Biểu tượng rắn trong điện thần thờ mẫu

Chủ nhật - 26/11/2017 00:43
Trong thần điện thờ Mẫu rắn bao giờ cũng có cặp đôi. Đây là nét đặc trưng và cũng là một mật mã văn hóa.
IMG 3936
IMG 3936
Giải mã hiện tượng thờ rắn/ biểu tượng rắn trong hệ thống
điện thờ Mẫu ở Việt Nam
Nguyễn Ngọc Mai[1]
1. Tính phổ quát của hiện tượng/ biểu tượng rắn trong điện thần thờ Mẫu ở VN
Thờ nữ thần là một hiện tượng phổ biến ở Việt nam, trải đều trên cả ba vùng Bắc – Trung – Nam thì đều có các  nữ thần chủ: Liễu Hạnh (miền bắc); Thiên yana (miền Trung); xa hơn chút nữa về phía nam có bà Đen (Tây Ninh), bà Chúa Xứ (tây Nam bộ).
Đã có rất nhiều các nghiên cứu về mối liên hệ, các lớp văn hóa của những hiện tượng này như mẫu Liễu với tư cách sử thi (Đặng văn Lung); mẫu liễu và mối quan hệ với nội đạo tràng (Phạm Quỳnh Phương); hành trình việt hóa của nữ thần Thiên yana ( Ngô Văn Doanh); Nghi lễ lên đồng ( Nguyễn Ngọc Mai); quan hệ giữa Mẫu Liễu với Thiên yana trong di tích điện Hòn chén (Ngô Đức Thịnh); và cả các lớp nam thần chuyển hóa thành nữ thần của bà chúa xứ qua sáng tạo của văn hóa Việt thời kỳ khẩn hoang phương nam…Nói như vậy để thấy rằng văn hóa thờ thần/ thánh mẫu đã được khảo tả, nghiên cứu bóc tách các lớp rất nhiều cũng chỉ để làm rõ ý nghĩa, giá trị và các lớp giao lưu văn hóa, tiếp nối văn hóa của hiện tượng mang tính bản địa này. Nhưng điều thấy rất rõ là dường như mọi nghiên cứu chủ yếu vẫn chỉ tập trung quá nhiều vào hệ thống thần linh trên thần điện; lai lịch gốc tích của vị thần và chuyên khảo về nghi lễ mà vẫn chưa có nhiều lý giải liên quan đến những dấu hiệu, biểu tượng khác xung quanh điện thờ bà.
Điều không thể phủ nhận là tại các cơ sở thờ mẫu thì biểu tượng Rắn/ thần rắn là phổ biến cho dù đó là điện tư gia hay điện công thì biểu tượng rắn với mô típ 2 con vật lớn quấn ngang xà nhà chầu về ban tượng trở thành nét đặc trưng ở các điện thờ Mẫu phía bắc và cũng thấy ở điện Hòn chén (miền Trung). Từ tính chất phổ biến của dạng thức trang trí này chúng tôi thử đi tìm ý nghĩa của rắn trong điện thờ Mẫu ngõ hầu lý giải thêm về loại hình tôn giáo đặc biệt này.
2. Các lớp ý nghĩa của biểu tượng rắn trong văn hóa và tôn giáo
Với đặc tính âm, rắn là loài máu lạnh, không chân, không lông mao, lông vũ, xuất hiện bất thình lình, phóng ra nhanh như tia chớp từ lỗ tối hay kẽ nứt và có thể đem đến cái chết bất ngờ. Cộng với đặc tính cuộn khúc, siết, bóp nghẹt nuốt chửng tiêu hóa rồi ngủ, có thể từ bỏ vẻ ngoài giống đực để trở thành giống cái, lột xác để tái sinh.v.v… Rắn được ví như “một sự nỗ lực di truyền lâu dài mang tính đối ngược với con người”. Rắn được các nhà phân tâm học cho rằng nó là phần lý trí ít kiểm sóat nhất của con người. Nói như  Jung, thì “rắn là một con vật có sương sống, hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tăm tối, cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí”. Ở một phương diện khác người Pygmee lại cho rằng Rắn là biểu tượng của cội nguồn sự sống và cũng là biểu tượng của linh hồn, nhục dục[2]. Như vậy từ đặc tính của rắn bí ẩn, bí mât không thể lường trước cũng như không thể hiểu được các kiểu hóa thân của nó mà rắn được coi là biểu tượng của “bản thể vô hình, sống tận tầng sâu của ý thức”.  Với đặc tính song sinh trong chính nó, rắn cũng được ví như bản thể của các vj thần khởi nguyên trong biểu hiện ban đầu của mình, và đó luôn là những con rắn vũ trụ. Điều này được cho rằng Rắn là “biểu thị của một phức cảm có tính mẫu gốc”[3]  từ đây mà có nhiều tộc người quan niệm rắn gắn với ý tưởng về sự sống. Trong tiếng a rập rắn được gọi là  el hayyah, còn cuộc sống là El hayat (Gues 159) . Khái niệm này cũng bắt nguồn từ thuật ngữ El Hay là cách gọi thượng đế của họ với nghĩa người mang lại sự sống . Trong hầu hết các truyền thuyết về sự hình thành của vũ trụ trước khi bị tôn giáo của trí tuệ truất phế thì thần rắn chính là vị thần đầu tiên. Từ khía cạnh này mà trong hầu hết các nền văn hóa thế giới,  rắn đều được coi là “biểu tượng kép của linh hồn và nhục dục” , là “ mẫu gốc quan trọng của nhất của tâm hồn con người” ( Bachelard, 212).
Trong mật tông rắn bản nguyên được gọi là Kundalini, mô tả về trạng thái của nó Durs viết nó “cuộn khúc ở chân cột sống, trên luân xa trong trạng thái ngủ, nó dùng miệng mà ngậm bít đầu dương vật lại khi bị đánh thức sẽ có trạng thái rít lên và cứng người lại và liên tiếp leo lên các luân xa, khi đó dục năng dâng lên là sự sống tái hiện”. Trong truyền thuyết cổ đại Hy lạp cũng kể về cuộc kết hợp giữa Zeus và perséphone (trí tuệ & tâm hồn) thì Zeus cũng phải tự biến thành rắn để thực hiện cuộc kết duyên này. Chi tiết này cho thấy trí tuệ dù là rất thần thánh thì cũng vẫn phải công nhận sự có trước của cái tồn tại nguyên thủy. Bản năng mẫu gốc của Rắn còn được coi như là vị chúa tể của phép biện chứng sống, nó là vị tổ tiên huyền thoại, vị bán thần khai hóa và cũng là chúa tể của phụ nữ. Câu truyện về con rắn đến với bà mẹ của hoàng đế Auguste trong giấc mơ tại đền thờ Apollon đã cắt nghĩa về sự ra đời kỳ diệu của Scipion trưởng và Alexandre Đại đế. Thậm chí trong ngụy tác về sự ra đời của chúa Kito cũng có câu chuyên về một con rắn đã đến với một nữ đồng trinh Do Thái mà theo Frazer thì “có đủ cơ sở để tin rằng đó chính là Đức mẹ đồng trinh Maria”.
Tính phổ câp của các truyền thuyết coi rắn là chúa tể của phụ nữ  còn xuất hiện ở nhiều vùng trên thế giới vì đó là biểu tượng của sự phì nhiêu, sinh sản đã được chứng minh bởi các nhà  dân tộc học như Éliade , Krappe, Bauman với các  cứ liệu về nét đặc thù của các xã hội mẫu hệ: Người  Tchoke ( awngola) đặt một con rắn bằng gỗ dưới giường cưới để đảm bảo khả năng thụ thai của của người phụ nữ;  ở vùng Volta khi người phụ nữ đã mang thai họ được đưa vào những căn nhà trang trí đầy hình rắn, còn người Nourouma ở Gougoro thì tin rằng một người phụ nữ sẽ mang thai khi có con rắn bò vào lều. Ở Ấn độ những người phụ nữ muốn có con phải nhận một con rắn hổ mang làm con nuôi, người Tupi – guarani ( Braxin) có tục cầm con rắn quật vào háng người phụ nữ vô sinh để họ có thể trở thành mắn đẻ [4]. Trong kinh thánh con rắn đã xuất hiện với đầy đủ tố chất của bản nguyên và dục năng nó đã làm cho Eva thấy cây sự chết chính là cây của sự sống và thôi thúc Eva vứt bỏ sự e lệ trinh trắng để tham gia cuộc sống trần tục mà sản sinh ra loài người.
Trong văn hóa Ấn độ có biểu tượng về rắn vũ trụ Ananta/ Naga, với tư cách là kẻ bảo vệ, và tiêu hao chu kì, Ananta thường xuất hiện với hình hài thân quấn vào cái gốc của trục thế gian, hoặc cõng, ôm lấy vật tạo thành hoặc  tự ngậm lấy đuôi mình làm thành một vòng tròn khép kín nhằm ngăn chặn sự phân rã của nó.  ở tư thế này rắn chính là biểu tượng của hiển lộ và tiêu hao chu kỳ và cũng là sự kết hợp của giới tính tự trong bản thân nó: tự thụ thai thường trực, chuyển vị bất tận từ chết sang sống. Nói như  Barchelard thì đó là “ biện chứng cụ thể của sự sống và sự chết, cái chết thoát ra từ sự sống và sự sống thoát ra từ cái chết”. Đồng thời trong hình dạng tồn tại này thì con rắn giống vòng tròn, vừa gợi lên tính năng động của bánh xe chuyển vận vừa biểu thị của vòng hoàng đạo. Hình tượng rắn thần Naga cuộn khúc nâng đỡ đức phật lên khỏi nạn hồng thủy và phình ra thành cái lọng che cho đức phật đã trở thành mô típ kiến trúc phổ biến trong kiến trúc Phật giáo Nam Tông.
Trong văn học cổ xưa, rắn còn được đề cập đến với tư cách của vị thần nước. Hình ảnh khi nó giận dữ thì trở thành Lé viathan của người do Thái cổ, khi uống nước nó tạo ra thủy triều, khi vùng vẫy nó làm nên dông bão.  Các danh xưng về sông của người hy lạp đều mang tên hoặc có nguồn gốc tiền tố rắn: Ophis và Draco ở Hy lạp và Trung á; Hằng Hà (Ấn độ) và hình ảnh rồng có cánh ở Viễn đông .
Trong văn hóa nông nghiệp ở viễn đông con rồng đã trở thành người cha huyền thoại của nhiều triều đại và các hoàng đế Trung Hoa đã thêu hình rồng trên cờ hiệu của mình để chứng tỏ nguồn gốc thần thánh của nền quân chủ. Thần thoại chim – rắn từng là cặp xuất hiện khá dầy trong các tín ngưỡng cổ xưa như một biểu tượng kép về ý nghĩa mây - nước.
Như vậy, trong kho tàng văn hóa thế giới con rắn, rồi tiến thêm lên một bước nữa là rồng ( thực là cũng là một biến thể của rắn) thì rắn đã trở thành một hệ biểu tượng: vừa là  cội nguồn của sự sống bản nguyên, vừa là biểu tượng của quyền lực siêu trí tuệ.  Vừa là thần bảo trợ cho các đấng tinh thần, vừa là chúa tể của phụ nữ và sự sinh sản. Trong con người nó có thể trú ngụ ở tầng sâu nhất của ý thức nhưng cũng có thể vụt chuyển vận lên để làm thành quyền lực siêu nhiên. Trong vũ trụ nó cư ngụ ở thẳm sâu của biển cả và chỉ xuất hiện khi cần phải làm những cuộc chuyển dời đổi thay mang tính sáng tạo
3. Rắn trong văn hóa tâm linh Việt Nam
Trong văn hóa Viêt Nam rắn, rồng đều xuất hiện và mang đầy đủ mọi ý nghĩa cả đơn và kép của nó. Với tư cách là vị chúa tể của dục năng và sinh sản, rắn thần xuất hiện với tên gọi Giao long và luôn luôn đi cùng với các câu chuyện về phụ nữ được giao long phủ, quấn để rồi sinh ra những bậc kì tài như: Hoàng tử Linh Lang dưới triều Lý[5];  Phùng Từ Nhan nằm chiêm bao thấy Thần Long quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai đẻ ra 5 người con, hai trong số đó thành tướng quân của Triệu Quang phục  nay thờ ở đền Trương Hống, Trương Hát[6]; thậm chí thủy tổ của người Việt cũng là thuộc rắn (Lạc Long quân). Và nhiều vị anh hùng khác cũng có mô típ ra đời từ việc bà mẹ bị giao long phủ. Tuy không có những truyền thuyết bay bổng và những cuộc sáng tạo hùng vĩ của các thần rắn như người phương Tây, song ở văn Hóa Việt Nam rắn lại được thờ tự khá phổ biến. Rắn thần có mào từng là hình tượng phổ biến trong văn hóa Mường – Việt. Nhiều ngôi đình, miếu cổ vẫn còn lưu giữ những cốt truyện về lai lịch của vị thần thành hoàng làng vốn dĩ là những cặp rắn có mào  từng làm khuynh đảo dân làng, hoặc phò trợ vua dẹp giặc để rồi cuối cùng được thờ tự làm thần thành hoàng làng của người Việt.
Trở lại điện thần thờ mẫu khắp từ bắc chí nam, từ ngôi điện to lớn đàng hoàng, tới ngôi điện nhỏ bé khuất nẻo đều luôn có đôi rắn hiện diện trên xà ngang và chầu về tượng Mẫu. Khi thì là cặp rắn xanh – đỏ; khi thì là cặp rắn trắng – vàng; khi thì là cặp rắn cuộn khúc nhô đầu lên (đôi rắn ở điện mẫu đền mẫu Lạng Sơn), tất cả đều trong tư thế sẵn sàng nhả ra phun ra những năng lượng khổng lồ điều này không hề ngẫu nhiên mà thực sự chính là sự lý giải về bản chất nguyên khởi của Mẫu thần.
Câu chuyện về Mẫu Liễu lần thứ ba xuống trần mở quán bán hàng ở khu vực đèo ngang và vụt hóa thành rắn phun phì phì khi bị thái tử con vua Lê chòng ghẹo khiến Thái tư hồn siêu phách lạc, khi trở về kinh thì hóa dại đã phần nào hé lộ bản chất khởi nguyên của Mẫu (là rắn). Chỉ khác Zeus hóa rắn để thực hành việc  giao hoan với perséphone mà tái sinh thì Mẫu lại trở về bản nguyên để từ bỏ cuộc kết hợp với nền quân chủ cuối mùa. Điều này cho thấy hình tượng Mẫu mà ta vẫn gặp với ba ngôi hay bốn ngôi, thậm chí với một ngôi thần chủ thực ra cũng chỉ là những biểu hiện trí tuệ của sức mạnh khởi nguyên nhưng vẫn mang nguyên lõi của dục tính đó là hình tượng phụ nữ. Câu chuyện về tam sinh tam hóa của Mẫu cùng với nguồn gốc từ thượng giới xuống đã phản ánh đầy đủ tính chất bất diệt và khả năng chuyển vận của vòng tròn mà con rắn tạo ra (tự vận chuyển trong vòng sinh hóa). Với tính chất này đã giải thích vì sao Mẫu có quyền năng tối thượng.
Quan sát các tín đồ về lễ mẫu gồm đủ mọi thành phần nhưng tựu chung lại các mục đích chính vẫn là cầu tài cầu lộc; cầu con và chữa bệnh, nhưng một khía cạnh âm thầm khác ít được các căn đồng bộc lộ và các nhà nghiên cứu chú ý đó là cầu cho có được nguồn năng lượng mẫu ban cho để con người có thể vươn tới bản thể thánh thần. Sự giải thích về duy chỉ nguồn gốc thiên thần của Mẫu đến đây không còn đủ sức thuyết phục nữa mà ý nghĩa về  biểu tượng Mẫu còn là bản nguyên của sự sống là nguồn dục năng có thể được gọi dậy và vượt trội thành trí tuệ siêu việt. Và như vậy thì biểu tượng kép mẫu – rắn không chỉ là sự phì nhiêu, sung túc và may mắn trong sinh sản cùng khả năng chữa bệnh vốn dĩ là đặc tính của con rắn mà còn là hai mặt của một bản thể thống nhất kỳ diệu: dục năng  và trí tuệ thánh thần.
 Như vậy, rắn cặp xuất hiện ở điện thần thờ Mẫu không phải là với tư cách một vị thần đơn lẻ, hay đại diện cho tư duy thần của miền rừng núi tích hợp vào như nhiều cách giải thích hiện nay mà rắn ở đây chính là sự biểu hiện của khía cạnh thứ hai, khía cạnh cốt lõi và là bản thể, bản nguyên sơ khởi, bản nguyên gốc của vị thần được thờ. Là chúa tể của phụ nữ, và biểu tượng của sự sinh sản, cũng là biểu tượng cho sự vượt dậy của bản năng được kích thích và phát triển thành trí tuệ siêu việt, một lần nữa bản thể của rắn vũ trụ lại được khẳng định và chuyển hóa thành những mẫu thần dung dị trong đời sống tâm linh Việt Nam./
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Đổng Chi (1976), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb KHXH
2.Ngô Văn Doanh (2009), Tháp bà Thiên yana hành trình của một nữ thần, Nxb trẻ
3. Jean chevalier & Alain gheerbrant (1997 ), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du.
4. Đặng Văn Lung (1991), Tam tòa thánh Mẫu, nxb VHDT
5. Nguyễn Ngọc Mai (2013) , Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb VH
6. Ngô Đức Thịnh (cb 2002),  Đạo mẫu ở Việt Nam, nxb  VHTT
7. Truyền thuyết các vị thần Hà Nội (1994) Nxb Văn hóa Thông tin
 

[1] TS. Viện nghiên cứu Tôn giáo.
[2] Jean Chevalier & alain Gheerbrant (1997), từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb đà nẵng tr 762
[3] Jean Chevalier & alain Gheerbrant (1997), từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr  762
[4] Jean chevalier & Alain gheerbrant ( ) từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr 769
[5]  Chuyện kể mẹ của Thần là cung nữ, một hôm tắm ở hồ thì bị một con rắn quấn chặt vào người, sau đó bà có mang sinh được người con trai trên mình có 28 vết hằn tựa vẩy rồng và trên ngực có bẩy chấm óng ánh như ngọc, vua đặt tên là Linh lang. ngài lớn lên khi có nạn nước đã cầm quân đánh giặc, cờ của ngài phất đến đâu giặc tan tới đó. Dẹp xong giặc ngài trở về mắc bệnh rồi hóa thành Giao Long chui xuống hồ biến mất. Vua phong thần Linh Lang đại vương, nay tại nơi đó còn đền thờ, hội vào 11/2.
[6]  Còn có tên khác là Đền thờ thánh Tam Giang
 Từ khóa: bao giờ, cặp đôi, mật mã

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

du hoc trung han o New Zealand

kỷ niệm đẹp đẽ những ngày sống ở New Zealand

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,515
  • Tháng hiện tại30,928
  • Tổng lượt truy cập6,601,773
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây