Trong thần thoại Hy lạp, ngựa là sự phối hợp của 2 cấp độ trên – dưới và còn là sự siêu thăng hóa từ cấp độ này lên cấp độ kia. Theo truyền thuyết, ngựa được sinh ra từ tình yêu của Poséidon với Gorgone hoặc được thụ tinh từ Đất và máu của Gorgone, vì vậy con ngựa trong tâm thức người Hy lạp nó biểu thị cho sự thăng hóa của bản năng. Cùng quan điểm này, trường phái phân tâm học Châu Âu cũng cho rằng con thiên mã màu trắng biểu thị cho bản năng đã được kiểm soát, được làm chủ, được thăng hoa theo luân lý mới. Những truyền thuyết về các cuộc truy hoan tế thần rượu Bacchus đều xuất hiện khá nhiều những cái tên mà trong cấu tạo của chúng ta thấy khá phổ biến từ tố hippé (tiếng Hy lạp là ngựa). Điều này cho thấy ngựa được đồng nhất với bản tính/ bản năng của con người. Những mô tả Nhân mã bao quanh thần Dionysos luôn được chuốc rượu cho say để khiêu khích chúng lao vào cuộc chiến với Héracles chính là thể hiện bản năng được phóng thích. Trong truyền thống trung Hoa cổ xưa tại các lễ thụ pháp, những tín đồ mới được gọi là tân mã (ngựa non), trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày khi bất bình với những căn tính bạo lực, độc ác người ta cũng hay gọi những kẻ đó là loại trâu ngựa, ngược lại khi muốn biểu thị sự trung thành của mình với một ai đó người ta cũng vẫn thề kiếp sau xin được làm khuyển mã để báo đáp. Từ ý nghĩa này ngựa có 2 mặt, một mặt được coi là bản ngã trung thành, nhưng mặt kia lại là bản ngã hiểm độc biểu thị cho yếu tố súc vật trong con người. Có lẽ xuất phát từ 2 thuộc tính của giống ngựa là vật cưỡi và bị cưỡi. Khi là vật cưỡi, nhờ có con người mà ngựa có được phẩm chất bẩm sinh làm cho nó xuất hiện như một sinh linh có tài thấu thị và trở thành đôi mắt của con người trong bóng đêm, là biểu tượng của trực giác soi sáng lý trí. Khi bị cưỡi nếu bàn tay của người cưỡi dẫn nó vào con đường sai lầm thì anh ta càng gặp nhiều bóng tối, bóng ma và anh ta cũng có nguy cơ trở thành người liên minh với quỷ dữ, lúc này con ngựa lại là vật mang đến sự rủi ro, bạo lực. Mặt khác, với tất cả tính bồng bột, năng lực sản sinh và tính hào phóng ở ngựa (nhất là ngựa non) mà một số nơi ngựa còn được coi là biểu tượng hoàn chỉnh sự cường liệt của dục vọng. Hình ảnh con Hắc mã buộc vào cỗ xe cưới là những con ngựa của dục vọng được giải phóng đã được phản ánh trong nhiều di sản thơ văn dân gian Nga.
Trên thực tế, ngựa cùng với chó là hai con vật rất đỗi thông minh và trung thành. Nếu như chó canh cho ta giấc ngủ yên lành và tận tuy như một người nô bộc còn chúng ta lại được chúng coi như những ông hoàng, bà chúa mà chúng phải có trách nhiệm làm vui lòng và bảo vệ thì con ngựa lại hoàn toàn khác. Nó là vật cưỡi, là phương tiện vận chuyển và số mệnh của nó không tách rời con người. Giữa hai cơ thể sống đó đặc biệt tác động, có liên hệ và cũng là biểu hiện của 2 mặt tâm lý và tâm thức, phụ thuộc vào sự hòa hợp hay xung đột mà kết quả sẽ là cái chết hay thắng lợi. Quan sát con ngựa khi phi nước đại giữa ban ngày, nó bị cuốn hút bởi mãnh lực của cuộc chạy, nó phóng một cách mù quáng và chỉ có người cưỡi ngựa mới mở to mắt để điều khiến nó đạt đến đích nhất định, nhưng ban đêm khi người cưỡi trở nên mù lòa thì con ngựa lại là vị chỉ huy, nó trở nên thấu thị và tự làm chủ cuộc điều khiển, với một năng lực cảm nhiệm bí hiểm mà lý trí không thể giải thích nổi, nó có thể đưa chủ nhân vượt qua mọi cửa ải một cách an toàn.
Trong văn hóa cổ sơ, vùng Trung á, ngựa là con vật của bóng tối và những ma lực. Các thầy Pháp shaman vùng Trung Á vẫn còn lưu giữ những truyền thuyết về con ngựa của cõi âm ty. Căn cứ vào khả năng thấu thị trong bóng đêm bí hiểm của nó, con ngựa có chức năng dẫn đường, dẫn dắt linh hồn. Thần thoại Hy lạp cũng có chi tiết Achille đã hiến sinh bốn con ngựa cái để lập dàn thiêu trong lễ tang Patrocle, với hy vọng 4 con ngựa đó sẽ đưa người bạn thân của mình vào vương quốc của Hades (thần cai quản bóng tối). Ở vùng Arcadie nữ thần Demeter được hình dung có đầu ngựa và là nhân vật thực thi công lý nơi âm phủ. Gắn với bóng đêm, âm phủ, là con vật dẫn dắt linh hồn, nên dân gian truyền tụng nếu mơ thấy ngựa đen là coi như mình sắp chết. Như vậy, ngựa đen được tượng trưng cho ác thần, hoặc là kẻ sa địa ngục, hay linh hồn bị chịu phạt.
Mặt khác với bản chất tinh tường của nó, ngựa cũng được xem như con vật của Thần và nó là biểu hiện của Thần nhập trong các nghi lễ thụ pháp. Trong các nghi lễ Shaman biểu tượng về vị thần thiện là “có đôi mắt ngựa cho phép nhìn thấy hết mọi sự trong 30 ngày tuần du, thị giám cuộc sống của loài người để về báo cáo với thần linh tối thượng”. Với đặc tính có con mắt chọc thủng màn đêm, ngựa đã trở thành con vật Thần nhập và là một môn đồ không thể thiếu trong các nghi lễ thần thánh. Trong nghi lễ lên đồng của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ VN cũng có những yếu tố này. Thầy đồng trong các giá thần linh (nhất là các giá ông Hoàng, giá Cậu) bao giờ cũng có điệu múa nhảy ngựa. Chiếc hèo có gắn lục lạc bằng đồng làm đạo cụ chính là cách gọi khác của chiếc roi ngựa. Hành động nhảy chân co, chân duỗi, tay đánh mạnh các thanh hèo là động tác đặc tả về sự hiện diện của các vị thần linh đang cưỡi ngựa xuống trần.
Màu trắng là đối lập của màu đen thì ngựa trắng cũng là đối lập của ngựa đen. Hình ảnh con ngựa chiến màu trắng sáng loáng với những lục lạc ngân vang nơi cổ gây hứng cảm chiến đấu và hứng cảm khoái lạc, đó cũng là sự khởi đầu quá trình thăng tiến của biểu tượng ngựa từ âm ty lên thế giới bên trên. Ngựa ở một số nền văn hóa khác thì liên quan đến sức mạnh và sự chiến thắng và còn là biểu tượng của sự phì nhiêu. Trong tập tục của một số dân tộc nông nghiệp ở La Mã, có nghi lễ hiến tế ngựa cho vị thần Mars (từ ngày 27/2 – 14 /3). Trong lễ hiến sinh đầu con ngựa được trang trí bằng những bông lúa mỳ để cảm tạ thần về một mùa màng bội thu. Trong nghi thức còn có tục cắt đuôi ngựa và lấy máu của nó pha với máu của những con bê chưa đẻ để hiến sinh, sau đó phân phát máu đó cho các gia trại nuôi gia súc để cầu cho đàn gia súc phát triển. Tục này cũng giống với hiến sinh máu ở đuôi bò (châu Phi) để biểu trưng cho hồn lúa và khả năng sinh sản được chuyển hóa và tụ lại ở cái đuôi. ở Ai len có tục dân chúng đốt lửa trong ngày lễ thánh Jean và nghênh tiếp một hình nộm ngựa với những tiếng hô vang Ngựa trắng!. Như vậy, từ đặc tính hiếu động và xung lực, sinh lực của nó mà ngựa trắng còn được xem là biểu tượng của sự sung túc dồi dào và no đủ.
Với sắc màu trắng, khi phi nước đại bờm ngựa tung lên như những tia nước, đặc biệt là khứu giác nhạy cảm với nguồn nước của nó, ngựa trắng còn được coi là biểu tượng của thần nước. Nhiều tập tục cầu nước vẫn dùng ngựa trắng để hiến sinh: bộ lạc vùng sông Oka (một nhánh của sông Volga) có tục dìm ngựa xuống nước để hiến sinh, hoặc một số tộc dân Ấn - Âu cũng vẫn duy trì lễ hiến sinh ngựa. Ở nhiều dân tộc có quan niệm cho rằng ngựa có thể tham dự vào bí mật của nước để làm phì nhiêu đất, làm sinh sôi nảy nở sự sống. Quan niệm này xuất phát từ khả năng đánh hơi kỳ lạ và có thể tìm ra nguồn nước chảy ngầm dưới đất. Hình ảnh con ngựa đập mạnh chân xuống đất làm phọt lên những dòng nước chính là hình tượng thần nước của các dân tộc vùng Tây Âu và Viễn Đông. Truyền thuyết về những suối phun Bayard vẫn còn in đậm dấu ấn của con Thiên mã trứ danh Pégase với mạch nước ngầm Hippocrène – mạch nước của khu rừng thiêng, nơi hoạt động của các nữ thần nghệ thuật.
Ngựa chạy nhanh như gió, vì thế vó ngựa thường được ví với thời gian và dòng chảy. Trong văn chương Việt Nam và Trung quốc hay sử dụng thuật ngữ “thời gian như bóng câu qua cửa” bóng câu ở đây chỉ vó ngựa và ví thời gian đi nhanh như vó ngựa hoặc ngược lại. Từ ý nghĩa này mà ngựa trắng còn được gọi là những con tuấn mã của mặt trời. Hình ảnh cỗ xe ngựa trắng là hiện thân của thần Apollon; hay cỗ xe của các Pharaông bị chìm trong biển đỏ trên bức bích họa ở nhà thờ Thánh Savin; hoặc con ngựa Asha của các thần Ashvins – thần thời gian của văn hóa Ấn độ; cỗ xe mặt trời trong Rig - veda cũng đều là những hình ảnh mô phỏng sự huy hoàng của chiều đi ánh sáng. Từ những biểu tượng này mà ngựa trắng còn là hình ảnh của cái đẹp toàn bích, nơi ngự trị của những giá trị tinh thần, ở tột đỉnh của mọi sự thăng hoa, thăng thượng, vì thế Ngựa trắng còn là hình ảnh tượng trưng cho sự uy nghi, là vật cưỡi của các anh hùng, Thánh nhân: chúa Ki tô ngự trên con Bạch mã; ngựa trắng là vật cưỡi của Đức Phật trong cuộc ra đi vĩ đại…
Trong mười hai con giáp, ngựa là con vật đứng thứ 7 cũng là vị trí của số thiêng: 2 x7 = 14, tương ứng với 14 ngày khai thị cho Thân trung ấm (giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân) và các tiến hành cầu siêu thoát cho linh hồn người đã mất của các Lạt ma Tây Tạng; 7 x7 = 49 tương ứng với 49 ngày trong tang lễ của người Việt Nam. Đây là thời gian rất quan trọng để các linh hồn siêu sinh vào các cảnh giới khác nhau)…Tóm lại, con ngựa là một con vật đặc biệt, tham gia vào biểu tượng song nghĩa, đa nghĩa. Từ chỗ là bản thể của vô thức tâm linh, là bản năng của dục vọng sâu thẳm hay cõi mịt mù của bóng tối, ngựa đã vượt lên theo từng nấc thang để thụ pháp và chuyển thể thành con vật biểu tượng của thần linh, ánh sáng của mặt trời và cũng là biểu tượng của nhân cách và trí tuệ. Với tất cả những ý nghĩa ấy, hy vọng năm Giáp Ngọ sẽ mang lại cho con người, đất nước và dân tộc này sự no ấm, thăng hoa về trí tuệ, sự ngời sáng của lương tri và nhân cách!.
(sưu tầm & biên soạn)
Tác giả bài viết: 123host
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chapter 1 Part 1: Lên đồng (spirit possession) ritual: history and development Chapter 1: Len đong in the Northern Delta of Vietnam: history and development In this chapter, the author proposes and analyzes basic concepts involving ritual practices of Lên đồng (spirit possession)...