Những ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng dân gian tới nhân cách con người Bắc Ninh

Thứ ba - 03/01/2017 10:58
Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội, nhưng “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” . ở một phương diện khác con người cũng là sản phẩm của tự nhiên và xã hội. Điều này cho thấy để nhận diện về con người ở bất cứ vùng, miền và quốc gia nào thì cần phải xem xét tới các yếu tố tự nhiên, xã hội và lịch sử phát triển tộc người đó, từ đó mới có thể nhận diện được đúng và chính xác nhân cách của anh ta.
TS Nguyễn Ngọc Mai trong 1 buổi đi điền dã
TS Nguyễn Ngọc Mai trong 1 buổi đi điền dã
Để đi tìm lời giải đáp cho các yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng tới nhân cách con người Bắc Ninh thì điều trước hết phải hiểu nhân cách là gì? Và ở người Bắc Ninh nhân cách biểu hiện ra như thế nào ?từ đó mới có thể đi tìm lời giải đáp cho những yếu tố văn hóa tín ngưỡng nào ảnh hưởng hay chi phối tới con người để hình thành nên đặc điểm nhân cách ấy.
1. Một số khái niệm cần làm rõ: Nhân cách; văn hóa tín ngưỡng
* Nhân cách là gì, những yếu tố nào ảnh hưởng tới hình thành nhân cách?
Về phương diện học thuật thì “nhân cách” là một khái niệm tâm lý học, nhưng phát biểu về nhân cách và nhân cách người Việt Nam thì lại có khá nhiều nhà văn hóa định nghĩa về nó. Đứng ở góc độ văn hóa học, Đào Duy Anh lại định nghĩa nhân cách là“Phẩm cách của con người; cái tính cách riêng của một người; cái tư cách tự chủ độc lập của người ta ở trên pháp luật”[1]. Trong  từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên cũng giải nghĩa: “Nhân cách: Phẩm chất con người”[2]. Như vậy, nhân cách hiểu theo nghĩa phổ thông là phẩm cách hay phẩm chất của con người. Tuy nhiên cách định nghĩa này lại khiến chúng ta đi vào một khái niệm mới nữa vậy thế nào là phẩm chất, phẩm chất với phẩm giá, nhân phẩm có gì khác nhau? Tóm lại là cách giải thích về nhân cách của các nhà văn hóa rất trìu tượng.
Trong tâm lý học khái niệm nhân cách được định nghĩa khác. Theo Allport thì “ nhân cách là một tổ chức chủ động của những hệ thống tâm sinh lý, những hệ thống này quy định hành động thích ứng riêng biệt của cá nhân vào môi trường của nó”, còn Watson lại định nghĩa “ nhân cách là kết quả cuối cùng của một hệ thống tập quán”. Trong khi đó theo quan niệm của nhà Tâm lý học Warren thì nhân cách là:“tổ chức hòa hợp của mọi đặc điểm tri thức tình cảm, hoạt động và vật chất nhờ đó ta phân biệt các cá nhân khác nhau”[3]. Căn cứ theo những khái niệm này thì có thể hiểu nhân cách như là một tập hợp các thái độ quy định hành động, ứng xử của con người và mang đặc thù riêng có tính bản sắc của mỗi cá nhân.
Ở một nghiên cứu của S, Freuf thì nhân cách lại được hiểu là “quá trình tách từng miền trong 3 miền tâm hồn” trong đó 3 miền tâm hồn chính là “cái nó”, “cái tôi” và “cái siêu tôi”. Đồng thời  ba miền này cũng chính là cấu trúc của nhân cách. Trong đó, “nó” là cái trung tính, “cái tôi” là cái riêng nhất của mỗi con người (tách ra từ “cái nó” và cái “siêu tôi”.Cái tôi thực sự là chủ thể, đồng thời cũng là khách thể, tức là “cái tôi” có thể tách ra tự quan sát lại “cái tôi”, tự phê phán bản thân (chúng ta hay gọi đó là lương tâm) và theo S,freud thì lương tâm là vùng đặc biệt do tôi tự phân tách từ cái tôi ra và vùng này gọi là “siêu tôi”[4]. Ở một nghiên cứu khác của A.N Lêônchiép lại cho rằng “nhân cách chính là phẩm chất hoàn chỉnh đánh giá hệ thống thứ bậc động cơ, nhận ra ý riêng của từng hoạt động đối với bản thân của chủ thể hoạt động[5]. Như vậy mặc dù đi từ cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung các nhà tâm lý học  đại diện của một số trường phái tâm lý học thế kỷ XX, họ là những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu nhân cách “đều đi đến cách hiểu nhân cách là các thái độ của con người đối với thế giới xung quanh, với người khác và với bản thân” và theo Phạm Minh Hạc khi  tiếp cận hoạt động – giá trị - nhân cách thì những thái độ ấy nói lên giá trị của người này hay người khác[6]. Có lẽ ở đây giá trị có thể được hiểu là phẩm giá con người chăng?
Như vậy khi xem xét nhân cách của một cá nhân nào đó thì ta phải căn cứ vào thái độ của người đó đối với thế giới xung quanh và với đồng loại. cụ thể là những phản ứng của anh ta trước các tác động, hiện tượng của môi trường tự nhiên, xã hội và con người xung quanh nữa. Từ những quan điểm, quan niệm này thì việc tìm hiểu về nhân cách của người Bắc Ninh nói riêng, chính là việc đi tìm hiểu thái độ của người Bắc Ninh đối với thế giới xung quanh, với người khác và với bản thân họ như thế nào sẽ nói lên nhân cách của người Bắc Ninh. Mặt khác Trong một mô hình diễn đạt về nhân cách Phạm Minh Hạc có đưa ra sơ đồ như sau: Con người khi gắn với loài thì là cá thể, khi gắn với xã hội thì là cá nhân, khi gắn với hoạt động thì là nhân cách.
Điều này cho thấy con người có mối quan hệ với hai chiều với tự nhiên, xã hôi, tức là con người tác động lên tự nhiên, xã hội và ngược lại tự nhiên và xã hội cũng có tác động ảnh hưởng lại đối với con người, trong quá trình tác động qua lại đó nó bộc lộ nhân cách của con người. Những thái độ đối tự nhiên, xã hội cũng là những biểu hiện về nhân cách con người và cũng là  gián tiếp nói lên cách mà cá nhân đó cảm nhận về thế giới xung quanh như thế nào. Bởi khi cảm nhận về xung quanh như thế nào thì thông tin đưa vào qua  lăng kính cuả cá nhân mới quy định thái độ của anh ta đáp trả lại hiện tượng bên ngoài. Ví dụ như một người có học thức sẽ phản ứng với việc bỏ rác ra đường khác với người không có học thức; một người có tôn giáo sẽ có thái độ với cái chết, chiến tranh khác người không có tôn giáo. Như vậy thì để có thái độ như thế nào với xung quanh lại phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục cũng như kinh nghiệm cuộc sống, tri thức, văn hóa cá nhân của mỗi người. Từ đó cho thấy quá trình hình thành nên nhân cách của con người cũng là kết quả của những yếu tố sau: sự giáo dục, môi trường sống, văn hóa gia đình, tập quán và cả tôn giáo nữa.
* Văn hóa tín ngưỡng là gì?
Tín ngưỡng là khái niệm nhằm chỉ một hay nhiều loại hình tôn giáo dân gian hay tôn giáo bản địa của một vùng, miền hay một quốc gia nào đó. Khái niệm tín ngưỡng ở Việt Nam không đồng đẳng với khái niệm belief (niềm tin, niềm tin tôn giáo) của phương Tây. Mà là chỉ một loại hình tôn giáo cụ thể, khái niệm này có thể hiểu tương đương với khái niệm tôn giáo bản địa, tôn giáo sơ khai, tôn giáo tự nhiên, tôn giáo cấp thấp…mà các nhà nghiên cứu tôn giáo nước ngoài khi nghiên cứu và phân loại hình tôn giáo theo các quan điểm phân loại khác nhau.
< >Văn hóa tín ngưỡng là gì? [7]….
thì văn hóa tín ngưỡng có thể được hiểu là 1) cái cách mà người ta làm ra, sáng tạo ra tín ngưỡng và 2) là cách con người ta sử dụng các tín ngưỡng, giá trị của tín ngưỡng để giáo dục con người. Như vậy khi tiếp cận với văn hóa tín ngưỡng ở Bắc Ninh, của con người Bắc Ninh trong chuyên đề này chúng tôi hiểu và khai thác ở hai khía cạnh đó: Cách người Bắc Ninh sáng tạo ra những loại hình tín ngưỡng của mình/ cho mình và cách sử dụng các tín ngưỡng để giáo dục con người và cộng đồng. 
2. Tại sao văn hóa tín ngưỡng lại ảnh hưởng tới nhân cách con người?
Văn hóa tín ngưỡng và nhân cách là hai khía cạnh khác nhau, đồng thời cũng là hai đối tượng của hai ngành nghiên cứu khác nhau: một là của văn hóa học và tôn giáo học, một là của tâm lý học. Khi đề cập đến sự tác động của hai đối tượng này đến nhau là đụng đến hai vấn đề/ mảng vấn đề lớn và cũng rất cơ bản trong đời sống học thuật nói riêng và phát triển con người/ nhân cách người nói chung.
Vậy thì vấn đề đặt ra là tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng đến nhân cách con người không và nếu ảnh hưởng thì ảnh hưởng trên những phương diện nào của nhân cách?.
Thứ nhất:  Như chúng ta đã biết, tín ngưỡng gắn với đời sống tâm linh tinh thần, gắn với niềm tin tôn giáo, gắn với đời sống cộng đồng, với phong tục tập quán pháp vì thế nó vừa tạo ra môi trường cho đời sống tinh thần của và cho con người, vừa có tác dụng khuôn bó con người ta lại theo cách nghĩ, cách cảm cách sống mà nó (văn hóa tín ngưỡng) cho phép (chí ít là trong môi trường thực hành tín ngưỡng). Trong khi đó nhân cách con người là thái độ của con người với thế giới xung quanh, cụ thể là thái độ với tự nhiên, xã hội với người khác và với chính mình vậy thì điều tất yếu là một người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng sẽ có những đặc điểm nhân cách khác nhau.
Thứ hai:Tín ngưỡng là đời sống tôn giáo, là đức tin vào thần, thánh (những nhân vật không hiện diện nhưng hiện hữu bàng bạc khắp nơi, thế lực này có tác dụng, chức năng kiểm soát mọi hành vi của con người có đức tin tôn giáo. Do đó nếu một cá nhân sở hữu một hay nhiều niềm tin tôn giáo sẽ có đặc điểm nhân cách khác mới cá nhân không sở hữu một niềm tin tôn giáo nào. Biểu hiện của thái độ này chính là sự thành kính  hay không thành kính, sự tuân thủ hay không tuân thủ các quy định của tôn giáo.
Thứ ba: Thực hành tín ngưỡng thường gắn với lễ hội làng, vùng, miền và vì thế nó tạo ra môi trường cho con người ta đắm mình vào đó, sinh hoạt tập thể tại đó và cũng tạo ra những liên kết xã hội từ đó vì thế để duy trì các quan hệ, tạo ra các liên kết xã hội bền chặt thì buộc con người ta phải điều chỉnh, thích ứng và truyền dạy cho các thế hệ sau mình những cách sống, cách nghĩ, cách tư duy hành xử tương thích với đòi hỏi của cộng đồng nơi họ sinh sống.
Thứ tư : trong đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam xưa thì việc sử dụng tín ngưỡng như một phương thức hữu hiệu để điều chỉnh các hoạt động quá ngưỡng của các cá nhân trong cộng đồng cũng là một việc làm phổ biến. Vì thế có thể thấy ngay rằng đặc trưng tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến tính cách con người
Thứ Năm: Các nghiên cứu về văn hóa vùng và vùng văn hóa đã cho thấy mỗi vùng miền do chịu sự tác động của môi trường địa lý, xã hội khác nhau mà hình thành nên những đặc trưng tâm lý, tính cách và bản sắc con người cũng khác nhau: người Bắc Ninh khéo léo trong giao tiếp, đa tình; người Hà Nội phong lưu, thanh nhã; người Nam bộ phóng khoáng, cởi mở…Đó cũng là những biểu hiện của nhân cách mỗi cá nhân trong giao tiếp và ứng xử, tất yếu những đặc trưng này cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa của mỗi vùng khác nhau.
Ở một phương diện khác nhân cách con người nói chung, người Bắc Ninh nói riêng được hình thành như thế nào cũng là kết quả của quá trình giáo dục trong gia đình, những yếu tố văn hóa trong truyền thống cộng đồng mà hình thành nên các đặc điểm nhân cách của người Bắc Ninh.
Từ những căn cứ này cho thấy tín ngưỡng nói chung, văn hóa tín ngưỡng nói riêng đều có ảnh hưởng tới nhân cách con người Kinh Bắc nói chung và người Bắc Ninh nói riêng.
3. Những yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian và ảnh hưởng tới con người Kinh Bắc nói chung, Bắc Ninh nói riêng.
          Với vị trí địa lý nằm ở khu vực giáp điểm cao nhất của tam giác châu Bắc Bộ, Bắc Ninh là vùng văn hóa Việt cổ. Cùng với khu vực Phú thọ, Bắc Ninh chính là cái nôi của văn hóa Việt cổ, vì thế nơi đây bảo lưu rất sâu đậm các quan điểm, quan niệm và tư duy của người Việt cổ. Xuất phát từ hình thái nông nghiệp nương rẫy (thu thập, hái lượm và săn bắt) và sau đó là nông nghiệp lúa nước nên vị thế của người phụ nữ trở nên trội vượt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và cộng đồng. Từ đó tạo nên hệ quy chiếu ứng xử: coi trọng tính cái, coi trọng phụ nữ, mật độ thần linh tính nữ khá dày.
Sự coi trọng này thể hiện rất rõ trong các sắc thái văn hóa vùng miền từ phong tục tập quán đến tín ngưỡng dân gian. Bắc Ninh nay, xưa kia chính là thủ phủ của xứ Dâu (Luy Lâu) nơi có tục/ tín ngưỡng thờ nữ thần Dâu – nữ thần nông nghiệp và hệ thống các nữ thần liên quan đến các hiện tượng tự nhiên: Mây, mưa, sấm chớp. Vì vậy khi Phật Giáo Ấn độ du nhập vào đây, để bám trụ lại đất này thì cũng phải kết hợp với tín ngưỡng nữ thần bản địa để ra đời một hệ tứ pháp mới có vỏ Phật nhưng ruột là nữ thần nông nghiệp: Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (gió) pháp Lôi (sấm) và pháp Điện (chớp). Văn hóa Việt cổ cũng là vùng văn hóa “ thuần hậu, chất phác, con trai con gái thích nhau thì lấy chứ không theo lễ nghĩa gì”[8] vì thế người Kinh Bắc xưa dù đã bị chi phối bởi ít nhiều quy định của lễ giáo Nho giáo nhưng đến trước cách mạng tháng tám vẫn còn giữ nguyên tục ngủ bạn (các bạn của cô dâu đến ngủ cùng đêm tân hôn, sáng hôm sau cùng đưa cô dâu về lại nhà mẹ đẻ và chàng trai cũng phải sang đó ở rể cho đến khi có con đầu lòng mới dắt nhau về nhà nội) con so nhà mạ, con dạ nhà chồng chính là xuất phát từ tục lệ đó[9].
Là một vùng văn hóa coi trọng phụ nữ nên con gái và nữ giới có nhiều quyền lợi cũng như cơ hội hơn trong các hoạt động xã hội. Trong khi dưới thời quân chủ phong kiến, Nho giáo trở thành thước đo cho mọi khuôn mẫu ứng xử trong ngoài, trên dưới thì ở Bắc Ninh chất Nho lại pha lẫn cả Đạo lão và cả tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ rệt ở những con người cụ thể như pháp sư Đạo Hạnh, Thái sư/ đạo sĩ Lê Văn Thịnh…Trong khi ở các địa phương khác phải tuân thủ sự thiếu tôn trọng, sự ngăn cản của xã hội lên người phụ nữ theo cái kiểu: “đàn bà là giống khó dạy, gần chúng chúng nhờn, xa chúng chúng oán”, hoặc “mồng năm mười chín hai ba, làm thân con gái chớ ra khoỉ nhà”…thì cũng cùng thời đại ấy tại Kinh Bắc xưa, mà thủ phủ là Bắc Ninh nay, phụ nữ vẫn tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Phụ nữ vẫn đàng hoàng được thờ làm thành hoàng tại đình (đền Diềm thờ vua bà tổ quan họ; đình Giếng thờ công chúa con gái Hùng Vương; Đình Diềm thờ vua bà…), lớp lớp phụ nữ Bắc Ninh xưa và nay vẫn được đến đình để tế thần tế thánh[10].  Từ việc được tham gia tế lễ tại đình, hát cửa đình thờ thánh, giao đãi gái trai, làng này làng khác… mà tư duy, lối sống phụ nữ Bắc Ninh cũng vì thế mà thoáng mở hơn, khoáng đạt hơn. Mặt khác vì tham gia xã hội nhiều và sớm, thành thói quen nên con gái Bắc Ninh rất mạnh dạn, tháo vát, đảm đang và đặc biệt rất giỏi quan hệ xã hội. Thực tế này đã phản ảnh lại một hiện thực khu biệt mang tính chất vùng đó là hầu hết những nhân vật nữ siêu hạng lưu danh trong sử sách đều là những người con gái xuất thân vùng Kinh Bắc. Họ mạnh mẽ, giỏi giang cả việc nội trị lẫn ngoại trị, họ thông minh và thường biết cách tự tiến cử mình: Man Nương, Ỷ Lan, Đặng Thị Huệ, Vợ ba Cai Vàng, bà ba Đề Thám đều là những người như vậy…Tất cả những người phụ nữ đó đều biết rất rõ mình, cơ hội của mình và cũng biết cách để khẳng định giá trị của mình. Khi đạt được vị trí cần thiết họ cũng sống và chết với lý tưởng mà mình đã chọn. Tư liệu về họ đến nay dù chính sử không nhắc đến nhiều nhưng trong nhân dân Bắc Ninh nói riêng vùng Kinh bắc nói chung họ vẫn sống mãi như những biểu tượng về những người phụ nữ xuất sắc, điển hình trên nhiều phương diện kể cả tài kinh bang tế thế. Trong số họ, có người sống trong lòng dân với vai trò Phật Mẫu (Man nương), bà Tấm (Ỷ Lan), có người thành bà chúa chè (Đặng Thị Huệ), có người được đặt thành thơ để lưu truyền thế hệ:
“ Khen thay trí lực đàn bà
Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng’
Đấu gan thi sức rõ ràng
Vợ bé Cai vàng đánh trận tỉnh Đông
(vè vợ ba Cai Vàng)
Không phải ngẫu nhiên mà “váy đình bảng buông chùng cửa võng”. Hình ảnh ẩn dụ nhưng lại nói lên khả năng, năng lực hoạt động xã hội mạnh mẽ của người phụ nữ nơi đây. Trong khi phụ nữ ở nhiều địa phương khác còn bị vây bọc bởi “tứ đức” “tam tòng” thì người phụ nữ Kinh Bắc đã vượt lên số phận, vượt lên những lễ giáo thông thường để tham gia công tác xã hội, thậm chí gánh vác việc non sông để thi thố tài năng của mình giữa chốn đông người, giữa chốn ba quân mà vẫn đằm thắm, dịu dàng, thiết tha khi buông lời quan họ:
“ Mình ơi buông áo em ra
Để em đi chợ, kẻo mà chợ trưa”        
Có thể nói nhờ môi trường diễn xướng đặc biệt trong văn hóa quan họ cửa đình mà tất cả những cái hay, cái đẹp cái con người nhất của người Bắc Ninh được bộc lộ và thăng hoa, nhờ có quan họ mà văn hóa giao tiếp của người quan họ được nâng lên ở hàng nghệ thuật. Khác với “bố cu”, “mẹ hĩm” trong giao tiếp của người Việt thông thường, người quan họ xứ Bắc mỗi khi thốt lên “mình ơi, mình ở em/ anh về” đều gợi nhiều hơn là tả. Với giao tiếp của các liền chị, liền anh các ngôn ngữ thô phác không còn chỗ đứng, truyền thống kết chạ khiến cho người với người đến hẹn lại lên, tình yêu sâu thẳm hay những oan ức đời người trong tình duyên đều được hóa giải trong mỗi kì lễ hội, nhịp sống chậm đó của mỗi kỳ quan họ hằng năm đã khiến người Kinh bắc ngoài làm ăn, đánh giặc vẫn còn một thấp thỏm mong chờ, và một miên man nỗi nhớ. Đó chính là lý do vì sao họ lấy sông Cầu để thể hiện tình riêng.
 Là cái nôi của làn điệu quan họ nổi tiếng, nơi có đình Diềm thờ vua bà, tổ nghề ca công quan họ, hằng năm lễ hội đình Diềm tổ chức cho tất cả trai gái Bắc Ninh chơi hội và ở đó không chỉ bảo lưu nguyên tục hát cửa đình, hát thờ, hát giao đãi đối đáp bằng quan họ mà còn là thời điểm mạnh cho tất cả những phong tục thuần hậu chất phác xưa trỗi dậy. Con trai con gái Bắc Ninh đều tham gia các bọn đi hát, trong lễ hội được thỏa sức thi tài đối đáp cũng như thể hiện tình cảm với nhau. Các tư liệu điền dã tại đình Diềm cho biết các bọn liền anh và liền chị các làng thường kết chạ và hẹn nhau hằng năm gặp lại, không chỉ mùa lễ hội mà trong năm họ cũng thường xuyên thăm viếng, giúp đỡ lẫn nhau[11]. Trong một môi trường sống mà trai gái vẫn được giao tiếp, gần gũi nhau cả trong môi trường tôn giáo (hát thờ tại đình) và ngoài cuộc sống (hát giao đãi bạn bè và kết chạ với nhau)..Điều này đã tạo điều kiện cho những yếu tố bản năng (libido)[12] trong con người Bắc Ninh ít, thậm chí không bị đè nén, bị kiểm soát, áp chế, vì thế người xứ bắc thường biết cách bộc lộ tình cảm của mình, chân thành và khéo léo trong giao tiếp, dễ tạo ra các liên kết xã hội. Không thể phủ nhận chính môi trường cuộc sống và tín ngưỡng dân gian đậm sắc thái phồn thực này đã tạo ra một hiện tượng Hoàng Cầm với những xúc cảm văn chương đầy bản năng thăng thượng!.
Nước là một trong những yếu tố đầu tiên, quan trọng bậc nhất trong đời sống sản xuất nông nghiệp lúa nước (nước, phân, cần, giống) và ứng xử mềm như nước, linh hoạt như nước cũng trở thành hằng số trong văn hóa ứng xử của người Việt thì ở  Bắc Ninh “văn hóa nước” hiển lộ rõ ràng, sâu sắc hơn cả. Địa văn hóa Bắc ninh có đặc điểm là vùng hợp lưu của nhiều con sông: sông Thương, sông Cầu, sông Lục nam. Đặc điểm của sông Cầu dài gấp đôi sông Thương (290km), sông có độ dốc thấp nên mùa cạn nước sông chảy lững lờ, đó cũng là con sông đẹp và giàu chất thơ nhất của vùng Kinh Bắc, khi không phải mùa nước, dòng sông trong xanh nước chảy đấy mà như lặng im đấy:
“ Sông cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi”
Cũng là dòng sông như bao dòng sông khác, nhưng hiện thực của dòng sông Cầu với những đặc điểm riêng có của nó đã được người Kinh bắc cảm nhận và làm tăng lên vẻ đẹp của nó bằng tình yêu bằng tâm hồn của con người, tức là thổi hồn cho tự nhiên để khiến tự nhiên trở nên có hồn, có tình có nghĩa như những con người cư ngụ đôi bờ sông Cầu xưa và nay. Ở đây nhân cách con người Bắc Ninh thể hiện ra không chỉ là thái độ với con sông mà còn là tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Mỗi con người một vùng miền đều có cách nhân cách hóa đối tượng mà họ yêu thích, nhưng cái cách mà con sông Cầu đi vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây thật độc đáo. Chảy mà như không chảy, lặng im mà sâu ẩn bên trong, đó là hiện thực của dòng sông nhưng cũng là đời sống tình cảm của người dân Kinh Bắc mượn hình ảnh sông nói hộ lòng người, và sống bên dòng sông lâu đời, ăn nước con sông lâu đời mà thành ra cũng chan chứa thiết tha tràn trề như dòng sông lặng chảy. Cái cách người Kinh bắc nhân cách hóa tự nhiên, đưa tự nhiên vào văn chương và cuộc sống của con người  một cách mượt mà khéo léo chỉ bằng vài câu mà vẫn khiến cho người ta ngỡ ngàng, ngỡ ngàng bởi cái thân quen mà vẫn đẹp. Với người xứ Bắc sông Cầu không chỉ là dòng sông đơn thuần nữa mà là dòng sông của thi ca nhạc họa, dòng sông của tình đời, tình người quan họ. Dòng sông làm cho câu ca quan họ vốn đã đẹp lại càng đẹp thêm và có câu ca con sông bỗng thành biểu tượng ẩn dụ của nỗi nhớ. Có lẽ không ở đâu lại có dòng sông nỗi nhớ  miên man đến thế, nhưng trong kháng chiến trường kỳ thì nó lại xuất hiện với tư thế “nằm nghiêng trong kháng chiến” như con sông Cầu!
 Không chỉ dừng ở đó với tâm hồn nhạy cảm để bảo vệ dòng sông thơ mộng của mình người Bắc Ninh xưa còn sáng tạo nên hình tượng Chương Hống, Chương Hát là hai vị thần nước ngự trị trên hai dòng sông. Sông Thương nhỏ là thần em, sông Cầu lớn là Thần anh, hai vị thần quán xuyến toàn bộ vùng sông nước nơi đây. Từ thái độ với “nước bạc” để làm nên “ cơm vàng” người Kinh bắc không chỉ sử dụng dòng sông trong vai trò đưa những cánh buồm đi xa và tận dụng nguồn “năng lượng trắng” của chúng mà với một nét rất riêng có người Bắc Ninh  đã khiến sông ngòi nơi đây đều chở nặng huyền thoại và sử thi Việt cổ. Cư dân nông nghiệp trồng lúa xứ Bắc xưa đã dùng ngay dòng sông làm ranh giới biểu tượng cho vũ trụ quan lưỡng hợp của mình. Người bờ nam sông Cầu thờ  thần Chương Hống, Chương Hát[13], người bờ bắc sông Cầu thờ thần Cao Sơn - Quý Minh. Thần sông nước - ứng với thần núi rừng. Theo ngôn ngữ chữ nghĩa của các cụ đồ làng xưa thì từ “thượng chí Đu Đuỗm” tới “Hạ chí lục đầu” hơn ba trăm xã “ lưỡng biên giang” đều thờ ông Cộc, ông Dài, và cứ mỗi làng lại sáng tạo một truyền kì làm cho kho truyền kỳ đôi bờ sông cũng đầy như nước trên dòng. Cái hay và chất thơ chất bác học ở đây trong sáng tạo thần linh cho mình của Người Bắc Ninh là họ của hai vị thần: Họ Chương.Trong khi nghiên cứu về hai vị thần này Tạ Chí Đại trường đã đặt câu hỏi vì sao lại mang họ Chương/ Trương mà không phải là họ khác? Đây chính là điểm khác lạ của nghệ thuật sáng tạo văn hóa, sáng tạo trong tôn giáo của người xứ Bắc. Họ Chương đã cho ta một mật mã về nguồn gốc sớm của hai vị thần nước này. Chương bắt nguồn từ Khun chương là khái niệm chỉ người đứng đầu, người có xuất thân cao quý, giống như Cun = khurung = Hùng = vua Hùng. Mà đã là hai vi thần lớn cai quản toàn vùng lục đầu giang thì đương nhiên là phải có nguồn gốc xuất thân cao quý, từ đó thì ông Cộc, ông Dài lùi dần vào trong tâm thức, hiện hữu sẽ chỉ còn là oai linh của nhị vị thần tối linh: Chương Hống, Chương Hát. Đó là cách sáng tạo ra tín ngưỡng của người dân vùng Kinh Bắc – nơi cái nôi của văn hóa Phật – Nho – Đạo du nhập từ rất sớm.
Dòng sông không bao giờ cạn, nước luôn chảy không bao giờ ngừng vì thế mà truyền kỳ xứ Bắc theo thời gian cứ tiếp nhận thêm nhiều nhân tố mới và lan xa theo tới tận hạ nguồn. Anh hùng ca trên dòng như Nguyệt cũng bước vào cõi thiêng trên nền của truyện ông Cộc ông Dài. Không chỉ dừng ở đó hầu hết các anh hùng xứ Bắc khi yên nghỉ cũng được dân gian trân trọng đưa về với dòng sông, hoặc đem những sự kiện của cuộc đời những con người đó trên mặt đất về sống và hiện thân trên dòng nước. Bởi nước là nguồn sống và là “yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, hiền minh khoan dung và đức hạnh”[14]. Bằng cách vừa tinh tế vừa triết học này người xứ Bắc đã để lịch sử của họ chảy mãi với thời gian, ngược lên thượng nguồn và xuôi về hạ bạn. Đó là cách ứng xử khôn ngoan!
Cách ứng xử với thiên nhiên bằng tâm hồn thơ mộng mượt mà đó không chỉ là bản sắc nhớ về nguồn cội của người xứ Bắc mà trong thiết kế công trình để đời người xứ Bắc bao giờ cũng chọn cho mình chỗ đứng ở ven các dòng sông: Phật tích, Long Hạm, Thiên Thai đều phô bày hình sông thế núi. Sáng tạo nên tôn giáo, văn hóa đã độc đáo như vậy, nhưng sử dụng tôn giáo để rèn luyện nhân cách con người lại càng độc đáo hơn. Không chỉ bảo lưu nguyên vẹn trong các lễ thức nông nghiệp rước nước của ngày mồng 8 tháng 4[15] trong các lễ hội rước về chùa Phật Mẫu mà “văn hóa nước” cũng kiên trì bám rễ trong đời sống tâm linh tinh thần của người dân, nó thách thức với thời gian, ức chế cả văn hóa Nho học mà làm thành thế ứng xử điển hình của người Kinh Bắc: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” vốn dĩ phổ biến trong tâm lý ứng xử, ứng phó với tự nhiên, xã hội của người Việt, nhưng với người Bắc Ninh thì tố chất đó rõ ràng và sâu sắc hơn hết thảy mà tiền nhân nơi đây đã từng thao tác và thể hiện với Phật giáo tứ pháp.
Người Việt Nam thường có câu “cầu Nam, chùa Bắc, Đình Đoài” để khẳng định những giá trị khu biệt về di sản văn hóa vật thể của vùng Kinh Bắc nhưng cũng phản ánh một sự thực về thái độ ứng xử với di sản văn hóa của con người nơi đây: trọng tín ngưỡng dân gian nhưng vẫn song hành cùng Phật Giáo. Phật Thần hòa quyện trong một con người cụ thể Man nương = náng mán = nàng chửa (nhân vật bình thường, nhưng lại trở thành phi thường). Thái độ ứng xử này không chỉ thể hiện ngoạn mục đầy chất thơ trong truyền thuyết về nhà sư Khâu Đà La và nàng Man Nương mà còn thể hiện khả năng thích ứng mềm dẻo, khả năng dung hợp, dung hòa những yếu tố ngoại lai và cao hơn hết là khả năng thẩm thấu, và cấu trúc lại, biến của người thành của mình của người xứ Bắc. Có lẽ ít có địa phương nào mà trong chùa lại có thờ Phật mẫu - nữ thần nông nghiệp và cả di vật Thạch Quang Phật với đầy đủ bản tính, hình hài của một linga !.
Câu ca người Việt có truyền đạt lại “ trai cầu vồng Yên Thế/ gái nội Duệ cầu lim” cũng là để phản ánh cái khí chất mạnh mẽ của người xứ Bắc: đàn ông anh hùng, đàn bà đa đoan. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám cũng là cuộc khởi nghĩa mở màn cho một cuộc đối đầu giữa hai lực lượng không cân sức, nhưng cao hơn nữa là cuộc đối đầu đầu tiên giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, giữa hai hình thái kinh tế - xã hội giữa phương thức sản xuất Châu ásản xuất tư bản. Nó thể hiện cái tư thế, tầm vóc của con người xứ Bắc và trách nhiệm của họ với non sông. Nếu không có một truyền thống anh hùng trên dòng Như Nguyệt mười thế kỷ trước, nếu không có sấm truyền lời của thần chương Hống chương Hát khi xưa, liệu có chăng hùm thiêng Yên Thế từng làm thất điên bát đảo quân Pháp những ngày đầu đặt chân đến Bắc bộ?. Phải thừa nhận rằng văn hóa tín ngưỡng dân gian nơi đây đã phát huy được những công năng đặc biệt của nó trong việc giáo dục con người về lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc và một ý chí bản lĩnh không dễ gì khuất phục.
Với vị trí địa lý đặc biệt nên Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh nay cũng là vùng đất có khả năng hấp thu rất nhiều yếu tố văn hóa, văn minh bên ngoài. Ngay từ thế kỷ II scn, Bắc Ninh với thành Luy Lâu nổi tiếng đã là nơi tụ cư, làm ăn của khá nhiều các thương nhân người Hồ (Ấn độ), và người Trung Quốc. Sử chép dưới thời Sĩ nhiếp tại Bắc Ninh đã xuất hiện khá nhiều khách thương ngoại quốc. Văn hóa Phật giáo, Nho giáo cũng theo đó mà vào Bắc Ninh và cắm rễ tại đất này. Các tư liệu lịch sử cho biết ngay từ những năm đầu công nguyên (khoảng 200 – 207) tại đây đã xây dựng được hơn 20 bảo tháp, độ hơn 500 vi tăng và dịch tới 15 bộ kinh[16]. Có nhà sư nổi tiếng là Khương Tăng Hội từng được Ngô Quốc Thái là mẫu thân của Ngô Tôn Quyền vời sang Kiến nghiệp (Giang Đông – Trung Hoa) giảng đạo. Cũng tại đây văn hóa Nho giáo bắt rễ đầu tiên từ thủ phủ của những viên Thái Thú có tinh thần khai hóa cho dân phương Nam như Tích Quang, Nhâm Diên sau này là Sĩ Nhiếp. Hiện nay tại Bắc Ninh vẫn còn đền thờ Sĩ Vương. Hiện tượng này không chỉ nói lên truyền thống hội nhập, tiếp biến văn hóa lâu đời của vùng Bắc Ninh mà còn phản ánh một đặc tính khác của con người nơi đây đó là tố chất mở, khoáng đạt không câu nệ của người xứ Bắc. Nhờ bản sắc này mà vương triều Lý đã cùng đồng lòng với người phụ nữ có tên Ỷ Lan trong kháng chiến chống Tống và chấp nhận sự dẫn dắt vương triều của bà để rồi người con gái Bắc Ninh đã có cơ hội thể hiện tài kinh bang tế thế của mình mà làm nên triều đại Lý phát triển mạnh mẽ, đặt nền móng cho văn hóa Thăng Long và làm nên thời đại Ỷ Lan. Cũng vì tính mở nên người Bắc Ninh rất dễ dàng tiếp thu cái mới, nhanh nhạy với thời cuộc và đặc biệt là dễ dàng li nông, li hương đi làm ăn kinh tế tại Thăng Long xưa[17] và các cửa khẩu biên giới hôm nay. Nhưng điều đặc biệt là dù li nông, li hương nhưng phong trào gửi tiền về đóng góp xây dựng lại các di tích lịch sử văn hóa tại quê nhà đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ tại nhiều vùng quê của Bắc Ninh. Đây cũng là một điểm mạnh rất đáng trân trọng trong nhân cách của người Bắc Ninh. Phải chăng văn hóa tín ngưỡng nơi đây với những thiết chế có tự ngàn xưa chính là sợi dây neo níu để người xứ Bắc hôm nay dầu vất vả, lăn lộn trong kinh tế thị trường vẫn sẵn lòng trút hầu bao để gửi về đóng góp xây dựng/ gây dựng lại di sản văn hóa tâm linh, bởi một lẽ rất giản đơn mà niềm tin tôn giáo mách bảo với họ rằng làm điều đó là để cho bản thân, con cháu đều được hưởng lợi từ sự phù độ của thần thánh[18].
Đa tài, đa tình, chịu thương chịu khó trong sản xuất, anh hùng trong chiến đấu chống ngoại xâm và đặc biệt thoáng mở, nhạy bén với cái mới nhưng lại rất trân trọng với di sản văn hóa truyền thống là một trong những đặc điểm nhân cách trội của người Bắc Ninh, không phủ nhận có đặc điểm ấy là do chịu ảnh hưởng thường xuyên, liên tục, lâu dài từ một bề dày văn hóa tín ngưỡng. Tuy nhiên, phát triển con người Bắc Ninh nói chung, nhân cách người Bắc Ninh hôm nay vẫn đặt ra khá nhiều vấn đề liên quan tới thái độ ứng xử của con người tới môi trường sống: ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tỷ lệ tệ nạn xã hội ngày càng tăng; hệ thống các cơ sở hạ tầng về an sinh xã hội không đồng bộ. Bên cạnh đó là cách mà nhiều người trẻ tuổi Bắc Ninh đang ứng xử với cuộc sống và thế hệ tương lai cũng đặt ra vấn đề rất đáng quan ngại khi mà vì chạy theo mục đích kinh tế, nhiều cặp cha mẹ trẻ đã để con lại cho ông bà ở quê nuôi dạy để đi làm ăn xa. Điều này khiến cho những chủ nhân tương lai của Bắc Ninh chắc chắn sẽ có những thiếu hụt, thậm chí khiếm khuyết về nhân cách trong khi chúng sẽ là công dân của tương lai nhưng cha mẹ chúng với vai trò là cầu nối với cuộc sống hiện đại lại không thường xuyên ở bên cạnh, bản thân chúng lại đang được nuôi dạy bằng kinh nghiệm của những thế hệ đã 60 thậm chí 70 tuổi. Ở tuổi này gần như mọi nhận thức đã đóng, họ khó có thể thâu nhập, xử lý thông tin, kỹ năng của cuộc sống hiện đại đang ngày càng phức tạp. Thiết nghĩ đó cũng là vấn đề cần phải đặt ra trong chiến lược phát triển con người của Bắc Ninh.
 
Tài liệu tham khảo:
< >Jean Chevalier Alain Gheerbrant (1997) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn DuĐinh gia Khánh (1990) Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở VN, Nxb văn hóa.Phạm Minh Hạc (cb 2002), Nghiên cứu con người những hướng chủ yếu, Nxb KHXH.Phạm Minh Hạc (cb 2007), Nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI- R cải biên. Nxb KHXHNguyễn Ngọc Mai (2015), Tư liệu điền dã Bắc NinhTố Nguyên – Trịnh Nguyễn (1981),Kinh Bắc – Hà Bắc, Nxb  văn hóa.Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCMTrần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb VHDT.ViệnTriết học (1998), Lịch sử phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH

[1]Hán Việt từ điển, xuất bản năm 1950 đã giải thích
[2]Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, xuất bản năm 1967
[3] Ban giáo sư triết (1974) Tâm Lý Học, Nxb Trường Thi, tr 224
[4] Xem thêm Phạm Minh Hạc (cb2007), nghiên cứu giá trị nhân cách theo phương pháp NEO PI- R, tr 93 – 95.
[5]  Xem Phạm Minh Hạc, sdd, tr 102.
[6] Phạm Minh Hạc, sdd, tr 104.
[7] Trần Quốc Vượng
[8] Hậu Hán thư
[9] Người làng Nội duệ (bắc ninh) cho biết tục lệ con gái sau khi lấy chồng lại trở về sống ở bên nhà mẹ đẻ một thời gian là có từ thời Hùng vương. Theo Lê Thị Nhâm Tuyết ( 1975) Phụ nữ Việt Nam qua các đời, Nxb  KHXH, tr 61.
[10] Múa tế thánh, thần tại đình của các đội tế nữ khá đặc biệt so với các địa phương khác
[11] Nguyễn Ngọc Mai, Tư liệu phong vấn sâu thủ nhang Đình Diềm ( 2015)
[12] Libido ở đây chúng tôi sử dụng theo nghĩa rộng của S. Freud là cả tham vọng, bản ngã…chứ không chỉ nguyên nghĩa dục tính
[13] Hai vị thần này có gốc gác là 2 con rắn cộc và rắn dài là hai con vật biểu tượng cho nước, thế giới nước.
[14] Jean chevalier (1990) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb ….tr 710.
[15] Mặc dù khoác vỏ ngoài là lễ Phật Mẫu, nhưng thực tế chuỗi lễ hội rước nước trải dài từ các khu vực lân cận chùaDâu như:  Đậu , Phi tướng, Giàn  của huyện Thuận Thành cho tới mãi tận huyện Lương Tài là huyện cuối của Bắc Ninh với lễ hội Cậu dừa (thôn Thanh Gia, xã Quảng Phú cũng  đổ về chùa Dâu ngày 8/ 4 chính là một lễ nghi nông nghiệp: rước nước, cầu mưa.
[16] Viện triết học (1988) Lịch sử phật giáo VN, Nxb KHXH, tr 31
[17] Rất nhiều phố phường của Thăng Long xưa là dân gốc xứ Kinh Bắc: Hàng Da, hàng Đào, Lãn ông, thuốc Bắc…
[18] Cuộc điều tra điền dã của tôi tại Bắc Ninh năm 2015 cho thấy khi quyên góp xây dựng đình, chùa thì nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân rất cao. Ngay cả những gia đình nghèo nhất trong làng vẫn đóng góp từ 1- 2 triệu, có gia đình khá đóng góp hàng trăm triệu. Đặc biệt những cá nhân đang đi làm ăn xa gửi tiền về đóng góp rất lớn. Khi hỏi về lý do tại sao lại nhiệt tình như vậy người dân đều trả lời họ đóng góp vào việc tâm linh thì họ tin là bản thân và cháu con mình đều sẽ được độ trì phù hộ. Còn việc đóng góp để xây dựng trường, trạm thì người dân cho biết đó là việc của nhà nước.!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tuyên Phi Đặng Thị Huệ - người đẹp chịu nhiều hàm oan

Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ Đặng Thị Huệ sinh năm nào, chỉ biết người đẹp Kinh Bắc mất năm 1783. Đặng Thị Huệ xuất thân là cô gái con nhà nho ở làng Phù Đổng tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Gia lâm ngoại thành Hà Nội). Mặc dù trong chính sử phê phán về nàng rất khe khắt, nhưng nhân dân quê...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay866
  • Tháng hiện tại30,279
  • Tổng lượt truy cập6,601,124
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây