Du lịch tín ngưỡng tâm linh ở Việt Nam: Khía cạnh kinh tế - xã hội

Chủ nhật - 12/11/2017 20:47
- Trong bối cảnh văn hóa tâm linh, tôn giáo phục hồi mạnh mẽ ở việt nam trong những năm gần đây thì vấn đề du lịch tâm linh cũng đang là khuynh hướng khá phổ biến trong cộng đồng các tín đồ nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. Du lịch tâm linh đã góp phần làm khởi sắc thêm các khía cạnh của kinh tế du lịch, giải quyết công việc làm cho nhiều lực lượng lao động nhàn rỗi, tìm ra lối thoát cho kinh tế địa phương, khởi sắc và phục hồi nhiều khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng dân gian… nhưng du lịch tâm linh cũng đang kéo theo khá nhiều vấn đề hệ lụy như kinh doanh di tích, tranh chấp giữa các chủ thể quản lý, môi trường văn hóa của di tích bị biến dạng cũng như tạo ra những biến đổi mạnh mẽ trong thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Bài viết này tập trung vào tìm hiểu thực trạng du lịch tâm linh ở Việt Nam, những cứ liệu hệ lụy mà hình thức du lịch này đã và đang đem lại trong xã hội VN ngõ hầu tìm ra những nguyên nhân và giải pháp thích hợp.
khảo sát hoạt động tôn giáo trong gia đình ở Quảng Nam - Thăm tượng đài mẹ Thứ
khảo sát hoạt động tôn giáo trong gia đình ở Quảng Nam - Thăm tượng đài mẹ Thứ
 Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh, tôn giáo làm cơ sở điểm đến và cũng là mục tiêu của chuyến đi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm tôn giáo của con người trong đời sống đức tin. Từ cách hiểu này, du lịch tâm linh chủ yếu khai thác những giá trị về đức tin, các hình thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh cũng mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.
Trên thế giới thì du lịch gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần…cũng được coi là một loại hình du lịch tâm linh (loại hình này khá phát triển ở Trung Quốc, Hàn Quốc[1], Nhật Bản  nhưng ở Việt Nam loại hình này chưa phát triển mặc dù ở Việt Nam cũng có khá nhiều điểm có thể phát triển loại hình du lịch này như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Yên Tử (Quảng Ninh); Phan xi Păng (dãy Hoàng Liên sơn); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Đèo ngang (Quảng Bình)…
Khác với các loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh bắt buộc phải gắn với những điểm tâm linh tôn giáo như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự và những vùng đất linh thiêng gắn với những huyền thoại về các đấng thiêng và những chứng nhân từng trải nghiệm về sự thiêng liêng đó. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội... Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
  1. Thực trạng du lịch tâm linh ở Việt Nam hiện nay
    Trên cả nước có 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và hàng nghìn các  tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm… thì sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo là rất lớn và là những điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh hiện nay. Chưa kể với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển và trở thành xu hướng phổ biến.
Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với các công trình tôn giáo và đức tin tôn giáo, trong đó chọn điểm đến là cơ sở Phật giáo có số lượng lớn nhất, sau đó là các cơ sở  tôn giáo khác như Công giáo, Cao đài, Hòa Hảo. Đặc biệt trong koảng 15 năm trở lại đây thì các cơ sở tôn giáo dân gian nơi có thờ các vị thần, thánh danh tiếng của Việt Nam cũng là nơi thu hút rất đông các tín đồ và không tín đồ về hành lễ, điển hình như: hệ thống đền Trần, phủ Mẫu, điện thờ Mẫu trên cả nước. 
Thống kê của ngành và các địa phương cho thấy hiện nay các địa điểm tâm linh tôn giáo chiếm số lượng khách du lịch đông nhất gồm: Đền Hùng (Phú Thọ); Đền Thượng (Lào Cai); Yên Tử - Cửa ông (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần-Phủ Dầy; Quảng Cung (Nam Định); Phát Diệm (Ninh Bình); đền ông Bẩy ( Lào Cai), đền Ông Mười (Nghệ An); Điện Hòn Chén (Huế); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)
Thống kê của ngành du lịch trong những năm gần đây cho biết số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Mặc dù khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương) với khách du lịch văn hóa nhưng trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); Cô Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Đối với khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012 ước tính có khoảng 12% khách du lịch có đến các điểm du lịch tâm linh[2].
 
Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo khuynh hướng du lịch trải nghiệm các điểm tâm linh cũng gia tăng, điều này cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội ở Việt Nam và đang có xu hướng thu hút khách quốc tế.
   * Những hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu hiện nay
Khác với các tour du lịch khác, du lịch tâm linh bao giờ cũng đặt các mục tiêu là thực hành các hoạt động tâm linh tôn giáo đầu tiên và quan trọng nhất. Vì vậy khi đi du lịch tâm linh, du khách luôn chọn hành hương đến những điểm cơ sở tôn giáo để tiến hành các hoạt động hoạt động tôn giáo như: 1) Khấn lễ : vua tổ; sơn thần, thủy thần, mẫu thần; tổ nghề, tứ pháp, các vị tứ bất tử, danh nhân, anh hùng dân tộc, thổ địa thần quân… 2) Thực hành các nghi lễ tôn giáo: tế nam quan, tế nữ quan, lên đồng hầu bóng; 3) Các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện: tụng kinh, thiền, yoga, pháp đàm; thiền trà; tham vấn; pháp thoại; thiền ca; thiền buông thư. Sau đó mới là các hoạt động tham gia lễ hội tín ngưỡng, dân gian: Quốc giỗ, lễ hội đền Hùng, lễ giỗ Thánh Trần, Thánh Mẫu; vay tiền bà chúa kho lương; Vu Lan báo hiếu, lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội vía Bà Tây Ninh, lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận), lễ hội vía Bà núi Sam (Châu Đốc) v.v. cuối cùng là tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian cảnh quan và không gian kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh.
Với tính chất đặc thù này nên du lịch tâm linh đã góp phần không nhỏ vào việc khôi phục, tái tạo lại nhiều hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc địa phương mà tế nam quan và lễ rước cầu đình, đền Diềm Bắc Ninh; lên đồng hầu bóng (Nam Định); tế cá Ông (Bình Thuận) và nhiều hoạt động khác ở các địa phương là những ví dụ... Nhiều địa phương nhờ có du lịch tâm linh mà khôi phục lại được các lễ hội cổ truyền, thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử và các cơ sở tôn giáo của địa phương.
*Hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh và phát triển kinh tế địa phương
          Dịch vụ lữ hành phục vụ các chương trình du lịch với mục đích tâm linh kết hợp các mục đích khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền, yoga; dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, thuyền; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian…hiện nay tại các khu du lịch tâm linh đã rất sôi động, đặc biệt nhiều địa bàn còn có cả các hệ thống nơi ăn chốn ở, dịch vụ cung cấp đồ lễ (cả chay, mặn); tiền vàng mã và cả đổi tiền lẻ rất chu đáo. Điều này một mặt mang lại sự thuận lợi rất nhiều cho du khách không phải mang theo lễ vật đi theo trong suốt hành trình sẽ khó đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, mặt khác cũng tạo ra chuỗi thị trường cung cấp dịch vụ lưu trú; bán hàng lưu niệm, các sản phẩm phục vụ nghi lễ; hàng nông sản… cho các địa phương nơi có sơ sở tôn giáo. Không phủ nhận nhờ có du lịch tâm linh nhiều địa phương đã giải quyết được rất nhiều việc làm cho người lao động nông nghiệp trong mùa nông nhàn và tăng thêm thu nhập cho người dân. Đặc biệt thành tựu xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo các khu tâm linh tôn giáo ở nhiều địa phương trong những năm gần đây với quy chế lấy thu bù chi; vận động cúng dường của du khách thập phương rất hiệu quả[3].
          Một nguồn thu rất lớn khác là từ tiền công đức của du khách cũng đem lại cho kinh tế địa phương những khoản thu không nhỏ. Nghiên cứu của Lương Hồng Quang và cộng sự về nguồn thu của các di tích cho biết có di tích lên tới hàng trăm tỷ/ năm (đền Bà Chúa Xứ - núi Sam, 69 tỷ (2011); đền Trần Nam Định cũng có con số tới hàng trăm tỷ…) Nhiều các cơ sở tâm linh tôn giáo khác cũng với những con số không kém như đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh); điện Hòn Chén (Huế); Tháp Bà (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang)…Tất cả những nguồn thu này đều đã và đang tạo ra nguồn lực kinh tế không nhỏ cho ngân sách địa phương, góp phần vào an sinh xã hội và tái đầu tư chi xây dựng cơ sở hạ tầng tôn giáo và hạ tầng chung.
Du lịch tâm linh có đặc điểm là thời gian lưu trú ngắn, đại đa số chỉ từ 1- 2 ngày, vì vậy chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái... mà ít phát sinh chi phí lưu trú. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh. Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện...) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương... chiếm một tỷ trọng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh thì doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương. Đó là chưa kể với các hình thức du lịch tâm linh còn góp phần củng cố, thắt chặt các quan hệ xã hội, tình cảm giữa các tín đồ tôn giáo và cộng đồng bản hội thực hành nghi lễ tôn giáo mà tạo ra những nguồn vốn xã hội rất quan trọng cho phát triển cá nhân, gia đình người Việt Nam[4].
          Ở khía cạnh khác, du lịch tâm linh còn đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Trong du lịch tâm linh do không cần nhiều đến hệ thống lưu trú là các nhà hàng, khách sạn lớn nên đại đa số tại các điểm du lịch tâm linh người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm: Viết sớ, chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống (ví dụ ở Tràng An: 1 vụ đò bằng 3 vụ lúa). Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ.
 
          Theo lời kể của người dân chèo đò, trước đây, hơn 10 năm khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh, không có việc làm. Nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt ở đây đã đổi thay cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang làm dịch vụ; nay một vụ đò bằng 3 vụ lúa; hàng chục ngàn người đã có việc làm, thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng, an ninh trật tự được đảm bảo. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ du lịch tâm linh đến Bái Đính -Tràng An. Cũng như vậy khu du lịch đền Trần – Phủ Dày (Nam Định) đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho dân chúng xung quanh di tích khiến cho đời sống dân cư, hạ tầng giao thông khu vực này rất phát triển. Theo tính toán của tôi khi nghiên cứu về hiệu quả của bản hội thực hành lên đồng hầu bóng ở Phủ Dày cứ một ngày công lao động nông nghiệp ở đây chỉ 11000 đ (năm 2009) nhưng khi làm vàng mã phục vụ thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng thì thu nhập đầu người lên 100.000đ/ người/ ngày. Đây cũng là lý do mà khi về khảo sát về ý kiến người dân vùng này về việc nên để mô hình quản lý như thế nào thì phù hợp thì gần như 100% người dân địa phương đều mong muốn giữ nguyên mô hình thủ nhang tư nhân như hiện tại. Điều này cho thấy mô hình thủ nhang tư nhân hiện nay ở nhiều địa phương đang phát huy được hiệu quả và hợp lòng dân.
     Với ngành du lịch Việt Nam, du lịch tâm linh cũng đang tạo ra những hiệu suất tăng trưởng đáng ghi nhận. Báo cáo ngành du lịch cho biết chỉ tính riêng năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013 số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã về đích trước 2 năm[5]. Đạt được kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp tích cực của du lịch tâm linh với những kết quả đáng ghi nhận. 
 
2. Một số vấn đề nổi lên
Bên cạnh những yếu tố tích cực mà du lịch tâm linh mang lại cho phát triển tôn giáo dân gian, bản sắc văn hóa vùng, miền thì du lịch tâm linh ở Việt Nam hiện nay cũng đã và đang phái sinh không ít hệ lụy.
Thứ nhất đó là tình trạng thương mại hóa các cơ sở tâm linh tôn giáo với nhiều biểu hiện không lành mạnh như quy định không thành văn bắt buộc phải mua đồ lễ  (đặc biệt là vàng mã, hoa tươi, bánh kẹo…) tại cơ sở  dịch vụ của thủ nhang với giá cao hơn ngoài thị trường. Việc phải đăng ký đặt trước cung hầu; tiền đèn nhang cho các cung hầu với giá khác nhau cũng đang gây bất bình cho du khách; thậm chí có nhiều cơ sở tôn giáo do lượng bản hội về thực hành lên đồng hầu bóng nhiều và đông cũng chiếm mất diện tích không gian và thời gian hành lễ tại cơ sở tôn giáo làm ảnh hưởng đến các du khách lẻ khi đến lễ bái. Rất nhiều du khách lẻ đã không thể vào tới bên trong khuôn viên di tích mà phải đứng liên tục trong nhiều giờ để đội lễ khấn vái ngoài trời. Mặt khác các hoạt động du lịch tâm linh càng phát triển cũng kéo theo tình trạng xây dựng thêm gian thờ ( lầu cô, lầu cậu, phủ mẫu, điện thánh, ban ông Hổ…) để thu hút tiền dâng cúng của du khách làm phá vỡ cảnh quan di tích, đặc biệt làm làm thu hẹp khoảng không gian trống dẫn đến tình trạng chật chội, chen lấn xô đẩy rất nguy hiểm và tạo thời cơ cho những kẻ xấu hành nghề.
Thứ hai: du lịch tâm linh kéo theo đội ngũ các thầy hành nghề tâm linh tăng rất nhanh và không ít trong số đó không có kiến thức, năng lực thật sự chủ yếu hành nghề kiếm tiền nên gây ra không ít hệ lụy: thả nổi giá cả làm lễ cho các con nhang đệ tử, đưa ra nhiều yêu sách gây tốn kém sức lực và tiền bạc của người dân. Chưa kể những yêu sách về vàng mã  khá nhiều vừa gây thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ rất cao ở các di tích, đặc biệt các địa điểm cơ sở tôn giáo trong các khu dân cư[6]. Chưa kể khi đội ngũ này quá nhiều cũng reo rắc không ít những hoang mang lo lắng cho người dân về những hiện tượng bất thường trong cuộc sống, điều này dễ khiến người dân có xu hướng cầu cúng và thực hành nghi lễ tôn giáo gia tăng.
Thứ ba: Do thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ngắn, thông thường khách du lịch tâm linh đi trong ngày và ít nghỉ lại qua đêm. Mặt khác do phụ thuộc vào mùa lễ hội nên thời gian đi du lịch tâm linh thường tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm âm lịch và các thời điểm lễ hội dân gian năm. Từ đặc điểm này nên thông thường những ngày chính hội (thường là chính lễ, chính giỗ, kị nhật của Phật, thần, thánh…bao giờ cũng là thời điểm đông khách hành hương nhất. Đây cũng là thời điểm khó quản lý nhất và cũng xảy ra nhiều vấn đề nhất. Trong nhiều năm trở lại đây các tệ nạn cướp giật, móc túi, chen lấn xô đẩy, mất an ninh, thậm chí gây gổ đánh nhau cũng xảy ra tại những thời điểm nhạy cảm này. Do quá tải lượng khách nên công tác quản lý gặp rất nhiều bất cập, tại nhiều địa phương không kiểm soát nổi nên đã diễn ra nhiều cảnh tượng ẩu đả mất an ninh như ở lễ hội đền Trần: cướp lộc năm 2015. Mùa lễ khai ấn 2016 mặc dù tình trạng cướp lộc không diễn ra, nhưng lượng khách lớn (ước khoảng trên 7 vạn người) nên cảnh hỗn loạn vẫn diễn ra ngay sau đêm khai ấn. Cảnh chen lấn xô đẩy để tranh giành lộc (tượng phật do nhà sư tung  cho đám đông) gây phản cảm ở chùa Hương (2016) mà báo chí đã đăng tải .v.v…
Thứ tư: Du lịch tâm linh càng phát triển, nguồn thu cho các cơ sở tâm linh tôn giáo ngày càng tăng, nhiều địa phương hàng trăm tỷ mỗi năm, nhưng trên thực tế nguồn thu này đưa vào ngân sách địa phương để phục vụ cho an sinh xã hội hoặc trùng tu tôn tạo di tích là bao nhiêu phần trăm đều chưa bao giờ được công khai, minh bạch và tình trạng thất thoát tiền công đức, biến tiền công đức thành của tư nhân các thủ nhang hoặc các sư trụ trì cũng không hề nhỏ. Vấn nạn này đến nay đã được nhiều báo chí khui ra, cho đến nay vẫn chưa có văn pháp lệnh hay cơ chế quản lý hữu hiệu nào điều chỉnh và vẫn diễn diễn ra trên thực tế. Không ít địa phương mà từ điểm này nảy sinh các tranh chấp về chủ thể quản lý các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng mà Phủ Giày, đền Trần (Nam Định) từng xảy ra như vậy trong những năm gần đây. Thậm chí hiện nay nhiều nơi vẫn còn tình trạng đó nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có chế tài điều chỉnh và quản lý nổi do nhiều lý do: lợi ích nhóm, có chống lưng của các cán bộ cấp cao; Câu chuyện phức tạp trong lịch sử hình thành của di tích và công lao của các gia đình thủ nhang đối với phục hồi, bảo tồn và phát triển cơ sở tôn giáo dân gian…
Thứ năm: Cơ chế khoán thu đối với các cơ sở tâm linh tôn giáo cũng tạo ra một lỗ hổng trong quản lý, nó vi phạm những nguyên tắc trong quản lý di sản khi chỉ nhấn mạnh đến tăng nguồn thu. Cơ chế khoán thu đã kích thích tận dụng mọi khả năng thu theo hướng thiếu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển vừa tạo ra những lỗ hổng thất thoát tài chính khó kiểm soát. Nhiều cơ sở tôn giáo nguồn thu không hề nhỏ nhưng đền vẫn bị để xuống cấp và địa phương thì chỉ trông chờ ngân sách nhà nước mà đền Hệ (Thái Bình) cũng là ví dụ.
Thứ sáu: du lịch tâm linh hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào cộng đồng người Việt và các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng của người Việt là chủ yếu, Trong khi đó tại các vùng dân tộc thiểu số do khá ít các cơ sở tôn giáo nên rất khó khăn cho phát triển du lịch tâm linh. Điều này dân tới tình trạng mai một bản sắc văn hóa, tôn giáo tộc người, tạo ra sự đứt gẫy truyền thống văn hóa, tôn giáo, và hình thành khoảng trống trong tâm lý tộc người dẫn tới tình trạng bỏ đạo, cải đạo ở nhiều cư dân các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc[7].Trong khi đó tại đây có rất nhiều điểm du lịch trên núi cao có thể huy động để phát triển du lịch tâm linh dưới dạng tu tập thiền định Yoga, pháp luân đại pháp và dịch vụ lá thuốc… của người dân tộc thì lại chưa được khai thác để trở thành các sản phẩm du lịch.
 
Kết luận:
          Du lịch tâm linh mang lại những giá trị trải nghiệm thanh tao cho du khách, nhận thức và tận hưởng những giá trị về tinh thần giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý của đạo đức tôn giáo... Những giá trị ấy có được nhờ du lịch tâm linh và đóng góp quan trọng vào sự an lạc, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho dân sinh. Du lịch tâm linh khi đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sẽ đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. 
 Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo. Những giá trị văn hóa tâm linh trên khắp mọi miền đất nước có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch tới điểm tâm linh hàng năm và xu hướng ngày càng đông đảo du khách có nhu cầu du lịch tâm linh; hoạt động du lịch tâm linh ở Việt Nam không chỉ gắn với tôn giáo mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước.  Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng, dung chứa nhiều giá trị văn hóa bản địa và đây là những hạt nhân lõi rất có giá trị với du khách nước ngoài. Vì vậy phát triển du lịch văn hóa, tâm linh cần hết sức lưu ý vấn đề này tránh đưa quá nhiều yếu tố mới, lai căng làm mất bản sắc. Nhận định của một  du khách nước ngoài “chúng tôi đến để xem văn hóa bản địa của các bạn, những điều chúng tôi không có. Cho nên, các bạn muốn lôi cuốn chúng tôi thì hãy làm những gì như các bạn vẫn làm hàng nghìn năm nay” rất đáng để chúng ta suy nghĩ và xây dựng chiến lược phát triển.
Giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống là thế mạnh, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cũng cần tuyển chọn và thiết kế đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn cao để có thể giới thiệu du khách đến với giá trị đích thực của các di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống từng vùng miền. Mỗi tour du lịch tâm linh cần đọng lại trong tâm trí du khách, đặc biệt là du khách quốc tế một cách sâu sắc và riêng biệt và khi đó, số du khách đến Việt Nam sẽ chắc chắn tăng trưởng. Tuy nhiên, để có thể phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực trong du lịch tâm linh các quy hoạch du lịch tâm linh phải được tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh nên theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh đạt tới độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách; kết nối hình thành các tuyến du lịch tâm linh quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1.  Nguyễn Văn Tuấn (2013) Tham luận tại Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21-22/11/2013)
2. Lương Hồng Quang (2014) “chính sách huy động, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp của tổ chức và cá nhân trong hoạt động bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội” Báo cáo tổng hợp đề tài cấp bộ. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
3. Nguyễn Ngọc Mai ( 2015) “Những tác động của kinh tế thị trường đến thực hành nghi lễ lên đồng hầu bóng”. Tạp chí VHNT số 9-10.
4. http://lyluanchinhtri.vn
 

[1] Trong đợt tham gia hội thảo quốc tế về “văn hóa núi” ở Hàn Quốc chúng tôi đã được nhiều học giả Trung Quốc và Nhật Bản  trao đổi và cung cấp các thông tin về loại hình du lịch này ở các quốc gia đó.
[2] Nguyễn Văn Tuấn (2013) Du lịch tâm linh ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển”, Tham luận tại Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững. Ninh Bình 2013.
[3] Các nghiên cứu thực địa của tôi khi nghiên cứu ở Bắc Ninh cho thấy trong vòng hai năm Thôn Thanh Gia xã Quảng Phú, Huyện Lương Tài đã huy động được hơn 2 tỷ cho xây dựng lại chùa và đình của thôn.
[4] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Mai (2009), Mạng xã hội của những căn đồng, tạp chí nghiên cứu Con người. Số 3

[5] Nguyễn Văn Tuấn (2013) “Du lịch tâm linh ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển” , Tham luận tại Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững. Ninh Bình 2013

[6] Hiện nay tình trạng mua bán và đốt  vàng mã trong thực hành nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở điểm du lịch tâm linh rất gây bức xúc trong dư luận. Có những đền như đền Ông Bẩy Bảo Hà hàng sân mã đại bên cạnh đền khiến du khách không còn chỗ nghỉ chân.

[7] Chỉ tính riêng người Mông đến nay đã có  trên 100 nghìn người  ở khu vực Tây Bắc theo đạo Tin lành. Theo Nguyễn Khắc Đức  Đạo Tin lành ở người H’Mông Tây Bắc nước ta” Báo điện tử Lý luận chính trị, đăng 21/12/ 2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Các giải thưởng TS Nguyễn Ngọc Mai đã đạt được

1. Các kết quả nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn   TT Tên công trình Hình thức, quy mô, địa chỉ áp dụng Thời gian áp dụng 1 Những giải pháp quản lý cai nghiện và sau cai Áp dụng trong quản lý cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện của thành...

Báo thể thao và văn hóa phỏng vấn TS Nguyễn Ngọc Mai
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy nội dung của trang web KhaiTue.Edu.Vn của TS Nguyễn Ngọc Mai như thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay864
  • Tháng hiện tại30,277
  • Tổng lượt truy cập6,601,122
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây