An giang và Kiên Giang là nơi giáp gianh biến giới CPC và cũng là địa bàn xuất hiện rất nhiều các giáo phái trong những năm đầu thế kỷ XX. TRong đó Bửu Sơn Kỳ hương là một nền tảng đầu tiên và có ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các giáo phái sau đó. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin và luận chứng về sứ mệnh của tôn giáo nội sinh BSKH.
( bài viết đã đăng trên tc NCTG / 2020)
Tôn giáo nội sinh Nam Bộ - Sứ mệnh những năm đầu thành lập
Nguyễn Ngọc Mai
1. Tóm tắt: Thuật ngữ tôn giáo nội sinh Nam bộ cho đến nay không còn xa lạ với bất kỳ nhà nghiên cứu tôn giáo nào ở Việt Nam. Khái niệm nhằm chỉ các tôn giáo được sản sinh bởi các ông Đạo khu vực đồng bằng sông cưu Long thời gian cuối XVIII – đầu XIX. Bao gồm: Bửu sơn Kỳ hương gắn với người sáng lập là Đoàn Văn Huyên , Tứ ân Hiếu nghĩa gắn với nhân vật Ngô Lợi, Hòa Hảo gắn với Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo hiếu nghĩa Tà Lơn gắn với nhân vật Nguyễn Văn An…cho đến nay mặc dù vẫn tồn tại như những chi phái tôn giáo độc lập.Tuy nhiên, qua khảo sát về lịch sử phát triển, quá trình hoạt động, tôn chỉ mục đích đặc biệt là phương châm hành đạo và những đóng góp cho vùng văn hóa Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung cho thấy các tôn giáo này có rất nhiều điểm tương đồng. Một trong những điểm chung đó mà chúng tôi đề cập ở đây chính là sứ mệnh của nó thời kỳ khởi thủy.
2.Sứ mệnh của các tôn giáo nội sinh thời kỳ đầu thành lập
Bất kỳ một tổ chức nào khi thành lập đều xác định cho mình một sứ mệnh để thiết lập hay hoạch định chiến lược phát triển của nó. Sứ mệnh (Mission) chính là thể hiện mục đích của tổ chức, nó lý giải những lý do tổ chức đó ra đời và là căn cứ tồn tại, phát triển của tổ chức. Sứ mệnh của một tổ chức chính là bản tuyên ngôn của tổ chức đó đối với xã hội, nó chứng minh tính hữu ích và các ý nghĩa trong sự tồn tại của tổ chức đó đối với xã hội.
Ở phương diện này mặc dầu Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) hay các tổ chức tôn giáo khác của Nam bộ những năm đầu thành lập dầu không hề tuyên bố sứ mệnh, nhưng khảo cứu về quá trình hoạt động, phương châm hành đạo cũng như những di sản mà các tổ chức này để lại cho đến ngày nay có thể nhận diện được sứ mệnh của nó là: 1)
Dinh điền; 2) tạo dựng trụ đỡ tinh thần và tổ chức lại đời sống cá nhân, cộng đồng cho người Nam Bộ đương thời. Để thực hiện được hai sứ mệnh này hầu hết các thủ lĩnh của những tôn giáo nội sinh đã sử dụng rất nhiều phương thức khác nhau để lấy được lòng tin của quần chúng nhân dân, từ đó đi vào đời sống của họ, hiểu tâm tư nguyện vọng, tập hợp họ và lãnh đạo họ làm các sứ mệnh lịch sử cho vùng đất phương Nam.
1) Dinh diền thiết lập cộng đồng làng xã
Mở đầu là
những công cuộc dinh diền lớn nhất trong lịch sử Nam bộ lúc bấy giờ. Để thực hiện được sứ mệnh này một trong những phương cách phổ biến và có hiệu quả nhất đương thời lúc bấy giờ để tập hợp quần chúng của các ông Đạo mà sớm nhất là Ông Đạo, Nhân sĩ Đoàn Minh Huyên là hành nghề
chữa bệnh cứu người.
Trong hầu hết các ông Đạo miền Nam những ngày đầu khởi nghiệp và ảnh hưởng còn để lại trong ký ức dân chúng ngày nay đó là những dư âm về tài
chữa bệnh cứu người. Sử dụng phương cách này để lấy được lòng tin, tình yêu mến của quần chúng nhân dân vốn không phải là mới. Ngay từ khi đạo Gia tô vào Việt Nam với hai khu vực vùng biển Trà lũ (Nam định) và vùng duyên hải miền Trung thì việc đầu tiên các cố Tây làm với cộng đồng người Việt cũng là chữa bệnh giúp dân Việt. Và cũng từ phương cách đó mà các cố Tây đã trở nên thân thiết, gần gũi với người dân, từ đó giảng cho họ về Kinh thánh và thành lập được những làng đạo đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam. Cũng theo những phương cách này các nhân sĩ, tu sĩ Đoàn Minh Huyên; Ngô Lợi và nhiều ông Đạo khác như Đạo Lập, Đạo Xuyến… của miền Tây Nam Bộ đã ứng dụng và có hiệu quả trong những ngày đầu khởi nghiệp. Sự kiện nhân sĩ Đoàn Minh Huyên một thời gian dài nương náu tại ngôi đình Tòng Sơn và bị buộc phải dời đi ngay chính trên quê mình năm 1849 và sau đó lại được đón nhận nồng nhiệt ở Trà Bư ; Tân Phước, Mỹ Hưng và lại được dân Tòng Sơn mời quay lại trị bệnh đã cho thấy khả năng y thuật của vị nhân sĩ bí hiểm này, song cũng đồng thời cho thấy với phương cách này là vô cùng hiệu quả cho một người hoạt động xã hội lúc bấy giờ
[1]. Các dịch bệnh lúc bấy giờ mà các thủ lĩnh tôn giáo nội sinh chữa cho mọi người mà dân gian còn lưu truyền dến nay là những bệnh như luồng tả (bệnh tiêu chảy); bệnh Ban đỏ (sốt phát ban), sốt rét và bệnh ma làm
[2] (bênh âm). Tuy nhiên khi hỏi cách chữa trị của các ngài thì hầu hết người dân còn lưu truyền đến nay là ngài đều chữa bằng những phương thuốc rất đơn giản là tro giấy vàng với nước lã; hoặc “làm phép vẽ bùa trị bệnh, khuyến cáo người dân tu hành theo giáo pháp của mình. Nhờ trị bệnh hiệu quả, phương pháp tu hành đơn giản dễ làm, phù hợp với đời sống của quần chúng đương thời nên giáo phái của ông được quần chúng ủng hộ nhiệt tình”
[3]; một vài tư liệu khác cho biết Đoàn Minh Huyên còn dùng các lá cây đun nước cho uống mà lành bệnh. Điều này cho thấy việc áp dụng thuật tâm lý (tro giấy vàng cúng thần là thuốc thánh), kết hợp y học cổ truyền để chữa bệnh cứu dân là khá phổ biến trong hầu hết hành động thời gian đầu nhằm quy tụ dân chúng của các vị tiền bối của Tôn giáo nội sinh. Từ Đoàn Minh Huyên; Ngô Văn Lợi cho đến giáo sư Nguyễn An sau này đều là những người có nhiều khả năng làm thuốc chữa bệnh. Có thể thấy ngay những ông Đạo thời gian này đều biết sử dụng y học cổ truyền kết hợp y học thần bí (phù chú mật tông) để đối phó với dịch bệnh hoành hành. Điều này đã đem lại hiệu quả vô cùng lớn và chiếm được lòng tin của quần chúng, tư liêu dân gian và địa phương cho biết chỉ sau một thời gian người theo về Phật thầy Tây An cũng như đức Ngô Văn Lợi rất lớn và đây chính là lúc để các nhân sĩ như Đoàn Minh Huyên, Ngô Văn Lợi và Nguyễn Văn An thực hiện sứ mệnh vĩ đại lúc bấy giờ là tổ chức dân chúng tiến hành các cuộc khẩn hoang lịch sử.
Tư liệu về chiến dịch dinh điền lớn của Phật thầy Tây An có lẽ bắt đầu từ khi ngài bị quản thúc ở khu vực chùa Tây An (núi Sam). Theo tư liệu dân gian và con cháu còn lưu truyền khi biết ngài không phải là gian đạo sĩ nên việc quản thúc Đoàn Minh Huyên cũng có bề lơi lỏng, ông chỉ cần có mặt để trình diện theo định kỳ còn lại hoàn toàn ban đêm được tự do vượt ra ngoài để chỉ đạo các đệ tử khai hoang lập ấp. Một trong những nơi đó là khu vực Thất sơn. Vùng Láng Linh nê địa nước đọng quanh năm xưa kia vốn là vùng đất hoang, địa thế hiểm trở, nhiều thú dữ, dân cư thưa thớt, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Minh Huyên và các đại đệ tử, tiểu biểu như Đạo Xuyến, Đạo Đọt, Đình Tây….đã được khai thác lập thành
Trại ruộng, dựng chùa, truyền đạo, hướng dẫn đệ tử, tín đồ tu luyện. Tại đây Bửu Hương Các được dựng lên (nay là xã Thạch Mỹ Tây) sau này được đệ tử dựng thêm Bửu Hương Tự. Tư liệu cũ cho biết từ sau khi ông cùng đệ tử đến đây khai phá thì dân chúng tín đồ kéo tới rất đông, xóm làng trù phú mọc lên. Một trong những nơi đó còn lại đến ngày nay là Thới Sơn (là tên gọi gộp của Hưng Thới và Xuân Sơn (Tịnh Biên/ An Giang ngày nay), nay còn di tích thờ Đoàn Minh Huyên là ở chùa Trại ruộng; Trại Rẫy (Thới sơn).
Với việc đào tạo được 12 đại đệ tử gồm: Quản cơ Trần Văn Thành; Bùi Văn Thân; Bùi Văn Tây; Nguyễn Văn Xuyến; Nguyễn Văn Thắng; Cao Văn Lãnh; Lê Văn Đọt; Phạm Thái Chung; Trần Văn Sang; Đặng Văn Ngoạn; Nguyễn Văn Thương; Trần Văn Thạch
[4], cho thấy Đoàn Minh Huyên thực sự có những chiến lược rất rõ ràng trong việc củng cố và đào tạo nhân sự cho sự nghiệp lớn. Bằng việc giao quyền quản lý các cơ sở khai khẩn khác nhau trên khắp các vùng khai hoang được của Nam bộ lúc bấy giờ, nhân sĩ Đoàn Minh Huyên đã thiết kế chiến lược dinh điền rất chu đáo trên cơ sở giao cho mỗi người làm chủ một vùng tiếp tục quản lý và lãnh đạo nhân dân mà hình thành nên nhiều trung tâm dân cư và nông nghiệp lớn lúc bấy giờ là:
+ Trại số 1 (Hưng Thới và Xuân Sơn do ông Đình Tây quản lý)
+ Trại Bửu Hương Các ở Láng Linh do quản cơ Trần văn Thành quản lý
+ Trại 3 ở Trà Bồng, Miệt Cần Lố (Đồng Tháp Mười) do Đạo Ngoạn quản lý
+ Trại 4 ở Núi két (Cái Dầu) do ông Đạo Xuyến phụ trách
[5]
Việc cắt đặt mỗi trung tâm do một đại đệ tử phụ trách đã hình thành nên hệ thống những khu trại ruộng trại rẫy, trại cưa… quy tụ nông dân khai hoang làm ruộng tạo ra vùng ảnh hưởng BSKH rất rộng lớn. Tương truyền những đại đệ tử này đều là những người đạo đức gương mẫu, giỏi võ nghệ, thông thạo y lý
[6]. Chỉ sau một thời gian không dài toàn bộ vùng sình lầy rừng bụi, cọp beo rắn rết thêm sơn lam chướng khí đã trở thành các trại ruộng đất đai trù phú màu mỡ, thu hút ngày càng nhiều dân lưu tán khắp nơi đổ về. Lực lượng này đã trở thành nguồn nhân lực tại chỗ khai thác và vận hành đồng bằng sông Cửu Long phục vụ cho con người mà hình thành nên nhưng trung tâm dân cư và sản xuất nông nghiệp lớn của miền Nam đương thời. Tư liệu địa phương còn cho biết “khi ông mất đã có tới mười mấy vạn người”. Sự nghiệp dinh điền đó của Đoàn Minh Huyên cùng các đại đệ tử đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong nền kinh tế nông nghiệp miền nam lúc bất giờ, nó không chỉ là công cuộc dinh điền lớn nhất trong lịch sử Nam bộ mà với chiến lược đó đã thức tỉnh hầu hết người nông dân nam tiến. Việc khai hoang hàng chục, hàng trăm vạn công ruộng thành đất đai cày cấy không chỉ là tìm ra lối thoát cho cuộc sống khốn khó của hàng vạn dân lưu tán mà còn chứng tỏ được tầm nhìn xa trông rộng và chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của người khởi xướng lúc bấy giờ. Chính vì vậy có sức thu hút và lan tỏa rất mạnh đến không chỉ các đại đệ tử của ông tiếp tục noi gương và vận hành cho đến mãi về sau, mà ngay cả khi BSKH và các lãnh tụ của nó là Phật Thầy Tây An và các đệ tử không còn nữa thì những tín đồ ưu tú của BSKH vẫn tiếp tục sự nghiệp dinh điền để chinh phục tự nhiên tạo ra vùng đồng bằng trù phú. Tiếp bước Phật Thầy, các trung tâm nông nghiệp khác của đồng bằng sông Cửu Long như Trại ruộng của ông Đạo Bâỷ Thanh, Bẩy Sói tại Châu Đốc (An Giang) sau này; Toàn bộ khu vực Ba Chúc (Tri tôn - An Giang) gắn với sự nghiệp dinh điền và hoạt động của ông Đạo Ngô Văn Lợi…
Nếu nhìn một cách tổng thể quy hoạch của các vùng đất được khai phá thời gian này với công lao đóng góp của 3 vị tiền bối, nhân sĩ, trí sĩ yêu nước sẽ thấy cả một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long được thuần hóa khai thác và để lại cho ngày nay với những địa danh như: Gò Công, Mỏ Cày, Ba vát, Bến Tre, Trà Vinh, Vàm Tấn, Sóc Trăng, chợ Miễu, Cà Mau, Cần Giuộc, Ba xuyên, Bạc Liêu, Rạch giá, Ba Thê, Thoại Sơn, Mặc Dưng, Láng lớn; Trà Bồng, Cần lố, Ông Bường (Đồng Tháp)…Những địa danh này đã chứng tỏ di sản đồ sộ mà các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã để lại cho hậu thế nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng.
Với phương châm “phát rẫy làm ruộng, cứu dân độ bệnh” Phật thầy Tây An đã di hàng vạn dân đến các vùng đất mới nơi chưa có dấu chân người để các môn đồ vừa lao động sản xuất, tu tâm dưỡng tính và hành đạo cứu đời. Bằng sức người và ý chí dời non lấp bể, các ông Đạo đã lãnh đạo dân lưu tán khai hoang lập làng để lại di sản vô cùng to lớn cho đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, ở phương diện nông nghiệp họ xứng đáng là những nhà dinh điền có công lao lớn trong lịch sử. Không chỉ dừng ở việc tụ họp dân chúng thúc đẩy và làm thành công các cuộc dinh điền thành công mà với tư cách là những nhà hoạt động xã hội, các ông Đạo đã thực hiện một sứ mệnh khác cũng không kém tầm quan trọng với cộng đồng dân cư Nam bộ lúc bấy giờ là tạo dựng trụ đỡ tinh thần và tổ chức lại đời sống cá nhân, cộng đồng.
2)
Tạo dựng trụ đỡ tinh thần và tổ chức lại đời sống cá nhân, cộng đồng cho người Nam Bộ đương thời
Để có thể “ định cư trên xa mạc và trên biển cả” Phật Thầy Tây An đã sáng lập thuyết “hội Long Hoa” và ngày tận thế để nâng vị thế các vùng hiểm trở khó khăn lên thành thánh địa
[7]. Điều này không chỉ có tác dụng lớn trong việc huy động sức người sức của dồn cho việc khai khẩn lập làng. Thuyết “Hội Long Hoa” (một học thuyết đơn giản nhưng vẽ ra cho con người một tương lai mới), điều này không chỉ khiến cho những con người cần lao có điểm tựa để níu bám mà vượt qua gian khó, vất vả cực nhọc trong quá trình khai sông lấn biển tìm chỗ đứng dưới mặt trời. Mặt khác khi đã lập được làng xã thì chính thuyết Long Hoa Hội đã có tác dụng quan trọng trong việc nâng đỡ đời sống tinh thần của mỗi cá nhân
[8]. Sau khi an ổn được cuộc sống vật chất (thân) của con người, các ông Đạo tiếp tục vạch ra kế hoạch bồi dưỡng và định lại nhân cách (tâm) cho người dân bằng các phương thức tu hiền cực kỳ đơn giản dễ hiểu trên cơ sở chuyển hóa những giá trị của giáo lý Phật giáo thành một hệ thống giáo lý mới dễ hiểu và dễ thực hiện. Với phương châm vô vi (không dùng ảnh tượng; không đề cao vật chất trong thực hiện nghi lễ khi tu hành); quán triệt mỗi cá nhân tu thân theo pháp môn
học Phật-tu nhân, Phật Thầy Tây An cũng như đức bổn sư Ngô Lợi đều đề cao
Tứ trọng ân (ân tổ tiên, ân đất nước, ân
tam bảo, ân
đồng bào và nhân loại). Đây là bốn ân lớn mà mọi tín đồ của các tôn giáo nội sinh phải hết lòng kính thờ và phụng sự
[9]. Có thể xem đây là nét tinh túy của đạo, nhưng cũng thể hiện tính ứng biến sáng tạo và khả năng nắm bắt tâm lý, trình độ của người dân Nam bộ lúc bấy giờ của các yếu nhân tôn giáo nội sinh. Với phương châm này không chỉ làm đơn giản hóa việc nhận biết đạo lý ở đời, làm người cho người nông dân mà còn rất phù hơp với bản sắc của dân tộc Việt Nam. Lo cho
thân tâm con người an lạc cũng chính là điều mà các ông Đạo đã trăn trở và làm được thành công cho những tín đồ của họ lúc bấy giờ.
Theo quy luật, khi mỗi cá nhân sống lưu tán thì cái tôi là đặt lên đầu tiên và cũng là phương thức ứng xử chính yếu để tồn tại. Tuy nhiên, khi dung nạp vào trong một cộng đồng tập thể mới thì những ứng xử như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn và khó tạo ra liên kết bền chặt trong cộng đồng, vì thế nảy sinh yêu cầu phải tổ chức lại đời sống cá nhân và đưa một thế ứng xử mới phù hợp để tạo ra cộng đồng bền chặt vì vậy yêu cầu có một trụ/ bệ đỡ về tinh thần, về luân lý mới là vô cùng quan trọng để cộng đồng đó tồn tại, các cá nhân liên kết chặt với nhau. Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà sáng lập tôn giáo nội sinh mà người khởi đầu là Đoàn Minh Huyên đã đưa ra thuyết Long Hoa Hội, ngày tận thế để ước thúc nhân tâm quy về một mối; sáng tạo lại tư tưởng của Phật giáo để làm thành phương thức tu tập mới nhằm rèn rũa nhân tâm, thông qua đó từng bước tổ chức lại đời sống cá nhân bằng cách giúp cho mỗi người nhận thức được cách để làm thiện lương cuộc sống của mình. Mười điều huấn câu là những giáo huấn trực tiếp như thế:
“Điều thứ nhất thầy khuyên nên nhớ
Lòng trung kiên muôn thủa còn nêu
Dầu ai nặng nhẹ trăm điều
Quyết không bỏ lý cao siêu cuả/ theo thầy
Nhiều thử thách đang giây con đó
Nếu ngã lòng công khó tiêu tan
Những khi còn ở trần gian
Đều là công quả chớ mang trong lòng
Điều thứ 2 cầu mong đệ tử
Tình bạn bè hãy giữ thủy chung
Luôn luôn tha thứ khoan dung
Nhủ khuyên nhỏ nhẹ chớ dùng lời thô
Dìu dắt nhau đến tu công quả
Phải thật tình/thà với cả chung quanh
Thiệt thòi cam chịu đã đành
Vô vi phẩm hạnh Thầy dành cho con
Điều thứ ba vẹn toàn đức hạnh
Tuy bán buôn cơ cực tảo tần
Đổi công nuôi lấy tấm thân
Đừng ham mấy chuyện phi nhân gạt /lường người…”[10]
Bằng cách này các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã hướng những người dân lưu tán vô tổ chức thành một tập hợp làng xã mới và hướng họ vào tu thân để rèn dũa phẩm cách con người, tạo ra một bình diện xã hội ở đó những con người từ tứ xứ thập phương đã cùng nhau vượt khó, vượt lên trên đói rách nghèo nàn ổn định bên nhau cùng chung xây dựng xóm làng với những triết lý sống đồng thuận. Ở phương diện này thực sự các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã tạo ra một luồng sinh khí mới và góp phần tổ chức lại cuộc sống cộng đồng trên những vùng đất mới khai phá.
Không nhiều giáo lý phức tạp, không nặng về cuộc sống vật chất; tu hành không nặng về tôn chỉ giáo thuyết hay giáo chủ (vô vi), chỉ tập trung vào 4 trọng ơn quan trọng nhất là: Ân đất nước, ân đồng bào nhân loại, Ân tổ tiên và ân tam bảo và các sấm truyền, lời răn… theo lối phổ truyền bằng thơ kiểu như 10 điều huấn câu (của Phật thầy Đoàn Minh Huyên) hay sấm truyền của đức bổn sư Ngô Lợi… Các nhân sĩ – lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã vạch ra cho con người cá nhân thấy được mối quan hệ của cá nhân với thế giới xung quanh theo các chiều kích:
Với quá khứ (ơn tổ tiên);
với tương lai (ơn tam bảo);
với thế giới (ơn nhân loại);
với hiện tại (ơn đất nước). Thông qua đó tự mỗi cá nhân sẽ thấu hiểu và nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Bằng cách này các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã thức nhận cho các cá nhân ý thức về người Việt Nam, sống theo đạo lý Việt Nam thì phải có trách nhiệm với đất nước, đồng bào và định vị được tọa độ của mình mà từ đó nhìn ra thế giới (ân đất nước, ân đồng bào, nhân loại). Ở phương diện này các nhân sĩ, lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã không chỉ
tổ chức lại đời sống cộng đồng cho người dân mà còn tạo ra hệ giá trị mới cho những con người của vùng đất mới tuân thủ, theo đuổi và tận lực cống hiến cho những giá trị ấy. Quả nhiên khi họ mất đi, các học trò, tín đồ của họ vẫn giương cao ngọn cờ đạo lý ấy mà hiên ngang sống ở đời và thực hành trách nhiệm, bổn phận của công dân đất nước. Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của đại đệ tử Bửu Sơn Kỳ Hương; các hoạt động tham gia, phục vụ cách mạng của đức bổn sư Ngô Lợi; các hoạt động yêu nước của giáo sư Nguyễn Văn An … và nhiều tín đồ khác của các tôn giáo nội sinh sau này đã minh chứng điều đó.
Kết luận:
Nhìn lại khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XIX khi mà tình cảnh xã hội đang nhiễu nhương, loạn lạc nổi lên khắp nơi trong đó các khu vực Tây Nam bộ là vùng còn nhiều vấn đề nhất của dịch bệnh, giặc giã. Đời sống nhân dân thưa thớt, lưu tán, nhiều giáo lý đương thời không có đủ khả năng ước thúc nhân tâm, tâm lý xã hội khủng hoảng thì đúng lúc đó các yếu nhân của tôn giáo nội sinh xuất hiện mà đi đầu là nhân sĩ Đoàn Minh Huyên. Với tư cách một thầy thuốc giỏi, am hiểu y lý, phong thái nhân hậu, gần dân… ông đã đem lại một luồng sinh khí mới trong đời sống dân chúng. Tôn giáo mà ông dựng nên không mang tính chất và cấu trúc của một tôn giáo như thông thường (không giáo lý, giáo chủ, giáo đường, nghi lễ phiền phức…) nhưng đường hướng phát triển chiến lược của Đạo Lành lại thiên về các công cuộc khẩn hoang dinh điền ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân và xây dựng, thiết kế các nguyên tắc ứng xử giữa người với người, giữa con người cá thể với tổ tiên và xã hội. Ở phương diện này các thiết chế, phương châm tu hành của các tôn giáo nội sinh cũng đạt được cấp độ 2 của Đạo
[11]. Đây chính là lý do khi thừa nhận/ công nhận nó là tôn giáo khiến nhiều người băn khoăn và vì thế cho đến nay BSKH vẫn tồn tại như một hình thái tôn giáo dân gian (được công nhận theo đơn vị chùa). Tuy nhiên, chính sự đơn giản của nó lại thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và phù hợp với nhận thức cũng như đạo lý sống truyền thống của người Việt Nam vì vậy nhanh chóng trở thành bệ đỡ tâm linh, tinh thần của người dân đương thời mà dẫn dắt họ đi qua cơn bạo bệnh, sương mù của lý tưởng sống để vượt lên chính mình, chinh phục thiên nhiên, cải tạo tự nhiên phục vụ cho cuộc sống hiện sinh. Tu mà như không tu, không tu mà là tu, với phương thức
tu nhân học phật này của các tôn giáo nội sinh đã khiến các tín đồ không cách li xã hội mà sống hòa vào xã hội. Không cần li gia cắt ái, nhưng các tín đồ lại tự nhận thức được đạo lý sống, khai sáng và điều chỉnh hành vi của chính mình để tổ chức lại cuộc sống cá nhân và cuộc sống cộng đồng tồn tại vững bền thuần hậu tới ngày nay. Như vậy, ở phương diện này các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã thực hiện được sứ mệnh tổ chức lại cuộc sống cá nhân, cộng đồng cho người dân vùng đất mới thành công.
Về khía cạnh kinh tế, xã hội, Phật Thầy Tây An với tư cách người đi đầu còn có công lao như một nhà chính trị có uy tín đã thu hút được tín đồ và lưu dân ly tán khắp nơi khai hoang lập làng biến những vùng đất hoang vu, khắc nghiệt đầy sơn lam chướng khí thành những làng mạc trù phú, những thị tứ đông vui, nhân dân an cư lạc nghiệp có cuộc sống ấm no hạnh phúc
Ở khía cạnh tôn giáo, triết học, nhân sĩ Đoàn Minh Huyên nói riêng, các nhân sĩ sau ông nói chung đã đạt đến ngưỡng của những vị chân tu. Bằng việc đã khai sáng ra một tông phái mới BSKH, sau này thêm Tứ ân Hiếu, rồi Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn đều là những dòng tôn giáo cứu thế, đem phương châm cách thức và nguyên lý đạo đức của Đạo để cải tạo nhân tâm bồi đắp thiện lương cho con người. Những giáo lý đó của các vị tiền bối của tôn giáo nôi sinh đã tác động mạnh vào tâm tư, tình cảm của con người, hướng thiện được nhiều tầng lớp xã hội phức tạp lúc bấy giờ, ổn định tình thế xã hội và ước thúc nhân tâm quy về một mối để thực hiện những sứ mệnh lịch sử đang đòi hỏi là dân cường nước mới thịnh. Với những cống hiến này, các lãnh tụ của tôn giáo nội sinh đã góp phần to lớn trong quá trình thay đổi, cải biên và làm hưng thịnh lại Phật giáo dưới thời Nguyễn đang tỏ ra thiếu uy tín với xã hội và dân chúng đương thời. Với phương châm đơn giản hóa mọi việc thờ cúng, bỏ các thủ tục rườm rà, bài trừ mê tín dị đoan, bác bỏ các điều tà mị và đưa ra phương thức tu hành hợp lý, hướng đến tu thân nhiều hơn tu trì giáo lý; hành động để cứu đời hơn là tụng niệm chờ mong, các tín nhân của tôn giáo nội sinh dưới sự dẫn dắt của các ông Đạo đã tự mình đứng lên thiết lập cuộc sống, hoàn thiện bản thân và nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với cộng đồng, dân tộc và đất nước mà trở thành những nghĩa sĩ yêu nước đứng lên kháng Pháp
[12].
Với vị trí lãnh tụ đầu tiên của phong trào tôn giáo mới, Đoàn Minh Huyên đã tạo ra một tập hợp tầng lớp cư sĩ tại gia yêu nước và có trách nhiệm với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Với tư cách nhà Dinh diền lớn đương thời, Phật Thầy Đoàn Minh Huyên và nhiều thủ lĩnh của các tôn giáo nội sinh đã trở thành những nhân vật lịch sử có tài chiêu mộ lưu dân khẩn hoang, lập làng lập ấp phát triển một cuộc sống mới ở vùng biên viễn hoang vu của Tây Nam bộ để trở thành vùng đất đai trù phú màu mỡ. Những di sản mà họ để lại cho hậu thế hôm nay đóng góp lớn vào sự hình thành phát triển của đồng bằng sông Cửu long. Thực hiện đúng vô vi, dù không ảnh tượng trong nơi thờ tự, họ vẫn là chứng nhân của lịch sử và những giá trị họ để lại cho hậu thế đóng góp lớn vào việc hình thành nhân cách thuận hậu của con người Tây Nam bộ hiện nay.
Hà nội, tháng 7/ 2020
Tài liệu tham khảo:
1. Hội khoa học lịch sử tỉnh An Giang, huyện ủy Tịnh Biên ( 2013)
Nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên (1807 – 1856), Kỷ yếu hội thảo khoa học.
2. Nguyễn Ngọc Mai (2017)
Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị. Nxb Hà Nội
3. UBND Tỉnh An Giang ( 2007),
Địa chí An Giang, Tài liệu lưu hành nội bộ.
4. Phan Văn Kiến – Võ Thành phương (2015) Lịch sử địa phương An Giang. Nxb đại học sư phạm Tp HCM
5. Tư liệu khảo sát, phỏng vấn sâu tại An Giang, Kiên Giang năm 2018
[1] Xem thêm kỷ yếu hội thảo khoa học “ nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên 1807 – 1856)”. Hội khoa học lịch sử tỉnh An giang, Huyện ủy Tịnh Biên.2013.
[2] Tư liệu phỏng vấn sâu tại thực địa 2 tỉnh An giang và Kiên Giang 2018.
[3] Tư liệu phỏng vấn sâu chú NVB chùa Thới sơn. (Tịnh Biên – An Giang 2018)
[4] Tư liệu phỏng vấn sâu tại Thới Sơn (Tịnh Biên - An Giang 2018)
[5] Thái Trí Hải ( 2013) “Đoàn văn Huyên – Nhà Doanh điền của vùng đất An Giang”, Kỉ yêu hôi thảo khoa học
Nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên 1807 – 1856. sdd, tr 201.
[6] Tư liệu phỏng vấn sâu tại An Giang, Kiên Giang năm 2018.
[7] Thái Văn Thơ ( 2013) “Phật thầy tây An Đoàn Minh Huyên và công cuộc khẩn hoang lập làng ở vùng Thất sơn ( An giang giữa thế kỉ XIX”. Kỉ yếu hội thảo
Nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên, sdd, tr 126.
[8] Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền. Hội
Long Hoa được mô tả giống như
cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông.
[9] Tùy từng tôn giáo mà các trọng ân này được đặt theo thứ tự khác nhau
[10] Mười điều huấn câu của đức Phật thầy Tây An, lưu tại chùa Thới Sơn ( Tịnh Biên –An Giang).
[11] Đạo có hai tầng ý nghĩa và cấp độ: 1) Khi gắn với những lý thuyết cụ thể thì nó mang tính triết lý , triết thuyết, học thuyết, giới thuyết ( Đạo Phật, Đạo Nho, Đạo Ki tô) và từ đạo ở đây được hiểu là những hệ thống lý luận thể hiện nhãn quan về thế giới tự nhiên và xã hội; 2) Đạo = phép tắc, phương pháp, phương cách, mối quan hệ chỉ các nguyên tắc, phương châm ứng xử và đặt vào trong mối quan hệ cụ thể (đạo nghĩa, đạo ông bà, đạo thuật…). Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai ( 2017)
Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb HN tr 29.
[12] Xem thêm : “khởi nghĩa Bảy Thưa” ( 1867-1873) in trong sách
Lịch sử địa phương An giang , tr 39