Trang web cá nhân của TS Nguyễn Ngọc Mai - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

https://khaitue.edu.vn


Định vị tọa độ Phủ Bóng - Nguyệt Du Cung

Trong tương quan với hai địa danh phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát (trong quần thể khu đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy – Nam Định), Phủ Bóng không thuộc quê cha (thôn Tiên Hương) hay quê mẹ (thôn Vân Cát) của nữ thần Liễu Hạnh, vì thế không ít người, thậm chí các thanh đồng, đạo quan đánh giá thấp vai trò của nó. Bài viết sẽ tập trung lý giải về các lớp tôn giáo dân gian của Phủ Bóng, lịch sử phát triển của nó và chỉ rõ vai trò của nó trong hành trình sáng tạo thần linh trong tôn giáo dân gian của người Việt.
IMG 0006
Nghiên cứu về khu vực phủ Giầy nói chung cho đến nay có khá nhiều các công trình với tính chất và quy mô khác nhau như các nghiên cứu của Bùi Văn Tam (nhà nghiên cứu địa phương) với các tài liệu như : địa chí văn hóa huyện Vụ Bản (Nxb thông tin và truyền thông. 2016); Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng thánh mẫu Liễu Hạnh, (Nxb. Hồng Đức. 2020); Ngô Đức Thịnh với cuốn  “Đạo mẫu ở Việt Nam” (Nxb VHTT. 1996); Hồ Đức Thọ, “Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa – lễ hội phủ Dầy”, (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003). Ngoài ra cũng có các tác giả khác đề cập đến khu vực Phủ GIầy với tư cách vùng văn hóa Mẫu Liễu như Đặng Văn Lung với “ Tam Tòa Thánh Mẫu” ( Nxb ……). Trong các công trình này đa số đề cập đến các cơ thờ thờ Nẫu tại đây chủ yếu ở khía cạnh liệt kê và đặt trong tương quan của cả cụm quần thể cơ sở thờ Mẫu Liễu Hạnh với 4 cơ sở chính (phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát; Phủ Bóng; Phủ Giáp Ba). Tuy nhiên tách riêng từng cơ sở để xem xét vai trò của nó trong cả cụm di tích thì gần như chưa có riêng một nghiên cứu nào, nhất là đề cập đến Phủ Bóng – Nguyệt Du cung.  Trên thực tế không phải không có những bàn luận, tranh cãi về vị trí, vai trò của mỗi cơ sở trong tổng thể di tích. Trong đó những tranh luận về vai trò của Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng cũng từng gây không ít những hiểu sai lệch về những cơ sở tôn giáo dân gian này. Trong tài liệu “ Một số vấn đề về tôn giáo học” của Nguyễn Duy Hinh cũng đã từng đề cập lướt qua về xuất xứ và cội nguồn của Phủ Bóng với tư cách là miếu thờ thần Cây; sau này qua các nghiên cứu của cá nhân tôi khi khảo sát về vùng văn hóa Phủ Giầy để nghiên cứu về “nghi lễ lên đồng – lịch sử và giá trị” cũng đã khẳng định lại quan điểm của Nguyễn Duy Hinh là đúng. Gần đây nhất để giaỉ tỏa nhiều thắc mắc, và cũng nhằm chính danh lại vị trí của Phủ Bóng trong sáng tạo tôn giáo dân gian của người Việt, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã kết hợp với Sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch tỉnh Nam định, Bảo tàng tỉnh Nam định và Ban quản lý di tích Phủ Bóng – Nguyệt Du cung tổ chức hội thảo khoa học “Phủ Bóng – Nguyệt Du cung trong quần thể di tích phủ Giầy” . Hội thảo đã không chỉ làm sáng tỏ cội nguồn ra đời của phủ Bóng - Nguyệt Du Cung và còn cho thấy rất rõ ý đồ trong sáng tạo văn hóa tôn giáo dân gian của người Việt nói chung và gia tộc Trần Vũ nói riêng trong công cuộc tiếp nối và làm hưng thịnh tôn giáo bản địa của người Việt và bảo vệ cơ sở tôn giáo dân gian này từ những năm giữa thể kỉ 19.
Ở bài viết này dưới góc độ tiếp cận của tôn giáo học, văn hóa dân gian, bằng các tư liệu thực địa, cùng các tài liệu nghiên cứu của đồng nghiệp, các văn bản học còn lưu tại phủ Bóng và cụm di tích Phủ Giầy  một lần nữa mong muốn định vị lại vị trí, vai trò của Phủ Bóng – Nguyệt Du Cung trong quần thể khu thờ Mẫu Liễu ở Phủ Giầy.
1. Một vài nét khái quát về phủ Bóng
Phủ Bóng - Nguyệt Du cung thường gọi ngắn gọn là phủ Bóng hoặc Nguyệt Du cung. Phủ Bóng hiện nay nằm trên địa bàn thôn/xóm 3, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, thuộc quần thể cụm di tích phủ Giầy. Đây là địa chỉ di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh quan trọng thứ ba, sau phủ Chính Tiên Hương và phủ Vân Cát, trong quần thể di tích văn hoá phủ Giầy. Phủ Bóng - Nguyệt Du cung với vị trí đắc địa, thế đẹp, tọa lạc ở phía tây nam lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh (cách chừng 100m), cửa đền hướng nhìn về lăng Mẫu.
          Trong dân gian địa phương vẫn còn lưu truyền tên gọi cũ là đền Cây Đa Bóng. Tương truyền trước kia tại đây có cây đa cổ thụ rất lớn. Dưới gốc đa là một điện/ miếu thờ (không rõ thờ ai). Về sau tại đây, một ngôi đền khang trang hơn được dựng lên, không rõ chính xác vào thời điểm nào, nhưng theo tư liệu địa phương cho biết thì năm 1927 đã có ảnh chụp về ngôi đền Cây Đa Bóng do đồng đền Trần Vũ Thực trông coi[1]. Năm 1938 công trình mới được khôi phục lại và sau đó bị chiến tranh làm hư hại nhiều, các thế hệ đồng đền của gia tộc Trần Vũ đã liên tục tu bổ để ngôi đền có được dáng vẻ như ngày nay.
2. Phủ Bóng và các lớp văn hóa, tôn giáo
          Hiện nay, tại đây cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết gắn với tên gọi đền Cây Đa Bóng. Sở dĩ có tên gọi Nguyệt Du cung là xuất phát từ câu chuyện dân gian cho rằng đền là nơi Mẫu Liễu hay đến đây ngắm trăng[2]; hoặc truyền kì khác lại cho rằng, Mẫu Liễu sau khi về trời nhưng vào các đêm rằm trăng sáng vẫn thường trở về khu mộ của mình, cùng các tiên nữ múa hát bên gốc đa này (Chu Xuân Giao, 2022). Tuy nhiên, tư liệu Cát tiên tam thế thực lục quốc âm do nhóm đồng tử ở đền Quảng Cung cho ấn tống vào năm 1913 lại cho rằng cả ba lần giáng trần và về trời Liễu Hạnh đều không để lại xác phàm, và ngôi mộ tại khu vực lăng là mộ của thân phụ bà[3], vì thế chính tại đây cũng có truyền ngôn cho biết xứ Cây Đa là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay đáp xuống thăm mộ thân phụ (Hồ Đức Thọ, 2003, tr. 161- 171).
Như vậy, đối chiếu giữa tư liệu, sử liệu và truyện kể dân gian cho thấy đền Cây Đa Bóng bị bao phủ bởi nhiều lớp văn hóa.
- Lớp thứ nhất - Thần cây đa: Đây cũng là mô típ điển hình và phổ biến của văn hóa dân gian làng quê người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, chỉ có điều thần được thờ ở đây là ai thì gần như không ai rõ. Tư liệu địa phương cũng không cho biết. Do vậy thần được thờ trong ngôi miếu này có thể là mẫu thần, cũng có thể là thần đất (thổ thần của làng), cũng có thể là thần cây (thần cây đa ma cây gạo, một dạng mộc tinh là mô típ khá phổ biến của tôn giáo dân gian Việt Nam)[4]; cũng có thể là một nữ thần được thờ làm thành hoàng nào đó mà ký ức dân gian không còn nhớ rõ. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu địa phương Bùi Văn Tam thì khu vực vùng Vụ Bản và phủ Giầy có mật độ đền, miếu thờ nữ thần khá dày đặc, với những  danh xưng như: Hai bà Trần Thị Huệ, Nguyễn Thị Nghĩa (làng Hạnh Lâm); bà Bùi Thị Ngọc Hoa (làng Hổ Sơn); bà Lê Thị Hoa (làng Riềng- Thượng Linh, Đại Thắng); bà Mai Hồng, bà Đỗ Thị Dung, nàng Hoa, bà Kị, bà Độ, nàng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở các làng miền thượng của huyện; bà Trần Thị Xuyến (làng Thái La); bà Trần Thị Quế (ở làng Bịch); bà Ắt Bén (làng Liên Xương). Các làng Riềng, làng Vụ Nữ, làng Vậy, làng Lời, làng Tháp, làng Mai… của huyện Vụ Bản đều thờ các anh thư nữ kiệt này của thời Hùng Vương, hoặc thời Hai Bà Trưng. Đến đời Trần còn có  bốn bà công chúa về tu tại đất Vụ Bản, giúp dân mở mang khai phá đất đai, dạy con em dân làng học tập, chữa bệnh cho dân như: Công chúa Thái Đường và Thụy Bảo (con vua Trần Thái Tông); công chúa Thiên Thụy tu ở chùa Tiểu Liêm và Khả Chính, công chúa Huyền Trân tu ở chùa An Kiếp (Gôi) rồi lập chùa Quang Nghiêm ở Núi Hổ… Những tấm gương trung trinh tiết liệt như thế đã tạo nên tâm thức về vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội và là cơ sở để tín ngưỡng thờ nữ thần hình thành, mở rộng và có mật độ dày đặc ở khu vực này (Bùi Văn Tam, 2020, tr.1).
Mặt khác, nếu xét theo vị trí địa lý của đền/ miếu Cây Đa Bóng cũng cho thấy, đền/ miếu nằm ngay đầu làng (xóm Ba) cạnh đầu mối giao thông của đường 56. Xét từ vị trí này trong địa tôn giáo và tâm lý định cư của người Việt trước đây thì thường là đầu, hoặc cuối làng (nơi tụ cư) sẽ là vị trí trồng cây đa, giống như mốc giới định vị tọa độ, ranh giới của làng, và dưới tán cây đa bao giờ cũng là ngôi đền/ miếu nhỏ thờ thổ thần của làng – người canh giữ và bảo vệ cho mảnh đất nơi cư ngụ của dân làng (Hình 1).

Hình 1. Nguồn Google map
Từ đây có thể thấy lớp sớm của đền/ miếu Cây Đa Bóng có lẽ là một vị thần khác chứ chưa phải là Liễu Hạnh (trên thực tế hiện tượng Liễu Hạnh xuất hiện muộn, nếu tính theo năm sinh của bà  vào năm 1557 tức là giữa thế kỷ XVI[5]) mà tín ngưỡng thờ cây, thờ đá, thờ thần đất (thổ công, thổ thần) lại là một tín ngưỡng có từ rất sớm, nếu như không muốn nói từ khi con người biết đến ý niệm về tôn giáo. Do vậy, vị thần được thờ ở miếu Cây Đa có thể là một vị thần bản thổ vô danh, thần cây hoặc một nữ thần nào đó, trước giai đoạn Mẫu Liễu ra đời và sự hình thành của khu di tích thờ Mẫu Liễu.
- Lớp thứ 2 - mẫu thần/– Liễu Hạnh công chúa: Điều này cũng rất dễ hiểu do vị trí của đền/ miếu Cây Đa Bóng nằm lọt giữa vùng văn hóa/ không gian thiêng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Sự xuất hiện của nhân vật Liễu Hạnh (hình thành và phát triển nhanh chóng từ cuối thế kỷ XVI) có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh dân gian khu vực này, vì thế từ một ngôi miếu cây đa với vị thần vô danh hoặc hữu danh đã chuyển hóa thành nơi thờ Mẫu Liễu với các huyền thoại về Ngài.
Tư liệu địa phương cho biết, ngay từ “năm 1672 có vị Nguyễn Danh Nho (tiến sĩ đời Lê Cảnh Trị) người Cẩm Giàng, Hải Dương làm quan Hữu Thị Lang bộ Công đến thăm Phủ Giầy có tôn tạo lại An Thái tiên nữ từ và xây dựng lợp ngói Nguyệt Du Cung là ngôi đền có ba gian rộng rãi” (Bùi Văn Tam, 2020, tr.135). Tư liệu thứ hai là tấm ảnh chụp đền Cây Đa Bóng năm 1927 về việc khởi công xây sửa lăng Mẫu với vai trò của cụ đồng Trần Vũ Thực cùng hội Đồng ở Huế do Phan Tử Phong dẫn dắt trong công cuộc góp sức hưng công xây cung Phổ Hóa (Huế) và tu sửa lăng Mẫu (Phủ Giầy). Đặc biệt được đề cao là tài ngoại giao của cụ đồng Trần Vũ Thực và mối quan hệ với chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang (hiện tại ở đây còn lưu tấm bia ghi rõ công đức là bức cửa võng của cụ đồng Trần Vũ Thực, thủ từ đền Thánh Mẫu Cây Đa Bóng).  Căn cứ vào các tài liệu nêu trên chứng tỏ đến thế kỷ XVII đã xuất hiện danh xưng “đền Cây Đa Bóng” và cho đến thời điểm đầu thế kỷ XX thì bóng dáng của thần chủ trong miếu cây đa đã hoàn toàn không còn trong ký ức dân gian địa phương, miếu cây đa đã thành đền Cây Đa Bóng. Đặc biệt từ sau khi kiến trúc lăng Mẫu hoàn thành, miếu được dựng lại thành phủ, đền Cây Đa Bóng với vai trò của gia tộc có dòng dõi chữ nghĩa bút nghiên như gia tộc Trần Vũ[6] thì tất yếu  thần cây (lớp sớm) đã mờ đi trong ký ức dân gian và đền Cây Đa Bóng trở thành nơi quần tiên bóng Mẫu về thường xuyên hiển linh múa hát dưới trăng cùng tiên nữ và Nguyệt Du cung – cái tên chữ nghĩa đã định danh thành nơi thờ Mẫu Liễu[7]…Khuynh hướng này cũng lặp lại như ở khu đền/ phủ Nấp (thờ bà cô họ Phạm rồi thành tiền thân của Mẫu Liễu và trở thành nơi chính danh thờ Mẫu Liễu cho đến tận ngày nay). Đây cũng là quy luật hợp nhất, chuyển hóa, biến đổi, là đặc trưng của tôn giáo dân gian Việt Nam. Cũng giống như sự hợp nhất giữa hệ thống Tam tòa Thánh mẫu (nữ thần) với hệ thống Tam phủ (nam thần) và hợp nhất với các linh thần vùng sơn cước (miền rừng) thành hệ thống Tứ phủ sau này và là thần điện chính thức của tín ngưỡng Tứ phủ bây giờ (Nguyễn Ngọc Mai, 2017a, tr.135-140; 2017b).
Trong văn hóa, tôn giáo dân gian Việt Nam, linh thiêng hóa các cơ sở tôn giáo là một quy luật tất yếu (có thờ có thiêng, có thiêng nên phải thờ), vì vậy phủ Bóng- Nguyệt Du cung trong mối liên hệ với quần thể đền, miếu, phủ ở phủ Giầy, với lăng Mẫu, đã trở thành nơi quần tiên bóng Mẫu và nhân dân hương khói tế tự hàng thế kỷ nay, có thể coi là một thành công của sáng tạo văn hóa dân gian. Tôi cho rằng, sự nổi tiếng huyền bí, linh thiêng của Bà Chúa Liễu và vùng văn hóa phủ Giầy đã có sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ đối với đồng quan, đồng đền, thanh đồng, đệ tử và du khách thập phương. Sự thành danh/lên ngôi của Bà Chúa Liễu tại nơi đây chính là một hệ quả của sáng tạo văn hóa, tôn giáo dân gian của chủ nhân văn hóa Việt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các đồng đền, thủ nhang xưa và nay. Trong đó đặc biệt phải kể đến công lao của gia tộc Trần Vũ với những lớp thế hệ thủ nhang đầu tiên như ông đồng Đa và sau này là thủ nhang Trần Vũ Cư và Trần Vũ Thực[8] đã tiếp tục tôn tạo, nâng cấp và mở rộng đền Nguyệt Du cung thành ba cung lớn, lộng lẫy; xây dựng tam quan có lầu gác chuông hoành tráng, trang nghiêm; cho đúc tượng đồng Thánh Mẫu Liễu Hạnh để thờ. Với sự giúp đỡ của Tham tá Công chính Hồ Trọng Lẫm về thiết kế và trực tiếp làm đốc công, sự hảo tâm đầu tư ngân phiếu của đệ tử Đào Chi ở Huế, hai cụ Trần Vũ Cư và Trần Vũ Thực cùng với nhân dân và các đệ tử xa gần đã hoàn thành việc xây dựng lăng Mẫu (từ năm 1927 đến năm 1938), và hiện nay thủ nhang Trần Vũ Toán là thế hệ kế tiếp.
Như vậy, Nguyệt Du cung nếu tính từ mốc thời gian xây lăng Mẫu 1927 đến nay đã 95 năm được định vị là nơi thờ Mẫu Liễu. Nhưng nếu tính từ khi Nguyễn Danh Nho cho xây dựng lại đền Cây Đa năm 1672 đến nay là 350 năm, hoặc nếu sớm hơn nữa, tính từ khi khu vực này được triều Nguyễn cho lập đền thờ Mẫu Liễu ở phủ Chính Tiên Hương là năm 1642 (đến nay là 380 năm). Đây là khoảng thời gian không hề ngắn để định vị tọa độ và vai trò của ngôi đền/phủ trong tâm thức dân gian kẻ Giầy nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung. Đền Cây Đa Bóng - Nguyệt Du cung dù hình hài như thế nào, từng giản đơn[9] hay to đẹp bề thế (có điện thờ nguy nga, tráng lệ, có lầu chuông cao đẹp, tượng Thánh Mẫu được đúc bằng đồng, bát hương chuông đồng, trống đồng to đẹp tráng lệ)[10] thì điều quan trọng nhất là dù được phủ nhiều lớp văn hóa, nhưng văn hóa thờ Mẫu vẫn luôn nổi trội và nơi đây đã trở thành một địa chỉ văn hóa vật chất, tinh thần của nhiều thế hệ thanh đồng, đạo quan trong cả nước.
Ở khía cạnh văn hóa tôn giáo thì sự hiện diện của phủ Bóng không chỉ là một sự thành công về sáng tạo văn hóa mà còn như một sự kết nối quan trọng để hợp nhất các di tích rời rạc của phủ Giầy thành một phức thể thống nhất trong đa dạng. Đó là các địa chỉ văn hóa mang dấu ấn của mẫu Liễu, để hợp lý hóa cuộc đời, thân thế, quyền năng của thần thiêng Mẫu Liễu: có quê cha, quê mẹ, nơi sinh, nơi mất, nơi hiển linh. Trong tâm thức tôn giáo, thì nơi hiển linh mới là quan trọng. Sự linh trong tôn giáo là một điểm nhấn quan trọng không thể không có, nó quyết định tâm lý thờ và sự bền vững của cơ sở tôn giáo, bởi có hiển linh mới là thiêng và có thiêng mới có thờ.
Trong lập luận về thần thiêng khi nghiên cứu về hệ thống thần thành hoàng làng Việt Nam, Nguyễn Duy Hinh bàn: “người Việt đã nhận thấy cái thiêng trong cái phàm và mối quan hệ phàm – thiêng; không thiêng thì có giá trị gì? có lợi ích gì? cho nên có thờ có thiêng có nghĩa là có thiêng mới thờ, có thờ mới thiêng. Hiển linh, hiển ứng, linh ứng là những thuật ngữ Hán để diễn đạt cái thiêng của thần” (Nguyễn Duy Hinh, 1996, tr.378). Phủ Bóng chính là một nơi linh ứng, hiển linh như thế.
Trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới thì “sự linh” là một chi tiết không thể thiếu. Sự linh khiến cho thần có uy lực và cũng mang tính chất quyết định đối với việc thu hút tín đồ, con nhang đệ tử. Vì thế, yếu tô thiêng là một trong những điểm quan trọng để thu hút tín đồ . Kỹ thuật thiêng hóa (cách làm cho cơ sở tôn giáo trở nên linh thiêng bằng việc có sự xuất hiện các sự lạ được cho là dấu hiệu của thần),  các cơ sở tôn giáo dân gian vì thế mà muôn hình vạn trạng: có nơi xuất hiện vật linh, có nơi lại là sự ứng nghiệm khi kêu cầu… Khi nghiên cứu tham dự tại nhiều địa bàn, nhiều cơ sở tôn giáo dân gian trong cả nước, chúng tôi nhận thấy không nơi nào, cơ sở nào mà không tồn tại những truyền ngôn về thần thiêng: Ở Phủ chính thì là nơi xuất hiện thần Kim quy rồi con bướm lớn đậu trên vành khăn giá ông Hoàng Bẩy (Nguyễn Ngọc Mai, 2017a, tr.319); ở Đền Đỗng Hoa (Thạch Thất – nơi thờ Trần Hưng Đạo) thần đã hiển linh “vật” cho một gia đình mất gà quay vào đền chửi bị điên rồ mấy đời; có nơi như ở đền Hệ (Thái Thụy, Thái Bình) lại là nơi xin linh tiêm (quẻ) rất ứng nghiệm, và ngay cả với tôn giáo nội sinh (là những tôn giáo rất mới của miền Tây Nam Bộ) thì những bậc thủ lĩnh khai sáng đạo cũng rất linh ứng thông qua phép thuật của Phật thầy trong truyền ngôn về tài chữa bệnh, tài đoán trước có ảnh đức Phật để dưới chiếu nên không ngồi lên và câu chú truyền cho ông Đình Tây khi đi hàng phục sấu năm chèo của Phật thầy Đoàn Minh Huyên. Đặc biệt là truyền ngôn về sự ứng nghiệm báo trước khi rút thẻ tại Đình Thới Sơn, nơi thờ phụng Phật thầy và được coi là tổ đình của Bửu Sơn Kỳ Hương... (Nguyễn Ngọc Mai, 2020)
Ngay cả Phật giáo nguyên thủy là tôn giáo vô thần [Ma1] nhưng dần dà trong sự phát triển của Phật giáo thì hình tượng Phật Quan thế âm bồ tát cũng là điển hình của khuôn mẫu Phật = thần thiêng với sự biến hóa khôn lường để cứu khổ cứu nạn. Theo hạnh nguyện của mình, Phật Quan Thế Âm nguyện ở lại cõi sa bà để cứu khổ cứu nạn. Ngài là biểu tượng của đạo hạnh, là nơi nương tựa của phật tử[11]. Sự linh cảm của Bồ Tát Quan Thế Âm thường thể hiện ở câu nói “hữu thành tất ứng” tức “có tâm chí thành chắn chắn sẽ ứng nghiệm” nên phật tử đều không nghi ngờ về sự cảm ứng nhiệm màu của vị bồ tát này. Trong thần học Kitô, chúa Jesus đã sống lại và xuất hiện cùng các thiên thần ở nơi an táng Ngài và xuất hiện trước các môn đồ ở Galilea[12]. Ngày nay, tại đó đặt một đền thờ gọi là “đền nơi chúa hiện ra” và trong thánh kinh Công giáo được coi là nơi chúa hiển linh[13].
Nguyệt Du cung trong hệ thống các cơ sở tôn giáo dân gian thờ Mẫu Liễu ở phủ Giầy mặc dù không phải quê cha, quê mẹ, thậm chí không phải nơi an táng (vì bà không để lại xác phàm) nhưng để bà có thể trở thành biểu tượng tối linh thần tất yếu cũng phải theo quy luật đó. Phủ Bóng – Nguyệt Du cung – nơi hiển linh của Thánh Mẫu chắc chắn đã được các nhà nho, các đồng có truyền thống thi thư bổ khuyết vào trong hành trình sáng tạo nhân vật Liễu Hạnh đã làm cho hoàn thiện lý lịch thần thiêng và hợp lý hóa sự tồn tại, đứng vững với thời gian của nơi thờ cúng mới.
Trong sắc phong thần dành cho Liễu Hạnh có những tước vị như sau: “Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” (triều vua Lê Huyền Tôn); “Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ” (triều vua Lê Thần Tôn), Đặc biệt, dưới triều Nguyễn, bà là nữ thần duy nhất được các vua nhà Nguyễn đặc cách cho giữ nguyên mĩ tự Công Chúa:“Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần” … Điểm qua một số sắc phong như vậy cho thấy ngay cả với triều đình Nho giáo thì sự thừa nhận đối với Liễu Hạnh vẫn cứ là “Thượng thượng đẳng tối linh thần” – một mỹ tự rất hiếm đối với thần nữ ở Việt Nam.
Như vậy, nếu đặt trong bối cảnh tâm thức tôn giáo Việt Nam thì phủ Bóng là hiện thực hóa một biểu tượng về thần nữ tuyệt đối thiêng, và đặt trong tương quan với các tôn giáo lớn khác thì phủ Bóng – Nguyệt Du cung lại là nơi đánh dấu mốc quan trọng về vị thế, vai trò tối linh của Mẫu. Sự xuất hiện của Nguyệt Du cung về mặt văn hóa, tôn giáo không chỉ định vị tọa độ, vai trò của nó trong hệ thống đền, miếu, phủ thờ Mẫu Liễu ở Phủ Giầy mà còn là khâu kết nối quan trọng để hoàn thiện hành trình sáng tạo thần linh Liễu Hạnh và để thần linh/ Mẫu thần có quyền năng tuyệt đối và sống mãi trong ký ức tôn giáo dân gian.
3. Kết luận
Nếu hiểu văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo là: 1) cách mà người ta làm ra, sáng tạo ra tín ngưỡng, tôn giáo và 2) cách con người ta sử dụng các tín ngưỡng, tôn giáo; giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo để giáo dục con người thì văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt đã thể hiện tuyệt vời trong các mô thức sáng tạo thần thiêng. Đó cũng là cách thức để giữ cho các cơ sở tôn giáo được bảo vệ và tồn tại bền vững với thời gian. Ở Việt Nam, tôn giáo dân gian có con đường đi riêng để thiết lập và định vị vị trí của mình trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Mọi tranh cãi về nguồn gốc ngôi đền/phủ Bóng giờ đây đều trở nên không cần thiết khi chính chủ nhân văn hóa dân gian đã định vị được thành các địa danh thờ Mẫu. Trong một vùng không gian thiêng rộng lớn như ở kẻ Giầy/ phủ Giầy với vị trí là nơi thờ Thánh Mẫu – Mẹ trong đối trọng với nơi thờ Thánh Cha là một cặp thần thiêng tối linh trong tâm thức tôn giáo người Việt thì tính thiêng, tâm thức thiêng và văn hóa tín ngưỡng (cách sáng tạo tín ngưỡng, cách sử dụng tín ngưỡng vào các mục đích nhân văn…) là điều quan trọng nhất. Đây chính là điểm cần thiết và cơ bản nhất mà các thủ nhang nơi đây cần lưu ý để kiến tạo bền vững vùng văn hóa thiêng liêng thờ Mẫu./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Cẩn (1935), Kinh thánh, Tòa Tổng giám mục Hà Nội.
  2. Chu Xuân Giao (2022), “Đền Cây Đa Bóng và đồng quan Trần Vũ Thực ở nửa đầu thế kỷ XX trong các quan hệ xa gần với cung Phổ Hóa (Huế) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Kỷ yếu hội thảo Phủ Bóng – Nguyệt Du cung trong quần thể di tích phủ Giầy, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người tổ chức.
  3. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.
  4. Nguyễn Duy Hinh (2007), Một số bài viết về tôn giáo học, Nxb. Khoa học xã hội.
  5. Nguyễn Ngọc Mai (2017a), Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb. Hà Nội.
  6. Nguyễn Ngọc Mai (2017), “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ: Một vài đặc trưng”, Tạp chí Tia Sáng số 04.
  7. Nguyễn Ngọc Mai (2020), Tôn giáo nội sinh Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) Đề tài cấp bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  8. Bùi Văn Tam (2020), Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng thánh mẫu Liễu Hạnh, Nxb. Hồng Đức.
  9. Hồ Đức Thọ (2003), “Huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa – lễ hội phủ Dầy”, Nxb. Văn hóa Thông tin.
  10. Trang tin điện tử https//phuday.com
 
[1] Trong kho tư liệu ảnh tại Phủ cóbức ảnh thợ đục đẽo đá tại Núi Nhồi (Thanh Hóa) về xây dựng lăng Mẫu, bức ảnh có tiêu đề “Bản phủ Nguyệt Du
Cung”.
[2] Nguyệt Du Cung do các nhà nho trong làng đặt với ý nghĩa đây là nơi dạo chơi trăng của Thánh Mẫu.
[3] Theo Cát tiên tam thế thực lục quốc âm.
[4] Xem thêm Nguyễn Duy Hinh (2007), Một số bài viết về tôn giáo học. Nxb. Khoa học xã hội, tr. 862.
[5] Tiên phả dịch lục bản, AB.289, mục “Tiên từ phả kí” (phả ghi về đền thờ Tiên, tờ 29a), do Huấn đạo huyện Việt Yên là Trần Bình Hành sao, Vũ Thị Lan Anh dịch (2021).
 
 
[6] Theo Lê Việt Liên cho biết thì gia tộc Trần Vũ khởi phát từ làng Đại Đồng (Phú Xuyên, Sơn Nam Thượng) về sinh sống ở làng An Thái và đổi sang họ Trần Vũ. Đến đời ông Trần Vũ Đa (đầu thế kỷ XX) vừa làm nghề thầy cúng vừa dạy học nên được dân làng tin tưởng cử làm thủ nhang Nguyệt Du cung. Xem Lê Việt Liên (2022) “Thủ nhang phủ Bóng với đời sống sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng tại địa phương hiện nay”, Hội thảo khoa học Nguyệt Du cung trong quần thể di tích Phủ Giầy,  Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người tổ chức.
[7] Theo huyền tích tại địa phương:  Năm 18 tuổi, kết duyên cùng Trần Đào Lang, người ở cùng xã; ba năm sau Thánh Mẫu về trời ở tuổi 21.Thân xác của Mẫu đã được nhân dân an táng tại cồn cây tươi tốt tại cánh đồng xứ Cây Đa. Ở trên thượng giới, Tiên Chúa vẫn ngày đêm khắc khoải không sao quên được tình nghĩa trần gian, Ngọc Hoàng biết chuyện, thương tình cho phép Tiên Chúa được thăm lại chốn cũ người xưa ở trần gian. Cũng từ đó, vào những đêm trăng sáng đầy trời, Thánh Mẫu lại dẫn một đoàn tiên nữ xuống quây quần múa hát bên gốc cây đa gần khu mộ phàm của bà. Dân làng thấy linh ứng đã lập đền thờ dưới gốc cây đa để thờ phụng Thánh Mẫu, gọi là đền Cây Đa Bóng (hay phủ Bóng).
[8] Đồng quan Trần Vũ Thực, thủ nhang thế hệ thứ nhất, cũng là đồng quan duy nhất trên đất Phủ Giầy.
[9] Theo tấm ảnh chụp được lưu tại Phủ thì ngôi đền này lúc đó cũng còn khá khiêm tốn về quy mô và kiến trúc chứ không bề thế như bây giờ.

[10] Phủ Bóng - Nguyệt Du cung,  phủ Giầy Nam Định. Nguồn https//phuday.com

[11] Phỏng theo Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa
[12] Phúc âm, Matheu, 28.8
[13] Đền thờ nơi chúa hiện ra thuộc xứ Galilea là vùng đất phía bắc Israel. Galilea được biết đến là nơi Jesus lớn lên và truyền đạo. Nhà thờ Mộ Thánh (Kitô giáo Đông phương gọi là Nhà thờ Phục sinh) là một nhà thờ nằm ở bên trong bức tường thành của thành phố cổ Jerusalem. Nhà thờ này ở gần khu Muristan.

 [Ma1]Phật giáo nguyên thủy đúng là vô thần nên không có gì phải tranh cãi cả. chỉ ở VN mới coi phật bằng thần thôi.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây