Giới thiệu Cuốn sách Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị của TS Nguyễn Ngọc Mai

Nghi lễ lên đồng hầu bóng là một hiện tượng văn hoá khá phức tạp, trong lên đồng ở đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) xưa có hội đủ cả các yếu tố dễ nhận biết như: Đạo giáo (phép thuật/ảo thuật để trừ tà), Mật tông (bùa chú, phù chú...) và cả những yếu tố không dễ nhận biết như yếu tố ám thị/ tự ám thị, trực giác và sự xuất hiện trực giác (khả năng tâm linh)

Giới thiệu Cuốn sách Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị của TS Nguyễn Ngọc Mai

Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị
Công trình của Trần Mạnh Cường về lên đồng (1999)[1] còn cho thấy trong lên đồng có vấn đề xuất hiện sự biến đổi tâm lý, ý thức; một số gợi ý phân tích của Nguyễn Duy Hinh trong bài viết về lên đồng của ông có cả sự xuất hiện hay trỗi dậy của yếu tố vô thức. Phải chăng chính những hiện tượng này đã góp phần quyết định trong việc điều chỉnh trạng thái tâm lý khiến cho một số cá nhân các con nhang đệ tử mắc một số bệnh tâm lý như "trầm nhược" (TN), "nhiễu tâm" (NT) mà y học hiện đại gọi chung là "rối loạn cảm xúc" (RLCX) có thể tìm lại được sự cân bằng trong đời sống tâm sinh lý. Từ những căn cứ này, nghi lễ lên đồng hầu bóng không đơn thuần chỉ là nghi thức tôn giáo tín ngưỡng mà còn là một hiện tượng tâm lý đặc thù trong đó có vấn đề "giải phóng năng lượng tiềm ẩn" và vai trò của nó đối với việc điều chỉnh trạng thái tâm lý các căn Đồng sau những cuộc, chu kỳ "biểu diễn" lên đồng.
 Tuy nhiên, nơi này nơi kia vẫn còn khá phổ biến những hiện tượng lạm dụng nghi lễ lên đồng để phục vụ cho mục đích cá nhân gây nên nhiều hậu quả xấu, vì vậy việc nhìn nhận về loại hình di sản này vẫn còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Những sự thực đó đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu kỹ và sâu hơn nữa về lên đồng hầu bóng để làm rõ tính đặc thù và tính phổ biến của hiện tượng văn hoá tín ngưỡng khá đặc biệt này. Cuốn sách Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị ra đời thực sự là công trình nghiên cứu chuyên khảo về nghi lễ lên đồng với nhiều chiều cạnh của loại hình tín ngưỡng nghi lễ vừa độc đáo vừa đầy tai tiếng này.
Tài liệu không chỉ nghiên cứu khảo tả về lên đồng cổ xưa mà còn trình bày nó trong mối lên hệ với các hiện tượng tương tự ở Việt Nam và khu vực cũng như cố gắng dựng lại lịch sử phát triển của nghi lễ lên đồng và môi trường xã hội mà nó hình thành và phát triển. Bằng việc tiếp cận trực tiếp các hoạt động nghi lễ lên đồng của người Việt ở châu thổ Bắc bộ và khảo sát tất cả những thành tố liên quan (trang phục, đạo cụ, âm nhạc...) với phương pháp nhân học văn hoá, công trình đã tập trung tìm hiểu các căn Đồng bao gồm cả những Đồng cựu (người làm Đồng lâu năm) và Đồng lính, người mới làm Đồng), những thành viên tham dự nghi lễ khác như: cung văn, hầu dâng, con nhang đệ tử đều được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Bằng cách tiếp cận tổng thể: nghiên cứu con người với tất cả những chiều cạnh của cuộc sống đời người, công trình đề cập đến nhiều phạm trù của đời người như tự nhiên, xã hội, kinh tế, văn hoá thực tiễn, nhu cầu, ý thức, tâm linh. Cách tiếp cận này đã khắc phục được những hạn chế của những nghiên cứu đi trước khi luận giải về bản chất của nghi lễ lên đồng.
Xuất phát từ ý tưởng nghiên cứu các ông Đồng bà Đồng như một thực thể tự nhiên - xã hội - tâm lý, công trình đã phần nào lý giải được những biến đổi trong đời sống tâm sinh lý, đời sống KT- XH của các căn Đồng với tư cách là chủ thể của văn hoá lên đồng. Khi phải đối diện với vấn đề nhu cầu - lợi ích, vai trò, chức năng của mình thì hành động của họ vận động theo hướng tha hoá hay giải phóng tất cả đêù được công trình quan tâm nghiên cứu và lý giải một cách thuyết phục. Những ý thức và động lực hành nghề của họ chịu sự tác động gì từ bên ngoài vào với tư cách là chủ thể xã hội và lĩnh hội được gì từ bên trong nghi lễ với tư cách là chủ thể sinh vật cũng được lý giải một cách thấu đáo.
Không chỉ dừng ở đó, công trình còn đi sâu tìm hiểu và lý giải những yếu tố tiềm tàng trong bản năng, trong vô thức của các căn Đồng với tư cách là những chủ thể văn hoá của một loại hình tín ngưỡng đặc biệt. Những tác động của kinh tế thị trường, của văn hoá nhóm, văn hoá cộng đồng và những hệ luỵ, hệ quả của nó đến những chủ thể Đồng cũng được công trình đặt ra và xem xét trong mối quan hệ tương tác.
Lý thuyết về vốn xã hội, mạng lưới xã hội của Bourdieu, Passeron, Loury, Coleman, Stanfield, Lin; thuyết về phân tâm học của Jung, Jacobi, S.Freud không phải mới đối với giới nghiên cứu KHXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những lý thuyết này được công trình sử dụng như một thao tác luận để lý giải về những động cơ, quyết định gia trình Đồng[2]; những đổi thay trong đời sống tâm sinh lý, đời sống tâm linh các căn Đồng với tư cách là những biểu hiện của văn hoá cá nhân con người khi hệ giá trị cá nhân bị chi phối, thay đổi. Bằng những cách tiếp cận liên ngành này đã đem lại cho công trình nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị một cách nhìn mới mẻ hấp dẫn và cũng hết sức nhân văn.
Công trình ra đời là một sự cố gắng nỗ lực hết mình của tác giả trong những năm tháng khó khăn nhất của đời người. Nhiều đánh đổi và cả những trăn trở, được mất để rồi dám vượt lên chính mình mà thay đổi căn duyên, nghiệp số. Công trình thực sự là một nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng thực hành nghi lễ lên đồng ở châu thổ Bắc bộ VN, là tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho những ai muốn tìm hiểu về các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo bản địa. Hy vọng với cách tiếp cận này tác giả sẽ đi xa hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu của mình để mở rộng ra toàn quốc và khu vực.
 
Hà Nội, tháng 5 năm 2013
TS. Nguyễn Quốc Tuấn
Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo

2. Đây là công trình nghiên cứu về lên đồng từ giác độ của ngành tâm thần học.
1. Từ “gia” ở đây được hiểu theo nghĩa tham gia vào, gia nhập vào.

TS Nguyễn Ngọc Mai - Các công trình khoa học đã công bố

Danh sách các công trình khoa học đã công bố của TS Nguyễn Ngọc Mai   Nguyễn Ngọc Mai (1998), Đi tìm nơi chôn cất Trần Hưng Đạo, Tạp chí xưa & Nay số tháng 8. Nguyễn Ngọc Mai (2001), Bước đầu tìm hiểu trang phục trong tín ngưỡng thờ mẫu, tạp chí VHNT số 6. Nguyễn Ngọc Mai (2000),...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay483
  • Tháng hiện tại29,896
  • Tổng lượt truy cập6,600,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây