hóa thường đi liền với các động thái giao lưu, hội nhập văn hóa
Bản chất của tiếp biến văn hóa “ là một quá trình biến đổi kép về văn hóa và tâm lý xảy ra do kết quả của sự tiếp xúc giữa hai hoặc nhiều nhóm văn hóa và những cá nhân thành viên của những nhóm văn hóa đó”[1]. Ở cấp độ nhóm, tiếp biến văn hóa thường dẫn đến những thay đổi về văn hóa, phong tục, và các tổ chức xã hội. Hiệu ứng cấp độ nhóm đáng chú ý của tiếp biến văn hóa thường bao gồm những thay đổi trong thực phẩm, quần áo, và ngôn ngữ. Ở cấp độ cá nhân, sự khác biệt trong cách cá nhân tiếp biến văn hóa đã được chứng minh có liên quan không chỉ với những thay đổi trong hành vi, đối xử hàng ngày, mà còn với nhiều phạm vi phúc lợi về tâm lý và thể chất.
Tiếp biến văn hóa thường xảy ra dưới hai phương thức: chủ động và cưỡng bức. Tiếp biến cưỡng bức chỉ xảy ra khi một nền văn hóa A bị nô dịch bởi văn hóa B với những thiết chế quân sự, chính trị, hành chính đi kèm (thời Bắc thuộc, Pháp thuộc, Mỹ thuộc); tiếp biến tự nguyện là khi cả hai nền văn hóa đều chủ động hội nhập giao lưu và có những khuyến khích, động thái để các thiết chế văn hóa có thể xâm nhập nhập, giao lưu với nhau và cùng tiếp thu lẫn của nhau. Điều này đã và đang xảy ra ở Việt Nam từ sau đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.  Tuy nhiên, cho dù tiếp biến văn hóa ở hình thức nào cũng mang lại những tác động vượt ra ngoài mong đợi của cả hai chủ thể văn hóa. Những tác động này có thể là tích cực cũng có khi là tiêu cực, thậm chí cả hai. Điều này thấy rất rõ trong hai cuộc tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa và văn hóa Phương Tây ở Việt Nam trong quá khứ. Mặc dù với chiến lược đồng hóa dai dẳng và thâm độc của người Hán nhưng sau 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc dân tôc Việt Nam đã giành lại được độc lập sáng tạo nên một nền văn hóa Đại Việt rực rỡ, trong đó có rất nhiều yếu tố thuộc về/ có gốc là văn hóa Hán nhưng đã được Việt hóa cho phù hợp với tâm hồn tình cảm, tư duy của người Việt mà hệ thống Nho học, luật pháp, mô hình cai trị đất nước là những sản phẩm như vậy. Sau này trong cuộc tiếp xúc cưỡng bức với văn hóa phương Tây (thông qua hoạt động truyền giáo) và  văn hóa Pháp, với tư duy nô dịch kiểu mới chế độ thực dân cũng không thể hình dung ra nổi sau gần thế kỷ khi người Pháp rút đi văn hóa Việt Nam đã có thêm khá nhiều thành tựu; đó là hệ thống chữ quốc ngữ hoàn bị với các ký tự La Tinh ghi được phát âm của người Việt;  một nền nghệ thuật sân khấu, hội họa mới và dòng văn học lãng mạn mang hơi hướng của  phong cách văn chương lãng mạn Pháp. Đặc biệt là những cơ sở hạ tầng về kiến trúc nhà cửa theo lối Bắc Âu nhưng lại dung chứa tinh thần cốt cách Việt hiện vẫn còn tọa lạc trong lòng Hà Nội. Không phủ nhận nếu không có văn hóa Pháp, không có những luồng tư tưởng của Saint Simon, Voltaire, Montesquieu …của thế kỷ ánh sáng,  chúng ta không thể có tư duy ái quốc của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… và nếu không có tiếp xúc với văn hóa Pháp chúng ta không thể có dòng văn học lãng mạng, hiện thực phê phán cũng như dòng âm nhạc trữ tình thoát ly khỏi những khuôn sáo văn chương ước lệ và hệ thống ngũ âm trước đây để làm thành trào lưu âm nhạc lãng mạng nhất Việt Nam và còn tồn tại đến tận ngày nay mà ta vẫn quen gọi là dòng nhạc Bolero.
Nói về những thành tựu này của văn hóa Việt Nam có tác giả cho đó là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, có tác giả lại cho đó là sản phẩm vượt gộp của quá trình khúc xạ văn hóa[2]. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó cũng còn rất nhiều những dị dạng về văn hóa và lối sống như kiểu Xuân tóc đỏ. Điều đó cho thấy  trong bất cứ dạng thức tiếp biến văn hóa nào thì cũng vẫn sản sinh ra hai thể dạng sản phẩm của văn hóa là những sản phẩm vượt gộp và những sản phẩm giả hiệu.
2. Tiếp biến Văn hóa VN trong bối cảnh hội nhập
Hội nhập ở Việt Nam diễn ra trong thời gian khoảng 30 năm trở lại đây, với lộ trình đi từ khu vực Đông Nam Á (ASEAN) – Á - Âu (ASEM) - châu Á -Thái bình dương  (APEC)  và rồi với hầu hết các nước trên toàn thế giới. Quá trình đó đã thúc đẩy và tạo ra những tiền đề vô cùng mạnh và rộng để văn hóa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Khác với những lần hội nhập đơn tuyến/bị động trong quá khứ, hội nhập của văn hóa Việt Nam từ sau đổi mới đến nay hoàn toàn chủ động trên cả phương diện đường lối chính sách vĩ mô và các hoạt động cụ thể. Do vậy mà tiếp biến văn hóa của Việt Nam sau đổi mới đến nay là tiếp biến đa tuyến, đa chiều kích, bằng nhiều kênh khác nhau (ngoại giao, học thuật, đầu tư, giao lưu văn hóa văn nghệ và thông tin đại chúng…) vì vậy mà cái được, cái mất của văn hóa Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung cũng bộc lộ trên nhiều bình diện. thể hiện:
 Thứ nhất đó là những thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Có lẽ chưa bao giờ trong nhận thức xã hội các quan niệm, khái niệm về tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, phát triển con người, phát triển bền vững, tự do văn hóa, báo chí, sáng tác… lại đươc bàn luận công khai trên nhiều diễn đàn với các quy mô khác nhau. Điều này không chỉ có tác dụng đánh thức tư duy VN tạo ra những nhận thức mới về sứ mệnh của văn hóa mà còn khắc phục được sự phiến diện, thiên lệch hoặc tầm nhìn hạn hẹp khi xác định vai trò của văn hóa trong phát triển.  Bắt đầu từ Năm 1998, với Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ nền tảng này,  văn hóa còn được xác định là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội. Từ đây Văn hóa không chỉ có chức năng nhận thức, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người mà còn là nguồn lực nội sinh, là sản nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với việc xác định được mô hình phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”  là những đổi mới mạnh mẽ trên phương diện quản lý văn hóa  đã tạo ra những bước ngoặc quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa,  tham gia tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng  thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, tăng trưởng GDP địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch.
Có thể khẳng định rằng trong 30 năm trở lại đây hội nhập và tiếp biến văn hóa trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều loại hình, loại thể, trong đó có cả những thiết chế văn hóa mới du nhập cũng dần tạo ra được chỗ đứng trong thẩm mỹ thưởng thức của nhân dân (lễ hội Noen, Halloween…). Các sản phẩm văn hóa không chỉ góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam mà các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, có dấu hiệu tích cực về chất lượng, đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, đang nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống. Hệ thống thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh về loại hình, chất lượng, tính hiện đại, trực tiếp, nhanh nhạy chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng ngày càng rộng hơn, góp phần không nhỏ vào hình thành tư duy phản biện xã hội trên phương tiện thông tin đại chúng…ở một số phương diện/ thành tố của văn hóa nhờ có đổi mới tư duy mà đã góp phần tạo ra một cục diện mới trong nhận thức giá trị. Đáng ghi nhận nhất là các thành tựu về đối thoại liên tôn giáo; coi tôn giáo là nguồn lực trong phát triển bền vững. Sự thay đổi nhận thức này đã tạo ra những đồng thuận giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Phương châm các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc đã không chỉ mở ra thế và lực mới cho các tôn giáo ở Việt Nam. Từ chỗ coi tôn giáo như một lực cản của xã hội (mê tín dị đoan, là sản phẩm của chế độ cũ…) cho đến nay sau hơn 30 năm đổi mới tôn giáo đã được nhìn nhận là “có nhiều yếu tố phù hợp với tâm lý đạo đức của người dân (nghị quyết TW 1990)”. Việc ra đời pháp lệnh, luật tín ngưỡng tôn giáo đã không chỉ thừa nhận tôn giáo như là những thực thể xã hội mà còn tạo ra những hành lang pháp lý để các tôn giáo tích cực tham gia vào phát triển xã hội, đảm bảo an ninh tinh thần, củng cố đoàn kết xã hội và trở thành một nguồn lực quan trọng tham gia vào hệ thống dịch vụ công và an sinh xã hội.
Một ghi nhận quan trọng khác là đối ngoại văn hóa. Bằng cách tích cực và chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa , đường hướng “phát triển văn hóa đối ngoại”  đã trở thành phương châm chính  trong chiến lược đối ngoại của các ngành quản lý văn hóa, du lịch, ngoại giao. Kết quả đem lại là hàng loạt các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã đến được với bạn bè quốc tế, đem lại sự ngạc nhiên thán phục  của bạn bè quốc tế về tính độc đáo, đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Thành tựu lớn nhất là hàng loạt các di sản văn hóa Việt Nam đã được  ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Ruộng bậc Thang  (Hà giang); Quan họ ( Bắc Ninh); Hát Dậm (Quyển sơn – Ninh Bình); Ca trù, nhạc cung đình Huế… và gần đây nhất là “thực hành tín ngưỡng Tam phủ”…. Những thành tựu này đã đẩy mạnh việc quảng bá thành tựu văn hóa và hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời cũng tạo ra những điệu kiện thuận lợi để  các ấn phẩm văn hóa, khoa học theo nhiều luồng chính thức và phi chính thức tràn vào VN có tác dụng củng cố thêm nhận  thức về  xã hội, con người và giảm bớt những rào cản cho công bằng, tiến bộ, văn minh ở VN.
Tiếp biến văn hóa còn mở ra những kênh trao đổi học thuật  với nhiều quốc gia văn minh trên thế giới  qua các phương thức khác nhau từ  du học sinh đến trao đổi học giả…Con đường này cũng đã tạo ra những ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong việc đưa đến cho Việt Nam nhiều thành quả trong lĩnh vực khoa học cơ bản, trong đó việc hình thành được đội ngũ đông đảo các trí thức Tây học với tư duy và tri thức lĩnh hội được trong quá trình học tập, công tác ở nước ngoài về cống hiến trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Trong lối sống và phong cách sống: theo nghĩa hẹp thể hiện ở ăn, mặc ở và đi lại, ứng xử…tiếp biến văn hóa của Việt Nam với thế giới trong  30 năm qua đã đem lại những thành tựu kinh ngạc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế là hàng loạt các thay đổi trên các phương diện thụ hưởng cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và thay đổi ứng xử liên quan đến bình đẳng giới. Khi ứng xử xã hội ngày càng đi dần theo quỹ đạo tiến bộ, công bằng, văn minh, quá trình giải phóng phụ nữ ngày càng đi vào thực chất thì cũng tạo ra nhiều tiền đề và điều kiện cho chị em phụ nữ được đến trường và  học ở những bậc học cao để có thể phát huy được khả năng, năng lực và giành được những vị trí cao trong công việc và xã hội. 
3.Mặt trái của tiếp biến văn hóa:
Như đã nói ở trên tiếp biến văn hóa dù theo phương thức nào thì cũng đem lại những tác dụng không mong muốn. Bên cạnh những thành quả to lớn mang lại về kinh tế, văn hóa, xã hội thì quá trình hội nhập nhanh và rộng của Việt Nam trong 30 năm qua cũng đem lại nhiều hệ lụy cho văn hóa, xã hội và kinh tế, môi trường và con người ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn hóa đã thấy nổi lên nhiều bất cập đó là sự hình thành ngành công nghiệp văn hóa, thị trường sản phẩm văn hóa mà chưa có mô hình quản lý thích hợp, theo kịp gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị hiếu thẩm mỹ á đông. Đặc biệt là sự khủng hoảng về đạo đức và lối sống, thể hiện:
Bên cạnh việc hình thành tư duy sống chất lượng thì cũng đã tràn lan trong xã hội lối sống ích kỷ, vụ lợi cá nhân cũng bắt đầu hình thành và ngày càng xâm nhập vào trong tư duy lối sống của nhiều tầng lớp trong xã hội. Hội chứng kinh tế thị trường len lỏi vào trong mọi mối quan hệ và cách thức hành vi ứng xử. Lối sống thiên về hưởng thụ, sống gấp đang huỷ hoại dần nhân cách của nhiều tầng lớp người dẫn đến mối quan hệ giữa người - người trở nên thực dụng hơn, nhiều giá trị truyền thống dần trở nên mai một, nhường chỗ cho những quan hệ theo những phương châm mới: đôi bên cùng có lợi. Đương nhiên để tạo ra những lợi nhuận đó con người ta phải bất chấp khá nhiều quy tắc, thậm chí luật lệ hay bước qua cả những phạm trù đạo đức để tìm kiếm cơ hội mang lại lợi nhuận cho cá nhân, nhóm.
Khủng hoảng niềm tin và hình mẫu lý tưởng cũng đang là một trở ngại lớn đối với việc thiết lập các quan hệ xã hội và thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị. Điều tra giá trị Châu Á cho biết có tới 58,5% người VN cho rằng không thể tin vào bất kỳ ai mới tiếp xúc[3]. Các mẫu hình lý tưởng cũ (các nhà cách mạng) đã lùi vào quá khứ, các mẫu hình mới của thời đại mới gần như thiếu vắng. Thanh thiếu niên lớn lên gần như không có lý tưởng sống chứ chưa nói gì đến công hiến cho sự nghiệp chung. Bệnh “ngợp bởi vật chất” cũng khiến con người Việt Nam hiện nay thiên lệch về nhu cầu vật chất, và cũng thể hiện xu hướng thái quá hơn trên mọi khía cạnh. Điều tất yếu là khi sự thoả mãn vượt quá gianh giới cho phép ở những quần cư yếu, thiếu bản lĩnh văn hoá thì có khuynh hướng trỗi dậy của bản năng. Những bất cập này đang bộc lộ trên tất cả các mặt: ăn ở, ăn mặc, ăn chơi, và cả ăn ngủ. Những "trào lưu", "thị hiếu", "thời thượng" đang chế ngự không ít những cá nhân tìm đủ cách kiếm tiền, sống gấp. Để phục vụ cho những cuộc sống như thế thì rượu, chất kích thích ma tuý, mại dâm cũng theo đó mà phát triển với cấp số nhân.
Cuộc chạy đua kiếm tiền gần như đã trở thành động cơ sống của nhiều lớp người trong xã hội hôm nay, tham nhũng trở thành quốc nạn đã gây "thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ... ước lượng 30% đầu tư hạ tầng"[4].  Thực tế hiện nay, con số này có thể tăng cao hơn nhiều. Tệ nạn “phong bì, bôi trơn đã trở thành luật chơi” cho thấy nền tảng đạo đức xã hội thật sự lung lay. Khảo sát của tổ chức Minh bạch quốc tế từ năm 2001 – 2013 cho biết Việt Nam dù chưa quá điểm 5 nhưng ở vào top các quốc gia tham nhũng nhiều nhất, và luôn tăng điểm. Cụ thể: 2001: 2,6; 2002: 2,4; 2003: 2,4; 2004: 2,5; 2005: 2,6; 2007: 2,6; 2008: 2,7; 2009: 2,7; 2010: 2,7; 2011: 2,9; 2012: 3,1; 2013: 3,1[5]. Cũng theo khảo sát của tổ chức này, năm 2013, 30% người dân Việt Nam phải đút lót nhân viên công quyền; 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng đang tăng; 38% số người cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ là không hiệu quả[6]. Cuộc khảo sát của tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2014 chấm điểm 197 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 188, đạt 82/100 điểm, thuộc 1 trong 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới.[7]
Kết quả điều tra trên 781 mẫu tại 2 thành phố HN và TPHCM của Viện tâm lý học đã cho thấy diễn biến tâm lý cư dân đô thị như sau: "mối quan tâm lớn nhất chính là con cái hư hỏng (52.5%); quan hệ gia đình xung đột (23,1%); bệnh tật ốm đau (70,4%); suy đồi về đạo đức (40,86%); tham nhũng (57,39%); công bằng xã hội (85%)"[8]. Tất cả những dấu hiệu này không thể không ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tâm lý nói chung của cư dân. Trong 5 năm trở lại đây, xã hội VN đã chứng kiến khá nhiều những câu chuyện đau lòng phản ảnh sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của con người thời KTTT: Tệ xâm hại tình dục; ngược đãi đánh đập trẻ em; sinh viên sống bê tha trong các nhà trọ, coi trọng đồng tiền, thiếu lý tưởng sống cao đẹp; hành vi lệch chuẩn của học sinh sinh viên có xu hướng gia tăng; bạo lực học đường phổ biến ở cả những học sinh nữ. Không ít các thầy, cô giáo còn chạy theo cơ chế thị trường làm ảnh hưởng xấu đến nhân cách người làm Thầy và nghề làm Thầy. Nói tục, chửi thề đã trở thành câu cửa miệng của nhiều lớp người kể cả những trẻ em tiểu học. Hiện tượng gây hấn khá phổ biến khi có bất cứ va chạm giữa người với người ngay trong gia đình, ngoài đường...Trong khi đó dư luận xã hội không còn thực hiện được chức năng đánh giá, phê phán và điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, khiến cho những hành vi này có điều kiện tồn tại và phát triển ngày một nhiều.
Cuộc sống và những quan hệ gia đình cũng bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Quan hệ vợ chồng và những ràng buộc của “tình nghĩa tao khang” gần như không còn có khả năng điều chỉnh. Các cá nhân chú trọng vào lối sống hưởng thụ cho bản thân hơn là làm tấm gương cho con cái và cũng vì thế dễ dàng buông lỏng các nguyên tắc, đạo lý cổ truyền. Thay vì lối sống “chồng ta áo rách ta thương” các bà nội trợ ngày nay cũng đặt lên bàn cân để xem xét nhân cách những người đàn ông không biết kiếm tiền. Tỷ lệ ly hôn được ngành tòa án đúc kết là khá cao trong những năm gần đây (trên 60.000 vụ ly hôn/năm ở VN và xu hướng này đang tiếp tục tăng nhanh)[9]. Tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cũng cao gấp đôi so với nam giới. Song song với những biến động của thành lũy gia đình thì án mạng ở VN những năm gần đây cũng gia tăng nhanh chóng: theo Bộ Công an, xấp xỉ 14% các vụ án mạng tại VN có liên quan đến bạo lực gia đình; án mạng ở tuổi vị thành niên và những án mạng vô cùng nghiêm trọng cũng đang gia tăng với các vụ việc kinh hoàng ở Nghệ An, Bình Dương. Quan hệ tình dục sớm, nạo hút thai ở người chưa thành niên ở VN hiện đang đứng đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, 5,4% số thanh niên quan hệ tình dục lần đầu khi mới 15 tuổi, gần 20% thanh niên 15- 17 tuổi từng quan hệ tình dục[10]
Có thể nói, hội nhập và toàn cầu hoá tác động rất lớn đến đạo đức và lối sống của xã hội ta hiện nay, song nó cũng đặt ra những thách thức vô cùng bức xúc và nan giải. Tình trạng khủng hoảng giá trị giữa cũ và mới đã phá vỡ nhiều hình thức và nội dung trong lối sống truyền thống Việt Nam. Khi khuếch trương mặt tích cực của tiêu dùng thì quan niệm tiêu dùng đã chuyển thành quan niệm tiêu thụ thuần túy, khi tiêu dùng trở thành mục đích sống thì chất lượng của đời sống là tiêu thụ - hưởng thụ!. Điều quan ngại là khi nền kinh tế của ta còn nghèo, bình quân thu nhập kinh tế theo đầu người ở nước ta vẫn còn thấp (1000 USD/người/ năm). Năng suất lao động chưa cao, sản phẩm lao động chưa thật dồi dào, thì sự tiêu thụ và hưởng thụ kinh tế cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện thực là yêu cầu tất yếu để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Lối sống tiêu thụ thuần tuý sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng, nếu không nói là tự huỷ hoại nền kinh tế khi nó không có kế hoạch để thực hiện những mục tiêu đúng đắn, nhất là dẫn đến khủng hoảng lối sống. Tai hại hơn, tâm lý tiêu thụ ở đây không chỉ nằm trong hoạt động bề ngoài, mà còn trở thành ý thức, tư tưởng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội: từ vật chất đến tinh thần, từ kinh tế đến văn hoá, thậm chí cả trí tuệ lẫn tình cảm. Tư tưởng tiêu dùng đã biến cả nghệ thuật thành hàng hoá đơn thuần; giáo dục thành quan hệ đổi chác, mua bán; sinh hoạt tâm linh vốn thiêng liêng nhiều khi cũng trở thành nơi thu lợi nhuận. Từ lối sống tiêu thụ dẫn đến phân biệt giàu - nghèo qua cách chơi trội với ý thức đề cao tiện nghi. Khi tiện nghi được quan niệm là sự biểu hiện giá trị con người thì nó không còn là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà là để khoa trương sự giàu có mà hiện tượng các siêu xe, vẫn liên tục đổ về Việt Nam trong những năm qua với tổng kết sơ bộ gần 50 chiếc xe hạng sang có giá từ từ 12 -15 tỉ đồng, cá biệt có một số chiếc xấp xỉ 20 tỷ đồng thậm chí còn có xe tới 50 tỷ đã cho thấy người VN đang sài những xe hơi đắt tiền nhất thế giới[11]. Khi số đông còn đang trong nghèo đói thì khoe khoang sự giàu có là những biểu hiện của lệch chuẩn về văn hóa và lối sống. Thậm chí xuất hiện quan niệm hợm đời cho rằng sự giàu có về kinh tế sẽ quyết định sự giàu có về trí tuệ!. Lối chơi thời thượng, sống trên tiền, tuyệt đối hoá đồng tiền, sùng bái hàng ngoại trở thành một cách nghĩ, cách sống của một số nhà kinh doanh đang gặp thời, hãnh tiến, tạo lối sống xa lạ với truyền thống dân tộc. Lối sống lạnh lùng kiểu tiền trao cháo múc của xã hội tư sản tràn vào xã hội ta dẫn đến tư tưởng xem thường thuần phong mỹ tục, thậm chí xem rẻ nhân phẩm con người, xem phụ nữ là thứ đồ chơi. Lối ăn chơi sa đoạ, lười lao động, kiếm lời trên thân thể người khác gây nên những vết thương nhức nhối. Không phủ nhận các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ xã hội, những sắc thái tâm linh truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là lẽ sống, lý tưởng sống của cá nhân, cộng đồng đang bị phá vỡ. Có thể nói nếp sống công nghiệp và hiện đại đã làm xơ cứng lối sống tình cảm, thế giới tinh thần, tình cảm không những ít được quan tâm, mà ngày còn bị nghèo đi, thậm chí còn bị què quặt. Tư tưởng tuyệt đối hoá điều kiện vật chất và kỹ thuật, lấy phương tiện sống làm thước đo sự phát triển con người và xã hội hết sức sai lầm của không ít người do không phân biệt được đúng sai tốt xấu của các giá trị đích thực, làm sai lạc đi nhiều giá trị của lối sống theo lý tưởng nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã hàng nghìn năm vun đắp. Tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, nhân cách kém và sự thiếu hụt lệch lạc của giáo dục truyền thông cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ.
Tóm lại: Tiếp biến văn hóa của Việt Nam thời kỳ hội nhập mang lại không ít những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, nhưng để tạo ra bao nhiêu những sản phẩm vượt gộp mà làm nên những giá trị văn hóa sống mãi với thời gian và khống chế được những bất cập, mặt trái còn phải phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của người Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập đa chiều với thế giới hôm nay, bản lĩnh ấy tới đâu sẽ tạo ra độ khúc xạ văn hóa tới đó. Bản lĩnh càng cao thì độ khúc xạ càng mạnh mẽ khi ấy các thành tựu văn hóa ra đời./
Tài liệu tham khảo:
  • Báo điện tử Tin mới, nhận diện những chiếc xe đắt nhất VN. Ngày 10/10/ 2011.
  • Báo người đô thị “ tìm lại lòng tin đã mất” đăng ngày 27/1/ 2014.
  • Điều tra giá trị châu á ( 2008) Viện nghiên cứu Con người.
  • Phạm duy Đức “Đổi mới văn hóa ở Việt Nam” tạp chí cộng sản đăng ngày 17/3/2014
  • Trần Hiệp (1994) Diễn biến tâm lý cư dân đô thị, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp bộ, Viện tâm lý học.
  • Nguyễn Thừa Hỷ “Tiếp biến văn hóa việt nam dưới góc nhìn lý thuyết hệ thống”. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9(82) – 2014
  • Phan Ngọc (1994) Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb văn hóa
  • Nguyễn Hữu Minh đăng trên tin tức điện tử “Vì sao ly hôn tăng?” ngày 17/5/2011
  • Nguyễn Ngọc Mai (2016) Khủng hoảng đạo đức và lối sống ở VN. Chuyên đề khoa học, In trong “ phát huy giá trị tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay. Đề tài cấp nhà nước. Viện nghiên cứu Tôn giáo.
  • Trần Ngọc Thêm (1995) Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP HCM
  • Vietnam Investment Review số 699 ngày 7/3/2005
 
 
 
 
 
[1] (1) International Journal of intercultural relation, No 29 (2005). Trích theo Nguyễn Thừa Hỷ “Tiếp biến văn hóa việt nam dưới góc nhìn lý thuyết hệ thống ”
[2] Phan Ngọc (1994) văn hóa việt nam và cách tiếp cận mới. Nxb VH
[3] Điều tra giá trị châu á ( 2008) Viện nghiên cứu Con người.
[4] Theo tờ Vietnam Investment Review số 699 ngày 7/3/2005
[5] Thang điểm 1 - 10, điểm càng cao thì tham nhũng càng nguy hiểm, điểm trên 5 là điểm tham nhũng cao.
[6] tìm lại lòng tin đã mất” Báo người đô thị ngày 27/1/ 2014
[7] “ tìm lại lòng tin đã mất” Báo người đô thị ngày 27/1/ 2014.
[8] Trần Hiệp ( 1994) Diễn biến tâm lý cư dân đô thị, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp bộ, viện tâm lý học.
[9] Theo Nguyễn Hữu Minh đăng trên tin tức điện tử “Vì sao ly hôn tăng?” ngày 17/5/2011
[10] Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/gi%E1%BA%ADt-m%C3%ACnh-v%E1%BB%81-con-s%E1%BB%91-th%E1%BB%91ng-k%C3%AA-c%E1%BB%A7a-gia-%C4%91%C3%ACnh-vi%E1%BB%87t
[11] Báo điện tử Tin mới, nhận diện những chiếc xe đắt nhất VN. Ngày 10/10/ 2011.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Kinh nghiệm và Thành tích nghiên cứu của TS Nguyễn Ngọc Mai

1. Kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu trong 5 năm gần đây  1.1. Hướng nghiên cứu chính theo đuổi: * Văn hóa dân gian ;  Văn hóa Hà Nội; * Các loại hình tôn giáo truyền thống * Các vấn đề văn hóa, xã hội 1.2. Danh sách đề tài/dự án nghiên cứu tham gia và chủ trì thực hiện có liên...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay738
  • Tháng hiện tại19,505
  • Tổng lượt truy cập6,904,462
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây