Trang web cá nhân của TS Nguyễn Ngọc Mai - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

http://khaitue.edu.vn


Mạng lưới xã hội của những tín đồ thực hành nghi lễ lên đồng thờ thánh ở Châu thổ Bắc bộ từ cái nhìn nhân học

Lâu nay khi nghiên cứu về tôn giáo nói chung thì hầu hết là các nghiên cứu mô tả và nếu có luận giải cũng chủ yếu theo cách nhìn nhận mang tính chủ quan của nhà nghiên cứu, vì hầu hết những nhà nghiên cứu tôn giáo hiện nay đều không phải là tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào. Điều này có thuận lợi là làm cho các lý giải khá khách quan, có tính khoa học, nhưng mặt khác cũng bộc lộ nhiều phiến diện do cách tiếp cận nhìn từ bên ngoài vào. Điều này không trách khỏi có những phản ứng từ chính các tín đồ tôn giáo.
Một buổi lên đồng
Bài viết này sẽ tập trung lý giải về cơ cấu tổ chức, quá trình vận hành và những hoạt động tương tác của các thành viên trong bản hội của những người thực hành nghi lễ lên đồng trong đạo thờ thánh ở VN. Những phân tích về động cơ  gia nhập bản hội; mối liên hệ và sự cố kết các thành viên trong cộng đoàn tín đồ có kết cấu tiền tổ chức tôn giáo này hoàn toàn từ cách nhìn của người trong cuộc để thấy được rõ hơn bản chất cũng như những được, mất mà một tín đồ tôn giáo có được khi tham gia vào thực hành nghi thức tôn giáo đặc biệt này.
Đồng Thầy với t­­ư cách là hạt nhân của một mạng  l­­ưới xã hội
 Mỗi điện tư gia hay điện công của các Đồng Thầy đều hình thành một mạng lưới các quan hệ xã hội với nhiều thành viên khác nhau mà hạt nhân ban đầu là Đồng Thầy. Song song với quá trình hành lễ của các Đồng Thầy cũng là quá trình bản hội ngày một phát triển. Đi sâu vào cấu trúc và sự điều tiết của các bản hội cho thấy quy luật cạnh tranh của KTTT cũng thể hiện rất rõ trong việc hình thành và phát triển của các bản hội. Sự cạnh tranh  này bao gồm cả về chất lượng cũng như về số lượng.
 Về số lượng là sự gia tăng các thành viên trong bản hội. Với việc tạo dựng nên một mạng lưới các quan hệ cho riêng mình các Đồng Thầy  tạo ra một bản hội riêng, bản hội là một tập hợp người xung quanh Đồng Thầy và trợ giúp Thầy trong thực hành nghi lễ. Thực tế cho thấy một nghi lễ lên đồng bao gồm rất nhiều yếu tố cấu thành: khăn áo, Cung văn (âm nhạc), điện thờ, lễ vật, hầu dâng và các thành viên trong bản hội. Vì vậy một mình Thầy Đồng sẽ không thể tiến hành được nghi lễ nếu không có các thành viên  khác tham gia cho dù với tư cách trợ giúp (hầu dâng) hay làm các phần việc chuẩn bị (bày biện trang trí điện thờ, lo cơm nước, mua sắm lễ lộc) và  cung ứng chất  liệu cấu thành cho buổi lễ (trang phục, vàng, mã) cũng như cổ vũ canh hầu (khách mời). Để có thể hoạt động được trong lĩnh vực thực hành nghi lễ của mình các Thầy Đồng phải tạo lập cho mình một mạng lưới gồm những đối tượng có khả năng cung ứng đầy đủ các vật phẩm đáp ứng yêu cầu bắt buộc của một buổi thực hành nghi lễ. Để làm được điều đó, đương nhiên các Thầy Đồng phải thiết lập một mạng lưới các quan hệ xã hội gồm những cá nhân có khả năng đảm nhiệm các phần việc khác nhau cũng như có thể cung ứng các thành tố tạo nên các công đoạn khác nhau cho cuộc lễ.
Cho dù nghi lễ dưới bất kỳ hình thức nào dù là hầu vui, hầu chứng đàn thì vẫn cần phải có những đối tượng nhất định không thể thiếu đó là Cung văn, hầu dâng, người phục vụ và thầy cúng. Những người này sẽ là những thành viên đầu tiên của mạng. Số lượng này sẽ gia tăng theo thời gian Đồng Thầy hành nghề, lúc đầu các Đồng Thầy có khi chỉ có 1- 2 địa chỉ làm mã, hay Cung văn song khi hành nghề càng lâu năm các Đồng Thầy càng nhiều kinh nghiệm, có uy tín thì số lượng người theo lễ càng đông và cơ sở dịch vụ làm vàng mã nhiều khi còn tự đến tiếp thị, qua quan hệ giữa các Đồng Thầy với nhau các Đồng Thầy có thêm các Cung văn mới với những “đẳng cấp” khác nhau để trưng dụng vào các cuộc lễ với quy mô khác nhau: Cung văn hạng thường sử dụng cho những cuộc lễ quy mô nhỏ, Cung văn có danh hiệu (thường là các nghệ sĩ có phẩm hàm) cho những canh hầu có quy mô lớn. Trong bản hội không giới hạn về số lượng có thể có tới vài ba chục thành viên với Đồng Thầy mới, cũng có khi tới hàng trăm thành viên với những Đồng Thầy lâu năm.
Tất cả các thành viên trong bản hội tập hợp xung quanh Đồng Thầy và có mối liên hệ khá mật thiết với nhau tạo nên một mạng lưới các quan hệ  xã hội được các nhà nhân học gọi là mạng xã hội (social nework). Ở đây là mạng xã hội của những căn Đồng. Mạng xã hội của những căn Đồng cũng được cấu trúc bởi các thành viên là đệ tử của Đồng Thầy, họ cũng có  mối liên hệ thường xuyên với nhau và với Đồng Thầy. Quá trình thâm nhập sâu vào những tổ chức bản hội, nhận thấy về hình thức các quan hệ của những thành viên trong bản hội giống như những mạng lưới xã hội (MLXH).
* Một số đặc điểm MLXH của các căn Đồng
- Các mối quan hệ không hoàn toàn là bình đẳng thể hiện:
 Quan hệ giữa Đồng Thầy với Đồng lính và con nhang nói chung là mối quan hệ trên dưới, giữa Đồng Thầy - Đồng lính và con nhang; quan hệ giữa các Đồng lính với nhau là quan hệ hàng ngang. Mối quan hệ này ngày càng được củng cố bởi những chu kỳ gặp gỡ nhau- các cuộc lễ hầu đồng của Đồng Thầy hay Đồng lính. Quá trình thâm nhập bản hội và các thành viên có thể rút ra một vài đặc điểm như sau:
Bản hội có sơ đồ hình mạng, với hạt nhân ở giữa và các thành viên xung quanh ( hình 3).
a2
 
+ Bất kỳ cuộc hành lễ nào tại điện của mình Đồng Thầy cũng thông báo cho tất cả những Đồng lính, con nhang, đệ tử của mình đến để hưởng lộc Thánh
 + Phục vụ (hát hầu, dâng khăn áo, nấu cơm, làm các việc khác) vô điều kiện mà không nhất thiết phải có một điều kiện nào.
+ Giúp nhau cắt đặt các việc trong buổi lễ; khi tham dự bất kỳ một cuộc hầu vui nào của Đồng Thầy họ đều có tiền mừng (một hình thức giúp đỡ).
-  Trong một bản hội họ cũng có những quy ước không thành văn với nhau:
giữa các thành viên trong mạng là bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau, các thành viên trong bản hội thường xuyên liên hệ với nhau, thường tổ chức thành từng đoàn đi lễ xa.), Hành vi ứng xử trong một bản hội có quan hệ hàng dọc ( trên- dưới) và quan hệ hàng ngang (bình đẳng- 
+ Trung thành với bản điện đó, sự trung thành sẽ qua những sàng lọc tự nhiên  và yêu cầu của mỗi cá nhân (có người thích điện to, phủ lớn, Đồng sang, lộc nhiều; có người thích chủ điện là phải ngay thẳng, thật thà, không lèo lá, biết giữ chữ tín...đôi khi chỉ từ những ngẫu nhiên trong cuộc sống các Đồng lính gặp may mắn cũng cho rằng điện này thiêng hơn điện kia và yếu tố thiêng cũng là một tiêu chí chọn lựa của các con nhang, đệ tử.  Khi xác định được điện chính cho mình, thì chỉ cần Đồng Thầy gọi điện thoại là những người làm đồ mã mang lên đúng hẹn, đúng yêu cầu mà không cần phải mặc cả về giá, không cần phải lấy tiền ngay. Các đệ tử khác cũng vậy khi Thầy gọi và nói ngày ấy có buổi lễ là họ bỏ tất cả công việc của cá nhân, gia đình để đến phục vụ buổi lễ. Các Cung văn mặc dù họ đi hát rất nhiều nơi, nhiều điện, họ vẫn  chọn cho mình một Đồng Thầy, một điện làm cơ bản và trung thành với điện đó. Sự trung thành  thể hiện ở chỗ họ không câu nệ tiền lộc và tiền đặt cọc ở điện đó cho mình trong các cuộc lễ nhiều hay ít (khi mời các Cung văn đến hát cho các buổi lễ bao giờ Đồng Thầy cũng ấn định tiền cọc là bao nhiêu) và nếu cũng ngày hôm đó mà có điện khác mời tới hát hầu thì họ sẽ từ chối để phục vụ cho điện chính của mình, cho dù tiền cọc hay tiền lộc ở điện khác có cao hơn. Với mỗi Cung văn thì có tiêu chuẩn chọn điện chính cho mình khác nhau, có Cung văn thì chọn điện chính vì điện đó là nơi đã trình Đồng cho mình ( Đồng H – HN); có trường hợp Cung văn chọn điện chính không căn cứ điện to hay nhỏ mà Đồng Thầy phải là người tinh thông phép Đồng, có uy tín trong bản hội được nhiều người ca ngợi, con người đĩnh đạc, thật thà không lươn lẹo, bịp bợm (trường hợp Cung văn G – Triều Khúc. HN); có trường hợp chọn điện chính vì đấy là nơi nuôi dưỡng và tạo cơ hội cho cuộc sống của mình (các Cung văn ở phủ Dầy). Không loại trừ có những Cung văn chỉ thích chọn điện chính khi điện đó có nhiều tiền lộc cũng như tiền đặt…Tương tự như vậy một hầu dâng thạo nghề cũng có thể phục vụ cho rất nhiều Đồng Thầy, nhưng họ vẫn có một điện chính để ưu tiên và cũng ở điện này họ đều được mời gọi bất kỳ khi nào có lễ hầu.
-  Đây là mạng xã hội có tính mở  (xem hình 4)
Tính mở ở đây là những thành viên trong mạng này cũng có thể  tham gia với các mạng  khác. Điều này thể hiện rất rõ ở các hầu dâng và các Cung văn. Thông thường một Cung văn hay hầu dâng có thể phục vụ cho nhiều điện thờ khác nhau, điều đó cũng có nghĩa là một Cung văn có thể có rất nhiều Đồng Thầy thuê mời hát hầu, nhưng bao giờ họ cũng ưu tiên cho điện chính trong trường hợp trùng ngày.
      Tính mở của MLXH các căn Đồng còn thể hiện ở chỗ nó liên tục được gia tăng các thành viên mới, cũng có trường hợp mất đi các thành viên cũ. Chi tiết này thể hiện rất rõ tài năng tổ chức bản hội và phát triển mạng lưới của các Đồng Thầy. Đó cũng là biểu hiện của tính cạnh tranh giữa các hội. Thậm chí để tăng tính cạnh tranh nhiều Đồng Thầy sẵn sàng bỏ tiền làm lễ cho con nhang nếu con nhang đó có nhu cầu làm lễ trình Đồng nhưng không có tiền. Hiện tượng này thấy rất rõ ở những Đồng có đền to phủ lớn như Đồng Đ (phủ Dầy - NĐ), Đồng A (Sơn Tây - HN). Với cách cạnh tranh kiểu này làm tăng cường uy tín và thể hiện rất rõ tính hào hiệp của các Đồng Thầy, khiến danh tiếng lan càng xa, con nhang kéo về càng nhiều. Một kênh gia tăng thành viên khác là do các thành viên trong bản hội lôi kéo. Trên thực tế, nếu có cơ hội là các thành viên trong bản hội đều giới thiệu người mới cho Đồng Thầy và bản điện đó,  không loại trừ cả việc chê bai Đồng A, Đồng B mà thiên vị/ ca ngợi cho Đồng Thầy của mình, từ khía cạnh này các đệ tử của Đồng Thầy cũng có vai trò giống như lực lượng trung gian giữa Đồng Thầy, điện Thánh họ theo với thế giới bên ngoài. Bản hội cũng vì thế mà luôn có sự bổ xung thêm các thành viên mới. Sự giới thiệu này có khi là trực tiếp (đích thân đưa đến), hoặc gián tiếp (đưa địa chỉ, số điện thoại để người đó tự tìm đến gặp Đồng Thầy). Trường hợp mất đi đệ tử là khi Đồng Thầy đó quá tham lam, đạo đức không tốt, lèo lá, không trung thực và cũng “hành, làm tiền” các con nhang quá khi làm lễ cho họ, thì họ cũng bỏ bản hội đó mà tìm đến với bản hội khác.  Trên thực tế cũng có trường hợp sau khi gia trình Đồng ở một điện nào đó rồi, thậm chí đã sinh hoạt ở bản hội của Đồng Thầy đó vài ba năm nhưng Đồng lính đó thấy mình làm ăn vẫn không phất lên được; ốm đau nhiều, hoặc không thích tính cách của Đồng Thầy thì họ sẽ cho là “mình không hợp với điện đó, hoặc Thầy Đồng đó chưa làm đúng phép cho mình khi trình Đồng nênchưa hiệu nghiệm” (trường hợp Đồng N; Đồng Th. HN). Trong trường hợp này họ sẽ tìm đến với điện khác, Đồng Thầy khác để làm lễ trình Đồng lại. Trường hợp này gọi là tái đồng, sang khăn, sau khi đã tái Đồng họ nhập vào bản hội (mạng)  khác, đương nhiên là bỏ mạng cũ (hình 4).

 

* Một số nhận định về mạng lưới xã hội của các căn Đồng 
Từ những đặc điểm của mạng lưới xã hội của các căn Đồng như đã nêu ở trên cho thấy: nếu đem so sánh MLXH của các căn Đồng với những tiêu chí về MLXH[1] thấy có khá nhiều điểm tương đồng và tất nhiên là có cả những khác biệt do tính chất đặc thù của hình thức mạng và những chủ thể của nó. MLXH của những căn Đồng cũng được hình thành và tồn tại bởi các mối quan hệ và sự gắn kết giữa các thành viên với nhau và với Đồng Thầy.  MLXH của các căn Đồng cũng bắt đầu và luôn luôn được củng cố bằng niềm tin và sự hỗ tương. Tất nhiên niềm tin ở đây khác với niềm tin trong các mạng xã hội khác ở chỗ là niềm tin vào Thánh Thần và tin vào vai trò trung gian giữa Thần – người của Đồng Thầy. Từ niềm tin tôn giáo này họ chuyển hoá thành niềm tin vào nhau giữa các thành viên với lô gích vừa hợp lý, vừa phi lý “làm việc Thánh mà dối trá lừa lọc thì sẽ bị Thánh phạt” và “làm lễ hoá giải nghiệp chướng để  xin Thánh phù hộ cho cả đời mình ai lại đi mặc cả bao giờ”[88] là câu nói tác giả thường xuyên được các căn Đồng trả lời khi hỏi họ về việc mua sắm lễ vật hay đặt tiền cho các Đồng Thầy làm lễ cho. Từ đây cho thấy, khác với các mạng xã hội trong làm ăn mà các nghiên cứu Xã hội học, Nhân học đã công bố, niềm tin giữa các cá nhân trong MLXH này không phải được củng cố từ những quan hệ làm ăn lâu dài giữa các cá nhân với nhau mà được thiết lập ban đầu bằng niềm tin tôn giáo,  về sau thì dịch chuyển thành niềm tin lẫn nhau và tạo thành các quan hệ làm ăn tương hỗ dài lâu. Bên cạnh đó yếu tố tình cảm cũng là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trong trong việc cấu thành MLXH của những căn Đồng. Tình cảm ở đây không chỉ là tình yêu mến, quan tâm, thăm nom giữa những cá nhân với nhau trong các kì lễ Thánh, lễ tết, mà còn là những xung động tình cảm mà các thành viên có được, cảm nhận, lĩnh hội được trong mỗi canh hầu: họ được hoá thân, được giải phóng, được nghe ca hát, được hoà mình trong không khí vừa trầm mặc, linh thiêng vừa phấn chấn hồ hởi, nó giống như những thời khắc giao hoà của văn hoá cộng đồng mà ở đó những tiết tấu âm nhạc, diễn xướng thoả sức được bộc lộ làm thành sự hấp dẫn tự thân của nghi lễ và môi trường cho xúc cảm con người thăng hoa. Một yếu tố quan trọng nữa để tạo nên những kết cấu bền chặt của MLXH là sự hỗ tương lẫn nhau giữa các thành viên trong bản hội  và giữa các bản hội với nhau cũng thể hiện khá rõ thông qua những cách thức ứng xử hai chiều giữa Đồng Thầy và Đồng lính, con nhang đệ tử: Khi một đệ tử đã trình Đồng tại điện A nào đó thì bất kể những dịp lễ tiết nào dù có mặt hay không đệ tử đó thì Đồng Thầy điện A vẫn phải kêu cầu các Thánh phù hộ độ trì cho những đệ tử đó. Đây mới chỉ là chi tiết thể hiện trách nhiệm chăm sóc đời sống tâm linh, tinh thần;  về mặt vật chất thì cho dù Đồng Thầy điện A có tổ chức  hầu vui hay hầu chứng đàn cho bất kỳ một con nhang mới nào thì các đệ tử đã từng đội bát nhang (đội lệnh) hay trình lính tại bản điện A đều được mời đến dự lễ để cùng  hưởng lộc. Đó là chưa kể những tương tác trong làm ăn, cuộc sống: khi tổ chức một khoá lễ cho bất kỳ người nào, bao giờ Đồng Thầy điện A cũng ưu tiên lấy (mua hàng) của những đệ tử trong phạm vi bản hội của mình có quan hệ. Ngược lại các con nhang đệ tử và Đồng lính khi đã chung thuỷ với điện nào, Đồng Thầy nào thì cũng tìm cách lôi kéo những con nhang, đệ tử mới về cho Đồng Thầy của mình như đã trình bày ở trên[2]. Mặt khác, sự hỗ tương còn thể hiện ở sự liên kết giữa các Đồng Thầy với nhau, biểu hiện ở chỗ khi một trong số họ hầu vui, hay hầu chứng, đều mời nhau tới dự, khi tới dự không chỉ có phong bao mừng nhau được bắc ghế hầu (một hình thức giúp đỡ nhau) mà còn trao đổi, học hỏi nhau về bí quyết nghề nghiệp (cách múa đồng, cách thực hành các nghi thức, không hiếm các trường hợp còn là môi giới trung gian cho nhau trong các phi vụ làm ăn lớn…). Nhiều vấn hầu họ còn là  hầu dâng cho nhau. Chưa kể những hỗ trợ khác cho nhau trong hành nghề: ví dụ một Đồng Thầy có điện tư gia sẽ phải mượn cảnh tại đền lớn để hầu trình Đồng hay hầu  tiễn căn cho con nhang trong trường hợp con nhang có nhu cầu mở phủ ở đền to, phủ lớn.  Ngược lại nếu những chủ điện ở phủ lớn lại gặp con nhang nghèo hay những Đồng nghèo, lính khó không đủ tiền chi phí cho những canh hầu ở điện lớn thì Đồng Thầy ở đây lại giới thiệu về các Đồng Thầy ở điện tư gia. Để duy trì được quan hệ này cũng bao hàm cả yếu tố kinh tế (mỗi lần mượn cảnh để hầu như vậy Đồng Thầy thường phải có một khoản tiền đóng góp từ 500- 700 nghìn cho đền, phủ đó gọi là tiền giọt dầu). Ngoài ra, Đồng Thầy mượn cảnh cũng sử dụng người giúp việc, Cung văn của bản phủ/ đền nơi đó trong các công tác chuẩn bị, mọi thành viên trong  phủ/ đền (gồm cả Từ đền) đều được hưởng lộc phát và lộc tung trong canh hầu hôm đó.
Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các Đồng trong hệ thống mạng cũng rất đa dạng, có trường hợp Đồng Thầy chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi mạng nội bộ của mình, có trường hợp phạm vi ảnh hưởng của Đồng Thầy toả rất rộng vượt ra ngoài nội bộ mạng của mình mà vươn tới cả các mạng lưới khác ở trong và ngoài nước (Đồng Th/ Đền Dâu– HN và Đồng D, Đồng V Phủ Dầy/ NĐ là những trường hợp như thế). Quá trình điền dã tại hai địa bàn, tác giả cũng được các đệ tử của Đồng T (HN) cho biết, nhiều đệ tử của ông đã mang từ Ấn Độ về khá nhiều đồ dâng tiến cho điện tư của ông. Phỏng vấn sâu bà Đồng D (phủ Dầy –NĐ) cũng được biết có một số đệ tử ở Mỹ đã gửi về dâng tiến cho phủ nơi bà quản lý hàng trăm lá cờ đại trong lần bà tổ chức khôi phục lại lễ hội năm 1998. Ngày nay, hiện tượng những mối quan hệ tới nhiều vùng miền trong cả nước và quan hệ xuyên quốc gia đã không còn là chuyện mới mẻ với các thành viên trong MLXH của những căn Đồng. Có thể mô phỏng sự liên kết, phát triển của hệ thống mạng này như sau: (Hình5)

 
 

 
(Chú thích: Trong sơ đồ này toàn bộ các chấm A- B là kí hiệu các điện thờ Thánh tại các di tích văn hoá lịch sử; các chấm 1-2-3…kí hiệu là các điện tư gia. Các chấm còn lại  thể hiện các Đồng và  mối quan hệ của họ với nhau và với các điện thờ).
Tính chất nghề còn thể hiện rất rõ ở ý thức trong công việc và trong cuộc sống. Họ loại bỏ dần những công việc khác mà chuyên tâm hơn với nghề; những khi không đi hát họ thường hay tụ tập nhau lại từ 3- 5 người để luyện giọng, luyện tay đàn tay trống[3]. Lâu dần họ trở thành những nghệ sĩ dân gian và trưởng thành lên từ thực tiễn. Trong cuộc sống các Cung văn cũng thường xuyên duy trì các quan hệ qua lại với nhau theo địa phương và theo tầng lớp. Khi đi hát hầu họ thường chia theo cặp 2 người một tạo thành một ban vừa đàn, vừa gõ và cùng hát. Trong những trường hợp nếu canh hầu nào lớn, mà Đồng đòi hỏi phải có đủ cả các nhạc công họ sẽ gọi cho nhau để lập thành một ban có đủ cả Trống lớn, Trống nhỏ, Cảnh, Xênh, Phách, Đàn, Sáo. Tại những đền to, phủ lớn như ở phủ Dầy (NĐ) và đền Dâu (HN) các Thủ nhang ở đây còn lập thành những đội Cung văn chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp để phục vụ các Đồng từ khắp nơi về lễ Thánh. Theo một vài Cung văn hạng trung bình cho biết kể từ năm 2002 trở lại đây do sự trỗi dậy của lên đồng hầu bóng nên nghề hát văn cũng phát triển mạnh. Đơn cử với khoảng “trên 100 canh hầu / năm”[88], mà một Cung văn đã cung cấp đem nhân với số tiền là 700.000 đồng (tính trung bình) cũng đem lại cho họ nguồn thu đáng kể. Một Cung văn ở HN cũng tiết lộ cho tác giả biết tổng thu nhập từ hát văn của  anh chiếm 1/ 3 trong số tổng thu nhập của gia đình. Từ con số này cùng với sự nở rộ của lên đồng hầu bóng trong những năm gần đây cho thấy nghề hát văn đang là một trong những nghề “hot” cho những nghệ sĩ dân gian đô thị và những vùng quê có di tích thờ 2 vị Thánh Trần và Thánh Liễu Hạnh hiện nay. Chưa kể đến những yếu tố khác do quan hệ xã hội mang lại. Một Cung văn có thâm niên 20 năm hành nghề ở địa bàn HN cho biết hiện nay anh có quan hệ với khoảng 60 Cung văn và 100 Đồng các hạng khác nhau. Điều này cho thấy nghề hát văn không chỉ mang lại cho các Cung văn và gia đình họ những lợi ích về tinh thần, vật chất mà còn  mở rộng cơ hội cho họ trong cuộc sống thông qua các kênh quan hệ xã hội.
- Tham gia vào bản hội của các Đồng Thầy các con nhang đệ tử cũng có thêm những cơ hội làm ăn cho cuộc sống.
Trở lại nhân vật Đồng H (Tả Thanh Oai - HN) cũng cho biết buổi lễ thụ Đồng ở chùa B, cũng là dịp H chứng kiến Cung văn G hát hầu giá Đồng. Tận mắt chứng kiến khoản tiền lộc mà Cung văn được hưởng trong canh hầu đã mách bảo H một cơ hội  nghề mới. Với tư duy "năng động" của người làm nghề buôn bán nhỏ, H đã quyết định học thêm nghề hát văn để rồi trở thành một thành viên trong bản hội của Đồng Thầy là sư cụ chùa B. Hiện nay cô vẫn thường xuyên hát hầu giá tại chùa B mỗi khi có dịp sư cụ lên đồng hầu bóng. Ngoài ra cô cũng được Cung văn G cho đi theo hát những điện khác trong phạm vi HN. Điện nhà Đồng T (Định Công – HN) là một trong những điện cô thường xuyên cùng với Cung văn G biểu diễn. Tâm sự với tác giả, H cũng thừa nhận về những hệ quả mà cô có được sau khi tham gia vào bản hội lên đồng hầu bóng:“từ khi trình Đồng em thấy làm ăn cũng tốt hơn, Phật, Thánh độ cho em thuộc làu làu các bài hát văn”. Không những thế  thu nhập từ nghề hát văn của cô còn mang lại sự ổn định hơn cho kinh tế gia đình:"em nhớ lần đầu tiên theo thầy đi hát, lúc về thầy đưa em 400 ngàn, lần thứ hai em được 600 ngàn, nói chung là những người có căn quả  đi lễ là thích, có nhiều người không căn quả, ngườì ta không thích đâu"[86]. Trường hợp của Đồng M (Hàng Bông- HN) cũng là một  thí dụ. Chị thừa nhận mặc dù không thích tính cách của Đồng Thầy lắm, nhưng từ khi theo bản hội lên đồng hầu bóng thì cửa hàng bán quần áo thời trang của chị cũng đông khách hơn: "mình buôn bán cũng thuận lợi hơn, khi tham gia vào hội thì mình cũng quen biết thêm nhiều người thành thử ra nhiều người trong số đó cũng biết mình thiết kế và bán quần áo thời trang nên cũng đến cửa hàng mình, cửa hàng vì thế cũng đông khách hơn"[88]. Bà Ph làm nghề bán hoa quả ở bệnh viện Hữu Nghị cũng cho tác giả biết "kể từ khi theo điện nhà Thầy T, lần nào có lễ, Thầy cũng mua hoa quả cho cô, mỗi lần như vậy bằng vài ba buổi chợ"[88].
Trường hợp của Đồng Trần Đức Đ (Kim Thái - NĐ) cũng là những minh hoạ sinh động. Ông là người con đời thứ năm trong một gia đình có truyền thống làm vàng mã trước kia. Dưới thời bao cấp đền phủ tiêu điều vắng người hương khói thì nghề vàng mã của gia đình ông cũng bỏ. Từ sau đổi mới khi phủ Dầy mở hội trở lại thì đây cũng là cơ hội để gia đình ông nối lại nghiệp xưa. Bằng việc mở phủ trình Đồng cả hai vợ chồng ông đều trở thành thành viên trong bản hội của bà Đồng D, lẽ đương nhiên tất cả những mặt hàng đồ mã cần thiết cho những cuộc lễ tại phủ Mẫu  hầu hết do gia đình ông cung cấp: "làng này có tới 5 nhà làm mã cơ, nhưng bà (chỉ Đồng Thầy Trần Thị  D) cũng ưu ái nên hay lấy của gia đình nhà tôi. Ngoài ra thì cũng có khách ở các nơi do bà giới thiệu về đặt" [88]. Mặc dù mỗi lần lên đồng đều không đạt (bị gọi là Đồng lì, Đồng đá), vợ chồng ông Đ mỗi năm vẫn tổ chức lên đồng một lần. Vấn đề không chỉ là để thoả mãn đời sống tâm lý hay tâm linh mà "để tạ lễ Mẫu thôi, với lại mình cũng phải hầu  một lần để tán lộc lại cho bà và các cô các cậu ấy chứ"[88].
Thông tin từ vợ chồng người làm mã gia trình Đồng cho thấy mặc dù không thể lên đồng được, nhưng để duy trì quan hệ với Đồng Thầy, duy trì mối làm ăn (có ưu thế) trong bản hội, vợ chồng ông Đ vẫn gia trình Đồng. Vấn đề ở đây là với vị trí là thành viên bản hội thì ưu thế của gia đình ông trong việc bán hàng đồ mã sẽ cạnh tranh hơn các gia đình khác trong địa phương. Sự thật về những câu chuyện của "người trong cuộc" mà tác giả có dịp tiếp xúc cho thấy mỗi căn Đồng là một hoàn cảnh, một câu chuyện éo le ngang trái, đến với lên đồng hầu bóng không chỉ là cơ hội cho con người ta tiếp xúc với cái thiêng mà còn là cơ hội để những người cùng niềm tin, cùng ý thích, sở cầu sở nguỵện  được  gặp nhau, qua đó cũng mở rộng cơ hội cho con người có  dịp giao lưu, học hỏi và mở rộng cơ hội làm ăn trong cuộc sống.
Quá trình thâm nhập bản hội và kết thân với các Đồng Thầy, Đồng lính, được các Đồng Thầy cho biết việc phát lộc, phát tiền cho mọi người trong cuộc lễ đó còn được giới đồng bóng coi là một hình thức “tán lộc”. “Tán lộc” được hiểu giống như cho lại (lộc bất tận hưởng theo quan niệm dân gian) và phân phối lại (theo quan niệm hiện đại).  Việc “tán lộc” theo các Đồng Thầy cho biết có ý nghĩa hết sức quan trọng ở chỗ nó chia đi cái hạn, cái tai ách, cái tội lỗi của họ. Về chi tiết này được các Đồng giải thích như sau: “ông A bà B…nhận lộc của tôi, tức là ông bà đó đã gánh đỡ bớt cho tôi cái tội, cái nạn”[88]. Cũng như vậy hành động vợ chồng bà Đồng D (NĐ) làm khá nhiều việc từ thiện cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Từ góc độ này, việc “tán lộc” trong lên đồng vừa có ý nghĩa hết sức nhân văn song cũng lại vừa mang tính tâm linh rất rõ, nó khiến người nhận cũng vui vẻ bởi ý nghĩ sẽ “sở cầu tất ứng” (do đó là lộc Thánh ban), mà người cho cũng hỉ xả vì trút được gánh nặng tinh thần. Như vậy, cả hai đối tượng, chủ thể (người lên đồng) và khách thể (người dự hầu đồng) đều được nhận lại  và đều có cho đi. Có đi và có lại là sòng phẳng, mà sự sòng phẳng bao giờ cũng mang lại thanh thản!. Rõ ràng ở khía cạnh này, nghi lễ lên đồng với đặc tính riêng, đã tiến tới những giá trị khá nhân văn mà nhiều tôn giáo thời kỳ sơ khởi đã thể hiện. Điều này lý giải tại sao tốn kém đến vậy mà các căn Đồng ngày nay vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu để thực hành những canh hầu.
 
 
 

[1]  Xem phần tổng quan, mục phương pháp tiếp cận.
[2]  Bản thân tác giả khi đi nghiên cứu với tư cách là con nhang  cũng đã  bị vài ba đối tuợng Đồng lính rủ rê, lôi kéo và động viên tác giả về điện nơi họ đang theo để làm lễ trình Đồng.
[3]  Trong 3 lần tác giả đến phỏng vấn tại  nhà một Cung văn ở HN đều gặp cùng văn đó cùng các bạn hát đang ngồi luyện chơi nhạc chầu văn.
 

Tác giả bài viết: Phạm Quốc Tiến

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây