Cơ sở lý luận - thực tiễn về khả năng đặc biệt của con người

Thứ sáu - 03/03/2023 00:07
Bài viết cố gắng làm rõ nội hàm khái niệm tâm linh và văn hóa tâm linh của người VN. cung cấp các khái niệm nhà tâm linh, sự xuất hiện tâm linh.
Bài viết đã in trong kỷ yếu hội thảo " Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh: thưucj trạng những vấn đề dặt ra và định hướng phát triển trong giai đoạn mới" tháng 7/2022 tại Hn và tháng 2/ 2023 tại TP HCM.
khu bảo tồn Windsor
khu bảo tồn Windsor
1. Các khái niệm, quan niệm về tâm linh – khả năng đặc biệt
Tâm linh theo từ điển tiếng Việt (Lê Khả Kế)  là khả năng cảm nhận, đoán định trước các biến cố xảy ra với mình; Theo từ điển Viêt – Anh ( Đặng Chấn Liêu, Lê Khả kế. 1990) thì tâm linh được biểu thị bằng khái niệm Spirit – nghĩa là tâm hồn, tinh thần. Nhưng cũng trong tiếng Anh có khái niệm Spitualisme là chủ nghĩa duy linh, chủ nghĩa tin vào có linh hồn và thánh thần tồn tại.
Từ điển Việt – Pháp ( Lê Khả Kế) thì tâm linh được biểu thị bằng khái niệm Prémonnition nghĩa là linh tính. Từ điển Hán - Việt (Đào Duy Anh) thì tâm linh là cái trí tuệ tự có trong lòng. Trong Hán Việt từ điển (Nguyễn Văn Khôn. 1960) thì tâm linh là trí tuệ tự có ở trong lòng người ta; Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt ( Rosemary Ellen guiey) thì tâm linh là một dạng nhận thức ngoài cảm giác ( ESP)  hay tâm lý động học ( PK). Hiện tượng nhận thức ngoài cảm giác hay tâm lý động học này chỉ có ở những người có khả năng trực giác cao[1].
Như vậy, tâm linh là khái niệm được sử dụng khá rộng rãi từ phương Đông đến phương Tây. Ở Việt Nam không rõ khái niệm tâm linh có từ bao giờ, song nếu hiểu theo nghĩa đen thì tâm = tim (thuộc phạm trù cảm nhận); Linh = linh thiêng, mà linh thiêng trong tâm thức người dân Việt Nam được đồng nhất với nhận thức về Thần. Chữ Thần lại được chiết tự là Thị, đọc là Kì ( kỳ lạ, kì diệu)[2]. Nếu hiểu như vậy thì tâm linh theo quan niệm của người Việt là sự cảm nhận của con người về những hiện tượng linh thiêng, kì lạ của trời đất, vạn vật trong vũ trị và đương nhiên là của cả con người.
Như vậy, thông qua một số khái niệm như trên thì nội hàm của tâm linh được hiểu như sau:
1) Tâm linh là cái trìu tượng, thiêng liêng thanh khiết, thuộc phạm trù tinh thần và chỉ có thể cảm nhận mà không thể mô tả, lý giải.
2) Tâm linh gắn với con người, có trong ý thức của con người và ở một số người với cơ chế đặc thù thì chuyển hóa thành khả năng đặc biệt (tâm lý động học).
2. Xuất hiện tâm linh: (spiritual emergence)
Tâm linh có nguồn gốc từ con người, vậy khi nào thì nó xuất hiện và làm cách nào để nhận biết được sự xuất hiện đó. Xoay quanh câu hỏi đó có nhiều nhà nghiên cứu đã lý giải theo những cách khác nhau:
Rosemary Ellen guiey cho rằng “xuất hiện tâm linh là một dải trạng thái ý thức không bình thường” [3]. Khi nó xuất hiện thường làm chủ thể lo ngại vì sự khởi đầu đột ngột hay có những ấn tượng mạnh về các trạng thái ấy. Những trạng thái này bao gồm “ sự xuất hiện đột ngột ở các mức nhận biết mới hay trạng thái ý thức năng lượng chuyển hóa và hiện tượng tâm linh xuất hiện thường làm cho chủ thể có những biểu hiện chẳng hạn như “nhìn thấy hữu thể vô hình, khả năng thấu suốt, nghe rõ cảm nhận rõ, thần giao cách cảm”. Xuất hiện tâm linh có nhiều khả năng xảy ra trong thời điểm thể xác vô cùng căng thẳng, hay khủng hoảng, chẳng hạn như lúc sinh con, phẫu thuật, quan hệ tình dục, hấp hối hoặc trong những thời điểm căng thẳng và khủng hoảng cảm xúc trong lúc rèn luyện tinh thần chẳng hạn như Thiền định, hoặc trong những giai đoạn chuyển tiếp của đời sống. Thông thường khi xuất hiện tâm linh nhất thời phá vỡ khả năng sống cuộc đời bình thường của cá nhân[4]
Sự xuất hiện tâm linh cũng đã được Roberto Assgioli trong nghiên cứu của mình gọi bằng khái niệm Siêu thức, ông cũng chỉ ra cơ chế hình thành siêu thức thông qua hai con đường “đi lên” và “đi xuống” của nội tâm[5]. Theo ông con đường “đi lên” của nội tâm (asscesion intérieure) giống như “trò leo núi” tâm lý, tức là con người ta dùng ý chí để nâng cái tôi hữu thức lên những trình độ cao hơn cho đến khi bước vào một khu vực mà bình thường ý thức của chúng ta không hay biết. Đó cũng là lúc chúng ta đạt được trình độ siêu thức và ngày càng tiến gần tới ngã tâm linh, và lúc đó cũng là thời điểm mà con người có thể đạt được năng lực đặc biệt như đã thấy.
Con đường thứ hai của nội tâm là “ đi xuống” theo R. Assagioli nó giống như một “cơn trào”, một sự “đột nhập của những yếu tố cao siêu” vào trường ý thức, có thể coi đó là kiểu cảm ứng từ xa (Telépathye) thường goi là thần giao cách cảm. Sự đột nhập ấy biểu hiện dưới hình thức những trực giác, những ngẫu hứng tài năng sáng tạo, và đôi khi cũng là những hiện tượng ngoại tâm lý đặc thù (parápychologiques). Có lẽ cũng xuất phát từ cách tiếp cận này mà tác giả Hồ Văn Khánh trong tài liệu “tâm hồn khởi nguồn cuộc sống văn hóa tâm linh” cho rằng : “ Tâm linh không ở đâu xa lạ, ở ngay trong sự linh diệu của tâm hồn chúng ta, khi chúng ta nảy nở những khát khao về điều gì thì tâm hồn ta hướng về phía đó, sự linh động của tâm hồn tùy thuộc vào sự chú tâm mãnh liệt và nghị lực phấn đấu để thu hoạch được những sự “cầu được, ước thấy”. Tâm hồn theo Hồ Văn Khánh không chỉ bó hẹp trong phạm vi sự biểu hiện của tình cảm mà “có tính chất đa chiều”., không có tính thời gian và nhân quả, bản tâm là một trạng thái tinh anh rực rỡ sáng lạn”. Cũng từ lập luận này mà ông đi xa hơn nữa lý giải về khả năng siêu việt của tâm hồn (tâm linh). Theo ông “ chỉ cần có sự tập trung năng lực về phía tương ứng và tạo nên những sự chấn hưng về tinh thần và cố gắng về thể chất”[6] thì sẽ hình thành được môi trường (mà ông gọi là miếng đất) nuôi dưỡng được ham muốn đó. Theo ông khi ham muốn được nuôi dưỡng, kết hợp với sự khát khao thành đạt sẽ dồn nén tâm trí về hướng đó (mục đích cần đạt được) sẽ tạo nên môi trường cho sự thông minh siêu việt xuất hiện, hoặc tạo ra năng lực phi thường của thể chất[7].
Tuy nhiên, với phương thức này thì ai cũng có thể “ rèn luyện”; dùng ý chí mãnh liệt , hoặc tạo ra khả năng tâm linh hay chỉ tập trung khu trú trong một số người nhất định với cơ chế đặc biệt về thần kinh thì chưa tài liệu nào đề cập đến.
Thực tế cho thấy có rất nhiều sự khổ luyện của các Lạt ma, Thiền sư, song không phải ai cũng khổ luyện thành công. Ngay cả những phương pháp khổ luyện này ngày nay vẫn còn là một bức màn bí mật của các tông phái và chỉ được lưu truyền trong dân gian như là những chuyện thần bí. Ngay cả với R. Assagioli khi luận giải về cơ chế đi lên hay đi xuống của nội tâm cũng chỉ đề cập đến những nguyên do tạo nên những động cơ để điều chỉnh ý chí và nội tâm “ đi lên” như niềm say mê khẳng định sức mạnh cá nhân; ý chí uy quyền; khát vọng giành những quyền năng thần diệu; mong muốn thoát khỏi đời sống thông thường; sự lôi cuốn tự thân của phiêu lưu, khó khăn và nguy hiểm; sự quyến rũ của cái bí ẩn, cái cao siêu (sự thiên khải)… chứ chưa lý giải được phương pháp hay kĩ năng để tạo nên năng lực tâm linh trong con người, mặc dù ông đã chỉ ra được các mô thức của tâm linh bao gồn: 1) trực giác, 2) tưởng tượng; 3) lóe sáng; 4) Phát hiện; 5) ngẫu Hứng; 6) sáng tạo; 7) hiểu và lý giải[8] . và ông cũng đưa ra kiến giải cho hoạt động thu thập và nghiênc ứu ứng dụng cần phải theo 6 công đoạn: 1) quan sát thể nghiệm; 2) chuyển cái siêu thức vào cái ý thức; 3) dùng kỹ thuật hỗ trợ; 4) thu nhận kết quả và hiệu ứng kế tiếp; 5) áp dụng phương pháp ngăn ngừa tổn thất có thể sảy ra bởi sự “đi xuống” hay bởi “ sự đột nhập” của những năng lượng siêu cá nhân; 6) những cách sử dụng tốt nhất có ích nhất đối với năng lượng ấy.
Đặc biệt trong luận giải về con đường thứ hai, sự “đi xuống” này cũng cho thấy có sự tác động hay đột nhập của những yếu tố cao siêu vào trường ý thức con người để tạo ra tâm linh ở các dang khác nhau. Mặc dù R. Assagioli không giaỉ thích về cơ chế của cơn trào” hay “ sự đột nhập” đó là như thế nào, đó là những tai nạn, bệnh tật tạo nên những sang chấn tâm lý hay do ý thức mãnh liệt tạo nên. Mặc dù vậy khi trình bày về những biểu hiện tâm linh hay nói theo cách của ông là những mô thức đặc trưng của thể nghiệm siêu thức cá nhân như: trực giác, tưởng tượng, lóe sáng… cũng đã dần cho thấy cơ chế hình thành năng lực xuất hiện tâm linh.
Trực giác ở đây không phải là chức năng của tinh thần với những kết quả hoạt động của nó mà đó là sự nhìn thấy, sự cảm nhận trực tiếp một đối tượng hiện hữu trong tính hiện thực riêng biệt của nó. Quan điểm này cũng đã được khẳng định về giá trị và hiệu lực của nó bởi 2 nhà khoa học Bergson và Keyserling. Với Keyserling trực giác  còn được coi như một năng lực về sự tự đồng nhất với một ngươi nào, cảm nhận được điều người đó cảm nhận (empathie).
Biểu hiện thường thấy nhất của trực giác là những hình ảnh thị giác (ký ức thị giác) và cả những hình ảnh, cảm nhận khác ghi  lại nhưng ấn tượng nhận được qua qua kênh các giác quan khác như thính giác. Những hình ảnh ấy có tính tiềm tàng thậm chí nó đã được cất giữ trong cái mà người ta gọi là kho lưu trữ vô thức lúc này được gợi ra, nảy nở tự phát, thậm chí còn thúc đẩy đến sự tưởng tượng sáng tạo ( điều này có thể làm được bằng thôi miên hay trong những trạng thái sốt) và chuyển thành những năng lực đặc biệt[9].  Sự tưởng tượng sáng tạo như tài nhớ những tác phẩm âm nhạc, những bản giao hưởng trọn vẹn của Toscanini; hay những hình ảnh lóe sáng trong giấc mơ của Mendeleep hoặc những lúc thăng hoa tâm hồn mà làm thành tài năng âm nhạc hay văn học. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã nhiều lần nói về trực giác của ông khi viết bài thơ Lá diêu bông; hoặc thường tiến một bước tiếp theo của cái siêu ý thức “là sự lóe sáng” theo đó con mắt nội tâm mở ra (tâm nhãn) và con người nhận ra một luồng ánh sáng khác với với ánh sáng vật chất thông thường. Ở giai đoạn này trong ý thức của ai nhận ra nó lập tức phát hiện (Khải thị; Ngộ) và thường là nhận ra những chân lý bất ngờ, hoặc những kiến thức mới[10] ( trường hợp của Nicolai tessa – Nga)
Như vậy, có thể lý giải quá trình tạo thành năng lực và xuất hiện tâm linh ở con người như sau: Từ những trải nghiệm tâm sinh lý về cuộc sống hằng ngày mà ở con người hình thành cái gọi là cảm thức tự nhiên ( Sensa Percept). Cảm để nhận biết, song chưa phải là nhận biết của lý trí, tức là mới chỉ dựng lại ở trạng thái cảm quan chứ chưa qua giai đoạn vận động của ý thức. Những trạng thái cảm quan thường sinh ra những liên tưởng cảm tính để tìm đến một chỗ dựa, đồng thời cũng là một điểm nâng lên cho cơ cấu tâm thần, ở một số người do cơ cấu tâm thần phù hợp thì những liên tưởng cảm tính này sẽ dừng lại lâu hơn mà làm thành trực giác – nền tảng đầu tiên và cũng là mô thức khởi đầu của xuất hiện tâm linh.
3. Nhà tâm linh: ( Psychic)
Nhà tâm linh là người có khả năng phi thường để thu thập thông tị thông qua nhận thúc ngoài cảm giác (ESP) hoặc ảnh hưởng đến đồ vạt bằng tâm lý động học (PK) theo yêu cầu. Một số nhà tâm linh sử dụng tài năng của mình theo khả năng chuyên nghiệp. Nhà tâm linh không nhất thiết phải giống như đồng cốt (vốn hay thu thập thông tin từ hồn ma người chết thông qua sự ám ảnh hôn mê nhất thời). Nhà tâm linh có thể có khả năng đồng cốt và ngược lại. Một số nhà tâm linh có khả năng chữa bệnh và tác động lên đồ vật ở những mức độ khác nhau.
Khả năng tâm linh của nhà tâm linh thường có được tài năng này theo một trong hai cách: 1) sau khi sinh ra họ có sẵn và biểu hiện khả năng của mình ngay từ lúc nhỏ, hoặc bị chấn thương cơ thể hay cảm xúc đe dọa đến tính mạng mà gợi ra khả năng này[11]. Sau khi phát hiện ra khả năng phi phàm của mình, đại bộ phận chủ thể thường lo lắng, các cảm giác tiếp theo thường bất ổn, thậm chí mang tính đe dọa nhất là khi họ có những giấc mơ nhận biết trước cái chết hoặc thảm họa nào đó. Một số nhà tâm linh khác lại rơi vào trạng thái lúc đầu lo sợ rằng mình bị mất trí nhớ. Tuy nhiên, đa số sau một thời gian đều nhận thấy mình không thể từ bỏ năng khiếu vì thế học cách sống chung và sử dụng năng khiếu, vì vậy mỗi nhà tâm linh đều phát triển một phương pháp độc đáo để đánh giá và kiểm soát khả năng của mình.
Trong số những người có khả năng tâm linh do rèn luyện,  thường phát triển ít nhất một số khả năng tâm linh và thực hành nó. Tuy nhiên, thành công của mỗi người mỗi khác, hiếm khi đạt đến mức độ các nhà tâm linh phi thường có năng khiếu bẩm sinh hay có được năng khiếu sau khi bị sang chấn tâm lý.
Do bản chất của tâm linh là trìu tượng, khó đoán định và lượng hóa được mà hoàn toàn chỉ có thể cảm nhận nên hiện tượng tâm linh, hoạt động tâm linh vẫn đang là vấn đề gây tranh luận trong nhiều giới nghiên cứu, vì thế cũng xuất hiện nhiều trường phái tâm linh học với những phát biểu đứng trên quan điểm của  ngành mình mà định nghĩa khái niệm tâm linh. Do đó các định nghĩa cũng không hoàn toàn đồng nhất.
Tâm linh là hiện tượng không bình thường sảy ra trong thực tiễn đời sống xã hội kèm theo kinh nghiệm/ trải nghiệm của con người. Những biểu hiện thường thấy của tâm linh là : Thần giao cách cảm (liên lạc giữa người với người từ xa thông qua các tế bào não);  linh cảm; khả năng dự báo tương lai, tiên tri sự kiện); khả năng nhận được thông tin trong quá khứ (hậu tri) ở hình thức này nhà tâm linh có khả năng nói chuyện với người chết trong mồ hay trong không trung (gọi hồn, cầu vong)
* Hiện tượng tâm linh sở dĩ vẫn còn gây nghi ngờ vì:
- Không phù hợp với nguyên lý khoa học
- Thiếu phương pháp luận
- Không lặp lại để có thể kiểm chứng (nghĩa là không thực nghiệm được)
- Dễ dàng giả tạo và đánh lừa người khác
Chính vì đặc điểm này mà hiện tượng tâm linh dễ bị thêu dệt làm cho ly kỳ hấp dẫn nhuốm màu sắc huyền hoặc. Từ tình trạng này chia thành 2 khuynh hướng:
          + Khuynh hướng tin đến mù quáng và bị kẻ cơ hội vin vào đó mà buôn thần bán thánh, trục lợi dẫn dắt vào các chuyện lên đồng, bắt tà, gọi hồn…
          + Khuynh hướng thứ hai: lại nhằm vào những đặc điểm không thể kiểm chứng, thiếu phương pháp luận của tâm linh mà phản bác, vì thế nhiều giai đoạn hiện tượng tâm linh bị đánh đồng với mê tín dị đoan.
Các quan điểm của nền văn hóa phương Đông xa xưa như hồn, vía, sự tồn tại của cái gọi là linh khí… gần như chỉ để tham khảo chứ không được đem ra mổ xẻ nghiên cứu để khảo chứng. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu Tâm linh học Phương Đông cũng cho rằng linh hồn con người thường hay phát ra những tín hiệu dưới dạng sóng có thể tiếp nhận bằng những tín hiệu cực nhạy mà người có cơ chế tâm lý đặc biệt có thể bắt được các dạng sóng đó mà giao tiếp hay nhìn thấy được (các thày Pháp shamam, người gọi hồn, người lên đồng cũng thường bắt được các dạng sóng đó)
4. Các trường phái khoa học và những quan điểm về tâm linh:
Tâm linh (Psi) là khái niệm được định danh từ những năm 1944, nhưng phát biểu về nó lại có nhiều quan điểm khác nhau:
- Khoa học chính thống không công nhận Psi vì nó không phù hợp với các ngành khoa học hiện đại
- Tôn giáo lợi dụng tính chất không rõ ràng của Psi mà gắn Psi với niềm tin tôn giáo, thần thánh, linh hồn, ma quỷ
-Phân tâm học (cận tâm lý học) giải thích về Psi như trường sinh học, năng lượng vũ trụ
- Một số nhà khoa học khác công nhận hiện tượng Psi và xem đây thuộc phần mờ sẽ được làm sáng tỏ trong tương lai, xu hướng này hiện nay đang được nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực tâm lý, thần kinh học, sinh học và xã hội nhân văn ủng hộ.
Trong những năm gần đây khi y học thực nghiệm đã tiến những bước lớn với kĩ thuật laze, cộng hưởng từ, mổ nội soi, thay phủ tạng và đặc biệt là công nghệ tế bào gốc sẽ hứa hẹn một sự phát triển xa hơn trong một tương lai gần. Nhưng cũng chính sự phát triển đó cho thấy càng có nhiều lỗ hổng trong y lý. Những khả năng đặc biệt của con người trong chuẩn đoán, điều trị phòng bệnh và rèn luyện sức khỏe đã không thể giải thích được bằng lý thuyết y lý thông thường. Sự hội nhập văn hóa Phương Đông và Phương Tây đã cho thấy nhiều hiện tượng như mối liên hệ giữa vũ trụ và cơ thể con người; năng lượng sinh học, luân xa, hệ kinh lạc, linh cảm, hào quang, thần giao cách cảm…đều nằm ngoài những khuôn khổ lý thuyết thông thường của các bộ môn như giải phẫu cơ thể người, sinh lý học, sinh lý bệnh học, hóa sinh, lý sinh, tế bào học, mô học ngoại khoa và nhiều chuyên khoa hẹp khác đang được đào tạo trong các trường đại học. Tóm lại, đó chỉ là những nội dung lý thuyết được xây dựng dựa trên nền tảng những gì nắm bắt được trên cơ thể vật lý của con người và bác sĩ chỉ là người có khả năng tác động đến cơ thể vật lý đó mà thôi. Trong khi đó ngày càng phát sinh những yếu tố liên quan đến bệnh sinh nằm ngoài cơ thể vật lý, nằm ngoài tầm với của những kiến thức do nhà trường cung cấp. Đây chính là lý do mà nhiều ý kiến cho rằng y học chính thống đang bộc lộ những khủng hoảng. Những kinh nghiệm, kiến thức, y dược học và minh triết Đông Phương đang dần được khôi phục và nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn. Nhiều hiện tượng được coi là không tưởng đã được các nhà nghiên cứu quan tâm mà đi dầu là các nhà nghiên cứu tâm lý và nhân văn. Hiện nay có nhiều nhà khoa học tin vào Psi như nhà tâm lý học Iamer Mc Connell (đại học Michigan – Mỹ); Susan Blackmore (đại học miền Tây – Anh) và một số nhà thiên văn nhu John Bravo (Anh).. tất cả những người thuộc nhóm này đều đưa ra nhận định:
+ Psi là có thật nhưng khoa học chưa biết cách thực hiện hóa trong phòng thí nghiệm
+ Psi cũng như nhiều hiện tượng có trong tự nhiên chưa thể giải thích được
+ Sự nhận thức của cá nhân đối với Psi đóng vai trò quan trọng
+ Psi là một nhu cầu cuả con người và có nguồn gốc từ bản chất của con người.
Ngày nay nhiều nghiên cứu, nhiều hoạt động tâm linh đã được chứng thực, khiến cách ứng xử với tâm linh đã thay đổi. Psi ngày nay được nhìn nhận như là một dạng tiềm năng của con người mà tạo hóa đã ban cho nhưng chưa được am hiểu và khai thác. Nói một cách chính xác là con người và trình độ nhận thức của con người cũng như khoa học kĩ thuật hiện tại của con người chưa đủ để lý giải, tìm hiểu và khám phá ra cơ chế của nó mà khai mở sử dụng trong đời sống. Hiện tượng tâm linh cũng đã được tổng kết ở những dạng như sau:
* Các hiện tượng về thông tin không đi qua 5 giác quan vật lý như: thần giao cách cảm (telêpathy, Lé pychees); thần thị (claivoyance); tiên tri (precognition) ; Tâm lý trắc nghiệm (qua một vật biết được chủ của nó – Psychometry) ; cảm xạ học hay sinh học định vị (radiesthesis hoặc Biolocation)
* Các hiện tượng năng lượng như: viễn tâm động lực học (chủ thể dùng năng lượng tâm thần) để làm di chuyển, biến dạng một vật thể (psychokinesis); tâm lý liệu pháp (psychophysicotherapy); Khinh thân, còn gọi là khinh công (có thể tự bay bổng – levitation); tiềm sinh (chôn dưới đất một thời gian vẫn sống – Letargy)[12]
Như vậy,  xuất phát từ những biểu hiện của hiện tượng tâm linh và những cơ chế xuất hiện tâm linh cũng như tác động của nó và sự luận giải về tâm linh của giới nghiên cứu tâm linh học Phương Đông cũng như Phương Tây mà có thể lý giải tâm linh và bản chất của tâm linh như sau:
1) Tâm linh là trạng thái tâm lý đặc biệt: quan niệm này phổ biến trong giới nghiên cứu tâm lý, cận tâm lý. Nhóm này cho rằng tâm linh là một trại thái tâm lý đặc biệt được cấu trúc dự trên nền tảng của cả ý thức và vô thức, nó “ nhuốm màu mọi hoạt động trí tuệ, tượng tượng, xúc cảm cá nhân” (J. Jacobi) . Với quan điểm này thì vô thức là nền tảng tiềm tàng cho tâm linh trú ngụ, chỉ cần ta có ý thức mãnh liệt về một cái gì đó thì sẽ làm cho nền tảng đó xuất hiện tâm linh. Tâm linh cũng có mối liên hệ với các biểu tượng (tâm linh được vật chất hóa bằng các biểu tượng) . Ở điểm này  tâm linh có cùng bản chất với tôn giáo và hay được tôn giáo lợi dụng để tạo nên phép màu nhiệm và củng cố niềm tin tôn giáo. Đây cũng chính là điểm chung giữa các nhà tâm lý học và tôn giáo học. Chính vì vậy mà tâm linh nhiều khi được dùng để chỉ các hiện tượng tâm lý động học, nhưng cũng có khi dùng để chỉ các hiện tượng, lễ thức trong tôn giaó, tín ngưỡng.
2)Tâm linh là một dạng năng lượng đặc biệt của tinh thần: quan niệm này phổ biến trong giới nghiên cứu tâm thần học, siêu vật lý học, y học hiện đại phương Tây gắn với sự ra đời và hoạt động của các trung tâm “nghiên cứu tiềm năng con người”. Theo trường phái này thì tâm linh là một dạng năng lượng đặc biệt, người có khả năng tâm linh là có thể dụng ý chí để tác động đến khách quan dưới nhiều hình thức: tiện đứt cánh hoa cức bằng mắt nhìn, chìn làm chết cá vàng, dùng tai nghe chữ, nhìn thấy nội tạng con người bằng mắt thường (trường hợp Trịnh tường Linh – TQ; Djiouna (cuban liên xô cũ); Nicolai tesa (Nga)[13].
3) khả năng tâm linh do khổ luyện mà có như: Các thiền sư Mật tông người Ấn; các Lạt ma Tây Tạng; hoặc các Yoga thượng thừa.. bằng khổ luyện họ có thể điều hòa được các chức năng tâm sinh lý trong cơ thể mà tùy ý gây ra cảm giác nóng lạnh, nặng, nhẹ, hoặc tăng giảm nhịp tim, điều chỉnh huyết áp, làm thay đổi hoạt động của thận, khai mở được những bí huyệt trong cơ thể mà đưa cơ thể vào trạng thái giống như một số động vật ngủ đông để bị chôn sống 3-4 giờ thậm chí 40 ngày mà vẫn sống (trường hợp Haridas - Ấn độ).
Trong văn hóa Việt Nam, tâm linh, chuyện tâm linh, hoạt động tâm linh là một nét trội trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam xưa và nay. Mọi lúc mọi nơi, mọi thời đại đều tồn tại yếu tố tâm linh và hiện diện yếu tố tâm linh. Tâm linh trong văn hóa Việt Nam có thể nói hòa lẫn/gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng và niềm tin vào những gì thiêng liêng, kì lạ không lý giải nổi. Vì vậy mặc nhiên các hoạt động trong tôn giaó, tín ngưỡng như tế lễ, bùa ngải, tử vi, phong thủy, cầu siêu giải hạn, đồng bóng thậm chí cả xin âm dương… đều được coi là hoạt động tâm linh. Nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng nhiều và cũng được hiểu như là các nghiên cứu về tâm linh. Nhưng những công trình lý luận chuyên biệt về tâm linh (Psi) theo kiểu ngành cận tâm lý học, vật lý động học như ở phương Tây thì lại rất hiếm hoi ngoài một số tài liệu dịch. Thiết nghĩ đến lúc cần phải nhìn nhận lại chân giá trị của Tâm linh (Psi) và phân biệt rạch ròi giữa năng lực tâm linh, hành động tâm linh theo đúng nghĩa của nó và phân khu, riêng biệt với các hoạt động tín ngưỡng tôn giaó hoặc hoạt động mang tính tôn giáo khác và rạch ròi với các khái niệm như  tình cảm tôn giáo, cảm thức tâm linh, tâm thức dân gian, niềm tin tôn giáo; thần, thánh; năng lượng vũ trụ, hồn vía, ngày tốt, xấu… để hiện tượng tâm linh, nhà tâm linh không bị lẫn vào, đánh đồng với các hiện tượng mê tín lợi dụng, đồng cốt trá hình./.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Khả Kế (1991) Từ điển tiếng Việt. Nxb VHTT
- Lê Khả kế - Đặng Chấn Liêu (1990) từ điển Việt – Anh, Nxb VHTT
- Vũ Ngọc Khánh (1999) tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam, Nxb VHDT.
- Vũ Ngọc Khánh (2000) Đạo thánh ở Việt Nam. Nxb VHDT
- Hồ Văn Khánh (2005), Tâm hồn khởi nguồn cuộc sống văn hóa tâm linh. Nxb VHTT.
- Nguyễn Duy Hinh. “Về các khái niệm Thần và Quỷ”, Tạp chí nghiên Tôn Giáo 1/2003
- Trần Ngọc Lân (2007) Những chuyện về thế giới tâm linh, Nxb VHTT.
- Nguyễn Ngọc Mai (2017) Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị. Nxb HN.
- Mel Thomson (2004) Triết học tôn giáo, Nxb Chính trị quốc gia.
- Rosemary Ellen Guiley (2005) Từ điển tôn gíaó và các thể nghiệm siêu việt Nxb TG
- R. Assgioli (1997)  sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH.
 
[1] Rosemary Ellen guiey. Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, tr 750
[2] Xin xem thêm Nguyễn Duy Hinh. Về các khái niệm Thần và Quỷ, Tạp chí nghiên Tôn Giáo 1/2003
[3] Rosemary Ellen guiey. Từ điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, tr 827
[4] R. Assgioli, sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH, 1997, tr 43
[5] R .Assgioli, sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH, 1997, tr 43
 
[6] Tuy nhiên tác giả lại không nêu rõ chấn hưng về tinh thần là như thế nào? Và cố gắng về thể chất thì cần phải làm gì?
[7] Hồ Văn Khánh, Tâm hồn khởi nguồn cuộc sống văn hóa tâm linh. Nxb VHTT. 2005, tr 17-18
[8] R .Assgioli, sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH, 1997, tr 95
 
 
[9] R .Assgioli, sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH, 1997, tr 102
 
 
[10] R .Assgioli, sự phát triển siêu cá nhân. Nxb KHXH, 1997, tr103
[11] Rosemary Ellen Guiley “ từ điển tôn gíaó và các thể nghiệm siêu việt” Nxb TG tr 688.
[12] Nguyễn Quang Huỳnh, tr 25
[13] Trần Ngọc Lân ( 2007) Những chuyện về thế giới tâm linh, Nxb VHTT, tr 29- 42

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

du hoc trung han o New Zealand

vịnh Hobsonville và khu du lịch mới đưa vào khai thác được 5 năm của thành phố Auckland

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,032
  • Tháng hiện tại57,510
  • Tổng lượt truy cập6,691,014
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây