triết lý nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thứ sáu - 13/04/2018 00:12
Nằm trong dòng chảy của văn hóa thờ cúng tổ tiên, thờ cúng vua Hùng không chỉ thể hiện chiều kích ứng xử của hiện tại với quá khứ mà còn là một tín ngưỡng, lễ hội bao hàm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc của một dân tộc nhận thức rõ rệt về nguồn gốc của mình và mong muốn trao truyền lại cho các thế hệ ngàn sau những mật mã văn hóa. Trong bối cảnh các bài viết về lễ hội đền Hùng cho tới nay không hề ít, bài viết này tập trung vào giải mã các khái niệm liên quan đến vua Hùng và hệ thống các giá trị nhân sinh của tín ngưỡng và lễ hội thờ cúng Hùng Vương.
Key word: Hùng Vương; Kinh đô Phong Châu; Thờ cúng vua tổ.
(bài đã đăng trên tạp chí Tuyên giáo số 4/ 2018
* Thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là một diễn trình lịch sử truy tìm về cội rễ
            Thờ cúng Hùng vương cho đến nay đã trở nên quá quen thuộc với người Việt Nam, vấn đề không chỉ là khắp nơi có người Việt Nam sinh sống đều có đền thờ vua Hùng mà cả VN đã có ngày giỗ tổ. Được coi là ngày quốc giỗ nên toàn dân được nghỉ ngày lễ kị này để hồi hướng tâm linh và thắp nén tâm hương quy hướng về cội rễ. Tuy nhiên, thờ cúng Hùng vương có từ bao giờ và khi nào thì tên gọi Hùng vương trở thành tên chính thức trong hằng số văn hóa Việt Nam thì không phải ai cũng rõ.
Chiếm lĩnh một khoảng thời gian khá dài hơn 2000 năm dựng nước (từ 2879 – 258 Trcn), nhưng các thông tin về triều đại Hùng vương và các vua Hùng thực sự chỉ dựa vào truyền thuyết và một số cứ liệu huyền thoại dân gian còn sót lại ở khu vực quanh núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ). Hùng vương có thân thế, sự nghiệp thế nào vẫn là những khỏang trống còn cần nhiều kiến giải. Ngược dòng lịch sử các tài liệu chép về Hùng Vương sớm nhất chỉ thấy trong “Lĩnh nam chích quái” và “Việt điện u linh” với những thông tin còn phủ nhiều màu sắc huyền hoặc. Về sau trong một vài bộ sử chính thống “Đại việt sử ký toàn thư” thời đại Hùng Vương cũng được biên chép nhưng chỉ đưa vào phần ngoại kỷ, sau này trong “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim thì phả hệ Hùng vương mới được biên chép thành “họ Hồng Bàng” tương đối rõ ràng như sau: Đế minh ( cháu ba đời của Thần Nông) kết hôn với Vụ Nữ sinh ra hai con trai: Đế Nghi ( vua phương Bắc) và Lộc Tục ( làm vua phương Nam). Đế nghi sinh ra Đế lai, và Lộc Tục sinh ra Sùng lãm. Sùng lãm kết hôn với Âu Cơ là con gái Đế lai và đẻ ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con, con cả là Hùng Vương. 
          Theo phả hệ này thì Hùng Vương là dòng dõi của Thần Nông và là người đã lập nên nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đó cũng là thời kỳ kéo dài từ văn hóa Phùng Nguyên – Đông Sơn (theo phân kỳ khảo cổ học). Với hình thái kinh tế nông nghiệp cạn và nông nghiệp nước, cư dân Văn lang chính là chủ nhân của văn minh sông Hồng. Do đó từ tôn giáo đến văn hóa, lối sống, nếp nghĩ, tư duy đều hình thành trên nền tảng nông, ngư nghiệp. Ngày nay những mật mã văn hóa của thời đại này vẫn tồn tại đây đó trong các lễ mật của các lễ hội vùng Trung du và đồng bằng châu thổ Bắc bộ và trên những dải hoa văn của tang trống đồng hay trong ký ức của người Mường.
Thực tế cho đến nay ngoài các tư liệu khảo cổ học và một số tư liệu dã sử đã nêu ở trên thì vẫn chưa có tư liệu thành văn nào biên chép về thời kỳ hơn 2000 năm này của các triều đại vua Hùng. Nhưng Hùng vương và nhà nước Văn lang vẫn được khẳng định và tồn tại vững bền trong lòng người dân Việt Nam. Tâm thức con Lạc cháu Hồng vẫn là niềm tự hào của triệu triệu người dân đất Việt. Điều này cho thấy ý thức dân tộc và một niềm kiên tin sâu sắc của nhiều lớp thế hệ Việt Nam xưa cũng như nay. Vấn đề là truyền thuyết, thần thoại qua lăng kính niềm tin tôn giáo đã trở thành lịch sử hay dấu tích về các vua Hùng còn lưu dấu trong nhiều mật mã của văn hóa dân gian, dân tộc học, khảo cổ… để đủ sức thuyết phục cho sự hiện diện của một thời kỳ “Thượng cổ thời đại”[1]
  Trong hội thảo khoa học về “kinh đô Văn Lang” do Viện nghiên cứu lịch sử tổ chức tháng 12/ 1994 tại thành phố Việt Trì - Phú Thọ[2], đã cho thấy khái niệm Kinh đô chỉ là một cách hiểu chưa thực tỏ tường về khái niệm “ đóng đô ở Văn Lang” của các nhà nghiên cứu lịch sử sau này. Trong các tài liệu của các nhà làm sử thời trung đại, nguyên văn sách Lĩnh Nam Chích quái  chỉ chép đơn giản mà chính xác là Hùng vương “đến ở đất Việt Trì”. Như vậy “đến ở” là khái niệm hoàn toàn khác với “đóng đô”. Trong khi đóng đô là dẫn thẳng đến cách hiểu “ kinh đô” (được hiểu không chỉ là nơi vua ở mà còn có cả cấu trúc và diện mạo của một thành thị - đế đô cổ đại và trung cổ cổ điển như vẫn thường thấy phổ quát trong lịch sử Châu Âu, Châu Á, cũng như ở Trung Quốc và Đại Việt sau này)[3]. Trong khi đó nơi mà vua Hùng đến ở  (Việt Trì) thực ra đó chỉ là chỉ khu vực sinh sống của các vua Hùng, giống như các “Chạ, Chiềng” của  Cun ở người Mường và “ châu Mường” của “ a Nha (ở người Thái). Đây cũng là lý do không tìm thấy dấu hiệu của thành quách, cung điện tại nơi đây. Cũng như vậy Hùng vương là khái niệm có nguồn gốc từ đâu?Phải chăng ngay từ khi khởi nghiệp các thủ lĩnh này đã có danh xưng vua Hùng?
Nghiên cứu cấu trúc xã hội Mường của Cuisinier những năm đầu thế kỷ XX và nghiên cứu của Trần Từ sau này cho thấy trong xã hội Mường có tầng lớp quý tộc với tên gọi Lang, Cun. Cũng trong báo cáo khoa học của mình giáo sư Lê Văn Lan đã cho biết: Hùng là khái niệm bắt nguồn từ Cun/ Khun/ Khu – rung (chỉ người đứng đầu bộ lạc, bộ tộc) và được biến âm thành Hùng, được phóng ngược và ghép thêm vào chữ ( và nghĩa ) Vương (vua) ở thời Trung cổ mà thành Hùng vương[4]. Trong một tài liệu khác của Bình Nguyên Lộc[5] cũng cho biết người Mường gọi các tù trưởng của họ là Pò Khul[6]. Đây là khái niệm chỉ người đứng đầu bộ tộc và còn được gọi dưới các tên Khun Chương/ Trương ở nhiều khu vực cư trú của cư dân Bách Việt[7]. Vì vậy ta thấy khái niệm Khun Chương/ Chương/ Trương thường được dùng riêng để gán cho họ của những cá nhân thuộc tầng lớp trên, tầng lớp quý tộc[8]. Thực chất Hùng vương lúc bấy giờ là những quân chủ bộ lạc đang trên đường hoặc mới hình thành quân chủ nhà nước. Chữ Văn Lang cũng là một cách gọi về một cộng đồng tộc người có tục vẽ, xăm mình ở Việt Nam, ngoài ra “Lang” còn có nghĩa chỉ “con người, người đàn ông” [9], . Như vậy, cho dù nguồn gốc của  Hùng vương mờ, tỏ thế nào vẫn chỉ ra rằng đây là nhân vật đứng đầu – thủ lĩnh của bộ lạc Việt/ Việt Thường/ Lạc Việt thời bấy giờ, và bộ lạc đó ý thức một cách rõ ràng về cộng đồng tộc người của mình. Mười tám đời Hùng vương cũng là con số ước lệ chỉ sự chuyển giao quyền lực lưu truyền qua nhiều đời Cun/ Khun ở khu vực Phong Châu và mở rộng ra các khu vực xung quanh. Khi quyền lực chuyển giao từ Hùng qua Thục thì người Việt Nam lúc bây giờ đã có sự hợp nhất hai bộ lạc Tây Âu (gốc Tày – Thái) và Lạc Việt thành một khối thống nhất để cùng đối phó với sự bành trướng về phương Nam của đế chế Tần phía Bắc. Truyền thuyết “cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh vua) của người Tày vẫn còn lưu rõ dấu ấn của các cuộc tranh giành của các thế lực địa phương để đi đến hợp nhất dân tộc. Đó là lý do mà huyền thoại, truyền thuyết về Hùng vương, Thục vương trở thành điểm chốt trong tâm thức nhiều tộc người trên đất Việt Nam.
*Thờ cúng Hùng vương có từ khi nào?
Năm 1372 Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa các vua Hùng với tư cách là một nhân vật lịch sử vào chính sử trong tài liệu “Việt Nam thế chí”. Sách Việt sử lược (soạn 1377) chép về Hùng vương dựng nước Văn Lang nhưng với tư cách như một pháp sư tài giỏi thâu tóm được quyền lực các bộ tộc để trở thành vị thủ lĩnh tối cao của bộ lạc. Năm 1435 “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã nhắc đến Hùng vương theo thư tịch đời Trần như một niềm tự hào dân tộc. Dưới thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) ngài đã cho lập Ngọc Phả Hùng vương với tên gọi đầy đủ là “ngọc phả cổ truyền về 18 đời thánh vương triều Hùng”. Từ đó việc thờ cúng Hùng Vương trở thành chính thống. Sau này đến đời Nguyễn các vua Nguyễn cũng rất lưu tâm đến khu di tích đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương. Năm 1874 Vua Tự Đức lệnh cho tổng đốc Tam tuyên Nguyễn Bá Nghi xây dựng lăng Hùng vương ngay cạnh đền Thượng, năm 1917 dưới triều Khải Định bộ lễ cũng chính thức gửi công văn phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy ngày 10 – 3 âm lịch hằng năm để cử hành quốc tế, các quan lại phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt toàn dân cúng tế[10]. Năm 2007, quốc hội, nhà nước Việt Nam đã công nhận lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch chính thức là ngày giỗ các vua Hùng. Biểu tượng linh thiêng của dân tộc trở lại hiện diện chính thức trong văn bản nhà nước, trong vui mừng của lòng dân. Cũng từ đây lễ hội có tính cách địa phương trở thành ngày đại lễ của quốc gia.
Khu di tích đền Hùng ban đầu tại núi Nghĩa Lĩnh (phú Thọ) về sau lan tỏa tới các địa phương khác như làng Cổ Tích (Hy Cương), Đình Trẹo (thị trấn Hùng sơn) và cứ thế lan rộng trên cả nước. Đến năm Cảnh hưng thứ 24 (1763) dưới thời Lê Trung Hưng cả nước có 73 làng thờ Hùng Vương và đều là những làng xã nằm trong vùng kinh đô Văn lang[11], thì hiện nay đền thờ Hùng Vương đã lan rộng ra cả nước ( Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng tàu; Thành phố HCM, và Cà mau, thậm chí cả khu vực có bà con Việt kiều sinh sống ở nước ngoài. Theo thống kê cho đến nay trên cả nước có 1417 di tích thờ Hùng vương và các nhân vật liên quan đến thời đại này[12]. Sự lan rộng của tín ngưỡng đã cho thấy việc thờ cúng Hùng Vương đã được toàn dân chấp nhận và thực sự tín ngưỡng này dung chứa một ý nghĩa triết lý nhân sinh cao cả, nó không chỉ khắc vào tâm khảm con người Việt Nam về nguồn gốc giống loài đẹp đẽ ( lạc hồng) mà còn có tác dụng ước thúc nhân tâm quy về một nguồn cội: quốc tổ Hùng Vương.
*Triết lý nhân sinh trong thờ cúng Hùng Vương
Thờ cúng Hùng vương nằm trong mạch nguồn văn hóa Việt: thờ cúng tổ tiên và người có công với nước là một trong những thế ứng xử của người Việt Nam xưa và nay. Nếu như trong gia đình, tông tộc việc tế tự tổ tiên là nhớ ơn sinh thành (phục bản phản thủy) và  lưu truyền nòi giống (vĩnh truyền tôn thống)” và cũng là thể hiện “mối dây liên hệ giữa người sống và người chết không hề bị đứt đoạn”  thì ở quy mô quốc gia, dân tộc thờ cúng vua tổ chính là sự thể hiện ở chiều kích ứng xử giữa hiện tại và quá khứ, là cách để tỏ lòng ngưỡng mộ, ghi nhớ công lao của họ và cũng là cách tốt nhất để lưu truyền lịch sử dựng nước cho muôn đời con cháu về sau. Việc thờ cúng Hùng vương và truy tôn quốc tổ, quốc giỗ không chỉ nhằm ước thúc nhân tâm tụ quy về một cội mà còn là sự thể hiện của “ý thức văn hóa quốc gia” trong đó “ý thức về lãnh thổ và biểu tượng quốc gia”[13] là vô cùng quan trọng.
Thờ cúng Hùng vương gắn liền với câu chuyện về cặp đôi tiên – rồng còn thể hiện niềm kiêu hãnh về cội nguồn cao quý của tổ tiên và “khát vọng vươn lên trong tâm thức Việt cổ[14], và cũng từ đây mà người Việt truyền tụng đến mãi về sau những hình tượng đẹp đẽ đầy dũng khí và cũng rất đỗi linh thiêng của linh vật đứng đầu trong tứ linh: Rồng. Điều này không chỉ phản ánh năng khiếu thẩm mỹ cao của người Việt cổ mà cùng với óc sáng tạo về bọc trăm trứng còn cho thấy tâm tư tình cảm, mong muốn trăm sông đều đổ về một dòng, nghìn cành nhánh đều cùng cội rễ mà thống hợp tâm linh và đoàn kết 54 tộc người. Ở đó tinh thần gia tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như anh em được khẳng định không chỉ ở yếu tố cùng huyết thống, cùng một bọc mà còn là sản phẩm của mối quan hệ thần bí do sự kết hợp của hai yếu tố tiên – rồng, âm dương, cao – thấp. Ở đây tâm thức thần bí của sự ra đời có tác dụng mạnh mẽ trong củng cố khối đoàn kết mọi tộc người,  sợi dây tâm linh vô hình nhưng bền chặt hơn các yếu tố vật chất hữu hình. Vì vậy về với đền Hùng, thắp nén tâm hương không phải đề cầu cạnh những thỏa mãn ham muốn vật chất thông thường phàm tục mà để hồi hướng tâm linh, quy nguyên về cội rễ để thắt chặt hơn mối dây liên kết đồng bào (cùng bọc).
Về mặt dân tộc học, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương còn góp phần khẳng định thêm thời kỳ tiền Việt - Mường trong lịch sử dựng nước. Trong “Hòa Bình quan lang sử lược” (giải thích nguồn gốc họ nhà Lang của người Mường) với những thông tin về vua Dịt Dàng đã cho biết vua Hùng cũng là tổ của người Mường và đã được phản ảnh trong diễn ca Mường: Hùng vương là tổ nước mình/ Phong châu là chốn kinh thành triều đô/ Lang từ khởi tổ ngày xưa/ Cuối Văn lang quốc bây giờ đã qua/ Mỗi cành con cháu phong ra/ Họ chia Đinh, Quách, Bạch, Hà, Xa, Cao[15]. Cùng với các tư liệu do Janne Cuisinier khi viết về vua Dịt Dàng với những thông tin giống như câu chuyện truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ cho thấy huyền thoại về vua Hùng chính là xuất phát từ nguyên mẫu Dịt Dàng hay chim Ây cái Ứa của người Mường, mà dẫu tích vẫn còn trong thờ cúng Bua tản (Bua ba ví) của người Mường và Tản Viên Sơn của người Việt.
Về mặt địa chất học Phú Thọ cũng là đỉnh của tam giác châu thổ  sông Hồng, đây là vùng chuyển tiếp từ trung du xuống đồng bằng, và cũng là khu vực được bồi đắp đầu tiên khi các con sông tiếp nhận các phụ lưu lớn của sông Lô, sông Đuống và sông Luộc. Các tư liệu khảo cổ học (đồ đá, đồ gốm, xương, công cụ, bàn mài, mũi giáo, lao, tên và đồ gốm đến đồ đồng…) với những di chỉ tiêu biểu như Làng Cả, Gò De đã chứng minh sự phát triển mạnh mẽ, liên tục, phong phú của văn hóa Phùng Nguyên (văn hóa thời Hùng vương) đến Đồng Đậu, Gò Mun và đỉnh cao là Đông Sơn tạo nên “không gian văn hóa- lịch sử Hùng vương” mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam[16]
Kết luận: Mặc dù là thời đại đậm màu sắc của truyền thuyết, huyền thoại nhưng qua các dấu tích văn hóa dân gian, dân tộc học, khảo cổ học tại chỗ đã không chỉ khẳng định tính bản địa của truyền thuyết về quốc tổ mà còn minh chứng hùng hồn về sự có mặt của những chủ nhân văn hóa Văn Lang và tư duy lập quốc của cộng đồng khối Nam á lục địa tại khu vực trung du và đồng bằng châu thổ bắc Bộ - Bộ phận cốt lõi làm nên văn minh thời khởi nguyên, đặt nền tảng cho sự phát triển cộng đồng quốc gia dân tộc sau này. Ở khía cạnh khác, thờ cúng Hùng vương còn minh chứng về sự hiện diện của một thời đại với tinh thần độc lập, tự cường và khẳng định vùng đất tổ, một trong những cái nôi của văn minh nhân loại.
 
 

[1] Chữ dùng chỉ thời đại Hùng Vương của Trần Trọng Kim khi biên soạn Việt Nam sử lược.
[2] Lúc đó còn chưa tách tỉnh nên vẫn gọi là Vĩnh Phú
[3] Lê Văn Lan (1994)  “Kinh đô Văn Lang mấy vấn đề thuật ngữ và khái niệm”. tham luận hội thảo khoa học “Kinh đô Văn Lang” Viện nghiên cứu lịch sử, UBND tỉnh Vĩnh Phú đồng tổ chức.
[4] Vương (….) chỉ là mỹ tự được các sử gia thời trung đại theo tư duy vương triều của thời gian này gán cho mà thành Hùng Vương
[5] Nguồn gốc Mã lai của dân tộc việt Nam (1971) Nxb Xuân Thu
[6] ở một số địa phương từ Pò chuyển âm thành pô ( Pô inư na ga) hoặc Bố (Bố cái đại vương) đều chỉ người đứng đầu.
[7] Nhiều địa phương ở VN vẫn viết lẫn Chương và Trương. Trong nghiên cứu về “từ điển biểu tượng văn hóa Đông sơn” của Tạ Đức cũng cho biết: ở người Tojaija có tục khi một phụ nữ lên ngôi phải được thực hiện nghi thức Khun Chương
[8] Như cách gọi tên hai vị thần Chương Hống, Chương Hát ở khu vực Bắc Ninh và gọi Trưng chắc, Trưng nhị  thì Trưng cũng là từ Trương mà ra.
[9] Từ Lang ngoài nghĩa chỉ con người còn có nghĩa chỉ người đàn ông ( Lang binh, Ngưu lang…); Văn là nét vẽ, chỉ bộ lạc đó có đặc điểm xăm mình. Tục này vẫn còn kéo dài tới tận đời Trần Anh Tông mới chấm dứt hẳn.
[10] Tạ Ngọc Tấn (cb 2015) “ Tín ngưỡng thờ cúng Hv ở Việt Nam” Nxb Lý luận ct, tr 9
[11] Kinh đô ở đây hiểu theo nghĩa khu vực có các vua Hùng ở chứ không phải kinh đô theo nghĩa có Thành quách sau này
[12] Lê Hồng Lý  (2015) “Thờ cúng Hùng vương với sự củng cố cộng đồng trước nhu cầu  tồn tại và phát triển quốc gia” in trong Thờ cúng hùng Vương ở VN . Tạ Ngọc Tấn, sdd, tr14
[13] Ý kiến của Vương Xuân Tình trong tọa đàm “ phát huy giá trị văn hóa VN và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước” do Ủy ban mặ trận tổ quốc Vn , Viên hàn lâm KHXHVN và đoàn thành niên công sản HCM tổ chức ngày 25/10/ 2015 tại Viện Hàn lâm KHXHVN.
[14] Đỗ Lan Hiền (2015) Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương truyền thuyết và sự thật lịch sử về thời đại Hùng Vương” in trong Thờ cúng hùng Vương ở VN, Tạ Ngọc Tấn, sdd. tr 46.
[15] Quách Điêu: Hòa Bình quan lang sử lược, Tạp chí Nam Phong số 100 /1925.
[16] Xem thêm Bùi Văn Liêm ( 2015) “di tích, di vật liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở phú Thọ qua các đợt khai quật khảo cổ học”. In trong Thờ cúng hùng Vương ở VN . Tạ Ngọc Tấn, sdd,tr 124- 127
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

sứ mệnh của tôn giáo nội sinh Nam bộ

Tôn giáo nội sinh Nam Bộ -  Sứ mệnh những năm đầu thành lập Nguyễn Ngọc Mai 1. Tóm tắt: Thuật ngữ tôn giáo nội sinh Nam bộ cho đến nay không còn xa lạ với bất kỳ nhà nghiên cứu tôn giáo nào ở Việt Nam. Khái niệm nhằm chỉ các tôn giáo được sản sinh bởi các ông Đạo khu vực đồng bằng sông cưu...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,202
  • Tháng hiện tại30,615
  • Tổng lượt truy cập6,601,460
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây