Trang web cá nhân của TS Nguyễn Ngọc Mai - Viện Nghiên cứu Tôn giáo

https://khaitue.edu.vn


Tác động của kinh tế thị trường đến thực hành nghi lễ lên đồng ở Đồng bằng Bắc Bộ VN

KTTT với tư cách “the third wave” đã và đang tác động khá mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội và đời sống kinh tế của con người Việt Nam nói chung. Từ lối sống, cách tư duy của con người VN cũng đã dần thay đổi theo hướng có lợi cho chủ thể.
Một buổi lên đồng

Việc thực hành các nghi lễ tôn giáo trong đó có nghi lễ lên đồng cũng đã và đang có nhiều điều chỉnh tự nhiên theo khuynh hướng của kinh tế thị trường (KTTT). Các điện thờ, từ điện công tới điện riêng, thậm chí ngay các chủ lễ cũng đã và đang tư duy theo hướng dịch vụ tâm linh hơn là thực hành nghi thức tôn giáo nhằm mục đích cứu sinh thông thường. Bài viết này sẽ là một phản hồi về những hiện tượng như vậy đang diễn ra tại đồng bằng Bắc Bộ VN (ĐBBB).
2.1.KTTT và những  nội hàm cơ bản
            Nói đến KTTT là nói đến một nền kinh tế được xác định bởi các thị trường tự do. Trên thực tế, thị trường được xác định bởi sự sắp xếp mà thông qua đó người mua và người bán có tiềm năng gặp nhau để trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Thị trường cũng có thể là một chợ của những người nông dân hoặc là một khu vực địa lý rộng hơn. Đó có thể là một cộng đồng địa phương, có thể là cả một đất nước, hoặc với một số mặt hàng nhất định (vàng, tiền tệ) thì  thị trường lại là cả thế giới. Trong nền KTTT, tài nguyên thiên nhiên và hàng hoá thường là sở hữu tư nhân, người mua và người bán đều có sự tự do kinh tế rất lớn, thông qua những hệ thống giao dịch khác nhau, người mua và người bán sẽ phát những tín hiệu để điều chỉnh lượng cung và cầu. Trong nền KTTT sự can thiệp của chính phủ là rất ít và mỗi cá nhân đều tự do theo đuổi lợi ích của chính mình. Họ nghĩ ra hàng hoá, sản xuất hàng hoá. Họ sẽ giàu lên nhưng cũng làm cho xã hội giàu lên bằng việc tạo ra cơ hội và việc làm cho xã hội. Thị trường còn là nơi thể hiện được các quyết định của các hộ gia đình về tiêu thụ, thay đổi hàng hoá gì, cũng như quyết định của các nhà sản xuất, các hãng sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, cộng với yếu tố thứ ba là quyết định của người lao động. Tất cả những yếu tố đó là mấu chốt cơ bản để làm nên giá thành sản phẩm và điều chỉnh các quan hệ cung cầu. Vì vậy “thị trường là sự sắp xếp mà thông qua đó giá cả sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố nguồn lực khan hiếm gồm lao động, đất đai và vốn”[2, tr.31]. Hay nói một cách khác “một nền KTTT là một mô hình trao đổi kinh tế dựa trên giá trị của hàng hoá và dịch vụ được xác định bởi cung và cầu của những hàng hoá đó”[2, tr.31]. Để xác định một nền KTTT phải thông qua ba quy luật kinh tế cơ bản: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh quy luật cung cầu. 
Một số nội dung trên đây có thể chưa nói hết được về đặc thù của nền KTTT,  trong khuôn khổ của bài viết không phải bàn về KTTT, mà chỉ nhìn nhận ở sự tác động của nó đến  thực hành nghi lễ lên đồng ở ĐBBB mà thôi.
2.2. KTTT và những tác động vào cơ cấu tổ chức bản hội của những người thực hành nghi lễ lên đồng.
Trong đời sống xã hội của các căn đồng hiện nay đều hình thành một mạng lưới các quan hệ xã hội với nhiều thành viên khác nhau mà hạt nhân ban đầu là Đồng Thầy, tổ chức này được gọi là bản hội. Quá trình tìm hiểu cấu trúc, sự điều tiết của các bản hội cho thấy quy luật cạnh tranh của KTTT cũng thể hiện rất rõ trong việc hình thành và phát triển mạng lưới xã hội này. Bằng việc thiết lập nên một mạng lưới các quan hệ cho riêng mình, các Đồng Thầy  tạo ra một  tập hợp các thành viên gồm những cá nhân có khả năng đảm nhiệm các phần việc khác nhau: Cung văn (phục vụ âm nhạc); hầu dâng (dâng khăn áo khi hành lễ), con nhang đệ tử giúp việc chuẩn bị (bày biện trang trí điện thờ, lo cơm nước, mua sắm lễ lộc), những người này sẽ là những thành viên đầu tiên của bản hội. Số lượng các thành viên này sẽ gia tăng theo thời gian Đồng Thầy hành nghề. Lúc đầu Đồng Thầy chỉ có 1- 2 địa chỉ làm mã, Cung văn, hành nghề càng lâu năm các Đồng Thầy càng nhiều kinh nghiệm, có uy tín thì số lượng người theo lễ càng đông. Quan hệ giữa các Đồng Thầy với nhau cũng bổ xung thêm các Cung văn mới với những “đẳng cấp” khác nhau để huy động vào các cuộc lễ với quy mô khác nhau: Cung văn hạng thường sử dụng cho những cuộc lễ quy mô nhỏ, Cung văn có danh hiệu (thường là các nghệ sĩ được đào tạo) phục vụ những canh hầu có quy mô lớn. Trong bản hội không giới hạn về số lượng có thể có tới vài ba chục thành viên, cũng có khi tới hàng trăm thành viên.
Các thành viên trong bản hội có mối liên hệ khá mật thiết với nhau tạo nên một mạng lưới các quan hệ  xã hội có cấu trúc giống như những mạng lưới xã hội (MLXH)[1].
Bên cạnh các yếu tố mang tính đặc trưng của một MLXH như niềm tin, sự hỗ tương nhu cầu cộng cảm mạng xã hội của những căn đồng còn có những yếu tố có tính chất đặc thù như: các mối quan hệ là không bình đẳng: quan hệ trên dưới Đồng Thầy – con nhang đệ tử); quan hệ hàng ngang (các con nhang đệ tử với nhau); Tính mở cũng là một đặc điểm nổi bật của các MLXH này. Tính mở thể hiện: những thành viên trong bản hội có thể  tham gia với bản hội (mạng) khác, phổ biến là các hầu dâng và cung văn. Sự liên tục gia tăng các thành viên mới và mất đi các thành viên cũ phụ thuộc vào tài năng tổ chức bản hội và phát triển mạng lưới của các Đồng Thầy. Đây cũng là biểu hiện của tính cạnh tranh giữa các bản hội. Để tăng tính cạnh tranh, nhiều Đồng Thầy sẵn sàng bỏ tiền làm lễ cho những con nhang nghèo khó[2]. Hình thức cạnh tranh này sẽ làm tăng cường uy tín và quảng bá cho tính hào hiệp của các Đồng Thầy, khiến danh tiếng lan xa, con nhang kéo về càng nhiều.
Để gia tăng tính cạnh tranh các Đồng Thầy điện công cũng như điện tư gia còn thể hiện khá nhiều các tài năng khác nhau nhằm mục đích tôn vinh và gia tăng tính thiêng cho bản điện. Một trong những kỹ năng đó là việc làm thiêng hoá di tích cũng như thể hiện tài năng thông linh của mình trong vai trò trung gian Đồng - Thần mà làm mạnh thêm tính thiêng của bản điện.
Câu chuyện về oai linh Thánh Mẫu  khu vực Phủ Dầy;  bức ảnh lớn về com bướm ngũ sắc đậu trên đầu giá ông Hoàng Bẩy; Thần Kim Quy về đón vong linh ông thủ nhang Đ (NĐ); Thánh Mẫu (dưới dạng mây ngũ sắc) về đón cha của Đồng L (Phủ Giầy/ NĐ) trong ngày an táng ông cũng là những thao tác như vậy. Những chi tiết này có thể ngẫu nhiên, cũng có thể hoàn toàn cố ý, nếu không cố ý thì niềm tin siêu lý thúc đẩy các tín đồ chụp lại ảnh con bướm đậu trên vành khăn của giá Hoàng Bẩy khi đang hành lễ và phóng to để trong nhà khách của Phủ mẫu cũng góp phần làm mạnh thêm tính thiêng của ngôi phủ vốn dĩ đã rất linh thiêng bởi văn hoá dân gian này. Câu chuyện người mặc áo vàng, cầm gươm về quát mắng Đồng T để lộ thiên cơ; bát hương tự bốc cháy trên điện tư gia(Định Công - HN); câu chuyện nhặt được túi tiền xu, đi lễ chùa Hương Cậu Cả theo về, Thánh báo cho cách làm ăn của Đồng H (Bưởi - HN); Đồng H (Trương Định - HN) có bà già đến nói những điều kì lạ; tự nhiên nhặt được pho tượng Phật ở điện của Đồng T (Gia lâm- HN) …là những mảnh ghép như vậy. Những chi tiết này đều nhằm mục đích làm hợp lý vai trò người được chọn của các Đồng mà thôi[3]. Các thao tác này có thể coi đó là những kỹ thuật thiêng hoá di tích của không chỉ một người, một di tích hay một vùng quê mà đã thành quy luật trong sáng tạo văn hoá tâm linh dân gian VN. Ngoài việc phải có một điện thờ với đầy đủ nghi trượng cần thiết, thì điều quan trọng là các Đồng phải thể hiện mối dây liên hệ của mình với Thần Thánh tức là thể hiện được vai trò trung gian giữa Thần và người của mình trong các lễ thức. Cảm giác “thấy hai vai nặng, khi giá Quan về ngự tự nhiên thấy mình trầm trì trang nghiêm, khi đến giá Cô thấy cảm xúc vui vẻ”[5]. Giải thích về điều này một Đồng Thầy từng tại ngũ trong quân đội nói:  “Quan giống như vị chỉ huy, mà đã là chỉ huy thì phải trang nghiêm thì lính mới nể sợ” [4]. Đây là một cách suy luận dân gian, mang màu sắc cá nhân rất rõ.
Ngoài ra, để củng cố cho vị trí của mình, và cũng là cách để điện thờ tư gia được "phát triển bền vững", các Đồng Thầy cũng rất chăm chỉ tự tìm hiểu và trang bị cho mình khá nhiều kiến thức về phong thuỷ, âm dương ngũ hành, tử vi đầu số, trường sinh học, tâm linh năng lượng.v.v…kết hợp với những tri thức dân gian về chữa bệnh mang tính vùng miền mà làm thành những “vốn” kiến thức về tâm linh riêng, đây cũng là những cách thức/chiêu cơ bản để chinh phục những con nhang đệ tử dễ bị xao động ngay từ buổi đầu gặp gỡ[4].
Sự cạnh tranh giữa các bản hội còn được hỗ trợ bởi các con nhang đệ tử là thành viên bản hội. Trên thực tế, nếu có cơ hội là các thành viên trong bản hội đều giới thiệu người mới cho Đồng Thầy và bản điện đó,  không loại trừ cả việc chê bai Đồng A, Đồng B mà thiên vị/ ca ngợi cho Đồng Thầy của mình. Từ khía cạnh này các đệ tử của Đồng Thầy cũng có vai trò giống như lực lượng trung gian móc nối giữa Đồng Thầy, điện Thánh  với thế giới bên ngoài. Bản hội cũng vì thế mà luôn có sự bổ xung thêm các thành viên mới (hình 4).

a1

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các Đồng trong hệ thống mạng cũng rất đa dạng, có trường hợp Đồng Thầy chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi nội bộ của mình, có trường hợp phạm vi ảnh hưởng của Đồng Thầy toả rất rộng vượt ra ngoài nội bộ mạng của mình mà vươn tới cả các mạng lưới khác ở trong và ngoài nước (Đồng Th/ Đền Dâu– HN; Đồng D, Đồng V Phủ Dầy/ NĐ là những trường hợp như thế). Ngày nay, hiện tượng những mối quan hệ tới nhiều vùng miền trong cả nước và quan hệ xuyên quốc gia đã không còn là chuyện mới mẻ với các thành viên trong MLXH của những căn Đồng. Có thể mô phỏng sự liên kết, phát triển của hệ thống mạng này như sau: 

a3

  (Chú thích: Trong sơ đồ này toàn bộ các chấm A- B là kí hiệu các điện thờ Thánh tại các di tích văn hoá lịch sử; các chấm 1-2-3…kí hiệu là các điện tư gia. Các chấm còn lại  thể hiện các Đồng và  mối quan hệ của họ với nhau và với các điện thờ).
2.3.  Những tác động của KTTT  đến  nghi lễ lên đồng hầu bóng.
Tư liệu điền dã trong nhiều năm tại khu vực ĐBBB cho thấy nghi lễ lên đồng hiện nay được thực hiện dưới 3 hình thức: Hầu vui (thực hành nghi lễ để tạ ơn thánh thần, thoả chí người chủ lễ và cũng là khao đãi bạn Đồng); Hầu Chứng đàn (thực hành nghi lễ để trình đồng cho con nhang đệ tử); Hầu trình trầu (thực hành nghi lễ để trình diện đức Thánh trong ngày huý, kị). Thành phần các hội viên trong MLXH của các căn đồng không còn đóng kín với những người có căn tính đặc biệt nữa mà mở rộng với nhiều cá nhân có căn và không căn; các nghi lễ đã không còn bó hẹp trong một hình thức khô cứng và bắt buộc là hầu đồng để bắt tà, trị bệnh mà rất phổ biến với các hình thức  hầu vui. Điều này cho thấy khi chủ thể thực hành nghi lễ đã thay đổi thì bản chất của nghi lễ cũng thay đổi theo.  Biểu hiện cụ thể:  tính tôn giáo nhập Thần cùng với những ma thuật kỳ quái đã dần dần bị thu hẹp (khi đối tượng Đồng mở rộng thì không phải ai cũng có thể làm được điều này). Người lên đồng ngày nay do tính chất căn số trở nên phổ biến nên không phải Đồng nào cũng có thể tạo nên những trạng thái đột khởi tâm lý tiềm thức khi lên đồng, vì vậy việc sử dụng, thậm chí lạm dụng các chất kích thích như rượu, chất kích thích, trầu cau, lửa, hương, màu sắc và đặc biệt là âm nhạc trong lên đồng hầu bóng để đạt được trạng thái phấn khích là phổ biến. Để thấy rõ hơn bản chất của hiện tượng lên đồng ngày nay và sự thay đổi về mặt bản chất cần phải chia chủ thể thành hai đối tượng: Lên đồng ở những cá nhân có đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt, nghĩa là khi lên đồng họ hoàn toàn không biết gì (Đồng mê) và lên đồng ở những cá nhân tự nhận mình có căn Đồng (Đồng tỉnh)
 * Lên đồng ở những cá nhân có đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt (Đồng mê)
Lên đồng ở dạng này là khi lên đồng chủ thể huy động được những trạng thái khác thường của cơ thể, chính những đối tượng này mới là Căn Đồng theo quan niệm của dân gian xưa. Những người lên đồng dạng này ở những thời điểm nhất định nào đó trong môi trường thực hành nghi lễ, nhờ trạng thái phấn khích đặc biệt của tâm lý mà  huy động được những tiềm năng tiềm ẩn trong con người, do vậy họ có thể làm được những hành động khác thường: khai mở một số huyệt đạo cơ thể mà đạt được trạng thái xung động mạnh mẽ về tâm lý, ý thức. Cơ chế này khiến cho các Đồng rơi vào trạng thái ngẫu nhiên mà cảm nhận được từ trường của vũ trụ (khi đó họ rơi vào trạng thái hư giác, ảo giác) hoặc huy động được khả năng tâm linh. Không ngoại trừ họ còn có những bí quyết riêng về thuật chữa bệnh tâm căn, thôi miên. Sự thực này khiến  lên đồng có tác dụng trị liệu và làm khỏi tạm thời hay hoàn toàn một số chứng bệnh tâm thần thể nhẹ hoặc rối loạn cảm xúc (RLCX). Những Đồng dạng này gọi là Đồng mê (trong lúc lên đồng họ hoàn toàn mất tri giác, ý thức). Cũng cần phải nhấn mạnh những Đồng này ngày nay rất hiếm gặp và nếu có chỉ ở  vùng nông thôn, vùng sâu. Trong những nghi lễ do các Đồng này thực hành thì yếu tố trang phục, Cung văn chỉ là thứ yếu mà yếu tố tâm lý là nền tảng căn bản kết hợp với những thuật thôi miên, khả năng tự ám thị mà họ có thể điều chỉnh trạng thái ý thức làm chuyển biến  nội tâm khiến họ trở nên mất tri giác. Từ đặc tính này của lên đồng mê và  trạng thái tâm lý của các Đồng mê khi hành lễ, nên khi chứng kiến những nghi lễ lên đồng này, ở phương diện  ứng xử, các đệ tử cũng bị chi phối nhiều hơn, thành kính hơn, thực hành nghi lễ lên đồng vì thế mang màu đậm màu sắc tôn giáo. Tuy nhiên,  trên thực tế đây có phải là hiện tượng Thần nhập, hoặc linh hồn nhập thực sự hay không vẫn chưa thể có những kết luận chính xác, một phần do khoa học chưa thể kiểm chứng, cũng như bản thân tác giả còn cần thêm thông tin và sẽ bàn đến hiện tượng này ở một chủ đề khác.
*Lên đồng ở những người tự nhận hoặc được cho là có căn số (Đồng tỉnh).
Những Đồng này hiện nay chiếm số lượng khá đông đảo. Họ không phải là người có căn tính đặc biệt theo đúng nghĩa, vì những lý do tâm lý như bị stress, bạn bè rủ rê[5],  hoặc đi xem lễ thấy thích, tò mò mà tham gia nghi lễ. Số khác do làm ăn buôn bán có tâm lý rằng “có thờ có thiêng…”; hoặc do cuộc sống gặp những trục trặc, họ đi xem bói và bị các Thầy Đồng, Thầy bói gieo nỗi lo, lòng nghi ngờ vì căn quả mà đến với nghi lễ này. Không loại trừ có cá nhân đến với lên đồng còn vì tìm thấy ở nghi lễ lối thoát cho cuộc sống tinh thần, vật chất của cá nhân, gia đình. Nhất là trong bối cảnh cơ chế thông thoáng của xã hội trong nhìn nhận về hiện tượng lên đồng, cũng là những tiền đề cho nhiều nhóm  người trong xã hội hiện đại đến với lên đồng hầu bóng. Cố nhiên, cách thuận nhất để hợp thức hoá chuyện trình Đồng bao giờ họ cũng được tư vấn hoặc tự cho mình là có căn đồng mà gia nhập vào đội ngũ các Đồng. Với những đối tượng này, lên đồng không phải để Thần nhập mà để thoả mãn nguyện vọng, mục đích cá nhân. Đây là những dạng thức lên đồng mà chúng ta gặp phổ biến hiện nay, đặc biệt ở đội ngũ Đồng gia nhập Đồng trình lính từ sau 1986. Họ cũng là những cá nhân nhạy cảm, trong cuộc sống cũng có những trục trặc và tổn thương, nhưng do lý trí yếu, thiếu kiến thức, lại không được tư vấn một cách khoa học[6], kết hợp với niềm tin tôn giáo mơ hồ nhưng luôn có sẵn trong cuộc sống vòng đời của người Việt xưa - nay đã khiến họ tìm đến với nghi lễ lên đồng. Chưa kể đến một số có những biểu hiện tâm lý lệch chuẩn, họ kiếm tìm sự giải toả, cân bằng tâm sinh lý (một việc đáng lẽ thuộc về chức năng của các bác sĩ tâm lý, song ở ĐBBB các Thầy Đồng lại đang đảm nhiệm). Trong số những Đồng này, còn có những người  đến với lên đồng, coi lên đồng như một phương tiện của hoạt động kiếm sống, thậm chí làm giàu.
Tư liệu phỏng vấn sâu các Đồng ở hai bản hội  (NĐ & HN) cho biết: trước và sau nghi lễ họ đều có sự thay đổi tâm sinh lý, tâm linh. Kết hợp với những nghiên cứu so sánh qua một số các Đồng khác trên cả hai địa bàn nghiên cứu đã cho thấy việc lên đồng để tạo ra trạng thái không bình thường của các chủ thể Đồng loại này không chỉ là kỳ vọng “để Thần nhập” (thực hiện mục đích tôn giáo), mà chủ yếu là tạo ra môi trường gây hưng phấn và kích thích cho cơ thể chiếm lĩnh được cảm giác phóng thích, thăng hoa mà đạt đến trạng thái xúc cảm ở trường độ cao. Nhờ tác dụng của âm nhạc có tính chất như tạo đà đẩy cảm xúc lên cao, tình trạng này khi đạt được cũng tạo nên những hiệu quả đặc biệt cho cơ chế thần kinh: làm thư giãn, cân bằng, giải toả stress, đôi khi còn có tác dụng giải toả những ẩn ức cá nhân. Sự hiện diện của các biểu tượng (khăn áo, hương lửa…) có vai trò làm tăng thêm ý nghĩa tôn giáo cho nghi lễ, song vai trò tích cực của nó trong lên đồng ngày nay là việc tạo đà, đẩy cảm xúc của chủ thể lên cao tạo ra trạng thái lâng lâng, ngây ngất.. Ở đây lên đồng hiện đại mang một tác dụng tích cực: vì xúc cảm đươc khai mở, được phát triển xung mãn mà có tác dụng cân bằng lại trạng thái tâm lý sau mỗi canh hầu từ đó giúp các tâm bệnh thoát khỏi sự ràng buộc của các bệnh lý về thần kinh: Đau đầu, mệt mỏi kéo dài. Từ góc độ này Nguyễn Kim Hiền đã tiếp cận với hầu đồng như một “sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính trị liệu” tâm bệnh [6, tr.350]. Thậm chí còn coi lên đồng như một dạng thức/ phương pháp của chữa bệnh tâm lý. Có lẽ xuất phát từ tác dụng này mà  trong lên đồng hiện nay có khái niệm  hầu vui, một hình thức thực hành nghi lễ để thoả mãn cái tôi bản ngã và cái tôi tâm linh của chủ thể, thậm chí là để thực hiện mục đích nào đó. Lên đồng ở dạng này thực chất chỉ là vấn đề đóng thế, các căn Đồng đóng vai Thần linh để giải quyết việc cuộc đời. Như vậy, lên đồng ngày nay chỉ là một dạng biến thể của lên đồng xa xưa, nói như Nguyễn Duy Hinh thì lên đồng ngày nay ở phủ Dầy cũng như nhiều nơi khác ở ĐBBB chỉ là một dạng của lên đồng nói chung, “một dạng muộn” [2, tr.861]. Biểu hiện của tính biến thể ở chỗ:
 + Thần điện hết sức đa dạng (từ Thánh Mẫu, đến Đức Thánh Trần, các ông Hoàng, bà Chúa, các Cô, Cậu đến các vị nhân thần, thiên thần mang lý lịch vùng miền địa phương…). Sự đa dạng này xuất phát từ chỗ pha trộn/ hỗn dung với nhiều yếu tố của các  tín ngưỡng khác ở VN như tục thờ nữ Thần, thờ cúng tổ tiên, thờ người có công với nước…vì thế khi lên đồng chủ thể cũng phải lên/nhập/ ốp rất nhiều giá Đồng. Trong những lần phỏng vấn sâu các Cung văn lâu năm ở phủ Dầy, tác giả được biết “ngày nay các Đồng ở nhiều địa phương còn lên đồng những giá Thần linh địa phương rất lạ, làm các Cung văn không ít lúng túng khi hát thỉnh mời hoặc ngợi ca công tích”[4].
+ Khi lên đồng các Đồng hầu hết là  tỉnh chứ không mê. Tư liệu thực địa, quan sát tham dự và phỏng vấn sâu các Đồng ở ĐBBB cho biết khi lên đồng họ hoàn toàn tỉnh táo. Việc nhận biết các đối tượng thân sơ, hay biết rất rõ mình đang làm gì là có thật ở các chủ thể. Giải thích cho tình trạng tỉnh táo này, các Đồng khẳng định họ “chỉ hầu cái bóng của Thần linh thôi” hoặc “Thánh có chiếu, nhập thì chỉ một li một lai”[5]. Các Đồng cao tuổi cũng cho biết “đại bộ phận ngày nay các ông, bà Đồng hầu là hầu bóng (Đồng tỉnh) còn hầu mê thì rất ít người làm được”[5].
+ Trong lên đồng ngày nay vai trò Thầy pháp  đã hoàn toàn thay đổi.
Nếu như lên đồng xa xưa thì Pháp sư (Sư công- người dẫn dắt) có chức năng cùng với Cung văn dẫn dụ, thôi miên cho căn Đồng và múa biểu diễn phục vụ cho Thần (khi Đồng nhập), ngày nay Pháp sư đơn giản chỉ là đóng vai trò Thầy cúng tụng kinh thỉnh Phật, thỉnh Thánh trước khi căn Đồng vào ngồi đồng. Chức năng biểu diễn của Pháp sư cũng chuyển sang cho căn Đồng. Nhận định về  hiện tương này, Nguyễn Duy Hinh cho rằng "họ giống các vũ công phục vụ mua vui các Thần hơn là các con Đồng”[2, tr.873]. Chi tiết này cho thấy trong lên đồng ngày nay các Đồng lên đồng không phải nhằm mục đích để đạt tới trạng thái mê man cho Thần (hồn) dựa mà các Đồng lên đồng để giải quyết chính nhu cầu được tự do phóng thích cảm xúc và giải toả bản ngã cá nhân của mình, số khác vào vai thật đạt mà giải quyết những mục đích ẩn đằng sau nghi lễ.
Từ thực tế đó có thể nhận xét, lên đồng hiện nay ở NĐ, Thái Bình, HN và nhiều nơi khác ở ĐBBB là một dạng của thực hành vũ đạo tôn giáo chứ không phải là lên đồng thật.  Đây cũng là điểm đặc biệt trong lên đồng ở người Việt ĐBBB hiện nay: vai trò vũ công được đồng nhất với con Đồng. Tức là khi lên đồng, các Đồng đảm nhiệm vai trò kép: vừa là “Thần” vừa là vũ công. Điều này được thể hiện ngay trong các quan niệm dân gian hiện nay về cách gọi các căn Đồng khi thực hành nghi lễ: là ghế (cho Thần linh ngự vào), là “Thần” - phần hồn trong thể xác các căn Đồng và thể hiện ra bằng các bộ trang phục (một cách thể hiện biểu tượng), vừa là vũ công phục vụ Thần. Có thể nói, riêng ở chi tiết này lên đồng ngày nay của người Việt ở ĐBBB khác hẳn với sự thể hiện khi lên đồng ở các Tát Mãn, các Tiên đồng (Trung Quốc), các Thầy Pháp Shaman ở Siberie, Madagasca hay các Thầy Pháp của người Eskimo, thậm chí xa lạ ngay chính với lên đồng cổ xưa của người Việt. Theo Nguyễn Duy Hinh [2] thì vốn “con Đồng xưa chỉ huơ tay và phán truyền chứ không múa thành vũ điệu”[7].
Tóm lại, lên đồng ngày này không phải chỉ vì mục đích để thông linh với vũ trụ hay với linh hồn người đã khuất, thậm chí bản thân họ cũng không có nhiều người có khả năng để thông linh với vũ trụ hoặc linh hồn mà họ chỉ có thể vào vai Thánh Thần, tự đồng nhất mình với Thánh Thần. Tuy nhiên, do được thực hiện trong một không gian thiêng, kết hợp với những ý niệm thiêng liêng và niềm tin vào Thần, Thánh nên lên đồng hiện đại ngày nay vẫn mang mầu sắc tôn giáo. Từ chi tiết này mà Franh Porchan cho rằng lên đồng  là một loại hình nghệ thuật kịch nghi lễ [5, tr.270] .
2.4.Tác động của KTTT  đến sự mở rộng phạm vi, tần suất, quy mô của nghi lễ.
Lên đồng ở ĐBBB trước kia có lẽ chỉ khu trú trong hệ thống các di tích thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở HN, NĐ; Hải Dương. Nhưng từ sau đổi mới, nhất là những năm gần đây lên đồng, hầu bóng diễn ra khá sôi nổi ở hầu khắp các di tích lịch sử văn hoá. Các canh hầu không chỉ được tổ chức ở những đền thờ Thánh nữa mà mở rộng cả ở các Đình và Chùa. Sự phát triển mạnh mẽ của lên đồng, hầu bóng với mật độ gia tăng cả về số lượng người trình Đồng và quy mô các cuộc lễ đã  kéo theo tình trạng các Chùa đua nhau xây thêm Phủ Mẫu.  Chỉ cần dạo một lượt các di tích quanh vùng HN hay NĐ, Thái Bình cũng nhận ra các Điện Mẫu trong chùa đều có niên đại khoảng từ năm 1996 đến 2000 trở lại đây. Thống kê nguyên ở HN cũng đã thấy hàng loạt các di tích có điện Mẫu và tổ chức lên đồng hầu bóng: Đền Ba Cây; Đền Đầm Sen (Hoàng Mai); đền Dâu, đền Cây Xanh, đền Lý Quốc Sư, đền Hưng Nghĩa (Hoàn Kiếm); Đền Hai Bà, đền Lương Yên (Hai Bà); đền Ngọc Hà (Ba Đình); Chùa Bộc, đền Bích Câu (Đống Đa); Phủ Tây Hồ, đền Nghĩa Dũng (Tây Hồ); đền, chùa Bà Tấm, đền Dầm, đền Sở (Gia Lâm)v.v… đó là chưa kể  đến hệ thống các điện tư gia ngày một nhiều nằm lẫn trong hàng nghìn các khu dân cư của thành phố HN. Thực trạng này cho thấy rất rõ quy luật cung - cầu của KTTT đã tác động đến thực hành nghi lễ. Có cầu, thậm chí lượng cầu gia tăng (một phần do an ninh con người trong những năm qua khá bất ổn, con người có xu hướng tìm thêm sự trợ giúp của siêu nhiên; phần khác kinh tế khả giả thì phú quý sinh lễ nghĩa) thì ngay lập tức yếu tố cung cũng phát triển. Thực hành nghi lễ đã không còn bó cứng trong một số dịp nhất định của tâm thức dân gian nữa mà trở thành hoạt động của cá nhân các chủ thể Đồng. Khảo sát thực tế cho thấy ở các di tích lịch sử văn hoá các vấn hầu không chỉ tổ chức vào các dịp tháng 3 (giỗ Mẫu); tháng 8 (giỗ Cha); Tháng 10 (tiệc Ông Hoàng) mà mở rộng tổ chức ở các dịp khác, không liên quan đến tín ngưỡng cũng như thần tích. Ví dụ như dịp nhập hạ, tán hạ cũng tổ chức hầu;  tiệc Cô Bơ, Cô Đôi, Cô Sáu, Quan Tuần…thậm chí ngày thường đều có thể tổ chức lên đồng.
Việc mở rộng tần suất các canh hầu còn kéo theo cả sự phát triển nhanh chóng về quy mô cũng như hình thức các nghi thức trong lên đồng. Từ chỗ các vấn hầu chỉ khoảng 5- 7 người dự năm 1996 [4], đến nay các canh hầu đã được tổ chức khá lớn, quy mô lên tới hàng trăm người dự. Các điện tư gia cũng mọc lên như nấm trong các khu dân cư. Do tính tiện dụng của các điện tư  (chủ động, linh hoạt) nên có thể tiến hành bất kỳ lúc nào mà chủ điện thấy cần thiết và thu xếp được, cũng như các con nhang đệ tử có nhu cầu. Điều đó cho thấy lên đồng hầu bóng bây giờ đã diễn ra theo phổ rộng, một biểu hiện rất rõ tính linh hoạt của con người trong hoạt động tâm linh thời KTTT. Tất nhiên, về mật độ thực hành nghi lễ thì thời điểm tập trung cao nhất vẫn là vào các dịp lễ hội tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Địa bàn có thực hành nghi lễ tập trung nhất cũng là khu vực có quần thể di tích thờ Mẫu (Vụ Bản - NĐ); quần thể di tích nhà Trần (ngoại thành NĐ); di tích đền thờ Vua Cha Bát Hải (Thái Bình); đền Cửa Ông (Quảng Ninh); Đền Kiếp bạc (Hải Dương); đền Lảnh, Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An); đền Sòng (Thanh Hoá). Những dịp này là những thời điểm mạnh của hoạt động lên đồng hầu bóng. Báo cáo của phòng nghiên cứu văn hoá huyện Vụ Bản cho biết hằng năm tại cơ sở di tích quần thể phủ Dầy có tới trên 500 canh hầu/ một di tích. Số liệu khảo sát điều tra thực tế tại phủ Tiên Hương (phủ chính) trong năm 2008 các bản hội và cá nhân  đăng ký hầu tại phủ con số đã lên tới 1.288 canh hầu bao gồm cả hầu chứng đàn, hầu vui và hầu trình trầu. Quản lý tại phủ cho biết có những thời điểm cả 9 cung (một cách gọi khác của gian thờ) đều hoạt động hết công suất. Con số này cũng tương đối khớp với số liệu mà khi phỏng vấn sâu Đồng L (con dâu của Thủ nhang) cho biết hàng năm có khoảng trên dưới 1000 canh hầu trìnhhầu giá tại phủ [4]. Trong số những canh hầu kể trên thì tỷ lệ những canh hầu của người HN là đông hơn cả chiếm tới 350 lượt; Bắc Ninh chiếm 108 lượt; Quảng Ninh 14; Hải phòng 20 còn lại là các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, NĐ, miền Nam[8].  Mật độ lên đồng, hầu bóng trong năm tập trung cao nhất vào tháng hai và tháng 3 âm lịch.

 
(Nguồn: tư liệu ghi chép đăng ký hầu tại phủ Thiên Hương- phủ Dầy (NĐ) năm 2008[9].)
Số lượng các canh hầu giá do chủ điện tư gia tổ chức tại điện tư gia cũng ước khoảng 50- 70 vấn hầu/ năm. Một sư Thầy làm Đồng ở chùa T (HN) cho biết con số trên  20 canh hầu chứng đàn trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 8 (2008); một Cung văn hạng thường (chỉ hát hầu những vấn hầu có quy mô vừa và nhỏ) cũng cho tác giả biết từ năm 2002 trở lại đây “mỗi năm anh và các bạn hát của mình  tham gia khoảng trên 100 canh hầu các loại”[5].
 Thực tế này cho thấy người dân đô thị HN lên đồng hầu bóng chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này phần nào cũng cho chúng ta thấy được bức tranh về  thực trạng đời sống tâm linh của người dân đô thị HN nói chung và những tác động của nền kinh tế hàng hoá đến nhu cầu tâm linh của người dân nơi đây.
Trong mùa lên đồng năm 2009 khi về khảo sát tại phủ Dầy (NĐ) thì tình hình đã có nhiều thay đổi, các canh hầu giá dường như có vẻ thưa hơn năm trước. Trong hai ngày 12 và 13 tháng 3 âm lịch (tính theo 24h) theo quan sát tham dự của tác giả chỉ có 5 canh hầu giá, ít hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ khủng hoảng kinh tế thế giới và ở VN cũng tác động khá mạnh tới tình hình tổ chức các cuộc lên đồng. Điều này cũng được xác nhận bởi những người tham gia quản lý di tích và lễ hội phủ Dầy. Thông tin từ Đồng Đ, phủ Tiên Hương thì năm (2009) số lượng các Đồng về đây hầu giá chỉ bằng hơn 50% so với năm trước.
Chi phí cho các canh hầu cũng thể hiện rất rõ tính thị trường, từ chỗ chỉ khoảng 1- 2 triệu đ/canh hầu (1997)[5] đến nay đã biến động với rất nhiều mức giá khác nhau. Tư liệu điều tra tham dự và phỏng vấn sâu các Đồng ở HN và NĐ cho biết hiện nay chi phí cho một  lễ tiễn căn cũng như lễ trình  Đồng cũng không có mức nào cố định. Tuỳ thuộc vào ngườì Đồng Thầy và nơi làm lễ cũng như số, chất lượng các lễ vật  mà có các giá khác nhau. Những số liệu mà tác giả có hiện nay cho thấy có 3 mức chi phí cho lễ trình Đồng hay tiễn căn phổ biến: mức thứ nhất (mức thấp nhất hiện nay ở HN)  có giá là 8- 10 triệu đồng (cũng chỉ có thể tiến hành ở các điện tư gia); mức thứ hai  (thường làm ở các điện Mẫu tại chùa, đền)  thì có giá  13- 15 triệu đồng[10]mức thứ ba lên đến  35 triệu đồng ở những đền to phủ lớn: Phủ Dầy (NĐ);  đền Dâu (Hàng Quạt- HN). Mức độ chi phí cho các canh hầu vui  còn đa dạng hơn rất nhiều, có canh hầu chỉ từ 4 -5 triệu đồng với khoảng 20 người dự, cũng có canh hầu lên tới 50 triệu, thậm chí 120 triệu đồng với hàng trăm người dự hầu. Gần đây nhất (tháng 11/ 2010), trong một lần theo một số doanh nhân lên đặt tiền làm lễ tại điện tư gia của Đồng A (Sơn Tây) được biết mức giá cho một doanh nhân là 168 triệu/ canh hầu tiễn căn.
2.4. Tác động của KTTT tới quan niệm hành lễ, lễ vật và cách thức tiến hành nghi lễ.
 Không phán truyền, hạn chế tối đa các hiện tượng phán truyền là điều phổ biến trong các cuộc lên đồng hiện nay. Đại bộ phận các Đồng hiện nay đều cho rằng việc đi lễ là một chuyện, việc có bệnh phải chữa bằng Tây y vẫn là cần thiết, chứng tỏ nhận thức về việc lên đồng hầu bóng ngày nay đã khác trước rất nhiều, họ không hoàn toàn phó thác sinh mệnh của mình cho các Thánh. Điều đó cũng có nghĩa đi lễ nói chung, lên đồng nói riêng không phải là phương thức chữa bệnh duy nhất trong tư duy các Đồng hiện nay. Tuy nhiên, việc đi lễ với mỗi cá nhân các Đồng vẫn rất quan trọng. Họ vẫn tự nguyện đóng góp để tham gia cùng bản hội và lặn lội đến các vùng miền xa xôi như lên Hoà Bình, vào Nghệ An, đi Bắc lệ... để trình trầu mới thực sự yên lòng khi đã là tôi con cửa Thánh và điều quan trọng hơn là họ tạo nên cơ hội để các thành viên trong bản hội thắt chặt thêm các mối quan hệ xã hội và thoả mãn nhu cầu tham quan du lịch.
Lễ vật dâng trong thực hành nghi lễ hiện nay là một trong những biểu hiện rõ nhất của KTTT. Toàn bộ các sản phẩm của nền kinh tế hàng hoá đều được bày ra trước điện Thánh từ những hoa quả các chủng loại có xuất xứ từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả từ nước ngoài, đến các chủng loại bánh kẹo hết sức đa dạng và phong phú, thậm chí cả bia rượu, nước khoáng, nước ngọt.v.v…màu sắc phong phú. Có thể nói với quy định màu sắc của 4 phủ (đỏ – xanh – vàng – trắng) đã tạo cơ hội cho tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều  được đưa vào dâng lễ Thánh. Rất dễ nhận ra chính KTTT với sự xuất hiện đa dạng các hàng hoá tiêu dùng đã đáp ứng nguyện vọng của con nhang khi mong muốn hiến dâng về Thần Thánh, hiện thực này làm cho nghi lễ lên đồng ngày nay trở nên thực tế và hiệu quả  thẩm mỹ cũng rất cao.
Ước muốn trong việc phụng sự Thánh Thần là sự thể hiện rõ nhất những điều người ta trông đợi vào đấng Thần linh, trong khi đại bộ phận các tín nhân đi lễ Thần, Phật đều cầu khẩn các nguyện vọng về sức khoẻ, hạnh phúc thì riêng trong tín ngưỡng thờ Thánh và nghi lễ lên đồng lời cầu khẩn thể hiện rất rõ đó là ước mong về tiền tài, địa vị. Điều này lý giải tại sao khi đến với lên đồng ý niệm chính của các căn Đồng lại là:cầu cho các gia đình "có ngân có xuyến, có lộc có tài" và  "người ở cơ quan thì có danh có diện, thăng quan tiến chức, trên nể dưới nghe..." [4] là câu cầu khẩn phổ biến nhất trong các cuộc tiếp xúc giữa các con nhang với các giá Đồng. Điều này không chỉ thể hiện được tính thực dụng trong ứng xử với Thánh Thần của người Việt phía Bắc hiện nay mà còn chứng tỏ xuất xứ thương mại hoặc gắn chặt với thương mại của tín ngưỡng và nghi lễ này.
2.5. Đồng Thầy, điện thánh  với tư cách là một “dịch vụ tâm linh”
Thực hành nghi lễ lên đồng của các Đồng Thầy xưa từ chỗ chỉ đơn thuần là người thực hành các hoạt động tâm linh với mục đích thiện là nhằm cứu giúp những người bị hành, bị ma ám, thì thực hành lên đồng hầu bóng hiện nay còn được  coi như một nghề. Điện Thánh (cả điện tư và điện công) gần như trở thành địa chỉ “dịch vụ tâm linh”. Tính dịch vụ ở chỗ lo trọn gói cho con nhang trong việc thực hành nghi lễ từ các khâu: thầy cúng, trang phục, vàng mã, lễ vật. Con nhang chỉ đơn thuần là những khách hàng đến chịu lễ theo đúng ngày giờ. Bên cạnh đó là khả năng cung cấp dịch vụ với các mức giá khác nhau: giá thấp – trung bình – cao. Các “đẳng cấp Cung văn” cao, thấp; mức độ đầy đủ, đẹp đẽ của các đồ lễ, mã…tất cả đều có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng từ khách nghèo đến khách giàu. Những dịch vụ này thể hiện rất rõ tính chuyên nghiệp tới mức tạo thành một hệ thống dịch vụ hoản hảo ngay tại cơ sở di tích  như trường hợp phủ Dầy: tại đây có cả thầy cúng, cung văn, hầu dâng của phủ. Trong phủ cũng bán cả vàng mã, trang phục cũng như các dụng cụ khác dùng trong nghi lễ lên đồng hầu bóng, thậm chí cả dịch vụ đổi tiền – cung cấp lễ vật và cả nơi ăn chốn nghỉ cho các Đồng về thực hành nghi lễ tại đây. Những điều kiện này không chỉ thể hiện rất rõ tính dịch vụ của các điện Mẫu mà còn là những yếu tố có tính cạnh tranh rất cao. Cung văn hát hay, hát giỏi của mỗi điện không chỉ là yếu tố cơ bản tạo nên sự thăng hoa cảm xúc cho các chủ thể khi làm lễ lên đồng mà còn là yếu tố tạo nên sự trội vượt của điện thờ  đó.
Trở thành một dạng dịch vụ đồng nghĩa với nó là xuất hiện những khuynh hướng rõ rệt của kinh doanh dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi vai trò điều tiết của hệ thống quản lý nhà nước đối với các hình thức kinh doanh dịch vụ đã và đang bộc lộ nhiều lúng túng. Dịch vụ tâm linh chưa được thừa nhận trong văn bản pháp quy, nhưng trên thực tế thì rất nhiều các cơ sở tâm linh đã và đang hoạt động, vận hành theo khuynh hướng này. Dễ nhận thấy là do chưa thừa nhận nên tất yếu cũng chưa có chế tài cụ thể  trong quản lý loại hình dịch vụ này, vì vậy không tránh khỏi bộc lộ rất nhiều bất cập và phức tạp. Cái phức tạp của lên đồng, cũng như nhiều hình thức tôn giáo khác ở chỗ khi nó gắn với những quyền lợi kinh tế, bị tính kinh tế chi phối thì nó trở nên tha hoá và  nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập rõ nhất là tổ chức lên đồng và phát triển lên đồng sẽ là một trong những nguồn thu không nhỏ cho các di tích[11], nhất là khi đã có “chế độ khoán thu” thì việc tận thu tất cả các nguồn có thể là “lời giải” đương nhiên của nhiều địa phương có di tích thờ Mẫu, nhưng làm sao hạn chế được những hệ luỵ do tâm lý cuồng tín mang lại và việc phải đương đầu với trách nhiệm tài chính (hằng năm nộp về ngân sách địa phương và tôn tạo làm khang trang di tích để tăng cường tính cạnh tranh với các trung tâm hầu bóng khác) đã khiến các thủ nhang hay tập thể thủ nhang phải xây dựng “bài toán tận thu”. Đó là chưa kể đến việc  đốt vàng mã quá lãng phí, việc hoá vàng tới 8 - 15 triệu đồng/ canh hầu chỉ để lấy cảm giác bình an; đốt đi 30.000 tấn giấy trị giá 300 tỉ đồng hằng năm như một tác giả đã công bố quả thật là một nghịch lý!.
       Trong khi các điện thờ Thánh và các Đồng Thầy đang vận hành theo xu hướng dịch vụ nhưng lại không có sự điều tiết, quản lý nhất quán từ phía Nhà nước dẫn đến hiện tượng “giá cả” các hoạt động dịch vụ tâm linh bị thả nổi như đã thấy. Thậm chí còn xảy ra những hiện tượng nhân danh hoạt đông tâm linh mà lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Chưa kể đến hiện tượng do chạy theo cơ chế thị trường, các ngôi đền, chùa đang đua nhau xây điện Mẫu để phục vụ các canh hầu khiến không ít các khu di tích bị mất đi cảnh quan nguyên trạng làm phá vỡ nguyên tắc kiến trúc ban đầu. Mặt khác, để tận thu, các cung thờ chốn phủ Mẫu những mùa hầu bóng gần như “phát huy hết công suất”, vì vậy liên tục ầm ĩ  bởi trống chiêng và lời ca tiếng hát. Khi mỗi cung “giáng về một giá”, cùng lời ca phục vụ giá Thần linh đó thì cả điện Mẫu là quang cảnh, không khí hỗn độn, âm thanh huyên náo hoàn toàn không phù hợp với chốn thờ tự linh thiêng yên tĩnh. Vì vậy, khi đến các di tích lịch sử văn hoá thờ Mẫu hiện nay hiếm thấy một không gian và sự tĩnh lặng cần thiết để cho con người tĩnh tâm an trí mà  hồi nhớ tới tổ tiên và điều chỉnh hướng thiện ở cuộc đời.
Cùng với sự nở rộ các thực hành nghi lễ lên đồng tại các di tích lịch sử văn hoá thông qua điện thờ Mẫu, các điện tư gia trên địa bàn thành phố HN cũng tìm đủ mọi cách để tận thu cho điện của mình. Các chủ điện liên tục quyên góp tiền của các tín chủ để tổ chức các cuộc đi lễ xa cũng là một phương thức “làm kinh tế”. Việc tham dự và thiết kế những chuyến đi này một phần cũng là cơ hội để các thành viên trong bản hội có dịp  hội ngộ, tiếp xúc, giao lưu và thân mật với nhau hơn, tham quan du lịch nhiều hơn, mặt khác cũng là phương thức làm ăn cho Đồng Thầy có thêm thu thập.
2.6. KTTT và sự thay đổi chức năng các thành tố trong thực hành nghi lễ
- Trang phục:Trong thực hành nghi lễ lên đồng trước đây, khăn áo là thứ yếu, mỗi Đồng thường chỉ có chiếc khăn phủ diện màu đỏ là không thể thiếu còn lại trang phục chỉ là những bộ áo nâu, cách thể hiện bốn phủ chỉ là thay đổi những chiếc thắt lưng theo 4 màu quy định. Theo thời gian các trang phục cũng dần hoàn thiện, một số các Đồng ở khu vực đô thị HN được M.Durand cho biết “để chứng tỏ là hồn đó hiện lên, ông đồng bà cốt mặc quần của hồn, nói lời của hồn và hành động như hồn hành động” [1, tr.46]. Như vậy đến năm 1959 thì các Đồng ở đô thị đã có những trang phục riêng để thực hành nghi lễ lên đồng, nhưng trang phục đó như thế nào thì gần như không được các tác giả này mô tả kỹ. Năm 1995 khi bắt tay vào khảo sát trang phục trong lên đồng cho thấy, trang phục trong lên đồng ở thời điểm đó đã khá cầu kỳ và phức tạp, phân loại khá rõ ràng: có loại trang phục dành cho những canh hầu vui thông thường, có trang phục dành mặc trong những canh hầu đại lễ, điểm đặc biệt là trang phục trong lên đồng thể hiện đẳng cấp  giàu nghèo rất  rõ rệt,  về cơ bản có thể phân thành 3 loại.
Loại một là loại may bằng những chất liệu gấm đắt điền và thêu hoa văn rất cầu kỳ theo những mô típ biểu tượng ước lệ: bối tử hổ phù, hoa văn rồng ngậm ngọc, hý cầu; chim phụng, ngũ phúc. Ngày nay thì các tác phẩm thêu này còn cầu kỳ và đẹp hơn rất nhiều bởi các phụ liệu đắt tiền khác như đá hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc tím cũng được đính vào trong các đồ án thêu khiến cho trị giá của các trang phục hàng Quan, ông Hoàng, và hàng Chầu lên tới 5- 10 triệu đồng/ bộ (tư liệu điền dã). Loại hai là loại cũng may bằng các gấm đẹp nhưng đồ án thêu ít cầu kỳ hơn, loại này có giá thành cũng mềm hơn để dành cho những Đồng hạng trung nó có giá khoảng 2- 3 triệu đồng. Loại thứ ba là loại may bằng các chất liệu vải lụa, lụa hoa bình thường không thêu, loại này dành cho những Đồng nghèo hoặc mới trình Đồng.
 Sự đa dạng và phong phú của các loại khăn chầu áo ngự cho thấy tính chất và chức năng của trang phục trong thực hành nghi lễ đã thay đổi. Khăn áo không chỉ là cái làm nên sự khác biệt giữa Thánh và người, giữa đời thường và phút giây hành đạo mà thực sự trở thành niềm tự hào của các Đồng khi nói về gia tài làm Đồng của mình. Khăn áo hầu không chỉ là thứ thể hiện cái vỏ của thần linh mà còn là biểu hiện bản sắc cá nhân các Đồng rõ nét nhất, là thể hiện sự giàu sang phú quý, gu thẩm mỹ, tính chơi sang, chơi trội của cá nhân các Đồng. Do vậy thực hành nghi lễ lên đồng cũng là dịp để các Đồng phô diễn tài năng diễn xuất, khoe sang, khoe đẹp với con nhang đệ tử. Hiện thực này cho thấy trong thực hành nghi lễ lên đồng hiện nay thay vì cần thể hiện các thần linh bằng các động/ trạng thái tâm lý, các đồng hiện nay đã dùng trang phục để thể hiện (trên thực tế khi chủ thể đã thay đổi thì không phải ai cũng có khả năng thôi miên và tự ám thị). Do vậy khi lên đồng, sự hiện diện của các vị Thần linh được thể hiện qua trang phục là chủ yếu chứ không chỉ biểu hiện  qua trạng thái tâm lý các Đồng. Nói một cách khác bằng việc đưa các chi tiết mang tính biểu tượng vào trong  trang phục nhằm thể hiện phong cách bên ngoài của thần linh theo ý muốn của các chủ thể Đồng thì trang phục trong thực hành nghi lễ hiện nay chỉ là phương cách để con người hoá thân thành Thần Thánh. Như vậy, trong lên đồng lần đầu tiên cả người và thần cùng hoà nhập với nhau trong một không gian. Có thể nói rằng qua trang phục các căn Đồng hiện đại đã tái tạo nên hình tượng các Thần linh bằng nhân vật thật, và lấy nhân vật thật làm biểu tượng sống.
< >Cung văn: [12]. Thay vào đó là sự xuất hiện ngày một phổ biến các canh hầu với những ban Cung văn chuyên nghiệp với rất nhiều nhạc cụ như bộ gõ (trống, phách), bộ dây (đàn nguyệt, đàn tỳ bà, nhị), bộ lắc (xênh tiền) và thậm chí cả sáo, tiêu. Nếu đem so sánh tính chất, tác dụng của âm nhạc trong lên đồng của hai hình thức ban nhạc trên sẽ thấy ngay sự khác biệt. Một đằng chỉ giống như lời mời, với tiết tấu đơn điệu, đều đều như dẫn dắt, như kể lể; một đằng vừa triệu thỉnh thần về, vừa tạo đà thúc đẩy cảm xúc chủ thể lên trường độ cao. Bằng việc sử dụng nhiều tiết tấu âm nhạc phức hợp của những điệu thức: dọc, cờn, xá, phú và hàng loạt những giai điệu khác nhau như: lưu thuỷ, nhịp một, bỉ, sai, kiều dương, hãm, văn, hò huế, hò (nhịp một), dồn, chèo đò, đưa thư, thiên thai, trống chiến, ban, ly tam tầng, miễu…[5, tr.328]  cho thấy Cung văn và hát văn ngày nay không chỉ là để triệu thỉnh mời Thần linh nữa mà còn mang một ý nghiã khác với những tác dụng thực tế, trực tiếp vào tâm lý các Đồng. Sự đa dạng và phong phú của âm nhạc trong lên đồng ngày nay đã được chứng minh về tác dụng cực kỳ lớn của nó trong việc tạo đà đẩy cảm xúc của con người lên cao (thăng hoa), vì vậy nhiều người ngay từ những lần lên đồng đầu tiên đã cảm nhận ngay thấy sự khoan khoái và hưng phấn. Quan sát và trải nghiệm qua nhiều canh hầu đồng ở ĐBBB ngày nay cho thấy: nhạc lên đồng không chỉ để nghe, nó đưa người ta vào trong cuộc với sự vận động cơ thể tích cực, với nhiều tiết tấu khác nhau, đã đánh thức, gọi dậy tất cả các cung bậc của tình cảm con người từ trong sâu thẳm theo một chiều thuận khiến cho tinh thần, xúc cảm được khai phóng. Sự cộng hưởng tích cực của các thành viên từ Cung văn, hầu dâng đến những người dự hầu xung quanh tạo thành một thể thống nhất để khuyến khích chủ thể Đồng, khiến cho mức độ nhập vai càng thêm sâu sắc nhuần nhuyễn, thể hiện các nhân vật Thần linh càng thêm mạnh mẽ. Từ góc độ tác dụng này của âm nhạc và sự phối hợp ăn ý của Cung văn trong việc điều chỉnh các điệu thức, cung bậc của âm nhạc cho thấy chức năng triệu thỉnh của Cung văn xưa, nay đã lu mờ dần và nhường chỗ cho chức năng tạo đà, kích thích cảm giác thăng hoa cho các căn Đồng.
Kết luận:
Nghiên cứu trên 40 trường hợp thực hành lên đồng hầu bóng ở khu vực ĐBBB cho thấy lên đồng từ sau 1986 đến nay đã có nhiều thay đổi so với lên đồng trước thời đổi mới và lên đồng xa xưa. Sự thay đổi này bộc lộ ngay cả trong bản thân thành phần các tín đồ của Thánh, người có căn Đồng không còn bó hẹp ở những nhân cách đặc biệt  nữa mà  đã mở rộng ra với nhiều nhóm dân cư khác nhau. Sự xuất hiện nhiều nhặn các “căn Đồng” với những động cơ hay nguyên nhân khác nhau gia nhập Đồng tạo nên nhiều MLXH của nhóm xã hội đặc thù.  Việc thực hành nghi lễ đã chịu nhiều ảnh hưởng của KTTT và vẫn còn đây đó những biểu hiện tiêu cực, nhưng tham gia trong MLXH có cùng cảnh ngộ và sự chia sẻ và tương hỗ lẫn nhau cũng là những tiền đề quan trọng giúp các cá nhân chưa thực sự có nhiều kỹ năng cũng như sự trải nghiệm trong nền kinh tế thị trường có thể  tồn tại và đứng vững. Nhân danh sự ban tặng của thần linh, hình thức ban lộc cũng chính là một dạng phân phối lại cho cộng đồng trong khi an sinh xã hội còn chưa phủ hết mọi công dân cũng là những hành động thiết thực có ý nghĩa nhân văn.
Những thay đổi cả về nội dung cũng như hình thức của nghi lễ lên đồng hầu bóng chứng tỏ tâm linh tôn giáo cũng như mọi thiết chế văn hoá khác hoàn toàn có thể thay đổi, điều chỉnh cho thích ứng với chủ thể văn hoá ở mỗi thời đại. Sự thay đổi về bản chất của các lễ thức lên đồng hầu bóng ngày nay cho thấy nó đang dần được cấu trúc lại theo một khuynh hướng mới mang tính đời hơn là đạo. Điều đó không làm mất đi ý nghĩa của lễ thức phức tạp này, thậm chí còn làm thành một hình thái diễn xướng tâm linh mới rất tốt cho cuộc sống tinh thần đang chịu nhiều áp lực của người VN trong thời kỳ quá độ nếu biết gạn đục khơi trong và điều chỉnh nó trong quan hệ ứng xử.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1.Durand.M (1959) "Technique et panthéon des médién Viẹt Namiens", Paris
2.Nguyễn Duy Hinh (2007), "Môt số bài viết về tôn giaó học", Nxb KHXH.
3. Lê Hồng Lý (2008), sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb VHTT& Viện văn hoá.
4.Nguyễn Ngọc Mai (luận văn thạc sĩ, 1998), "Trang phục trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở HN".
5.Nguyễn Ngọc Mai (luận án tiến sĩ,2011), "Hiện tượng lên đồng trong bối cảnh đổi mới".
6.Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2004), "Đạo mẫu và các hình thức saman trong các tộc người ở VN & châu á". Nxb KHXH.
 
 

[1] Xem thêm “ mạng xã hội của những căn đồng” T/c nghiên cứu con người số 3/2009
[2] Đồng Đ /phủ Dầy – NĐ; Đồng A /Sơn Tây – HN; Đồng Th/ HN… tư liệu điền dã.
[3] Tư liệu điền dã
[4] Xem trích đoạn phỏng vấn sâu, phần phụ lục tr 29.
[5] Trường hợp Đồng D- NĐ); Đồng T; Đồng H - HN
[6] Người Việt Nam thường có thói quen gặp trục trặc là đi tìm thầy bói chứ không tìm thầy trị liệu tâm lý
[7] Một bà Đồng ở NĐ  cũng đã từng xác nhận với tác giả về điều này. Bà cho rằng lên đồng/ hầu đồng hiện nay đều chỉ là hầu vui, hầu để thoả nguyện tâm linh của mình mà thôi, chứ không phải hầu đồng ( lên đồng) như ngày trứơc chồng bà làm đượcc đấy là xiên lình, nuốt lửa…và bà cũng xác nhận khi hầu bà hoàn toàn tỉnh và vẫn nhận ra tác giả và con cháu ngồi ở phía dưới.
[8] Riêng các canh hầu của các Đồng khu vực Nam Bộ là ít nhất và cũng chỉ ở Sài Gòn hoặc Bình Dương và đại bộ phận là người ở Bắc vào sinh sống, điều này được lý giải là đất Bắc mới là đất hầu bóng chứ miền Nam không phải là cái nôi của lên đồng, hầu bóng.
[9] Do tài liệu này rất khó tiếp cận nên tác giả không có được các con số cụ thể của từng năm trước và sau 2008.
[10] Trong một lần trong vai con nhang có nhu cầu làm lễ, tác giả  được một  nhà sư chùa Trắng ( HN) ra giá là 13 triệu năm 2007.
[11]  Theo sự tính toán của chúng tôi cứ mỗi canh hầu các bản hội hoặc cá nhân phúng về  phủ tiền giọt dầu là khoảng từ 100- 200.000đ (năm 2007) và 300- 500.000đ (năm 2008) nhân với khoảng 1000 canh hầu /năm sẽ là con số đáng kể.
[12]  Tác giả chỉ gặp những canh hầu nhỏ với ban Cung văn kiểu này ở một số chùa (Hà Nam) và đền ông Mười (Nghệ An) trong những dịp không phải mùa lễ Mẫu.

 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây