Vai trò của tín ngưỡng trong đời sống xã hội ở việt nam hiện nay

Chủ nhật - 12/11/2017 21:04
Bài viết đã đăng trong tạp chí Tuyên giáo số 10/2017.
Với chức năng cơ bản là điểm tựa tinh thần cho con người khi gặp những vấn đề bế tắc trong cuộc sống; là hạt nhân của văn hóa làng/cộng đồng, tín ngưỡng dân gian nói chung, thực hành tín ngưỡng dân gian nói riêng vẫn phát huy những tác dụng nhất định của nó với cá nhân và cộng đồng trong xã hội hiện nay.
lễ tiên đưa linh hồn thầy Tào lên trời của người Tày Cao Bằng
lễ tiên đưa linh hồn thầy Tào lên trời của người Tày Cao Bằng
Với chức năng cơ bản là điểm tựa tinh thần cho con người khi gặp những vấn đề  bế tắc trong cuộc sống; là hạt nhân của văn hóa làng/cộng đồng, tín ngưỡng dân gian nói chung, thực hành tín ngưỡng dân gian nói riêng vẫn phát huy những tác dụng nhất định của nó với cá nhân và cộng đồng trong xã hội hiện nay.
  • Đối với cá nhân con người
Nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo của người Việt trước đây cũng như hiện nay đã khẳng định rằng còn con người là còn tôn giáo, đời sống xã hội dù có văn minh, hiện đại đến đâu thì vẫn tồn tại những vấn đề không thể lý giải được bằng nhãn quan khoa học thông thường. Đó là chưa kể sự phân hóa xã hội ngày càng rõ nét, nhận thức không đồng đều giữa các nhóm xã hội, những rủi ro do xã hội hiện đại đem lại vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất an đối với con người như: tai nạn giao thông, mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, bạo lực… Sự thay đổi trong đường lối chính trị cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội kể từ sau đổi mới 1986 với những xác lập từng phần của nền kinh tế thị trường đã và đang đem lại nhiều hệ quả về kinh tế, xã hội, nhưng cũng cho thấy có sự mất đi, biến đổi của nhiều yếu tố văn hóa, quan hệ xã hội và đạo đức, lối sống nếu như không muốn nói là xuất hiện những dấu hiệu của sự khủng hoảng về đạo đức và lối sống[1]. Trong bối cảnh đó tình trạng hồi phục lại các thực hành tín ngưỡng dân gian và phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình tôn giáo mới trong thời gian gần đây đã cho thấy:
  • Hiệu quả cao của “nghị quyết TW 5 (1990) về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo”  và “luật di sản văn hóa” đã góp phần điều chính thái độ ứng xử của nhà nước với tín ngưỡng, tôn giáo, tạo ra cú hích để các loại hình tôn giáo dân gian (tín ngưỡng) hồi phục một cách mạnh mẽ.
  • Kinh tế phát triển mạnh dưới mọi hình thức đã tạo ra sự tăng trưởng trong đời  sống cá nhân và cộng đồng xã hội góp phần thức tỉnh nhu cầu vui chơi, du lịch đến các danh lam cổ tự để thưởng ngoại vẻ đẹp của đất nước.
  • Sự thu hút một lượng không hề nhỏ nhiều tầng lớp xã hội vào các hoạt động thực hành tôn giáo dân gian, trong đó đặc biệt là các thực hành lên đồng hầu bóng; dâng sao giải hạn, gọi hồn, bùa ngải… đã cho thấy những dấu hiệu của sự khủng hoảng về đời sống tâm linh, tinh thần của nhiều nhóm xã hội.
Đó là chưa kể đến nhiều dấu hiệu bất ổn của lễ hội dân gian như: ô nhiễm môi trường, kinh doanh di tích, chen lấn xô đẩy, bạo hành tại lễ hội …chưa tính đến nhiều biểu hiện lệch chuẩn khác trong nhóm các thầy đồng, thầy cúng, người tu hành…nhưng dường như người dân đi khấn lễ thần/thánh, tổ chức lên đồng hầu bóng, gọi hồn người thân đã mất, xin bùa ngải… vẫn không ngừng gia tăng. Điều này cho thấy dù cho ở phương diện nào đi nữa thì cũng khẳng định một vấn đề rằng tín ngưỡng dân gian nói chung, thực hành thờ cúng thần/ thánh nói riêng vẫn còn đóng vai trò quan trọng đối với nhiều cá nhân con người hiện đại ngày nay khi mà khả năng, nhận thức của họ không và chưa đủ kiểm soát được mọi  vấn đề của cuộc sống hiện đại. Tình trạng dân đi lễ, quan đi lễ; trẻ, già đều đi lễ thần/ thánh; lên đồng hầu bóng để xin lộc thánh phổ biến ở nhiều tầng lớp trong xã hội đã cho thấy ít nhiều khi tham gia vào thực hành các hoạt động tôn  giáo dân gian nhiều cá nhân người Việt Nam tìm thấy sự an ổn, vững tin hơn trong cuộc sống. Đặc điểm này phổ biến trong nhiều cư dân, nhiều quốc ga khu vực.  Lý giải về điều này, trong một nghiên cứu của Patrick Pagan thuộc “trung tâm về tôn giáo, hòa bình và các vấn đề thế giới” đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về tôn giáo và lợi ích của nó đối với xã hội cho biết “thực hành tôn giáo thúc đẩy hạnh phúc cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hành tôn giáo thường xuyên nhìn chung truyền bá tư tưởng tới các cá nhân để chống lại một loạt các vấn đề xã hội bao gồm tự tử, lạm dụng ma túy, tội phạm và ly hôn. Nó cũng khuyến khích những ảnh hưởng có lợi cho sức khỏe tâm thần như giảm trầm cảm, tự tin hơn, gia đình vui vẻ và hôn nhân hạnh phúc”[2]. Đó là chưa kể với nhiều dạng thức thực hành tín ngưỡng đặc biệt như lên đồng hầu bóng đã tạo ra môi trường diễn xướng đặc biệt làm tăng cường các cảm xúc tích cực, thậm chí biến đổi ý thức của các cá nhân mà làm thành công năng chữa bệnh tâm căn.  Cá biệt nhiều cá nhân bị mắc các chứng bệnh về thần kinh (rối loạn cảm xúc, stress...) khi đến với thực hành nghi lễ lên đồng, trong môi trường diễn xướng đặc biệt, với những cá nhân khả năng nhạy cảm cao, thậm chí có trường hợp khai mở được các huyệt đạo mà hồi tỉnh và khỏi bệnh[3]. Đây cũng là công năng đặc biệt trong chữa bệnh tâm căn của nghi lễ lên đồng hầu bóng. Bên cạnh đó nhận thức dẫu chưa chuẩn (là được thánh tiếp lộc, tiếp sức khi hóa thân vào thánh thần; được thánh thần ngự/ nhập vào người...) của các Thanh Đồng trong trải nghiệm thực hành nghi lễ; với quan niệm bản thân mình là mối dây liên hệ, là trung gian (medium) giữa hai thế giới phàm tục và linh thiêng đã giúp các thanh đồng tăng cường những nhận thức tích cực về bản thân. Ở trường hợp này thực hành lên đồng hầu bóng đã  giúp cá nhân kết nối với thế giới thiêng của mình, thỏa mãn nhu cầu được giao lưu trao đổi với đối tượng thiêng. Cảm giác đó góp phần không nhỏ cho nhiều cá nhân yếu thế (nhất là đối tượng không rõ ràng về đặc điểm giới tính) tái lập lại cân bằng, tự tin hơn trong cuộc sống xã hội vốn dĩ từng bị bầm dập của mình[4].
Ở  một khía cạnh khác, với nhiều động thái chưa thực sự yên ổn, thái hòa của xã hội Việt Nam đương đại  như:  tỷ lệ tội phạm gia tăng và ngày càng ảnh hưởng tới lớp trẻ; lòng tin giữa con người với nhau và với thể chế đang giảm sút rất mạnh; sự vận hành của bộ máy công quyền các cấp đang bộc lộ khá nhiều bất ổn trên phương diện tự chứng tỏ năng lực điều hành; sự liêm chính vô tư trong việc ứng xử với tài sản công và đặc biệt là sự yếu kém trong việc bảo vệ người dân khỏi những rủi ro và bất ổn… Trong bối cảnh đó với căn tính lệ thuộc vào tha lực bên ngoài (là các đấng thiêng) của tâm thức Việt Nam vẫn còn khá nặng nề, phổ biến, do đó thay vì phải thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sống và trang bị cho mình thêm kiến thức, kỹ năng để làm chủ cuộc sống và giải quyết các vấn đề của cuộc sống thì đa số người Việt Nam lại chọn phương thức tìm đến với thánh thần. Phương châm ứng xử là cầu an, cầu yên, cầu mạnh khỏe, tài lộc, may mắn… nên cho dù tin hay không thì để tạo ra cảm giác an toàn, yên tâm nhiều cá nhân vẫn tìm đến những thực hành tôn giáo chỉ để yên tâm và tăng thêm hy vọng.  “Phương châm Đông - Tây y kết hợp cúng bái” trong ứng xử với bệnh tật vẫn đang là phương châm ứng xử với bản thân hiện nay của nhiều nhóm trong xã hội. Sự hiện diện của nhân vật thần tài trong hầu hết các cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ tại các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay đã cho thấy nhu cầu tìm sự trợ giúp từ các đối tượng thiêng trong trong làm ăn kinh tế.  Tìm kiếm cơ hội và tâm lý trông chờ vào các đối tượng thiêng truyền thống vẫn là một nhu cầu cần thiết và tất yếu ở người Việt Nam hiện nay. Đó là chưa kể những lợi lộc trần thế mang lại  khiến cho đội ngũ các tín nhân ngày càng tăng cường lòng nhiệt thành tôn giáo.
Nghiên cứu về bản hội của những Thanh đồng ở châu thổ Bắc Bộ của Nguyễn Ngọc Mai (2013) đã cho biết khi tham gia cộng đồng của những người thực hành nghi lễ lên đồng các cá nhân đã tìm thấy cho mình không chỉ điểm tựa vào một cộng đồng cùng cảnh ngộ mà với mỗi cá nhân trong cuộc sống có vị trí, địa vị xã hội khác nhau, công việc khác nhau  nhưng khi tham gia bản hội họ đã tạo ra một mạng lưới liên kết xã hội để từ đó phát sinh các quan hệ làm ăn, tình cảm. Không hiếm người tìm thấy nửa kia của mình và cũng không ít người có thêm các cơ hội làm ăn mới mà khá giả lên trong cuộc sống. Nghiên cứu cũng cho thấy thông qua thực hành tín ngưỡng (cụ thể là lên đồng hầu bóng)  xuất phát từ niềm tin vào thần/ thánh đã chuyển hóa thành niềm tin lẫn nhau giữa các Thanh đồng; những sự hỗ tương và trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong bản hội đã làm nên vốn xã hội cho các cá nhân.
          * Đối với các gia đình Việt Nam hiện nay:
Gia đình hiện nay đã được nhìn nhận với nhiều cấp độ, hình thức tồn tại khác nhau: có gia đình lớn (nhiều thế hệ), có gia đình nhỏ (hạt nhân 2 thế hệ); có gia đình đầy đủ (cả bố mẹ và con cái) có gia đình khuyết thiếu (chỉ có bố và mẹ) cũng có gia đình đồng tính... Như vậy, trong xã hội Việt Nam hiện nay các quan niệm về gia đình và cấu trúc gia đình đã có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó thực hành tôn giáo, cụ thể là thờ thánh/thần cũng là một vấn đề nhạy cảm, rất đáng xem xét đặc biệt từ phương diện lý tính. Thực hành tín ngưỡng - tôn giáo trong gia đình không chỉ đơn thuần là thực hiện và tiếp nối phong tục tập quán hay thể hiện niềm tin tôn giáo mà có thể xem như một “công cụ bảo lãnh” cho khá nhiều các hành vi khác, thậm chí có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sống cũng như việc tạo dựng văn hoá, giáo dục giá trị đạo đức, làm phương châm ứng xử cho các gia đình. Thể hiện : việc cúng giỗ tổ tiên gia đình và dòng họ ít nhiều vẫn là dịp để củng cố quan hệ huyết thống trong gia đình, gia tộc, là dịp để mỗi gia đình ngày nay dù có sinh sống ở tại địa phương hay đã di chuyển đến nơi ở mới và định cư ở nơi xa vẫn có những dịp về lại cố hương, gặp lại người thân, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn để từ đó hình thành khái niệm về tình cảm và trách nhiệm với quê hương, đất nước.[5]
          Thực hành các hoạt động tín ngưỡng trong gia đình người Việt ở châu thổ Bắc Bộ  xưa và nay không phải để đáp ứng cho cuộc sống sau khi chết hay trả lời cho những câu hỏi mang tính triết học về sống – chết, hạnh phúc – khổ đau mà tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện sinh: đó là gắn kết và hòa giải các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, xã hội và cũng là cái cớ/ dịp để trao truyền văn hóa cội nguồn của dân tộc thông qua những mật mã văn hóa : tục bỏ bưởi vào lỗ của đền thờ Cao Lỗ (Bắc Giang) được lý giải là để phân định trên dưới của 5 làng kết chạ, nhưng thực chất là tàn dư của thực hành nghi thức giao phối nhằm cầu sinh sản, mùa màng; nghi lễ cướp cầu thiêng trong đêm hội đền Diềm (Bắc Ninh); cướp roi tre trong lễ hội đền Dóng, Trì Tùng – dí trong lễ hội đền Hùng thờ vua tổ… đều là những mật mã văn hóa dung chứa trong nó cội nguồn về tâm thức coi trọng sinh thực khí và các lễ nghi phồn thực và sự khẳng định về triết lý coi trọng bản nguyên của sự sống của người Việt cổ xa xưa.
          Ngày nay khi mà các vấn đề xã hội như: nghèo khổ, sự vô cảm, tệ nạn xã hội, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sự gia tăng tội phạm tuổi vị thành niên, sự vô trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong gia đình v.v… ngày càng bộc lộ nhiều diễn biến phức tạp, làm giảm sút niềm tin lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội thì vấn đề truy tìm lại những giá trị cốt lõi của dân tộc của tôn giáo đã và đang như một phương cách cần thiết, kịp thời để tái lập lại một số trật tự cũng như duy trì lối sống và văn hoá lành mạnh của gia đình người Việt Nam.
- Đối với cộng đồng làng xã hiện nay: Làng xã hiện nay vẫn là cấp đơn vị hành chính thấp nhất của nhà nước. Tuy làng hiện nay đã mở và các gắn kết trong khu vực làng xã không còn khe khắt như trước đây nữa, song hiện thực về tình trạng li nông, li hương của các tầng lớp trẻ ở các làng thuần nông hiện nay cũng đặt ra tình trạng đìu hiu của xóm làng thời hiện đại. Trong bối cảnh ấy lễ hội làng vẫn có vai trò đặc biệt trong gắn kết các thành viên vào một sinh hoạt chung. Chưa kể nó còn có khả năng thu hút các nguồn lực vào xây dựng, trùng tu và tôn tạo các công trình văn hóa của làng. Các nghiên cứu định tính của chúng tôi cho biết khi kêu gọi ủng hộ xây đình/ chùa thì rất nhiều nơi các cá  nhân, gia đình đóng góp rất nhiệt tình. Vấn đề không chỉ ở đó là những công trình chung mà điều quan trọng là người dân cho rằng đóng góp vào xây dựng cho thần linh thì phúc ấm gia đình sẽ thêm dồi dào, cháu con sẽ được hưởng lợi và được thần phù trợ.  Đây cũng là điểm trội vượt trong tâm lý sống của người Việt: sống vì tương lai, ứng xử hôm nay để phúc ấm ngày sau.
          Với chức năng là trung tâm văn hóa, tôn giáo, tâm linh của làng xã, sự hiện diện của các linh thần và nơi thờ tự, các tôn giáo truyền thống đóng vai trò là hạt nhân kiến tạo nên những di sản văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu về lịch sử văn hóa ở Việt Nam đã chỉ ra và chứng minh bằng rất nhiều dẫn chứng về dân tộc Việt Nam có thể mất nước nhưng chưa bao giờ mất làng. Làng còn thì dân tộc, quốc gia vẫn còn. Văn hóa làng đã trở thành hằng số văn hóa, thành then chốt cho mọi thể chế cai trị, khi nắm được làng là nắm được dân và có dân là còn thể chế và nhà nước…Văn hóa làng với hằng số cây đa, bến nước, sân đình. Cây đa là nơi tỏa bóng mát cho người dân mỗi khi làm lụng vất vả khó nhọc nghỉ ngơi, nhưng ở đó cũng có thần phù độ; sân đình là nơi diễn ra tất cả những hoạt động của cộng đồng làng, là nơi vui chơi, nơi tất cả mọi thành viên đều được bình đẳng trước thần, là nơi cả cộng đồng thực hành những điều tốt đẹp nhất để hướng về thần, mong được thần phù trợ. Quan trọng hơn cơ sở tôn giáo ấy lại là nơi thể hiện hết thảy tài năng, tư duy và mơ ước của con người. Những nghệ thuật tinh xảo, khéo léo của người VN xưa về hội họa, về kiến trúc và điêu khắc ngày nay vẫn được tiếp nối thể hiện tại đình/ đền/ chùa. Những di sản kiến trúc ấy vẫn khẳng định giá trị vững bền thách thức với thời gian và là những công trình kiến trúc, nghệ thuật hết sức giá trị. Như vậy, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo hiện nay không chỉ là cơ sở tôn giáo đơn thuần mà còn là nơi thăng hoa của nghệ thuật, của cái đẹp của những ước mơ và tư duy tự do bay bổng, thậm chí ở đó còn là cả một nền minh triết dân gian.
Lễ hội làng là thời điểm để thực hành nghi lễ tế thần nhưng cũng là đỉnh điểm thời khắc mạnh của văn hóa làng. Ngày kị thần cũng là ngày làng mở hội, toàn dân trong bản hạt đều có dịp mở mày mở mặt với nhau và với thiên hạ. Người ta đua nhau, thi với nhau về sản vật chăn nuôi, trồng cấy, cũng là ngày từ người chân lấm hàn vi nhất trong làng cũng có dịp được mặc manh áo mới để ngẩng mặt với hàng xóm, cũng là ngày dân thiên hạ nô nức tới /đi trảy hội để giao lưu, để đổi trao và cũng là để học hỏi, tìm hiểu nhau (ngày nay những sắc thái này vẫn giữ nguyên nếp cũ). Từ những hội lễ, lễ hội này mà các sắc thái văn hóa ra đời và trở thành những sản phẩm mà ngày nay chúng ta đang khoe với thế giới để được công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Đó là nghệ thuật cồng chiêng trong lễ hội Tây Nguyên (xuất phát là nghi lễ tôn giáo để cúng thần Sơ gơng – thần chiêng); di sản dân ca quan họ Bắc Ninh (xuất phát từ tục hát thờ Vua Bà); hát Dậm Ninh Bình (xuất phát từ múa hát thờ thần núi Cấm) và hát văn, múa bóng (xuất phát từ hát thờ thánh Mẫu); Ca trù cũng bắt đầu từ lễ tế thổ thần ở đình làng... Ở khía cạnh này biểu diễn cho thần linh xem chỉ là cái cớ để tâm hồn con người lam lũ được thăng hoa và biểu diễn tại không gian thiêng chính là cái cớ để mọi hành vi nghệ thuật có thể vượt ngưỡng mà không lo sợ bị khống chế, trừng phạt, về mặt tâm lý chung mà nói khi cảm xúc thắng hoa cũng là khi sáng tạo bắt đầu.
  • Đối với đời sống xã hội nói chung
Sự trở lại của thực hành TGTT trong mấy chục năm trở lại đây và chủ thể là nữ trong thực hành TGTT ( Hầu hết nữ thanh đồng với nghi lễ lên đồng hâu bóng, địa phương nào hiện nay cũng có đội tế nữ quan; tế nữ quan còn đi thi tế, tham gia đi tế nhiều đền phủ khác nhau…) còn cho thấy sự thể hiện bản tính trội vượt của yếu tố âm – nữ trong khía cạnh tâm linh tôn giáo đã phục hồi trở lại. Điều này không chỉ cho thấy tâm thức thần - nữ chưa bao giờ đứt đoạn trong văn hóa dân gian người Việt mà còn thể hiện sức bật trở lại, khuynh hướng tự khẳng định giá trị giới của Phụ nữ Việt Nam. Sự gia tăng các tín nhân là nữ, nữ giới tham gia thực hành tín ngưỡng dân gian ngày một phổ biến cho thấy thực hành tín ngưỡng dân gian ngày nay còn đóng vai trò như là một phương cách để hóa giải và tăng cường vị thế giới cho phụ nữ Việt Nam.
Nhìn lại quá trình tái cấu trúc và xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh (miền Bắc, thế kỉ XVI – XVII) và Thiên y ana Diễn Ngọc Phi (thời vua Đồng Khánh)  những năm cuối thế kỷ XIX đã cho thấy một ý thức mãnh liệt của dòng văn hóa mẹ và nhu cầu đòi được tôn trọng của một nửa thế giới. Sau biết bao thế kỷ bị trói buộc bởi giáo lý phong kiến, bị tổn thương bầm giập trong chiến tranh nhưng ý thức ấy vẫn bền bỉ tồn tại và được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa tâm linh tôn giáo để đợi đúng thời điểm thích hợp nó vượt lên đòi lại vị thế của giới mình trong văn hóa dân tộc. Ở đây rõ ràng ý thức về giới đã được nuôi dưỡng  để trở thành khát vọng và cuối cùng sự đăng đàn của hiện tượng lên đồng hầu bóng thờ mẫu nồng nhiệt từ Bắc tới Trung – Nam trong mấy chục năm trở lại đây có lẽ chỉ là thao tác hiện thực hóa khát vọng đó.
Như vậy, tín ngưỡng dân gian không chỉ là bệ đỡ tinh thần cho con người Việt Nam suốt bao thế kỷ mà còn là nơi giải đáp cho những ước nguyện hiện sinh, cho cuộc sống lam lũ được thăng hoa, cho cảm xúc không còn bó cứng bởi luật lệ của làng. Ở đó thần tha thứ, chứng giám và ủng hộ tất cả kể cả những hành vi mà các tôn giáo ngoại lai quy định cấm kị hay hệ tư tưởng Nho giáo vay mượn, dụng công cấm đoán, thậm chí không có chức năng/ khả năng cung cấp thì trước điện thần/thánh, mọi người Việt Nam vẫn được thỏa nguyện bày tỏ, ủy thác, hy vọng mà không phải sợ sệt[6]. Về tâm lý học mà nói chỉ khi cảm xúc được thăng hoa thì sáng tạo mới bắt đầu. Thần, thánh trong hệ thống tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam là như vậy: chứng kiến và ủng hộ, phúc đáp và thu nhận, khơi nguồn tất cả những gì con người nhất. Đó chính là triết lý của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng thực hành tín ngưỡng dân gian hiện nay không chỉ hoàn toàn mang tính tích cực mà cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực, vì thế tín ngưỡng dân gian cũng có vai trò nhất định trong việc tạo ra/gây ra không ít các hệ lụy với gia đình như : việc phải thờ cúng tổ tiên; phụ nữ không được dâng lễ đến thần trong hậu cung… đã khiến đa số người Việt Nam mong muốn có con trai nối dõi tông đường, điều này đã dẫn đến tình trạng tỷ suất sinh chênh lệch giới giữa trẻ nam và trẻ nữ  đang ở mức báo động cho nhiều khu vực, nhất là vùng châu thổ Bắc bộ; Tình trạng mời thầy về cúng « phả độ gia tiên " ; « giải hạn », « cầu may » cho việc làm ăn ở người Kinh ;   làm tang cho cha mẹ tới hàng trăm triệu đồng  ở người Chăm Balamon ( Ninh Thuận) của nhiều gia đình đã cho thấy những chi phí cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo hay mang tính tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần, vật chất của các gia đình Việt Nam hiện nay[7]. Việc đi lễ, cúng bái khắp nơi để cầu cho mua may bán đắt, thăng quan tiến chức gần như đã trở thành điều tất yếu và thường xuyên của nhiều ông chủ, bà chủ  gia đình. Điều này có thể mang lại sự an ổn tâm lý nhất thời nhưng không làm thay đổi nhận thức, tư duy của người Việt về đổi mới phương thức làm ăn sinh kế trong thời đại cần những tố chất như tâm, tài, tín hiện nay[8]. Vì vậy, bên cạnh việc khẳng định những giá trị, vai trò của tín ngưỡng dân gian trong đời sống xã hội hiện nay thì cũng cần phải làm rõ gianh giới giữa niềm tin tôn giáo và hiện thực cuộc sống. Trân trọng và gìn giữ quá khứ nhưng cũng cần phải ý thức một cách rõ ràng yêu cầu của thời đại. Tôn giáo tín ngưỡng có thể trợ giúp con người về khía cạnh tinh thần, tình cảm nhưng không thể làm thay pháp luật; khi con người ta ý thức được một cách rõ ràng về sự công bằng đã được tạo lập trong xã hội và có thể trông đợi vào chính thể và một chế độ an sinh xã hội chắc chắn, cũng như có một cuộc sống tâm lý an bình thì tôn giáo, tín ngưỡng dầu muốn hay không sẽ trở về đúng vị trí của nó là sự an ủi tinh thần. Chỉ khi đó những mặt tiêu cực của tôn giáo tín ngưỡng mới được hạn chế.
Tài liệu tham khảo :
  • Trần Ngọc Thêm (1997) Tìm về bản sắc văn hóa VN, Nxb TP HCM
  • Nguyễn Ngọc Mai ( 2010), Thực hành nghi lễ lên đồng và mối liên hệ với  đời sống tâm sinh lý nhóm xã hội đặc thù, Tạp chí nghiên cứu con người, số 2.
  • Nguyễn Ngọc Mai ( 2013) Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị, Nxb VHTT
  • Nguyễn Ngọc Mai (2015) « hiện tượng thờ mẫu trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam », in trong khoa học tư duy từ nhiều tiếp cận khác nhau, Nxb tri thức.
  • Nguyễn Ngọc Mai ( 2016) Niềm tin và thực hành tôn giáo truyền thống ở VN (Nghiên cứu trường hợp thờ thần, thánh ở châu thổ Bắc Bộ), đề tài cấp bộ, Viện nghiên cứu Tôn giáo.
 
 
         
         
 

[1] Xem thêm nguyễn ngọc Mai “ khủng hoảng đạo đức và lối sống” chuyên đề viết cho đề tài “ phát huy giá trị đạo đức tôn giáo nhằm nâng cao đạo đức lối sống cho người VN” KX 03. Viện nghiên cứu Tôn giáo.
[2] Dẫn theo Nic Burleson (2017) Giá trị tôn giáo xây dựng xã hội: một nghiên cứu trường hợp ở Mỹ. Hội thảo quốc tế “ đối thoại liên niềm tin tôn giáo và trách nhiệm xã hội ” , Viện nghiên cứu Tôn giáo và tổ chức Glocal.net.
[3] Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai ( 2011), Có hay không tác dụng cứu sinh trong nghi lễ lên đồng hầu bóng, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4.
[4] Xem thêm Nguyễn Ngọc Mai ( 2010), Thực hành nghi lễ lên đồng và mối liên hệ với  đời sống tâm sinh lý nhóm xã hội đặc thù, Tạp chí nghiên cứu con người, số 2.
[5] Các nghiên cứu và theo dõi của tôi cho thấy hiện nay ở nhiều địa phương có phong trào những người con đi xa quê hương quyên góp tiền về ủng hộ quê hương xây dựng đình, đền , chùa rất mạnh. Riêng việc xây  chùa và đình ở Quảng Phú ( Lương Tài -Bắc Ninh) trong hai năm được hơn 4 tỷ; trong xây ngôi  Miếu ở xóm quang Trung (Mỹ thuận - Mỹ lộc) quyên góp được 150 triệu đồng. Tham gia thực hành nghi lễ lên đồng nên năm 2000 Khi Thủ Nhang Phủ Dày mở lại hội lớn, các đệ tử của Thánh Mẫu từ Mỹ đã gửi về dâng tặng 1000 lá cờ đại.
[6] Rất nhiều tục lệ các địa phương cho phép trai gái chòng ghẹo nhau, thậm chí yêu đương nhau tại đình: lễ hội làng rã La có tục tắt đèn; lễ hội làng Nga Hoàng có tục chen; lễ hội chùa thầy có tục chơi hang cắc cớ…
[7] Khảo sát thực địa cho biết có nhiều người vì lòng tin mù quáng đã bị các thầy Đồng rởm lừa đảo mất nhiều tiền; hiện tượng cha ẹm chết để lại nợ nần cho con cháu đang khá phổ biến ơ đồng bào Chăm (Ninh thuận)
[8] Chữ tín ở đây theo nghĩa uy tín, giữ tín nhiệm với khách hàng, bạn hàng chứ không phải tín ngưỡng.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Quá trình đào tạo của TS Nguyễn Ngọc Mai

Bậc đào tạo Tên cơ sở đào tạo Chuyên ngành Năm tốt nghiệp  Đại học  Đại học tổng hợp  Dân học học  1994  Thạc sỹ  Viện nghiên cứu văn hóa,Viện Hàn lâm KHXHVN  Văn hóa dân...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay920
  • Tháng hiện tại30,333
  • Tổng lượt truy cập6,601,178
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây