Giá trị của thờ mẫu & nghi lễ lên đồng trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam

Thứ ba - 03/01/2017 11:04
1. Đặt vấn đề:
Đạo thờ mẫu và nghi lễ lên đồng đã từng tồn tại ở Việt Nam ít nhất là hơn 10 thế kỷ, đây cũng là một loại hình tôn giáo gây khá nhiều tranh luận cũng như chịu nhiều tai tiếng, điều tiếng, chính vì điều này nên nó đã thu hút không ít các nhà khoa học, các cấp quản lý (văn hóa & tôn giáo). Ngay cả khi hát văn đã được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể” thì xung quanh nghi lễ lên đồng vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề không chỉ ở câu hỏi đặt ra “liệu có nên di sản hóa lên đồng” mà còn nằm ở cái ý nghĩa đích thực của đạo thờ mẫu là ở đâu?. Mặc dù công trình chuyên khảo về “nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị” của tôi đã từng đề cập và giải bài toán này một cách khá kĩ lưỡng dưới góc nhìn của tôn giáo học, nhân học, tâm lý bệnh học. Bài viết này một lần nữa khẳng định thêm những giá trị tất yếu của đạo mẫu & nghi lễ lên đồng.
Một buổi lên đồng
Một buổi lên đồng
2. Nội dung:
2.1. Đạo thờ Mẫu – thực tế hay khát vọng cần được tôn trọng của người phụ nữ Việt
Trong các loại hình tôn giáo truyền thống ở Việt Nam thì thờ nữ thần/ thờ mẫu chiếm một tỷ lệ không hề khiếm tốn. Công trình tổng kết của Mai Thị Ngọc Chúc và Đỗ Thị Hảo đã tổng kết cho biết có tới gần 100 nữ thần được thờ phụng ở khắp đất nước Việt Nam. Trong đó nổi lên một số nữ thần được dân gian tôn xưng lên hàng mẫu: Quốc Mẫu/ mẫu nghi thiên hạ. Đó là những nhân vật sau: Quốc Mẫu Tây Thiên (Tam Đảo); Mẫu Âu Cơ (Vĩnh Phúc); Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Giày/ Nam định); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Thiên yana Thánh Mẫu (Huế)…Điều này khẳng định có một thực tế thờ Mẫu rất phong phú ở Việt Nam, dải thờ mẫu này kéo dài từ đồng bằng (Nam định) tới miền núi (Mẫu Sơn/ Lạng sơn) và chạy dọc cả các dải ven biển duyên hải miền Trung (Huế).
Vấn đề là tại sao lại có nhiều nữ thần và các mẫu thần như thế, cái gì về tự nhiên, xã hội của cư dân này, đất nước này đã khiến ngay trong cả đời sống tâm linh thì yếu tố nữ vẫn cứ là trội vượt?
Cho đến nay chúng ta đã bước sang thế kỉ XXI với những định hướng phát triển xã hội với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế công nghiệp, kinh tế tri thức.v.v… và thực sự đã có những đổi thay lớn lao trên phương diện thiết lập nền kinh tế chủ đạo/ mũi nhọn: Công - thương nghiệp. Nhưng sự thật hiển nhiên và vẫn không ai có thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn chỉ là một nước nông nghiệp, có chăng là nước nông nghiệp xuất khẩu gạo. Với 75% dân số hiện nay vẫn sống bằng nghề nông (nông nghiệp cạn và nông nghiệp nước) và trước 1980 thì có tới 90% dân số làm nông nghiệp.  Hằng số văn hóa của Việt Nam do vậy đã và vẫn là nông dân – nông thôn – nông nghiệp.
Đặc thù phân công lao động của nền kinh tế nông nghiệp/ tiểu nông là các công việc phần lớn phù hợp với chức năng của người phụ nữ, quả thật phụ nữ Việt xưa đảm nhận hầu hết các công đoạn: từ gieo hạt, cấy lúa, gặt đập, đến phơi thóc, rồi xay, giã, dần, sàng (các công đoạn để làm ra hạt gạo ngày xưa) đàn ông có tham gia vẫn chỉ là cày và bừa. Thực tế này đã cho thấy người phụ nữ chính là lực lượng đảm nhận vai trò làm kinh tế chính của gia đình.
Nhìn lại lịch sử dựng và giữ nước của Việt Nam cho thấy cuộc sống của người phụ nữ Việt theo một guồng quay khép kín như thế này: khi bé thì quét nhà rửa bát, lớn thêm một chút thì ẵm em giúp việc nhà, lớn lên dốc sức làm giàu cho cha mẹ (tam nam bất phú, tứ nữ bất bần); khi được gả/ bán về nhà chồng thì là để “gánh vác giang sơn nhà chồng” tức là lấy chồng không phải để hưởng hạnh phúc lứa đôi mà để tiếp tục trở thành lao động chính của gia đình nhà chồng. Dù có chồng ở nhà, hay chồng đi phu, đi lính thì người phụ nữ vẫn phải lo tròn bổn phận thờ chồng, nuôi con và chăm sóc bố mẹ chồng. Cái gánh nặng này đã theo suốt cuộc đời nhiều thế hệ người phụ nữ Việt Nam và vẫn còn tồn tại ở nông thôn Việt Nam ngày nay.
Trong lịch sử dựng và giữ nước của người Việt Nam thì đắp đê ngăn lụt và chống giặc giữ nhà là hai kẻ thù thường xuyên, liên tục.  Chiến tranh và đắp đê, xây thành, đắp lũy…đã hút sức lực người đàn ông vào các cuộc chiến chống thù trong, giặc ngoài. Hết chiến tranh thì đàn ông lại đi học, đi thi thành ra người phụ nữ vẫn là người lao động chính. “Một quan là tám trăm đồng/ chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”. Để cáng đáng cả những trọng trách này thì ngoài công việc đồng áng ruộng vườn, người phụ nữ còn phải “thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng” tay đăm tay chiêu mà “quanh năm buôn bán ở mom sông” cho dù đó là buôn thúng bán mẹt, buôn đầu chợ, bán cuối chợ thì cũng vẫn là những hình ảnh người phụ nữ làm thương mại sơ khai. Không chỉ là người chủ lực chính chèo chống kinh tế gia đình mà người phụ nữ Việt trong truyền thống chịu gần như hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Hạnh kiểm và tương lai của con cái gần như do người mẹ chịu trách nhiệm “Phúc đức tại Mẫu”; “Con dại Cái mang”; “mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng” hoặc “lấy con xem mạ” đều là những cách ngôn răn dạy người phụ nữ và buộc họ dù muốn hay không cũng phải gồng mình lo tròn bổn phận và phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: lao động tốt, đẻ nhiều con và đảm đang mọi việc nhà và phải là tấm gương cho con cái. Một hình thái kinh tế, xã hội và văn hóa đó chắc chắn sẽ tạo ra một tâm lý xã hội và cách ứng xử tương thích đó là:  người phụ nữ được nể vị, tôn trọng. Văn hóa Việt cổ đã lưu lại rất nhiều dấu hiệu khẳng định sự thật về cách ứng xử ấy đối với phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà con đường lớn lại được gọi là đường Cái,  rồi hàng loạt các khái niệm: sông Cái (sông lớn), thúng Cái (thúng lớn), cột Cái, máy Cái…Và lẽ đương nhiên thần linh của xã hội mà vai trò quan trọng thuộc về phụ nữ này phải phần đa là nữ thần: nữ thần Mặt trời; Tứ Pháp, Phật Mẫu; bà Đà, bà Đen, bà chúa Xứ, bà Mụ, bà Hỏa, bà Thổ, bà Kim, bà Mộc, bà Thủy... đều là nữ thần. Không phải ngẫu nhiên mà khi Bà Trưng, bà Triệu hô một tiếng là cả mấy chục thành trì đều nhất loạt hưởng ứng đứng dưới ngọn cờ khởi nghĩa của hai bà để rồi cuộc khởi nghĩa làm kinh thiên động địa ấy đã làm cả đến thiên triều Hoa hạ cũng phải lo sợ mà cử viện đại tướng dũng mãnh nhất lúc bấy giờ là Mã Viện, rồi Lục Dận dẫn quân sang đàn áp.
Nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã khiến tinh thần trọng nữ của cư dân nông nghiệp phương Nam bị nhạt nhòa đi bởi hệ tư tưởng phương Bắc. Tình thế và địa vị của người phụ nữ đã bị lật ngược lại khi văn hóa Nho giáo du nhập và ngày càng sâu đậm trong hệ ý thức xã hội. Nhất là khi khôi phục lại được độc lập và thiết lập nên triều đại trị vì, các tầng lớp quý tộc phương Nam đã phải vay mượn mô hình cai trị của phương Bắc, thì bắt đầu từ đây tư tưởng trọng nam, khinh nữ bắt đầu được xác lập và hằn sâu trong tâm thức những người đàn ông nhiều tầng lớp. Song song với tư tưởng đó thì số phận người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, vất vả nhọc nhằn không những không được biểu dương, khẳng định lại mà  được/ bị trói buộc, thể chế hóa bởi các thứ đạo tam tòng, tứ đức. Với quan điểm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy người phụ nữ vào tình thế “phu xướng, phụ tùy”. Phụ nữ không được đi học, đi thi bởi vì “phụ nhân nan hóa”, phụ nữ không được vào đình, phụ nữ không có quyền lợi trong thừa kế gia sản.v.v… Trong đời sống dân gian thì hình ảnh Châu Long đi nuôi bạn thay chồng đã thành biểu tượng khuyến khích người phụ nữ Việt Nam sống và chết với lẽ sống tuân thủ và phục vụ người đàn ông. Tất cả những quy định ấy đã bóp nghẹt cuộc sống của người phụ nữ, hạn chế tất thảy mọi cơ hội phát triển của họ. Đặc biệt với những đối tượng hủ nho thì người phụ nữ chỉ được coi như là một thứ công cụ trong tay người đàn ông.  
Sự thất bại về giới trong tương quan vị thế xã hội nam – nữ đã đẩy người phụ nữ Việt vào tình trạng bị coi rẻ, không được ghi nhận mặc dù họ vẫn sống, làm việc đến cạn kiệt sức mình vì cái gọi là “gánh vác giang sơn nhà chồng”. Không ít nơi, ít hoàn cảnh nhiều mảnh đời người phụ nữ từ quý tộc tới bình dân đều lâm vào cảnh tượng thê thảm: Dương Vân Nga mặc dù có công lao lớn trong việc nội trị để chèo chống triều đình lúc ngàn cân treo sợi tóc, nhưng khi đã chết rồi, tượng thờ bà vẫn bị vua quan nhà Lê lôi từ đền thờ vua Đinh sang đền thờ vua Lê; Trần Thị Dung, Nguyên Phi Ỷ Lan là những người phụ nữ xuất sắc là vậy nhưng vẫn không khỏi bị các sử gia phong kiến chê bai này nọ; Trần Huyền Trân bị gả cho chúa Chiêm vì mục đích chiếm đất, sau được cứu về nhưng cũng phải khoác áo đi tu; Công chúa An Tư góp phần làm thư nạn nước nhưng không một  dòng sử chính thống nào ghi chép về nàng chết sống ra sao sau kháng chiến chống Nguyên Mông; nữ tướng Bùi Thị Xuân bị Gia Long cho voi dày ngựa xé khi bà bại trận; bà Hoàng Hậu của vua Quang Trung cũng bị vua quan nhà Nguyễn quật mộ sau khi đã mất… Cái ý thức trọng nam khinh nữ này vẫn còn kéo dài tới tận những năm đầu thế kỉ XX, thậm chí vẫn còn đầy rẫy trong tiềm thức, ý thức người đàn ông thời nay, tất cả những cảnh tượng ấy, những đau khổ ấy của phụ nữ đều bị những thứ nhân danh quân tử trực tiếp hay gián tiếp sát hại. Nhiều ghi chép của người nước ngoài khi đến VN hồi đầu thế kỷ XX rất ngạc nhiên về tình thế này của phụ nữ Việt: “những người Đàng ngoài không biết ghen tuông và ít quan tâm đến phụ nữ, thậm chí họ đã đem gả bán cho những người nước ngoài hoặc đem dâng tặng cho những người mà họ quý trọng” [1].  Trong giới trí thức nam giới đầu thế kỷ XX khi mà tư duy phương Tây đã ít nhiều ảnh hưởng thì việc người phụ nữ dám sống cho mình và tham gia hoạt động xã hội, đăng đàn diễn thuyết như Nguyễn Thị Kiêm vẫn còn bị nhiều đấng mày râu có học hành tìm đủ phương tiện thông tin để giễu cợt bà. Thậm chí cho đến hôm nay thì tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành bởi chồng và cha của mình vẫn còn rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Số liệu của các Viện kiểm sát các tỉnh cho biết 18/ 53 tỉnh thành phố có tới 11.603 vụ đánh đập hành hạ vợ và con gái (báo cáo tổng kết sau 8 năm thực hiện luật hôn nhân gia đình 1987- 1994. Khảo sát của Vũ Mạnh lợi (1999) cho biết có tới 10 - 25% người vợ (trong các gia đình từ nghèo – giàu) bị đánh đập; báo phụ nữ thành phố HCM (15/1/ 2003) cho biết trong 1.165 ca bạo hành gia đình thì 43,6% là phụ nữ bị bạo hành về thể xác, 55,3% bị bạo hành về tinh thần[2]
Trong bối cảnh văn hóa và tâm lý xã hội ấy người phụ nữ Việt chắc chắn chỉ có hai lựa chọn, một là yếu đuối gục ngã và hai là mạnh mẽ đứng lên. Xã hội Việt Nam trung đại đã chứng kiến vô vàn cả hai cảnh sống ấy vì thế mà những gương mặt phụ nữ tiêu biểu ở Việt Nam có cả Nguyên Phi Ỷ Lan để có thể thực thi được những hoài bão củng cố vương triều, xây dựng quốc gia cường thịnh, bà đã dám mạnh mẽ đứng lên giành lấy vị thế và chỗ đứng cho mình và cũng có cả người phụ nữ chỉ biết than khóc sầu bi trong “cung óan ngâm khúc”. Nhưng có một điều nhận thấy rất rõ là dù than khóc hay mạnh mẽ đứng lên thì một xu hướng chính và đích thực của người phụ nữ Việt, của văn hóa dân gian người Việt vẫn cứ là tìm mọi cách để khẳng định vị thế của giới nữ. “Ba đồng một mớ đàn ông/ đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ ba trăm một mụ đàn bà/ đem về để trải chiếu hoa cho ngồi” (ca dao) chính là tiếng nói ấy. Quả nhiên, khi hệ tư tưởng Nho giáo bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thực hành quản trị đất nước thì văn hóa dân gian với những thực hành tôn giáo thờ nữ thần lại trỗi dậy và lần này thì được cấu trúc lại và đàng hoàng bước lên vị trí cao hơn vị trí nữ thần ban đầu: Quốc Mẫu/ Mẫu nghi thiên hạ với nhân vật trung tâm Liễu Hạnh – Thần chủ đạo thờ Mẫu ở người Việt.
 Sự tái cấu trúc và xuất hiện của Mẫu Liễu ở thế kỉ cuối XVII- XVIII đã cho thấy rõ ràng một ý thức mãnh liệt của dòng văn hóa Mẹ và nhu cầu đòi được tôn trọng của một nửa thế giới. Sau biết bao thế kỉ bị trói buộc bởi giáo lý phong kiến, bị tổn thương, bầm giập trong chiến tranh nhưng ý thức ấy vẫn bền bỉ tồn tại và được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa tâm linh để rồi đúng thời điểm thích hợp nó vượt lên để đòi lại vị thế của giới mình trong văn hóa dân tộc. ở đây rõ ràng ý thức về giới đã được nuôi dưỡng để trở thành khát vọng và cuối cùng “sự đăng đàn” của hiện tượng “lên đồng thờ mẫu nồng nhiệt” trong vài chục  năm trở lại đây có lẽ chỉ là thao tác hiện thực hóa khát vọng đó. 
2.2. Nghi lễ lên đồng & những giá trị cơ bản
Nghi lễ lên đồng hầu bóng là một thực hành tôn giáo chính và cơ bản nhất trong thờ Mẫu ở Việt Nam. Có thể nơi này, nơi kia có những khác biệt đôi chút, cũng như có cả khác biệt giữa lên đồng thuộc dòng phù thủy và lên đồng thuộc dòng đồng cốt, nhưng cái mà chúng tôi bàn ở đây là giá trị của thực hành nghi lễ đối với con người và văn hóa Việt.
 Trong nhiều hoạt động thực hành tôn giáo của người Việt thì lên đồng hầu bóng là một thực hành tôn giáo hết sức đặc biệt. Nó đặc biệt không chỉ bởi đó là thực hành thờ thánh/ thánh Mẫu với những trang phục, hóa trang hết sức sinh động mà còn ở những khả năng/chức năng liên kết xã hội, trị liệu tâm lý, nâng đỡ con người tạo ra cho người thực hành một thứ quyền lực mềm vì thế nó đặc biệt thu hút phụ nữ và nhóm xã hội yếu thế. Điều này tạo ra giá trị của nghi lễ và giải thích sự tồn tại bền bỉ quả nó qua bao năm tháng thăng trầm.
Từng bị cấm đoán, bị tẩy chay, bị đặt ra ngoài lề của các bàn luận về tôn giáo dân tộc, thậm chí ngay cả dưới thời phong kiến, trong khi cả người đứng đầu tham gia hoặc đích thân đăng đàn cúng thần trời, thần đất với những nghi thức hô phong hoán vũ… nhưng gần như chưa triều đại phong kiến chính thống nào ở Việt Nam lại thừa nhận và cho tổ chức lên đồng, hầu bóng. Nhiều giai đoạn lên đồng bị cấm gắt gao, người đồng cốt bị truy đuổi, quý tộc phong kiến người nào dám mời đồng cốt về tư dinh làm lễ lập tức bị trừng phạt tôi mưu phản. Lệnh cấm đồng cốt của Vua Lê lợi khi vây thành Đông Quan; việc bắt và giết đại thần Lê Ngân chỉ vì đưa mụ đồng họ Nguyễn vào tư dinh để làm lễ cầu cho con gái[3]; hay các cuộc đập phá hủy điện thờ có tổ chức lên đồng những năm sau cải cách ở Miền bắc…đều là những hành vi tả đạo như vậy. Nhưng rất lạ lùng là lên đồng, hầu bóng vẫn đươc duy trì, vẫn sống trong đời sống tâm linh dân gian, đến nay thời của kinh tế tri thức thì thực hành lên đồng vẫn nổi lên như một hiện tượng xã hội.
Phải thừa nhận rằng có nhiều điểm tồn nghi xung quanh nghi lễ lên đồng; cũng có cả những nảy sinh tiêu cực trong việc lợi dụng tính mờ của nghi lễ để trục lợi của nhiều cá nhân; gần đây nhất thì có cả sự biến tướng, lệch chuẩn khi thực hành nghi lễ, thậm chí cả kinh doanh nghi lễ. Nhưng nghiên cứu sâu và thực sự nghiêm túc về nghi lễ này cũng phải thừa nhận rằng việc thực hành nghi lễ lên đồng, hầu bóng vẫn có những giá trị nhất định. Ở phương diện nào đó nó vẫn phù hợp, phát huy được tác dụng đặc biệt với tâm lý, tính cách người Việt trong bối cảnh xưa cũng như nay.
Thứ nhất: đến với thực hành lên đồng, hầu bóng các đối tượng xã hội là phụ nữ và nhóm những người dễ bị tổn thương dễ dàng tìm thấy được chỗ dựa trong một cộng đồng cùng đức tin. Cộng đồng đó tồn tại với danh xưng Bản Hội, trên thực tế họ là một nhóm xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo thành một mạng lưới xã hội. Từ việc cùng nhau tham gia thực hành nghi lễ, họ trở thành bạn, thành đối tác làm ăn, thậm chí thành bạn tình. Niềm tin vào thánh thần chuyển hóa thành niềm tin vào nhau, sự hỗ trợ nhau trong thực hành nghi lễ đã tạo ra hiệu ứng trách nhiệm tương hỗ qua lại, điều này đã thúc đẩy các cá nhân liên kết và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Từ phương diện này quan hệ trong cùng một bản hội đã tạo ra vốn xã hội cho các thành viên. Nhờ đó mà công việc kinh doanh, làm ăn có thể tốt hơn lên do có thêm nhiều mối quan hệ.
Thứ hai: Trong thực hành nghi lễ lên đồng đã tạo ra những cảm xúc mang tính thẩm mỹ cao. Với môi trường diễn xướng đặc biệt (không gian tâm linh/ thần thánh) bằng việc thay đổi các trang phục khác nhau người thực hành nghi lễ không phải tế lễ thánh thần mà trở thành/ vào vai thánh thần. Sự xuất hiện dù là thật hay không thật của thánh thần trong nghi lễ thì trong tâm thế những người xung quanh dự lễ vẫn phải là quy tắc bất di bất dịch: Kính trọng. Như vậy, việc thực hành nghi lễ đã đảo chiều ứng xử: chồng vẫn phải lạy vợ; anh vẫn phải lạy em, nam vẫn phải vái lạy nữ… (với xung quanh là lậy thánh); và dù là bất kì ai, thân phận thế nào lúc “thánh nhập” như vậy các chủ thể Đồng hoàn toàn có uy quyền và được thể hiện  quyền uy của mình. Ở điểm này thực hành nghi lễ đã tạo ra quyền lực, cân bằng lại vị thế xã hội và xoa dịu những tổn thương, bầm giập mà hằng ngày trong đời thường nhiều cá nhân phải chịu đựng[4].
Thứ ba: Trong lên đồng khi chịu tác động trực tiếp của âm nhạc với những điệu thức đặc biệt, các động tác nhảy đồng đưa con người ta rơi vào trạng thái giống như thiền động. Nhờ đó cảm xúc bị dồn nén được phóng thích khai mở mà điều chỉnh được tâm lý và đưa con người ta trở về trạng thái cân bằng. Không ngoại trừ có những trường hợp chủ thể (người lên đồng) mà có bệnh (do bị ám thị; tự ám thị hoặc mắc các chứng bệnh về tâm thần ở thể nhẹ như rối loạn cảm xúc ở các thể hưng cảm hoăc trầm cảm) được thăng hoa (do tác dụng của âm nhạc, chất kích thích, và sự tung hô tán thưởng của người hầu đồng) mà khỏi bệnh. Đó là chưa kể cá biệt có những căn đồng thực sự là người nhạy cảm, có mầm mống khả năng xuất hiện tâm linh, khi rơi vào trạng thái hưng phấn ở cường độ cao họ có thể lĩnh hội/khai mở được những khả năng phi thường đột xuất: Cảm nhận được sóng âm, nhìn thấy, nghe thấy những hình ảnh, ngôn ngữ mà người bình thường không nhìn thấy hoặc nghe thấy…
Đó là chưa kể đến những tác dụng ngoại ý khác như: Việc thực hành nghi lễ đã như một hình thức cầu kích thích nguồn cung là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo như may thêu khăn áo, làm vàng mã. Nghiên cứu của tôi đã cho biết việc làm những mặt hàng này đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người là phụ nữ đã từng rơi vào tình trạng không có bất cứ một nguồn thu nhập nào trong khi trách nhiệm gánh vác gia đình vẫn đè nặng lên đôi vai gầy của họ[5]. Bên cạnh đó thực hành nghi lễ giống như một bảo tàng sống nó không chỉ bảo lưu lại quá khứ vàng son của lịch sử những ông hoàng bà chúa ở Việt Nam mà còn có tác dụng bảo tồn các di sản văn hóa dân gian người Việt. Đó là chưa kể đến sự tồn tại của lên đồng thờ Thánh/ thánh Mẫu ở người Việt/ Việt Nam như một sự khẳng định tất yếu tính dị biệt văn hóa giữa phương Nam và phương Bắc.
3. Kết luận:
Trong bối cảnh văn hóa nông nghiệp lúa nước thì cũng nảy sinh tâm lý trọng vai trò của người phụ nữ. Thực tế đã cho thấy những đóng góp, những hy sinh của nhiều thế hệ phụ nữ để duy trì một nền tảng gia đình truyền thống ba, bốn thế hệ được yên ấm và cũng tạo nên một xã hội khá yên ổn với thiên hướng bảo tồn. Với vai trò ấy người phụ nữ đã từng được nâng lên ở những vị trí xứng đáng trong thế ứng xử của gia đình, xã hội, nhưng cũng từng bị dập vùi xuống, bị đứng ngoài lề của sự phát triển xã hội, bị khu biệt hóa, bị ngoại biệt trong việc trao cho những cơ hội và mở rộng cơ hội. Tổn thương tâm lý mang tính xã hội đã khiến nhiều thế hệ phụ nữ bị mặc cảm và lãng quên ý thức về bản thân và không muốn/ không dám tự khẳng định giá trị của mình. Nhưng thẳm sâu trong tiềm thức/ vô thức của giới vẫn nhắc nhở về một nhu cầu cần được khẳng định và phô diễn. Phải chăng đó chính là lý do để lên đồng, thờ Mẫu chưa bao giờ tàn lụi trong văn hóa dân gian người Việt./.
Các tài liệu tham khảo
1. L. Cadière “Les européens qui out vu le vieux Hué: Gemalli Careri”, (Về vương quốc Đàng Ngoài và kinh thành kẻ chợ) Tạp chí B.A.V.H số 3 1930 (tr 236).
2. Lê Quý Đôn , Lê triều thông sử, nxb VHTT.
3.Nguyễn Ngọc Mai (2000), Tìm hiểu biểu tượng màu sắc trong tín ngưỡng Tứ phủ, tạp chí nghiên cứu ĐNÁ . sô 2
4.Nguyễn Ngọc Mai (2001), Bước đầu tìm hiểu trang phục trong tín ngưỡng thờ mẫu, tạp chí VHNT, số 6
5.Nguyễn Ngọc Mai (2009), Mạng xã hội của những căn đồng, tạp chí nghiên cứu Con người. Số 3
6. Nguyễn Ngọc Mai (2009), Mối liên hệ giữa lên đồng (Việt) và múa Bóng (chăm) tạp chí nghiên cứu văn hoá. Số 2
7. Nguyễn Ngọc Mai (2010), Lên đồng ở châu thổ bắc bộ, và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí văn hoá nghệ thuật, số 6
8.Nguyễn Ngọc Mai (2010), Nghi lễ lên đồng và mối quan hệ với nhóm xã hội đặc thù. Tạp chí nghiên cứu Con người. Số 3
9.Nguyễn Ngọc Mai (2013) Tác động của kinh tế thị trường đến thực hành nghi lễ lên đồng ở đồng bằng bắc bộ, số 351- 352 (tháng 9- 10).
10.Nguyễn Ngọc Mai (chuyên khảo 2013) Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb VHTT
11. Nguyễn Ngọc Mai (4/2014), Múa lửa trong nghi lễ lên đồng. Tạp chí nghiên cứu tôn giáo. Số 4
12.Nguyễn Ngọc Mai (2015) The phenomeno of Mountain God Worship and Vietnamese Attitudes,Journal of Mountain and Humanities, mã số ISSN2465- 8162, Korea/ 2015. Institute of Mt.Jirisan Region Cutural studies, Sunchon National University, Korea.
13. Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh ( 2009) Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Nxb KHXH
14.Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb TP HCM.
15. Tương Giang Thị (1934), "Phong hoá đất Hà Thành", Tạp chí Nam phong (197)
16. Hoàng Bá Thịnh (2009), "Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn", Tạp chí Xã hội học (1).
17.  Ngô Đức Thịnh (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam. Nxb Văn hoá thông tin.
18. Ngô Đức Thịnh chủ biên (2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở VN và châu á, Nxb Khoa học xã hội.
19.Lê Thị Nhâm Tuyết (1975) Phụ nữ Việt Nam qua các đời, Nxb KHXH
 

[1] L. Cadière “Les européens qui out vu le vieux Hué: Gemalli Careri”, (Về vương quốc Đàng Ngoài và kinh thành kẻ chợ) Tạp chí B.A.V.H số 3 1930 (tr 236).
[2] Nguyễn Hứu Minh, Trần thị Vân Anh (2009) Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Viêt Nam, Nxb KHXH, tr 45- 47.
[3] Xem thêm: Lê Quý Đôn, Lê triều thông sử, nxb VHTT, tr70.
[4] Những đối tượng phụ nữ bị tổn thương và những đối tượng thuộc giới tính thứ 3 khi lên đồng thường thừa hưởng được những hệ quả này của thực hành nghi lễ mà có lại được cuộc sống/ đời sống tâm lý bình thường
[5] Các nghiên cứu của tôi cho biết rất nhiều những căn đồng tìm đến với lên đồng không phải vì căn cao số nặng mà là vì muốn tìm sinh kế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Kinh nghiệm và Thành tích nghiên cứu của TS Nguyễn Ngọc Mai

1. Kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu trong 5 năm gần đây  1.1. Hướng nghiên cứu chính theo đuổi: * Văn hóa dân gian ;  Văn hóa Hà Nội; * Các loại hình tôn giáo truyền thống * Các vấn đề văn hóa, xã hội 1.2. Danh sách đề tài/dự án nghiên cứu tham gia và chủ trì thực hiện có liên...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,592
  • Tháng hiện tại22,597
  • Tổng lượt truy cập6,940,095
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây