Trang web cá nhân của TS Nguyễn Ngọc Mai - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

https://khaitue.edu.vn


nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo ở Nam định

là một địa bàn với trữ lượng các cơ sở TNTG dày đặc nhưng Nam Định chưa bao giờ chú ý đến khía cạnh tận dụng nguồn lực TNTG để phát triển KT-XH. Bài viết dưới đây dựa trên cuộc khảo sát kéo dài 2 tháng của nhóm nghiên cứu về TNTG ở Nam định và tập trung vào các nội dung nguồn lực TNTG là gì, hiểu như thế nào về giá trị của TNTG với tư cách là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kt- xh. đồng thời cũng chỉ ra vai trò của quản lý nhà nước trong việc phát huy nguồn lực TNTG.
nhà thờ giáo xứ An Đạo   Hải An   Hải Hậu
Có thể nói, nhận thức về TNTG là một quá trình không phải lúc nào cũng theo chiều hướng tích cực và suôn sẻ. Từ chỗ TNTG bị đánh đồng với mê tín dị đoan, là một hình thái ý thức xã hội, đến khi được xem như là một thực thể xã hội. Ở Việt Nam, đây là một quá trình tích cực của nhận thức luận về TNTG và được xem như một nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây.
Nguồn lực TNTG chính thức được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” không phải là một phát hiện mới về công năng xã hội của tôn giáo, mà đó chỉ là tái khẳng định, tôn giáo là một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. 
Giới nghiên cứu tôn giáo đã và đang tích cực xây dựng hệ lý luận về thực thể tôn giáo, các đóng góp của tôn giáo cho xã hội, thể hiện ở  hội thảo quốc tế : “nguồn lực tôn giáo, kinh nghiệm quốc tế cho việt nam” của trung tâm nghiên cứu tôn giáo trường đại học KHXHNV tháng 12/ 2021; Các xuất bản trên tạp chí của Viện nghiên cứu tôn giáo; các chuyên đề, bài viết của các tác giả tại đây đã  cho thấy nguồn lực TNTG là một hiện hữu xã hội và cần được nhìn nhận nó trên thực tế và các quyết sách chiến lược phát triển kt-xh.  Tuy nhiên, tinh thần này đã được triển khai trên phương diện quyết sách chiến lược của mỗi địa phương hay chưa là vấn đề cần phải đặt ra, trong đó Nam Định là một địa phương có nguồn lực TNTG rất lớn nhưng cách thức khai thác nguồn lực này còn đang rất hạn chế.
Bài viết này là một nghiên cứu tiếp nối các nghiên cứu trước của tác giả về nguồn lực TNTG mà đã từng tham gia hội thảo quốc tế về “nguồn lực tôn giáo, kinh nghiệm quốc tế cho việt nam” năm 2021 nhưng chủ yếu tập trung vào đánh giá nguồn lực TNTG trên địa bàn tỉnh Nam Định. Các nhận định, số liệu, tư liệu hoàn toàn dựa trên các tư liệu kháo sát tại  tỉnh Nam Định năm 2022 và thu thập từ 520 phiếu hỏi trên toàn địa bàn, kết hợp với các nghiên cứu tư liệu từ các ban ngành địa phương cung cấp và những các quan sát thực tế tại Nam định.  
11. Nhận thức về nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo
Theo từ điển Hán Việt Từ Nguyên, “nguồn” được hiểu là dòng chảy; lực là sức mạnh. Nguồn có hai nghĩa: (i) Là nơi bắt đầu của sông, suối; (ii) Nơi phát sinh, tạo ra hoặc cung cấp cái gì. Như vậy nguồn lực được hiểu là điểm phát sinh/ điểm bắt đầu của dòng/luồng sức mạnh. Nếu theo nghĩa này thì có thể hiểu nguồn lực tôn giáo là lấy tôn giáo làm điểm bắt đầu/điểm phát sinh để tạo ra sức mạnh trong phát triển kinh tế xã hội. Tất nhiên, tôn giáo ở đây không nên hiểu đơn thuần chỉ là những di sản tôn giáo, năng lực và khả năng huy động nguồn lực xã hội của các tổ chức tôn giáo, mà còn là các hệ giá trị của các tôn giáo nữa. Như vậy, khi chúng ta lấy TNTG làm điểm tựa và sức mạnh nội sinh cho/trong phát triển kinh tế-xã hội, thì điều đó có nghĩa là không chỉ có khai thác các di sản TNTG/tài nguyên TNTG hay các năng lực huy động xã hội của các tổ chức TNTG để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, mà còn phải biết đưa các giá trị, hệ giá trị chuẩn của TNTG vào trong các quan hệ kinh tế, xã hội.
Xuất phát từ quan điểm này, nguồn lực TNTG ở Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng có thể khai thác trên các phương diện sau:
  • Khai thác các di sản TNTG làm sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, thông qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và quảng bá các di sản văn hóa TNTG
  • Phát huy năng lực huy động nguồn lực xã hội của các tổ chức TNTG phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội
  • Khai thác và đưa các giá trị, hệ giá trị, chuẩn mực TNTG vào trong hành xử xã hội và các quan hệ kinh tế, xã hội.
2. Nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo ở Nam Định
          2.1. Nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở các di sản văn hóa vật thể/phi vật thể Có thể nói, số lượng các di sản TNTG ở Nam Định là vô cùng to lớn với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào trong cả nước có được.
Về cơ sở tín ngưỡng, hiện nay, Nam Định có 2.699 cơ sở gồm đình, đền, miếu, phủ, điện thờ, từ đường dòng họ, nhà lưu niệm..., phân bố trên địa bàn 10 huyện, thành phố, trong số đó 1.348 di tích nằm trong danh mục kiểm kê di tích được UBND tỉnh Quyết định phê duyệt, với 408 cơ sở được xếp hạng di tích (trong đó khu di tích lịch sử đền Trần - chùa Tháp được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; 87 di tích cấp quốc gia, trong đó cụm di tích Phủ Dầy và lăng Mẫu Liễu là di tích nghệ thuật quốc gia đang chuẩn bị đưa vào danh mục di tích cấp quốc gia đặc biệt và 319 di tích cấp tỉnh), 940 cơ sở chưa xếp hạng. Đây là một kho tàng lớn các di sản văn hóa vật thể có thể trở thành những điểm đến cho ngành du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Về tôn giáo, Nam Định hội tụ đủ cả ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với bốn tổ chức: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công Giáo Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam (tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo), với 1.507 cơ sở thờ tự hợp pháp

[i]. Chỉ tính riêng số lượng các cơ sở Phật giáo tại Nam Định hiện nay là 838, trong đó chùa Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện là những công trình kiến trúc Phật giáo đặc biệt có giá trị lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Di sản Công giáo ở Nam Định bao trọn vẹn địa bàn giáo phận Bùi Chu và một phần giáo phận Hà Nội với 141 xứ - nhà thờ xứ (giáo phận Bùi Chu 119 xứ, giáo phận Hà Nội 22 xứ), 521 nhà thờ họ, 513 nhà nguyện, toà giám mục Bùi Chu và đại chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu. Nhiều nhà thờ có giá trị lịch sử và kiến trúc như nhà thờ đá Phát Diệm, nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Sa Châu, đền Thánh Thức Hóa, vương cung thánh đường Phú Nhai, đền Thánh giáo xứ Tùng Nhì, đền thánh giáo xứ Hòa Định… Gần đây nhất là nhà thờ giáo xứ Tân Bồi làm hoàn toàn bằng gỗ theo kết cấu kiến trúc phương Đông cổ truyền mới được khánh thành tháng 12/ 2022 kết hợp giữa cách thức kiến trúc gỗ Á Đông (chồng rường giá chiêng, kẻ bẩy….) và kiến trúc Gôtích phương Tây ở mặt tiền. Tất cả những cơ sở này đều có niên đại lịch sử hàng trăm năm với lối kiến trúc độc đáo và nội thất mang đậm sắc thái văn hóa thẩm mĩ Công giáo. Những công trình tôn giáo này đem lại những lợi thế lớn cho tỉnh Nam Định và hoàn toàn có thể trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, gần như chưa được khai thác trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
2.2. Nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở năng lực huy động đóng góp xã hội
Điều nhận thấy đầu tiên là các TNTG ở Việt Nam đều thực thi hai sứ mệnh quan trọng nhất đó là trở thành chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nhân dântrợ giúp các cá nhân, cộng đồng xã hội yếu thế thông qua các hoạt động thiện nguyện, y tế miễn phí, giáo dục nhân đạo. Trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ngoài các phong trào chung, người dân theo các tôn giáo còn hưởng ứng, triển khai nhiều phong trào khác như: “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”, “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Xây dựng chùa tinh tiến”... Trong 10 năm gần đây, có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt “Xứ, họ tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình đạt “Gia đình Công giáo gương mẫu”; 571 chùa đạt “Chùa tinh tiến”. Các cơ sở tôn giáo tiêu biểu là: Chùa Phúc Trọng, chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định); chùa Hoành Nha Chính (Giao Thủy); chùa Linh Ứng (Hải Hậu); giáo xứ Thủy Nhai, giáo xứ Xuân Dục (Xuân Trường). Đặc biệt, trong phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” tham gia xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân đã tự nguyện hiến 32.361m2 đất thổ cư, ủng hộ hơn 400 tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương [Xuân Thu, 2022].
Chức sắc các tôn giáo luôn đi đầu giúp đỡ xây nhà, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay cùng chính quyền làm đường, xây dựng trường học, nhà văn hóa... Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, các chức sắc tôn giáo đã quyên góp được trên 30 tỉ đồng, xây mới 376 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương. Các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ trên 4,5 tỉ đồng vào các quỹ từ thiện, tặng gần 1.000 sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sĩ, người nghèo cô đơn. Tòa Giám mục Bùi Chu đã tổ chức mổ thủy tinh thể miễn phí cho 1.100 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để 28 cơ sở tôn giáo trực thuộc nuôi dưỡng, chăm sóc trên 300 người già cô đơn. Đặc biệt, Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (Xuân Trường) là nơi chăm sóc trên 100 người có hoàn cảnh đặc biệt, dị tật bẩm sinh. Trong đợt cao điểm của công tác phòng chống dịch ở Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh kêu gọi đóng góp hơn 1 tỉ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Bác ái - xã hội thuộc Giáo phận Bùi Chu đã đến thăm, tặng quà cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn cùng số người tiếp xúc gần các ca bệnh Covid-19 (F1) đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) và tại Trung đoàn 180 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh số tiền hàng chục triệu đồng. Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh...
Năm 2021 trong lúc cả miền nam đang gồng mình chống dịch, mười chư tăng của tỉnh Nam Định đã xung phong mang quà, thiết bị y tế tham gia hỗ trợ, phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 13, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Việc chấp nhận vào chốn nguy hiểm để trợ giúp người bệnh và các y bác sĩ của chư tăng Nam Định và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước vào thời gian này cho thấy lực lượng tu sĩ Nam Định không chỉ tiếp nối truyền thống tiền nhân[ii] mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm với đồng loại và thực hiện sứ mệnh trụ đỡ tinh thần, hộ pháp cứu nhân cho xã hội.
Thông tin từ phía các thủ nhang của hai phủ thờ Mẫu lớn ở Phủ Dầy là Tiên Hương và Vân Cát, ngoài các khoản đóng góp cho ngân sách địa phương, các phủ còn tham gia đóng góp và hỗ trợ các công trình phúc lợi công cộng như làm đường, xây dựng trường học tại địa phương. Phủ Tiên Hương đóng góp kinh phí đường giao thông nông thôn tại địa phương là 165 triệu năm 2021, 100 triệu năm 2023; làm nhà văn hóa 80 triệu và 50 khối bê tông. Phủ Vân Cát tham gia làm hai nhà văn hóa, làm đường và cầu năm 2012; 100 triệu làm đường giao thông nông thôn năm 2023[iii]. Đây là những khoản đóng góp không nhỏ của các cơ sở tín ngưỡng cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phục vụ an sinh xã hội tại địa phương. Đó là chưa kể các khoản đóng góp cho các hoạt động khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là các khoản đóng góp cho ngân sách địa phương hằng năm..
Tương tự như vậy các cơ sở tín ngưỡng tại quần thể di tích đền Trần với các cụm đền Bảo Lộc, Thiên Trường, Cố Trạch hằng năm cũng đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương và ngân sách thành phố.Có thể nói, với cương vị là các thủ lĩnh tinh thần, các chức sắc TNTG có lợi thế hơn rất nhiều so với chính quyền khi đứng ra kêu gọi hoặc huy động nguồn lực xã hội. Với đặc trưng tâm lý của người dân cúng dường là để tạo phúc cho bản thân và con cháu mai sau, nên khi các vị chức sắc TNTG đứng ra kêu gọi thì khả năng huy động được các nguồn lực trong tín đồ là rất cao. Đây là một thực tế mà ai cũng phải công nhận bởi: 1) cúng dường, hay công đức là đi kèm niềm tin tôn giáo, người dân tin rằng việc làm của họ sẽ để lại phúc ấm cho con cháu mai sau; 2) các công trình làm phúc lợi này thường công khai, minh bạch về tài chính. Thực tế quan sát hạ tầng đường xá, cầu cống, nhà văn hóa… ở các giáo xứ Công giáo ở Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường hoặc khu vực Đền Trần, Phủ Dầy, ta có thể thấy rất rõ những thành công trong việc các cá nhân, tổ chức TNTG đứng ra huy động đóng góp xã hội vào các công trình phúc lợi công cộng.
          2.3. Nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở là các hệ giá trị tín ngưỡng tôn giáo
Giá trị tôn giáo vừa là giá trị tự thân, vừa là giá trị phổ quát; do đó tôn giáo vừa tạo ra, vừa hấp thụ và phát triển hệ giá trị chung của xã hội, trong đó đặc biệt là các giá trị: chân lý, luân lý và đạo đức, thẩm mỹ, tư tưởng. Ở Việt Nam, tôn giáo có vai trò quan trọng đối với xã hội ở các phương diện đạo đức, thẩm mĩ, triết lý và chính trị. Tôn giáo mang giá trị nhân văn sâu sắc và có những tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển xã hội bởi có khả năng tạo ra sự ổn định và liên kết xã hội, đứng đầu trong việc xây dựng lòng khoan dung, nhân ái. Xem xét các hệ giá trị của TNTG với tư cách là nguồn lực tức là nhìn nhận khả năng tác động của các giá trị đó đến việc hình thành nhân cách con người và điều tiết các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế.
Trong các tôn giáo, giá trị chân lý thể hiện ở việc “khẳng định trong giáo lý nắm giữ sự thật, giải thích được sự thật và có thể trông cậy vào sự thật để định hướng niềm tin của con người như một lý tưởng sống tuyệt đối và hoàn mĩ”. Giá trị chân lý vừa giúp cho tôn giáo có những quyền lực nhất định (quyền lực nắm giữ sự thật), vừa là cốt lõi tạo niềm tin, tình cảm, nhận thức và điều khiển hành vi của tín đồ. Chân lý trong các tôn giáo khác nhau được biểu hiện thành các định đề khác nhau, nhưng về cơ bản đều mang tính triết học và dung chứa những nội dung phản ánh quy luật đời người, mối quan hệ giữa con người và vạn vật. Trong Phật giáo, chân lý được thể hiện ở nguyên lý vô thường: mọi sự vật đều hữu hạn, không thường hằng, mau qua chóng hết. Điều này được phản ánh trong vũ trụ luận của Phật giáo. Sự vật đã vô thường thì không có vật này vật kia, nghĩa là không có cá tính tồn tại, chỉ là những danh sắc trôi chảy, những trạng thái biến hiện. “Nội giới tâm lý con người ta cũng vậy. Từ thân thể đến ý thức đều là những trào lưu biến hiện, chợt yêu, chợt ghét, chợt vui, chợt buồn không có cái ngã tồn tại, tất cả chỉ là một tràng những tia sáng nối tiếp nhau” [Nguyễn Đăng Thục, 1997: 213]. Cá nhân mỗi người cũng sinh ra rồi chết đi, và khắp nơi đời sống phù du này thay đổi ngày này qua ngày khác, lúc này qua lúc khác. Không có gì tồn tại tự nó vĩnh viễn[iv]. Như thế, nguyên lý này xác lập một cái nhìn về sự biến đổi tất yếu của vũ trụ và con người. Do đó, con người cần biết được mình chỉ là một hợp phần của vũ trụ, một bộ phận của cộng đồng xã hội. Con người sẽ không thể tồn tại nếu chỉ coi mình là duy nhất, là không có gì có thể thay thế. Con người phải tạo ra được một sự đồng điệu, một môi trường sống yên ổn và tuân theo các chuẩn mực đã được các thành viên của cộng đồng chấp nhận. Từ điểm này mà cộng sinh đã trở thành triết lý sống của người Phật tử. Cộng sinh một cách hài hòa có nghĩa là con người hòa đồng với muôn vật, muôn loài theo tự nhiên. Vì vậy, hạnh phúc tương lai của con người không tách rời được tự nhiên. Quan điểm này nếu được quán chiếu trong các hành xử xã hội sẽ điều tiết các hành động cực đoan của con người, nhóm người khi tiến hành các động thái có ảnh hưởng đến tự nhiên, cộng đồng xã hội.
          Luân lý, đạo đức mà các tôn giáo xiển dương chính là các nguyên tắc đạo đức và lối sống cho cá nhân và cộng đồng theo một khuôn/hình mẫu lý tưởng mà tôn giáo đó xây dựng. Nhìn vào cách hành xử của tín đồ, có thể thấy rõ giá trị luân lý đã chi phối mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm, cộng đồng như thế nào. Trong Phật giáo, con người với con người phải sống bằng ý niệm tri ân, báo ân vì đó là một nếp sống đẹp, có trước có sau, có ân nghĩa. Nguyên tắc này có thể tìm trong tư tưởng “Lục hòa”: Thân hòa đồng trụ (Hòa đồng trên nguyên tắc hành động), Khẩu hòa vô tránh (Hòa đồng trên nguyên tắc ngôn luận), Ý hòa đồng duyệt (Hòa đồng trên nguyên tắc ý chí), Giới hòa đồng tu (Hòa đồng trên nguyên tắc kỷ luật), Kiến hòa đồng giải (Hòa đồng trên nguyên tắc nhận thức), Lợi hòa đồng huân (Hòa đồng trên nguyên tắc quyền lợi)..
 Như vậy, tư duy Lục hòa của Phật giáo cũng chính là khẩu hiệu để điều tiết các quan hệ xã hội nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội dựa trên các nguyên tắc sống cùng tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, tôn trọng nhau trong giao tế xã hội, quyền lợi phân chia hài hòa. Để làm được điều đó, ý chí, tâm địa mọi người cần được buông xả thì tâm hồng mới thư thái, vui vẻ, ý nghĩ mới trong sáng, thanh tịnh; như vậy mới giữ được hòa khí. Cuối cùng là tri thức, nhận thức cũng cần được bày tỏ, chia sẻ để tạo ra nhận thức chung của cộng đồng. Thiết nghĩ những nguyên tắc này cũng là nền tảng quan trọng của một xã hội văn minh.
Trong Công giáo, giá trị đạo đức lại được thể hiện ở tinh thần yêu thương. Yêu thương là khởi nguồn của các hệ giá trị khác như bác ái, chia sẻ, tình anh em, huynh đệ... Nếu không có yêu thương thì con người không thể có những hành động tốt đẹp với những người khác. “Thiên Chúa tạo dựng con người vì yêu thương con người. Thiên Chúa dựng nên con người cho Thiên Chúa”[A1] . Đây là nền tảng của phẩm giá con người. Điều này không những đòi hỏi phải tôn trọng mạng sống con người, mà còn phải tôn trọng phẩm giá con người.Nếu hiểu đúng và làm đúng phương châm này của luân lý đạo đức Công giáo cũng chính là tạo ra một xã hội nhân văn và tốt đẹp. Ở đó mọi người đều bình đẳng nhau về cơ hội sống và phát triển. Khi nhân phẩm của mọi người đều được tôn trọng thì ắt hẳn không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, yêu thương là giá trị phổ quát nhất của luân lý Công giáo là: Mến Chúa - Yêu người. Muốn mến Chúa thì trước tiên phải biết yêu thương con người, yêu thương đồng loại. Và yêu người là tiền đề cơ bản để yêu Chúa. Để yêu thương con người chỉ cần thực hiện bảy điều răn là tổng hợp tất cả những triết lý sống cơ bản nhất của con người trong tương quan với gia đình, cộng đồng và xã hội. 
Luân lý trong các tín ngưỡng ở Việt Nam lại thể hiện ở chiều kích ứng xử người – thần và tôn trọng tính nữ. Thần ở Việt Nam chủ yếu là những nhân vật có công lao với nhân dân, đất nước trên các lĩnh vực: đánh giặc, dạy nghề, lập làng mở đất, dạy ca múa, vui chơi…Việc thờ phụng tế lễ trao truyền qua các thế hệ người Việt từ xưa cho đến nay thực tế cũng chính là sự giáo dục con người về cách thức và sự tuân thủ trong các chiều kích ứng xử: với người có ơn nghĩa là biết ơn trọng thị; với thiên nhiên là hài hòa kính nhường, với phụ nữ là ghi công tôn trọng. Đó là thế ứng xử mang tính vĩ mô làm thành phương châm chung: kính – thờ. Cách quy định thế ứng xử này thể hiện bằng việc thờ phụng hương khói và tế lễ hằng năm. Việc làm này nhằm mục đích tạo ra thói quen duy trì qua các thế hệ, thông qua đó giáo dục con người biết hướng tới những điều lớn lao hơn, biết sống và hành động vì những mục đích cao cả. Tư duy uống nước nhớ nguồn vì thế đã trở thành lẽ sống, thước đo đạo lý làm người, ở đời của dân tộc Việt Nam. Nói một cách khác, đó là cách định hướng con người hiện tại phải biết trân trọng quá khứ.
Thẩm mĩ cũng là một giá trị phổ quát của các TNTG biểu đạt qua những phương cách biểu đạt cái đẹp, cái vĩnh cửu và cái thiện theo giáo lý của các tôn giáo. Ở khía cạnh này, giá trị thẩm mĩ của tôn giáo được biểu đạt ở hai khía cạnh: cảm xúc tôn giáodi sản tôn giáo trong/qua toàn bộ các “di sản - tài liệu” hữu hình (vật thể) và vô hình (phi vật thể). Từ kinh kệ, sách giáo lý, kiến trúc, nghệ thuật, cho đến các nghi thức, quy tắc, ký hiệu, biểu tượng và hình tượng diễn tả…, những công cụ này nhằm biểu đạt các giáo lý cơ bản của tôn giáo bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Vì vậy, chúng gợi ra ở người thưởng thức, tín đồ các xúc cảm riêng, mãnh liệt và niềm tin vô bờ vào cái thiêng mà họ tôn thờ. Nhờ đó mà tôn giáo nào cũng được thừa nhận như một hình ảnh của sự toàn thiện trong con mắt tín đồ. Điều này làm nên giá trị thẩm mĩ của tôn giáo.
Hầu hết các tác phẩm hội họa nổi tiếng của giáo hội Công giáo đều lấy chủ đề từ Kinh Thánh. Nhu cầu về cái đẹp xuất hiện trong thờ phượng Thiên Chúa và tôn kính các thánh xuất hiện rõ nhất qua lĩnh vực ảnh tượng. “Sáng Thế kýí” của Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy chính Thiên Chúa là một “nghệ sĩ” sáng tạo ra vẻ đẹp của vũ trụ muôn loài và chính điều này đã thành chủ để để các nghệ sĩ hậu thế dùng trí tuệ tài năng của mình tạo ra các tác phẩm đẹp[v]. Có thể nói, các giá trị nghệ thuật của Công giáo qua các phương diện kiến trúc, điêu khắc và hội họa đều là những kiệt tác bất hủ, đa phần lấy cảm hứng từ các câu chuyện trong Kinh Thánh Công giáo. Các công trình nghệ thuật của các điêu khắc gia vĩ đại như Raphael, Michel Angelo hoặc Léonardo da Vinci với những kiệt tác lừng danh thế giới về chủ đề Thiên chúa sáng tạo hay các thánh tích mà ở đó sự thăng hoa của nghệ thuật hình thành trên nền tảng mối quan hệ thẩm mĩ qua các diễn tả bởi nghi thức thờ phụng và các hình thức biểu đạt niềm tin tôn giáo.
Giá trị thẩm mĩ của tôn giáo còn thể hiện ở hệ thống các di sản tôn giáo đã vượt thời gian để lại cho hậu thế thông qua nhiều phương tiện biểu đạt. Đó là các công trình kiến trúc, nghệ thuật… Ở phương diện này, tất cả các tôn giáo khác nhau đều hiện diện một khối lượng di sản đồ sộ mang nhiều sắc thái văn hóa vùng miền. Chỉ riêng ở Việt Nam, sự hiện diện của nhà thờ đá Phát Diệm, tranh, tượng về Đức Mẹ Mân côi được Việt hóa và hàng loạt các ảnh tưởng khác về chúa chịu nạn, thánh tích đã làm nên một dòng văn hóa mĩ thuật Công giáo tuyệt đẹp. Các di sản đó không chỉ gợi lên cảm xúc về cái đẹp, mà còn thức dậy trong mỗi con người ý niệm về sự trong sáng, thiện lành và tình yêu thương nhân loại.
Khác với di sản Công giáo, những ngôi chùa, đình làng của người Việt nằm ẩn sâu dưới những tán cây cổ thụ lâu năm với vẻ đẹp trầm mặc vượt thời gian, để lại cho hậu thế biết bao điều về nhân sinh và chuẩn mực của cái đẹp Á đông. Đó là nghệ thuật tạo mộc chồng rường giá chiêng trong công trình kiến trúc; nghệ thuật tạo tác tượng thờ và các điêu khắc đầu cột, vì kèo mang đầy hơi thở của cuộc sống hiện sinh. Quan trọng hơn, các cơ sở tôn giáo ấy lại là nơi thể hiện hết thảy tài năng, tư duy và mơ ước của con người. Những di sản kiến trúc ấy đến nay vẫn khẳng định giá trị vững bền thách thức với thời gian và là những công trình kiến trúc, nghệ thuật vô giá. Những bức mê, cốn, chạm lộng, kênh bong trên các cột, kèo, vì… của Chùa Kim Liên, đình Tây Đằng, Kim Liên, Chu Quyến, So (Hà Nội); Thổ Hà, Phù Lão (Bắc Giang)… là những kiệt tác như thế. Như vậy, đình không chỉ là cơ sở tôn giáo đơn thuần mà còn là nơi thăng hoa của nghệ thuật, của cái đẹp, của những ước mơ và tư duy tự do bay bổng, kết hợp với nền minh triết dân gian làm nên những giá trị trường tồn. Với chức năng đa dạng ấy, chùa, đình làng không chỉ là biểu tượng tâm linh mà còn là biểu tượng của tâm tư, nguyện vọng và tình cảm, trí tuệ được thăng hoa. Chùa, đình với người Việt Nam không chỉ là chốn thâm nghiêm tôn giáo, mà còn là biểu tượng của chân - thiện - mĩ, biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn và tính cách Việt.
Cái đẹp của TNTG có sự đóng góp như thế nào trong phát triển Kinh tế-xã hội? Cái đẹp của nghệ thuật kiến trúc hay hội họa tôn giáo không chỉ tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy nghành công nghiệp không khói cho các địa phương đang nắm giữ di sản, mà ở khía cạnh nhân văn, cái đẹp sẽ chế ngự cái ác và tạo ra xúc cảm thiện lành cho mỗi người khi thụ cảm về nó. Vì thế, cái đẹp trong nghệ thuật tôn giáo còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Cái đẹp không chỉ khiến cho tâm hồn con người bớt thô nhám, cằn cỗi mà còn thức dậy sự đam mê và năng lực sáng tạo. Tóm lại, cái đẹp của TNTG là động lực khiến các cá nhân mong muốn hoàn thiện mình hơn và kích thích con người sáng tạo.
Tính thẩm mĩ của tôn giáo còn thể hiện ở việc xây dựng, dàn dựng sáng tạo ra thế giới đa thần như một mẫu mực cho cuộc đời này hướng tới
Với những hình ảnh cụ thể và các thánh tích đi kèm, có thể thấy hầu hết các đấng thiêng liêng trong mọi tôn giáo đều là sự kết tinh của những gì tốt đẹp nhất. Họ là bậc giác ngộ (Phật), đấng sáng tạo (Chúa), là tiên tri, là thánh linh, vừa sáng tạo ra vũ trụ, vừa dẫn dắt con người khỏi những mê lầm của bản năng và sự vô minh để đi đến bờ của sự giác ngộ. Thậm chí tập thể thần thiêng ở Việt Nam còn là những mô típ vừa hiểu thấu con người, vừa làm thay con người, thậm chí sống thay con người khi mà thực tại khiến con người bé nhỏ không thể nào thay đổi. Từ khía cạnh này, thần thoại/ngọc phả về các thần, thánh ở Việt Nam xét về khía cạnh thẩm mĩ giống như những thiên anh hùng ca trên mọi lĩnh vực, từ làm ăn đến đánh giặc, từ sáng tạo vũ trụ đến vui chơi. Hình tượng Nữ Oa đội đá vá trời, nàng Ải Lậc Cậc của người Tày sáng tạo ra thế giới, truyền thuyết dựng núi cao làm tường thành để ngăn lụt lội của Sơn Tinh, hóa phép một đêm thành phố xá bán buôn tấp nập và dạy dân lam lũ làm thương mại của Chử Đồng Tử, kỳ vĩ hơn là chặt cây sinh mệnh để làm thang đi lấy Nữ thần Mặt trời của chàng Đam San (Tây Nguyên), dùng tre đằng ngà đập tan quân xâm lược của Thánh Gióng, hay ngao du thiên hạ sống cuộc đời tự do tự tại và khuyến thiện trừng ác của bà Chúa Liễu, bày đặt trò chọn nam nữ hát đối đáp để giao duyên ân tình của Vua Bà đất Kinh Bắc… Tất cả những biểu tượng thiêng đó chính là kết tinh của mơ ước chế ngự thiên nhiên, tinh thần ham sống và khát vọng sống tự do. Quan trọng hơn cả là những hình mẫu TNTG có tác dụng dẫn dắt con người phấn đấu, cống hiến và trau rồi nhân cách để trở nên hoàn thiện hơn.
Một doanh nhân thường xuyên đi nhà thờ sẽ ý thức được việc mình làm phải đảm bảo không phạm lời răn Thiên chúa, một chính khách khi chắp tay trước Đức Phật sẽ hiểu nhân quả chi phối mọi kiếp người.
Một số dẫn chứng cụ thể cho thấy, tôn giáo trong vai trò nguồn lực đã có những đóng góp không nhỏ cho xã hội. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng vẫn còn khá nhiều rào cản trong việc huy động nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hôi, trong đó vai trò của nhà nước là không nhỏ.
2. Vai trò của quản lý nhà nước trong huy động nguồn lực tín ngưỡng tôn giáo
Trong bất cứ một thể chế xã hội nào, vai trò điều tiết và vận hành xã hội thuộc về bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Bộ máy này nếu được hoàn thiện trên các mặt, quan điểm tư tưởng, thể chế, hành lang pháp lý và năng lực của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan liên quan… sẽ là những tiền đề và điều kiện cần và đủ cho mọi hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực TNTG nói riêng.
Trong nhiều diễn đàn gần đây, đặc biệt tại hội thảo khoa học tổ chức tháng 7/2023 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, có thể thấy TNTG là một nguồn lực lớn chưa được phát huy tối đa các tiềm năng. Thực tế cũng cho thấy, còn khá nhiều rảo cản để có thể huy động được nguồn lực này trong phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, để huy động được nguồn lực TNTG, trước hết nhà nước và các cấp chính quyền phải quán triệt quan điểm:
  •  Coi tôn giáo là một thực thể xã hội, các tổ chức tôn giáo là bộ máy kiến tạo, điều hành thực thể đó. Ngược lại, nhà nước dân sự phải thực sự là một thể chế xã hội trung tính;
  •  Tạo điều kiện để người dân được thực hiện quyền tự do tôn giáo trên cơ sở không vi phạm pháp luật
  •  Thể chế hóa pháp luật và có cơ chế hướng dẫn để các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế và giáo dục. Bởi “nếu không cụ thể hóa chính sách pháp luật thì việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội chỉ là khẩu hiệu”[vi]. Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm “bình thường hóa việc tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực dân sự: làm kinh tế, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo”[vii]. Trên cơ sở đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do các tổ chức tôn giáo thành lập hoàn toàn có thể tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội và bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.
  •  Nhà nước và chính quyền các địa phương cần có cơ chế giám sát, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo nước ngoài có thể kết hợp với các tổ chức tôn giáo trong nước tham gia vào các chương trình nhân đạo của địa phương. Đây là một nguồn lực không nhỏ bổ trợ cho các chương trình an ninh kinh tế, an sinh xã hội của địa phương.
Do các tổ chức tôn giáo không bị giới hạn bởi các ranh giới quốc gia, đặc thù của đức tin là vượt qua ranh giới địa - chính trị, nên tôn giáo có ưu thế trong việc kêu gọi các nguồn tài trợ từ bên ngoài, trong việc thực hiện các hoạt động xã hội, cung cấp các dịch vụ công. Một số tổ chức quốc tế như Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Tổ chức Cứu trợ Lutheran Thế giới (World Lutheran Relief) hoặc tổ chức Dịch vụ xã hội dựa trên đức tin (Faith-based organizations serve/FBOs), các tổ chức phi chính phủ dựa trên đức tin (non-governmental organizations/ NGOs) đã và đang liên kết, hỗ trợ với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục mầm non, từ thiện nhân đạo, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già không nơi nương tựa, người nhiễm HIV/ AIDS... Ngoài ra, các tổ chức này còn có khả năng huy động một nguồn lực xã hội đáng kể (do có uy tín đạo đức riêng biệt), huy động nguồn tài chính lớn, sử dụng đội quân tình nguyện viên hùng hậu - điều mà khó có tổ chức xã hội dân sự nào có thể làm tốt hơn họ.
Trong những năm gần đây, TNTG mặc dù đã được nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn, nhưng việc đánh giá đúng về nguồn lực tôn giáo chưa phải đã được quán triệt trong nhận thức của các cấp lãnh đạo ở tất cả các cấp, các địa phương; vì vậy, vẫn chưa tạo ra những cơ chế để các tôn giáo tham gia, dấn thân nhiều hơn trong các hoạt động xã hội. Qua các nghiên cứu khảo sát của chúng tôi cho thấy, Công giáo ở Việt Nam hiện nay đã có thể tham gia trong lĩnh vực giáo dục các cấp (từ mầm non tới đại học). Tuy nhiên, cho đến nay, họ mới chỉ được cấp phép tham gia đào tạo ở khu vực mầm non.
Nhiều chương trình nhân đạo, từ thiện của các tôn giáo khi thực hiện vẫn còn khá nhiều rào cản về thủ tục hành chính, thậm chí ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo buộc phải cộng tác cùng các cơ quan chức năng như Mặt trận tổ quốc hay Ban dân vận để triển khai các dự án từ thiện, nhân đạo. Điều đó vô hình chung tạo ra một lực lượng trung gian trong công tác từ thiện xã hội và tình trạng thất thoát, từ thiện không đúng đối tượng đã và vẫn đang xảy ra.
Do quan điểm cảnh giác quá mức với tôn giáo, ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo có yếu tố nước ngoài, hay các dự án nhân đạo của các tổ chức tôn giáo nước ngoài mỗi khi có các chương trình, dự án vào Việt Nam, đều gặp khá nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Điều này không tránh khỏi sự e ngại, rút lui của nhiều chương trình dự án rất hữu ích cho người nghèo trong bối cảnh địa phương còn hạn chế về nguồn lực phục vụ an sinh xã hội.
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức tôn giáo cũng có những biểu hiện cực đoan như việc đấu tranh chống fomosa xả thải làm hư hại môi trường biển miền Trung. Vì thế, các địa phương khá ngần ngại khi cấp phép hay khuyến khích các tổ chức tôn giáo thúc đẩy hoạt động hướng đích xã hội. Tuy nhiên, việc biểu tình ở miền Trung năm 2016 trên thực tế chính quyền địa phương đã không hỗ trợ giáo dân biểu tình có quy củ mà để nhà thờ tổ chức. Do không đủ lực lượng và kinh nghiệm tổ chức, các cuộc biểu tình đã gây ra những hành động cực đoan. Trong những trường hợp như thế, việc quay lưng lại với nhà thờ, đàn áp tín đồ, hoặc chụp mũ tín đồ bị các thế lực phản động xúi giục… đều đưa đến những hậu quả không tốt, vừa làm mất đi niềm tin vào chính quyền của các tổ chức tôn giáo, vừa không huy động được các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, tạo ra những tiền lệ xấu về ứng xử với tôn giáo.
Việc ứng xử với các hoạt động tôn giáo ở một số địa phương hiện nay vẫn còn có những động thái ưu ái với tôn giáo này, cẩn trọng với tôn giáo kia, gây ra những hiểu lầm trong nhiều giới chức tôn giáo về thái độ ứng xử của nhà nước và địa phương với các tôn giáo khác nhau. Thực tế này dẫn đến việc khó huy động được nhiều nguồn lực của các tôn giáo tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương…
Trong khi tiếng nói của các đại diện tôn giáo trên diễn đàn nghị trường vẫn còn khá thiếu vắng và yếu ớt, thì lực lượng quản lý tôn giáo (là cơ quan chuyên trách về tôn giáo và có chức năng tư vấn lãnh đạo về các vấn đề liên quan tới tôn giáo) tại các địa phương còn khá mỏng, thiếu và yếu (yếu cả về tri thức tôn giáo và kỹ năng tác nghiệp). Vì vậy, không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương. Đây cũng là lý do nhiều địa phương không huy động được các nguồn lực tôn giáo vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và thánh Mẫu ở Nam Định, thu hút số lượng lớn các thanh đồng, đạo quan.  Lực lượng này nếu biết huy động sẽ là nguồn lực lớn đóng góp cho sự phát triển các mục tiêu kinh tế-xã hội địa phương, trên cơ sở nhà nước phải nắm được các vị đầu lĩnh là các hội trưởng của các chi hội.  
Ở khía cạnh khác, tôn giáo nào cũng có những giá trị và hệ giá trị nhất định. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị đó như thế nào để đưa vào thực hành trong quan hệ xã hội và quan hệ kinh tế đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để xây dựng thành những diễn đàn, những phương thức tuyên truyền phù hợp để có thể phổ biến các giá trị tôn giáo đến các nhóm xã hội khác nhau.
Mặc dù chưa thể thống kê hết những đóng góp của các TNTG ở Nam Định, nhưng hàng loạt các hoạt động cụ thể đã phản ảnh một cách khách quan và trung thực năng lực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo ở Việt Nam. Trong điều kiện an sinh xã hội còn chưa phủ rộng khắp các đối tượng yếu thế trong xã hội, nguồn lực của nhà nước, địa phương còn nhiều hạn chế, thì tại nhiều nơi, các tôn giáo đã trở thành nguồn lực tại chỗ, sát sao và thiết thực bù đắp những thiếu hụt cho người nghèo, người yếu thế. Với đặc tính làm điều phước thiện là phương châm tu hành, trong nhiều năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã trở thành lực lượng xã hội góp phần không nhỏ mang lại hạnh phúc cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo, tiến tới mục đích thực hiện công bằng xã hội. Hoạt động từ thiện của các TNTG trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, không chỉ thể hiện tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái, mà còn thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm xã hội và tiềm năng cống hiến cho xã hội rất lớn của các tôn giáo ở Việt Nam.
 3. Kết luận
Với ưu thế hành động vì đức tin tôn giáo, cống hiến cho cộng đồng là thể hiện tinh thần bác ái, từ bi, là hành động thiết thực của cuộc sống tu hành, nên các tôn giáo ở Nam Định nói riêng, ở Việt Nam nói chung đều đã thể hiện một tinh thần nhập thế sôi nổi. Từ phương diện này, các tôn giáo đã đóng góp cho xã hội những nguồn lực lớn về con người và vật chất. Những đóng góp này không chỉ đúng thời điểm, đúng đối tượng mà còn giảm tải gánh nặng an sinh xã hội cho chính quyền các cấp, các địa phương.
Ở phương diện khác, việc thừa nhận các giá trị của TNTG trong những năm qua đã được một số cơ quan nghiên cứu, thừa nhận và thể hiện trên nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị và hệ giá trị của tôn giáo trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế lại là điều còn rất mới mẻ và gần như chưa có cơ quan hay tổ chức, thậm chí tôn giáo nào đứng thực hiện. Vì, thế các giá trị tốt đẹp của TNTG vẫn chưa thấm vào đời sống xã hội và tham gia điều tiết các quan hệ xã hội cũng như quan hệ kinh tế. Thiết nghĩ, nếu có những cơ chế phù hợp với một hành lang pháp lý tốt hơn sẽ tạo ra những tiền đề quan trọng để các tôn giáo đóng góp được nhiều hơn nữa cho nguồn lực xã hội, thực hiện sứ mệnh của mình là mang lại cuộc sống an yên, hạnh phúc cho cộng đồng.
 
CHÚ THÍCH
 
[i] Số liệu theo báo cáo [Tên của báo cáo] của Ban Tôn giáo tỉnh Nam Định năm [ 2022]
[ii] Chùa Cổ Lễ đã từng có truyền thống bốn vị hòa thượng buông áo tu sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp.
[iii] Tư liệu điền dã tháng 11-12 năm 2023  tại Nam định
[iv] Xem: Andrew Skilton (Dharmacari Sthiramati), A Concise History Of Buddhism, bản dịch, nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-lichsupg/lspg01.htm
[v] Xem: (2010), Sách giáo lý hội thánh Công giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, các số: 32,33, 41, 341, 319, 1157, 1191. 1162, 2129, 2727, 2500-2513.
[vi] Phát biểu của GS.TS. Nguyễn Thanh Xuân (2021) tại hội thảo “Cơ sở lý luận về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực án sinh xã hộ và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay”, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ.
[vii] Phát biểu của TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong hội thảo “Cơ sở lý luận về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực án sinh xã hộ và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay”, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, tháng 7 năm 2021.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Đỗ Lan Hiền (2022), “Bàn về việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, truy cập ngày ????, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/4135-ban-ve-viec-phat-huy-nguon-luc-ton-giao-o-viet-nam-hien-nay.html
2. Nguyễn Ngọc Mai (2016), Tìm hiểu các giá trị tôn giáo truyền thống ở Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.
3. Nguyễn Ngọc Mai (2021), “Nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra”, Hội thảo quốc tế, Nguồn lực tôn giáo tín ngưỡng ở việt Nam -  kinh nghiệm quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nguyễn Ngọc Mai (2023), Những giá trị nhân văn của tôn giáo trong đời sống tinh thần của người Việt” Diễn đàn phát huy giá trị văn hóa tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống đương đại, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, Tinh hoa đất Việt.
5. Xuân Thu (2022), “Nam Định phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, Mặt Trận tổ quốc Việt Nam, truy cập ngày ???,  tại: http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/nam-dinh-phat-huy-vai-tro-cac-to-chuc-ton-giao-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-44953.html.
6. Nguyễn Đăng Thục (1997), Lịch sử triết học phương Đông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Quốc Tuấn và cộng sự (2016), Phát huy giá trị tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người VN hiện nay,Đề tài cấp nhà nước, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
 

 [A1]Đề nghị tác giả bổ sung nguồn dẫn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây